“LUẬN VỀ NGUYÊN TỘI” (Sáng. 1:27; 2:7) “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ… Giêhôva Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng. 1:27; 2:7) Kinh Thánh phán tỏ tường rằng “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.” (Sáng. 1:27) nhưng không phải ai cũng tin như vậy và có cùng một cách hiểu giống nhau về nguyên tội… I. NGUYÊN TỘI: THUYẾT PELAGIANISM I.1 Thuyết Pelagianism: Các Điểm Chính a. Vấn Đề Nguyên Tội b. Vấn Đề Ý Chí Tự Do I.2 Thuyết Pelagianism: Đặt Vấn Đề - Tấm lòng con người có tốt không? - Có thể nào người ta sống mà không phạm tội hay không? - Tội của Ađam đã ảnh hưởng trên dòng dõi nhân loại như thế nào? - Có phải Đức Chúa Trời kể tội của người này cho người kia hay không? I.3 Thuyết Pelagianism: Nguyên Tội Là Gì a. Sự Ngăn Cấm Của Đức Chúa Trời - Hãy đọc Sáng. 2:8-9, 15-16 Con người đã được tạo dựng với một khả năng theo ý chí để vâng lời và tôn kính Đấng Sáng Tạo của mình. Chính từ chỗ đó mà sự thờ phượng và tình yêu thương của con người đối với Đức Chúa Trời mới giàu ý nghĩa. Sự diễn đạt lòng tận hiến yêu thương và trung tín đối với Đức Chúa Trời phải là một hành vi của con người trong trạng thái đầy trọn của mình. b. Sự Vi Phạm Của Con Người - Hãy đọc Sáng. 3:1-6 Chỉ có duy nhất một sự giới hạn được đặt ra cho con người và đó là cơ hội để con người bảy tỏ sự tận hiến trung tín đối với Đức Chúa Trời. Con người đã được cảnh báo trước về các hậu quả của việc không vâng theo lời truyền bảo của Đức Chúa Trời khi con người được ban cho sự tự do hưởng các thứ cây trong vườn, ngoại trừ chỉ duy nhất một cây mà thôi. Tại đây, trạng thái thánh khiết tiềm ẩn (thụ động) của con người chịu thử thách bởi sự cám dỗ của Satan. Đây là một hình thái cám dỗ con người nghi vấn về tính chân thật của Lời Đức Chúa Trời, về tính trong sạch của động cơ thúc đẩy của Đức Chúa Trời, và về mục đích của việc tạo dựng con người (cho sự đẹp ý và vinh hiển của chỉ duy nhất Đức Chúa Trời). c. Án Phạt Của Đức Chúa Tời Dành Cho Con Người - Hãy đọc Sáng. 3:7-24 Hậu quả là con người đã rơi từ trạng thái vô tội xuống tình trạng mắc tội. Từ lúc ấy trở đi, con người đã thành ra mắc tội chứ không còn vô tội trong bản chất nữa. Động hướng (disposition) không còn hướng về Đức Chúa Trời nữa mà, cũng giống với Satan, trở thành con tin của một đời sống hướng ngã (self-centered) và kiêu ngạo. Bởi vậy, con người đã chuyển từ chỗ thờ phượng Đấng Sáng Tạo sang chỗ thờ phượng vật thọ tạo. Từ lúc ấy, Hình Ảnh Thiên Thượng trong con người đã bị làm cho xấu và méo mó đi. Con người đã bị mất mối liên thông với Đấng Sáng Tạo mà đã từng một thời họ được vui hưởng; họ phải kinh qua sự phân cách với Đức Chúa Trời và từng trải nỗi buồn trong sâu thẳm của sự suy đồi. Không những Hình Ảnh Thiên Thượng trong con người bị làm cho xấu đi mà, từ đó, mọi tạo vật đều phải chịu sự rủa sả như là hậu quả của tội lỗi. Sự hư xấu lan tỏa không phải chỉ trong mối quan hệ giữa con người với Đấng Sáng Tạo của mình mà còn đến cả trong mối quan hệ hôn nhân của họ nữa. Mối quan hệ giữa chồng với