“SỰ ĂN NĂN, SỰ CỨU RỖI, VÀ ĐỜI SỐNG CÔNG NGHĨA THỰC HÀNH” (Ma. 3:8-10) “Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, và đừng tự khoe rằng: Ápraham là Tổ chúng ta; vì Ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Ápraham được. Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ phải đốn và chụm.” (Ma. 3:8-10) Có rất nhiều người hiểu rằng “sự ăn năn” chỉ thuần là việc “từ bỏ tội lỗi” nhưng hiểu như vậy thì chưa hết nghĩa theo Kinh Thánh được. Về cơ bản, theo Kinh Thánh, sự ăn năn là việc thay đổi “về nếp nghĩ” tức là “sự nhận thức”. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng sự ăn năn thật phải kết quả ở “việc làm” tức là “hành vi” nữa… “8Thế thì, hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn; và đừng tự nói rằng: Ápraham là Tổ Phụ chúng ta; vì ta nói cùng các ngươi, Đức Chúa Trời có thể khiến từ những đá nầy sanh ra con cái cho Ápraham được. 9Cái búa đã để kề gốc cây; hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ bị đốn và chụm. 10Chúng bèn hỏi Giăng rằng: Vậy thì chúng tôi phải làm gì? 11Người đáp rằng: Ai có hai áo, hãy lấy một cái cho người không có; và ai có đồ ăn cũng nên làm như vậy. 12Cũng có những người thâu thuế đến để chịu Phép Báptêm; họ hỏi rằng: Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? 13Người nói rằng: Đừng đòi chi ngoài số luật định. 14Quân lính cũng hỏi rằng: Còn chúng tôi phải làm gì? Người nói rằng: Đừng hà hiếp, đừng phỉnh gạt ai hết, nhưng hãy bằng lòng về lương hướng mình” (Lu. 3:8-14) “Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi” (Công. 3:19) Đó là Lẽ Thật Kinh Thánh và cho dầu ở trong hoàn cảnh khó khăn, các vị Sứ Đồ cũng vẫn cứ nói thật về sự ăn năn: “19Tâu vua Ạcrípba, từ đó, tôi chẳng hề dám chống cự với sự hiện thấy trên trời; 20nhưng đầu hết tôi khuyên dỗ người thành Đamách, kế đến người thành Giêrusalem và cả xứ Giuđê, rồi đến các Dân Ngoại rằng phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm công việc xứng đáng với sự ăn năn” (Công. 26:19-20) Vậy, sự ăn năn có liên quan với sự cứu rỗi và đời sống công nghĩa thực hành ra sao? Sách Công Vụ Các Sứ Đồ nhấn mạnh nhiều đến mối liên quan giữa sự ăn năn và sự cứu rỗi (Công. 2:38; 3:19; 11:18; 17:30; 20:21; 26:20). Trong mối liên quan với sự cứu rỗi thì sự ăn năn chính là việc thay đổi “về nếp nghĩ” về Đức Chúa Jêsus, tức là về sự nhận thức về Đức Chúa Jêsus. Chính vì vậy mà Sứ Đồ Phierơ đã kết thúc bài giảng của mình trong Ngày Lễ Ngũ Tuần bằng việc kêu gọi hãy ăn năn: “Phierơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu Phép Báptêm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh” (Công. 2:38) Sứ Đồ Phierơ đã kêu gọi hãy ăn năn về điều gì? Sự ăn năn mà Sứ Đồ Phierơ kêu gọi ở đây đồng nghĩa với sự thay đổi trong nhận thức về Đức Chúa Jêsus: “Vậy, cả nhà Ysơraên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Jêsus nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ” (Công. 2:36) Sự Ăn Năn và Đức Tin có thể được xem như là hai mặt của cùng một vấn đề: Sự Ăn Năn và Đức Tin chính là điều kiện cần và đủ của sự cứu rỗi. Không thể có việc một người đặt niềm tin của mình trong Đức Chúa Jêsus mà trước đó không thay đổi về nhận thức về Thân Vị và Công Nghiệp của Ngài. Cho dầu sự nhận thức ấy được thay đổi từ việc không biết Ngài cho đến việc biết Ngài, từ việc không quan tâm về Ngài đến việc quan tâm về Ngài, từ việc bất kính