“CHÂN GIÁ TRỊ VÀ Ý CHỈ CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI” Cơ Đốc Nhân chúng ta lắm khi còn mơ hồ về những vấn đề như nhờ đâu con người được kể là tạo vật cao trọng hơn hết trong thế giới thọ tạo của Đức Chúa Trời, vì sao chúng ta phải tôn trọng tha nhân bất kể hiện trạng của họ là như thế nào, có hay không trường hợp mà một người nào đó có thể không được kính trọng, phải như thế nào để chúng ta biết tôn trọng và được tôn trọng nhiều hơn, phải như thế nào để chúng ta biết kính trọng và được kính trọng nhiều hơn,... Tất cả những vấn đề này sẽ không được hiểu biết đầy đủ và thỏa đáng mà có thể thiếu một sự hiểu biết về chân giá trị (dignity) và giá trị (value) của con người theo Kinh Thánh. Phạm trù “chân giá trị” (dignity) được Kinh Thánh đề cập dưới nhiều hình thái khác nhau, định danh hoặc bất định danh, nhưng không hề được nhấn mạnh như một chủ đề thần học Kinh Thánh... “Nàng mặc lấy sức lực và oai phong, Và khi tưởng đến buổi sau, bèn vui cười.” (Châm. 31:25) “Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.” (Ma. 22:39; Sv. 37-40) Trong Châm. 31:25 chân giá trị của “Người Nữ Tài Đức” được định danh: “Oai phong” (Hb. Hb. רדה [hadar]) là một từ liệu nói về cái chân giá trị vốn có của người nữ này. Trái lại, trong Ma. 22:39 thì “chân giá trị” không được định danh dầu vẫn được xác định cách kín đáo: Hãy yêu “như mình”. Tương tự với “chân giá trị”, phạm trù “giá trị” (value) cũng là một phạm trù Kinh Thánh được đề cập dưới nhiều hình thái khác nhau, định danh hoặc bất định danh, nhưng không hề được nhấn mạnh như một chủ đề thần học Kinh Thánh... “Nàng mặc lấy sức lực và oai phong, Và khi tưởng đến buổi sau, bèn vui cười.” (Châm. 31:25) “Hãy kính mọi người; yêu anh em; kính sợ Đức Chúa Trời; tôn trọng vua.” (1Phi. 2:17) Ở “Người Nữ Tài Đức” không những chỉ có “chân giá trị” mà cả “giá trị” của nàng cũng được định danh: “Sức lực” (Hb. זע [‘oz]) là một từ liệu nói về sự uy dũng của nhân cách của người nữ này nhờ ở “chân giá trị” của nàng. Trái lại trong 1Phi. 2:17 thì “giá trị” không được định danh dầu vẫn được xác định cách kín đáo: Hãy “kính”, “yêu”, kính sợ”, “tôn trọng”. Dưới ánh sáng của Kinh Thánh, chỉ con người mới có chân giá trị, và chân giá trị của con người đến từ một sự cài đặt ngoại lai của Đức Chúa Trời vào bản chất người khi Ngài trực tiếp tạo dựng họ: “26 Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. 27 Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” (Sáng. 1:26-27) Theo góc nhìn của con người đối với Đức Chúa Trời thì “chân giá trị” của con người là một sự thừa thọ căn bản đối với Đức Chúa Trời khiến họ hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời. Ngược lại, từ góc nhìn của Đức Chúa Trời đối với con người thì “chân giá trị” của con người là một sự chia sẻ cốt lõi về chính chân giá trị của Ngài khiến cho con người có thể được ở trong mối hạnh ngộ vô cùng với chính Ngài. Theo góc nhìn của người đối với người thì người nam và người nữ đều có chân giá trị như nhau và vì vậy mà, về nguyên tắc, tất cả mọi người đều có chân giá trị như nhau. Khác với “chân giá trị”, phạm trù “giá trị” có thể được dùng để đề cập đến sức mạnh của nhân cách hay qui mô của sự hoàn thành của một người: “6 Cũng phải khuyên những người tuổi trẻ ở cho có tiết độ. 7 Hãy lấy mình con làm gương về việc lành cho họ, trong sự dạy dỗ phải cho thanh sạch, nghiêm trang, 8 nói năng phải lời, không chỗ trách được, đặng kẻ nghịch hổ thẹn, không được nói xấu chúng ta điều chi.” (Tít 2:6-8) Từ liệu “nghiêm trang” (Tít 2:7) trong Tiếng Hy Lạp là Gr. σεμνότης [semnotes] là một từ liệu nói về sự đáng kính có được nhờ việc chịu tuân theo những