vợ của Ađam và Êva là một sự phản ánh mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời là Đấng Sáng Tạo với tạo vật của Ngài. Ađam đã từng là người cai quản yêu thương đối với gia đình của mình và Êva đã đáp ứng Ađam trong tinh thần vâng phục, cũng giống như nhân loại phải đáp ứng Đấng Sáng Tạo của mình trong tinh thần vâng phục. Mối quan hệ hôn nhân ấy phản ánh các hậu quả của sự suy đồi và của dự hướng mới, sa ngã của con người đối với Đức Chúa Trời. Ađam đã bị xui khiến một cách tội lỗi để làm một người cai quản bất trung, thiếu tình yêu thưong, đầy tinh thần thống trị đối với gia đình trong khi Êva bị xui cho trở nên đề kháng đối với quyền lãnh đạo của chồng mình trong một tinh thần không chịu vâng phục. Sáng. 3:17-19 nói về các ảnh hưởng sâu rộng của Cuộc Sa Ngã và sự đoán phạt xảy ra sau đó. Sự rủa sả trên các loài thọ tạo có thể đem lại đau đớn, thống khổ cho nhân loại dưới các hình thức của thiên tai, suy tàn sinh thái, bệnh tật, và sự xói mòn ngày càng gia tăng mà vốn ban đầu đã được Đức Chúa Trời tạo dựng trong một trạng thái tốt đẹp hoàn toàn. Mọi loài thọ tạo, từ con người cho đến tất cả những gì ở chung quanh, vốn vẫn thở than trong thống khổ, mong đợi một sự cứu chuộc trong tương lai (Rô. 8:18-23, 2Ti. 3:1-9). Con người, trong bản chất, lúc bấy giờ đã là tội nhân. Năng lực phân biệt thuộc linh của con người đã mất, và ở trong một tâm trí tối tăm, và tâm thế của con người bị khắc họa bởi các xu hướng hoặc động cơ tà vạy (Giê. 17:9-10, Mác 7:20-23). II. KHÁI NIỆM VÀ NỘI HÀM - Nguyên Tội (Original Sin): Một từ liệu có nghĩa rộng chỉ về các hiệu lực mà tội lỗi đầu tiên gây ra trên nhân loại. - Tội Được Qui (Imputed Sin): Nói riêng về tình trạng có tội, tức sự định tội, của Nguyên Tội được qui kết cho nhân loại (cũng còn được gọi là “Original Guilt”, “nguyên tội”) - Tội Được Lưu Hậu (Inherited Sin): Nói riêng về sự lưu hậu của bản chất tội lỗi giữa vòng loài người (Cũng còn được gọi là “original corruption”, “original pollution”, “sinful nature”) - Kỷ Tội (Personal Sin): Nói riêng về các tội lỗi mà một cá nhân mắc phải trong đời sống mình. III. NGUYÊN TỘI III. Nguyên Tội: Các Quan Niệm Khác Nhau III.1 Thuyết Pelagianism III.2 Thuyết Augustinianism III.3 Thuyết Arminianism IV. Ý CHÍ CON NGƯỜI: ẢNH HƯỞNG CỦA CUỘC SA BẠI NGUYÊN THỦY TRÊN Ý CHÍ CON NGƯỜI IV.1 Thuyết Của Pelagius (Pelagianism) Con người vốn tốt. Cuộc Sa Ngã không khiến bất cứ ai bị định tội cả ngoài Ađam. Thiên hướng của ý chí của con người cũng không bị ảnh hưởng gì hết. Mỗi người đều được sinh ra giống như Ađam, có cùng một loại năng lực để chọn lựa giữa Thiện và Ác. Con người phạm tội chỉ vì cớ gương xấu bắt đầu từ của Ađam mà thôi. Người Khởi Xướng: Pelagius (Vk. 350-418), tu sĩ người Anh. Người ủng Hộ: Các nhà hoạt động Cơ Đốc và xã hội teo tư tưởng phóng túng. Bị Lên Án: Giáo Hội Nghị ở Orange. IV.1 Sự Biện Hộ Cho Thuyết Của Pelagius (Pelagianism) a. Đức Chúa Trời không bắt người ta phải chịu trách nhiệm về tội của người khác. Giê. 31:29-30 “29Trong những ngày đó, người ta sẽ không