Ngài đến việc tôn kính Ngài thì tất cả cũng đều là sự thay đổi về nhận thức, sự thay đổi thuộc lĩnh vực trí năng. Như vậy, xét trong mối quan hệ với sự cứu rỗi, sự ăn năn hợp Kinh Thánh là việc thay đổi nhận thức từ chỗ khước từ Ngài đến chỗ tiếp nhận Ngài bằng Đức Tin. Thế nhưng chúng ta nhất thiết không được phép nghĩ rằng sự ăn năn là một việc chúng ta phải làm để có được sự cứu rỗi. Không một ai tự có năng lực ăn năn mà tất cả đều phải được Đức Chúa Trời ban cho: “Ví bằng Cha, là Đấng sai Ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng Ta, và Ta sẽ làm cho người đó sống lại nơi ngày sau rốt” (Gi. 6:44) Phương diện Ân Điển của sự ăn năn cũng được Sách Công Vụ Các Sứ Đồ khẳng định rất rõ: Không thể có sự ăn năn ngoài Ân Điển của Đức Chúa Trời! “Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên bên hữu Ngài, làm Vua và Cứu Chúa, để ban lòng ăn năn và sự tha tội cho dân Ysơraên” (Công. 5:31) “Tín đồ nghe bấy nhiêu lời xong, đều thỏa thuận và ngợi khen Đức Chúa Trời, rằng: Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn năn cho Người Ngoại để họ được sự sống!” (Công. 11:18) Thật ra tất cả mọi sự có liên quan đến sự cứu rỗi đều là kết quả của việc Đức Chúa Trời đem người được cứu trở về với Ngài. Để con người có được sự ăn năn thì Đức Chúa Trời đã phải di bước trước bằng sự nhịn nhục và nhân từ của Ngài… “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2Phi. 3:9) “Hay là ngươi khinh dể sự dư dật của lòng nhân từ, nhịn nhục, khoan dung Ngài, mà không nhận biết lòng nhân từ của Đức Chúa Trời đem ngươi đến sự ăn năn sao?” (Rô. 2:4) Cũng còn một phương diện khác không thể bỏ qua được. Mặc dầu sự ăn năn không phải là một việc làm giúp đem lại sự cứu rỗi nhưng Ân Điển Ăn Năn cùng với Ân Điển Đức Tin dẫn đến Ân Điển Cứu Rỗi khiến cho một người thực sự có sự ăn năn phải có đời sống công nghĩa thực hành. Kinh Thánh đòi hỏi sự ăn năn của một người phải kết quả qua hành vi của họ. Chính vì thế mà Giăng Báp Tít đã đưa ra lời kêu gọi và cảnh báo này: “8Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn, 9và đừng tự khoe rằng: Ápraham là Tổ chúng ta; vì Ta nói cho các ngươi rằng Đức Chúa Trời có thể khiến đá nầy sanh ra con cái cho Ápraham được. 10Bây giờ cái búa đã để kề rễ cây; vậy hễ cây nào không sanh trái tốt thì sẽ phải đốn và chụm” (Ma. 3:8-10) Một người đã thực sự ăn năn, tức là đã từ chỗ phủ nhận Đức Chúa Jêsus đến chỗ đặt đức tin nơi Ngài, phải được minh thị qua việc đời sống của mình được thay đổi… “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2Cô. 5:17) “19Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, 20thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, 21ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời. 22Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: 23Không có Luật Pháp nào cấm các sự đó” (Gal. 5:19-23) “14Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? 15Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, 16mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? 17Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết” (Gia. 2:14-17) Sự ăn năn, sự cứu rỗi, và đời sống công nghĩa thực hành luôn gắn bó chặt chẽ với nhau thành một tổng thể bất khả phân ly và đó là chuẩn mực để Cơ Đốc Nhân có thể phân biệt ai là ai và cái gì là cái gì! (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
March 2023
Categories |