mẫu mực phù hợp với chân giá trị của Đức Chúa Trời. Chính “sự đáng kính” này cùng với những sự tương tự như thế làm nên “giá trị” cho một người. Như vậy “giá trị” là sự thể hiện ra qua nhân cách hay qui mô của sự hoàn thành của một người sống theo chân giá trị. Theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời, khi người ta không còn ở dưới sự ảnh hưởng của chân giá trị thì giá trị của họ cũng không còn: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp; chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi.” (Ês. 64:6) “22 Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; 23 họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.” (Rô. 1:22-23) “Người Nữ Tài Đức” trong Châm. 31 được mô tả như một người mặc đầy “chân giá trị” và “giá trị” là hai phạm trù tương quan nhau cách hữu cơ: Chân giá trị càng được nguyên vẹn, càng có hiệu lực tác động cao trên đời sống một người thì giá trị thể hiện ra trên đời sống người ấy càng cao: “25 Nàng mặc lấy sức lực và oai phong, Và khi tưởng đến buổi sau, bèn vui cười. 26 Nàng mở miệng ra cách khôn ngoan, Phép tắc nhân từ ở nơi lưỡi nàng. 27 Nàng coi sóc đường lối của nhà mình, Không hề ăn bánh của sự biếng nhác. 28 Con cái nàng chỗi dậy, chúc nàng được phước; Chồng nàng cũng chỗi dậy, và khen ngợi nàng rằng: 29 Có nhiều người con gái làm lụng cách tài đức, Nhưng nàng trổi hơn hết thảy.” (Châm. 31:25-29). Đức Chúa Trời muốn chúng ta tôn trọng (honor) chân giá trị của tha nhân và kính trọng (respect) tha nhân. Tôn trọng và kính trọng là hai phạm trù khác nhau, chúng có thể đi đôi với nhau chứ không nhất thiết sẽ cứ đi đôi với nhau. Nếu một vị quan chức mà có nhân cách quá tồi tàn thì rất khó cho người ta kính trọng vị quan chức ấy (respect); nhưng chức trách của vị quan chức ấy là điều vốn được Đức Chúa Trời ban cho (Sv. Rô. 13:1; 1Ti. 2:2; Tít 3:1) và trở thành một bộ phận trong chân giá trị của vị quan chức ấy thì phải được tôn trọng (honor). Đây là một nguyên tắc Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng dầu rằng không thể kính trọng được (Sv. 1Phi. 2:17). Như vậy, tôn trọng mọi người là phận sự của chúng ta còn việc có được sự kính trọng của chúng ta hay không thì đó là việc của họ. Khi đời sống của một người, bất kể người đó là ai, tỏ ra cho thấy là không còn chịu tuân theo những mẫu mực phù hợp với chân giá trị của Đức Chúa Trời thì ấy là lúc họ tự đánh mất giá trị của mình. Kinh Thánh xem những người như vậy là người đang trong trạng thái ngủ về thuộc linh mà chỉ duy nhất Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ mới có thể thay đổi được họ khi họ chịu để cho Ngài thay đổi họ! “8 Vả, lúc trước anh em đương còn tối tăm, nhưng bây giờ đã nên người sáng láng trong Chúa. Hãy bước đi như các con sáng láng; 9 vì trái của sự sáng láng ở tại mọi điều nhân từ, công bình và thành thật. 10 Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, 11 và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn; 12 vì dầu nói đến điều mà những người đó làm cách kín giấu, cũng đã là hổ thẹn rồi. 13 Nhưng hết thảy mọi sự đã bị quở trách đều được tỏ ra bởi sự sáng; phàm điều chi đã tỏ ra thì trở nên sự sáng vậy. 14 Cho nên có chép rằng: Ngươi đương ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi.” (Êph. 5:8-14) Chân giá trị của chúng ta đến từ Đức Chúa Trời và giá trị của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta chịu tuân theo những mẫu mực về giá trị phù hợp với chân giá trị của Đức Chúa Trời như thế nào. Nhưng, dầu có như thế nào thì Đức Chúa Trời vẫn muốn Cơ Đốc Nhân chúng ta là người dễ dạy! (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
December 2022
Categories |