còn nói: Ông cha ăn trái nho chua mà con cháu phải ghê răng. 30Nhưng mỗi người sẽ chết vì sự gian ác mình; hễ ai ăn trái nho chua, thì nấy phải ghê răng vậy” Êx. 18:19-20 “19Các ngươi còn nói rằng: Làm sao đứa con không mang sự gian ác của cha nó? Ấy là đứa con đã làm theo Luật Pháp và hiệp với lẽ thật; ấy là nó đã giữ hết luật lệ Ta và làm theo; chắc thật nó sẽ sống. 20Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết. Con sẽ không mang sự gian ác của cha, và cha không mang sự gian ác của con. Sự công bình của người công bình sẽ được kể cho mình, sự dữ của kẻ dữ sẽ chất trên mình” b. Nếu sự hư hoại do tội lỗi được lưu hậu cho mọi người kể từ thời Ađam, như vậy người ta phải có một thiên hướng vốn có là phản đối rằng họ thực sự được tự do. Vậy tại sao Đức Chúa Trời lại còn đòi hỏi và mong mỏi người ta phải làm những điều mà họ không sao làm được? Kinh Thánh bày tỏ cho thấy rất rõ là con người có một ý chí tự do để có thể chọn hoặc Thiện hoặc Ác mà không hề bị thiên hướng về điều nào hết. Hãy đọc Phục. 30:15-20 V. NGUYÊN TỘI: THUYẾT AUGUSTINIANISM & THUYẾT ARMINIANISM V.1 Thuyết Của Augustine (Augustinianism) Con người vốn đã suy đồi. Cuộc Sa Ngã đem lại sự định tội trên tất cả mọi người. Đồng thời, xu thế của ý chí con người cũng hoàn toàn bị suy đồi và xu hướng về sự Ác. Con người có ý chí tự do nhưng ý chí ấy bị cai trị bởi bản chất tội lỗi. Do đó, con người có tội vì họ là tội nhân. Người khởi xướng: Augustine (354-430), Giám Mục ở Hippo. Người ủng hộ: Gregory, Anselm, Luther, Calvin, Jonathan Edwards, R.C. Sproul, Charles Ryrie. V.2 Tuyên Xưng Wesminster Chương VI: Về Cuộc Sa Ngã Của Nhân Loại, Về Tội Lỗi, Và Về Sự Đoán Phạt Đối Với Tội Lỗi 1. Thỉ tổ của nhân loại, bị quyến dụ bởi sự ranh mãnh và cám dỗ của Satan, đã phạm tội trong việc ăn trái cấm. Tội lỗi của họ được Đức Chúa Trời để cho xảy ra theo ý định trước khôn ngoan và thánh khiết của Ngài, có mục đích phù hợp theo sự vinh hiển của Ngài. 2. Với tội lỗi này, thỉ tổ của loài người đã bị lạc khỏi sự công nghĩa ban đầu và mối thông công nguyên thủy với Đức Chúa Trời, trở nên chết trong tội lỗi và hoàn toàn bị ô nhiễm trong tất cả các bộ phận và cơ năng của “thân” và “hồn”. 3. Họ là thỉ tổ của cả nhân loại, lỗi của tội này đã được qui kết (cho hậu thế); và cùng một bản chất đã bị hư hoại, một sự chết trong tội lỗi đã được lưu hậu cho hậu thế xuất phát từ họ mà có. 4. Từ sự hư hoại nguyên thủy này chúng ta không còn sẵn lòng, không có năng lực, và bị làm cho đối nghịch với sự Thiện, và hoàn toàn xu hướng về sự Ác, cứ mãi trượt dài trong sự quá phạm của mình. 5. Sự hư hoại trong bản chất này, suốt trong đời này, cứ mãi duy trì trong tất cả những ai được sinh ra trên đời; và mặc dầu bản chất hư hoại ấy - qua Đức Chúa Jêsus - đã được tha thứ, đã bị làm cho chết, nhưng cả bản chất ấy lẫn động cơ xấu xuất phát từ bản chất ấy là tội lỗi một cách đúng nghĩa và thực tế. 6. Mọi tội - cả Nguyên Tội lẫn Kỷ Tội - đều là sự vi phạm đối với Luật Pháp công bình của Đức Chúa Trời; hơn thế nữa còn khiến cho tội nhân ở trong tình trạng mắc lỗi, do đó mà họ phải chịu sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời, sự rủa sả của Luật Pháp, và phải chịu sự chết, cùng với mọi loại khốn đốn thuộc linh tạm thời cũng như đời đời. V.3 Sự Biện Hộ Cho Thuyết Của Augustine (Augustinianism) a. Kinh Thánh hậu thuẫn cho sự nhận thức rằng chúng ta thừa hưởng một bản chất đã bị hư hoại từ cha mẹ và tất cả mọi người đều phải chết trong bản chất ấy. Sáng. 2:17 “Nhưng về cây biết điều Thiện và điều Ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” Hê. 9:27 “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” b. Kinh Thánh hậu thuẫn cho sự nhận thức rằng chúng ta thừa hưởng một bản chất đã bị hư hoại từ cha mẹ và trong bản chất ấy tất cả mọi người đều là tội nhân từ khi mới sinh ra. Thi. 51:5 “Kìa, tôi sanh ra trong sự gian ác,_Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi” Giê. 17:9 “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và là rất xấu xa: Ai có thể biết được?” Gi. 3:3 “Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời” Êph. 2:1-3 “1Còn anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình, 2đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch. 3Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta, tự nhiên làm con của sự thạnh nộ, cũng như mọi người khác” Rô. 5:19 “Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác đều sẽ thành ra công bình” c. Nếu sự khuynh hướng của ý chí chưa bị ảnh hưởng, và nếu có một cơ hội ngang nhau để chọn lựa giữa Thiện và Ác, tại sao tất cả mọi người đều cứ phạm tội? Cơ hội chọn lựa có sẵn đó nhưng chưa hề có người thắng cuộc. Rô. 3:23 “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” Sáng. 6:5 “Đức Giêhôva thấy sự gian ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn” d. Kinh Thánh hậu thuẫn cho nhận thức rằng chúng ta đã thừa thọ sự ô tội từ Ađam và đã bị định tội ngay từ trước khi chưa mắc một Kỷ Tội nào cả. Hãy đọc Rô. 5:12-18 VI. THUYẾT CỦA ARMINIUS (ARMINIANISM) Con người vốn đã suy đồi. Tuy nhiên, Cuộc Sa Ngã đã không hề đem sự định tội đến trên bất cứ ai ngoại trừ Ađam. Tội của Ađam chỉ được qui kết trên chúng ta khi nào chúng ta mắc Kỷ Tội là điều khiến cho thấy chúng ta cũng ở trong tình trạng như Ađam. Sự khuynh hướng của ý chí của con người bị suy đồi khiến cho con người có một sự khuynh hướng về tội lỗi, nhưng Đức Chúa Trời ban cho con người Ân Điển Hỗ Trợ (prevenient grace) để chỉnh lý khuynh hướng tội lỗi. Con người ngày nay cũng giống với Ađam ngày xưa trong vườn Eđen, có khả năng lựa chọn giữa Thiện và Ác. Người khởi xướng: Arminius (Vk.1560-1609) Người ủng hộ: Giáo Hội Công Giáo Lamã, Erasmus, Hội Thánh Giám Lý, “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, phần lớn những người Ngũ Tuần. Bị lên án: Giáo Hội Nghị ở Dort (1618-1619) VII. SỰ BIỆN HỘ CHO THUYẾT CỦA AMINIUS (ARMINIANISM) VII.1 Các lý lẽ của thuyết của Pelagius có sức thuyết phục ở chỗ chúng ta không thể bị qui kết vì tội của người khác, và rằng huấn mệnh của Đức Chúa Trời bao hàm năng lực, và năng lực bao hàm quyền tự do. VII.2 Các lý lẽ của Augustine có sức thuyết phục ở chỗ tất cả chúng ta đều mắc Kỷ Tội và sự suy đồi. Phải có lý do cho điều ấy. VII.3 Cách duy nhất để làm cho hai quan điểm trên hòa hợp nhau là nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời phải ban đủ ơn cho tất cả mọi người để chống cự lại các tác hại của sự suy đồi, phục hồi ý chí của con người, và ban năng lực cho con người đáp ứng Đức Chúa Trời trong việc cải tạo họ. VII.4 Tội của Ađam chỉ được qui kết trên người ta khi họ phạm tội trong tình trạng tương đồng với Ađam. VIII. TÓM TẮT CÁC THUYẾT CỦA PELAGIUS, AUGUSTINE, VÀ ARMINIUS VIII.1 Thuyết Pelagianism: Con người vốn trung tính và có khả năng trong việc chọn lựa giữa Thiện và Ác. VIII.2 Thuyết Augustinianism: Con người vốn xấu và không có khả năng lựa chọn điều Thiện mà thiếu Ân Điển của Đức Chúa Trời. VIII.3 Thuyết Arminianism: Con người bị suy đồi đến mức Đức Chúa Trời phải can thiệp và cung ứng Ân Điển Hỗ Trợ hầu cho con người có thể chọn được điều Thiện trở lại. IX. VẤN ĐỀ TỘI LỖI VÀ NGƯỜI CHƯA TIN Chúng ta đã nhận ra tình trạng hoàn toàn hư mất của người chưa tin (Lu. 19:9-10) Nhưng vì sao mà người chưa tin rơi vào một tình trạng hư mất đến thế? Lời Kinh Thánh dạy cho chúng ta biết tất cả mọi người đều ở trong thân phận có tội vì ba điều sau đây: IX.1 Bản Chất Tội Lỗi Được Lưu Hậu (Inherited Sin Nature) Khi Ađam phạm tội, tất cả mọi người đều đã trở nên tội nhân trong bản chất, và bản chất tội lỗi ấy được lưu hậu bởi cha mẹ của mỗi người (Sv. Sáng. 5:1-3). Hình ảnh bị làm hư của Đức Chúa Trời trong con người đã trở thành bản chất của con người. Bản chất tội lỗi là yếu tố quyết định trước xu hướng của ý chí con người là một xu hướng xa rời Đức Chúa Trời, để chăm chú vào bản ngã và tội lỗi. Từ trong bản chất, con người có một khuynh hướng bẩm sinh đối với sự níu kéo của tội lỗi. Kết quả của bản chất tội lỗi vốn có trong con người là chúng ta được sinh ra trong tình trạng chết về thuộc linh đối với Đức Chúa Trời (Rô. 5:19; Êph. 2:3; và Thi. 51:5) Liệu pháp cho bản chất tội lỗi của nhân loại là sự chết để cứu chuộc trên Thập Tự Giá để bởi đó Ngài đoán phạt tội lỗi trong xác thịt. (Gal. 5:24; Rô. 8:3-5; Êph. 2:4-6, 19; Côl. 2:11) Tất cả mọi người đều được sinh ra với một bản chất tội lỗi. IX.2 Tội Được Qui (Imputed Sin) Khi Ađam phạm tội, Đức Chúa Trời qui kết tội của Ađam cho tất cả mọi người được sinh ra theo dòng dõi của Ađam khiến cho mọi người trở nên ô tội trên phương diện Luật Pháp (Rô. 5:12-14) Hệ quả của Tội Được Qui là sự chết thuộc thể (1Cô. 15:22). Tội lỗi khiến tất cả mọi người phải ở dưới sự rủa sả của sự chết thuộc thể. Liệu pháp cho tội được qui có hai mặt: (1) Sự xưng công bình - Là sự vận động mà qua đó sự công nghĩa của Đức Chúa Jêsus được qui kết cho người tin ( 2Cô. 5:21; Rô. 4:22-25). (2) Sự phục sinh trong thân thể của Đức Chúa Jêsus bảo đảm cho sự đắc thắng đối với sự chết thuộc thể (Rô. 6:4, 1Cô. 15:12-22, 54-58) Không có Đức Chúa Jêsus thì người ta vẫn cứ phải ở dưới án phạt của tội lỗi: Sự chết thuộc thể. IX.3 Kỷ Tội (Personal Sins) Kỷ Tội của con người chứng thực cho sự định tội và sự công bình của Đức Chúa Trời trong việc Ngài kể tất cả mọi người đều là tội nhân (Rô. 3:9-18, 23; Khải. 20:11-15) Hệ quả của Kỷ Tội là sự chết thuộc linh (Êx. 18:1-4, 19-20; Rô. 6:23; Rô. 8:13) Liệu pháp cho Kỷ Tội là sự tha thứ cung ứng bởi sự rải huyết của Đức Chúa Jêsus trên Thập Tự Giá (Êph. 1:7; Côl. 2:13-15). Chỉ duy nhất tại Thập Tự Giá của Đức Chúa Jêsus vấn đề tội lỗi của nhân loại mới được giải quyết trọn vẹn cho đến đời đời (1Phi. 2:24-25). Thế nhưng Thập Tự Giá của Đức Chúa Jêsus giúp ích cho người tín hữu đến đâu trong vấn đề tội lỗi? X. VẤN ĐỀ TỘI LỖI VÀ TÍN HỮU X.1 Kỷ Tội của người tín hữu (tội lỗi quá khứ, tội lỗi hiện tại, tội lỗi tương lai) đều được tha thứ hoàn toàn (Côl. 1:14) X.2 Tội được qui của người tín hữu vốn khiến phải chịu sự chết thuộc thể đã được xử lý xong bằng Sự Phục Sinh của Đức Chúa Jêsus (Gi. 11:25-26; 1Cô. 15:20-22). X.3 Thế còn bản chất tội lỗi được thừa thọ thì sao? Mặc dầu Bản Chất Tội Lỗi Thừa Thọ đã bị định tội và đoán phạt tại Thập Tự Giá (Rô. 8:1-4) bản chất ấy vẫn còn là một bộ phận trong “thân” của con người và rồi cuối cùng sẽ bị hủy diệt đi vào lúc “thân” của người tín hữu được phục sinh và vinh hiển. Sự rủa sả đối với tội lỗi sẽ chưa được cất bỏ đi cho đến kỳ bước vào Trạng Thái Đời Đời (Sv. Khải. 22:3). Tuy nhiên, Kinh Thánh bày tỏ một số lẽ thật quan trọng có liên quan đến mối tương tác giữa người tín hữu với Bản Chất Tội Lỗi Thừa Thọ của mình: 1. Người tín hữu đã chết đối với tội lỗi. 2. Phận sự của người tín hữu là đừng phạm tội nữa. 3. Người tín hữu đã được làm cho phân cách khỏi quyền lực của bản chất con người cũ của mình dầu rằng bản chất ấy vẫn chưa bị hủy diệt. 4. Quyền năng Đức Thánh Linh có sẵn trong đời sống của người tín hữu để ban năng lực cho họ khỏi phạm tội (Rô. 6:1-14; 8: 5-14). 5. Khi người tín hữu phạm tội, mối liên hệ của họ với Đức Chúa Trời (relationship) vẫn chưa bị cắt đứt nhưng mối tương giao của họ với Ngài (fellowship) phải bị tổn hại (1Gi. 1:3-6). 6. Người tín hữu thật chẳng bao giờ cứ chìm ngập trong tội lỗi như một lối sống thường xuyên, liên tục của mình (1Gi. 3:9-10). Và mặc dầu người tín hữu phải cứ tranh chiến chống lại “xác thịt” của mình (Bản Chất Tội Lỗi Thừa Thọ, bản chất con người cũ) nhưng với Bản Chất Mới của mình người tín hữu vẫn có thể đắc thắng khi… 1. Bằng đức tin nhận thức rằng mình đã chết đối với quyền lực của tội lỗi. 2. Nương cậy vào quyền năng của Đức Thánh Linh ở cùng để kháng cự lại tội lỗi. 3. Quyết lòng bước đi bởi Thánh Linh trong việc vâng theo Lời Kinh Thánh (1Phi. 1:13-16, 2:11-12; Rô. 7:14-25; Gal. 5:13-26; Côl. 3:5-1; 2Cô. 7:1; Hê. 12:4) Một khi người tín hữu bị sa vào sự phạm tội, điều mà họ phải làm để phục hồi mối thông công với Chúa là thực lòng xưng nhận tội lỗi của mình, nhận lấy sự tha thứ của Chúa vốn đã đựoc Đức Chúa Jêsus cung ứng rồi (1Gi. 1:7-9) (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Comments are closed.
|
Author“Side-By-Side Support Archives
December 2022
Categories |