![]() Phong Trào Cải Chánh đã đưa ra năm luận đề quan trọng cho mình và suốt dòng lịch sử Hội Thánh các luận đề ấy đã từng không ngừng được giảng dạy cách có trọng tâm và rất nhấn mạnh. Xin được giới thiệu “The Cambridge Declaration” (Tuyên Ngôn Cambridge) để thấy các thánh đồ ngày xưa đã tôn quí Kinh Thánh như thế nào hầu cho chúng ta có thể nhìn lại mình về thái độ đối với Lời của Đức Chúa Trời! (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) "TUYÊN NGÔN CAMBRIDGE" (Tháng Tư 1996) Dần dần các Hội Thánh ngày nay đã đi theo ảnh hưởng của “thần thế gian” nhiều hơn là theo tiếng phán của Thánh Linh Đức Chúa Trời. Là những người Tin Lành, chúng ta phải khuyên bảo nhau hãy ăn năn và khôi phục lại đức tin Cơ Đốc chân chính. Các khái niệm luôn thay đổi qua thời gian theo dòng lịch sử. Khái niệm “Cộng Đoàn Tin Lành” cũng vậy. Trong quá khứ, “Cộng Đoàn Tin Lành” là một khái niệm chỉ chung một phạm vi rộng các Hội Thánh có những truyền thống khác biệt nhau nhưng cùng có với nhau những niềm tin chung nhất định. Theo lịch sử, “Tin Lành” hay không “Tin Lành” là ở sự xưng nhận niềm tin. Người Tin Lành tin và sống theo những lẽ thật Kinh Thánh nhất định vốn đã được khẳng định qua các Giáo Hội Nghị. Trong những lẽ thật Kinh Thánh mà người Tin Lành tin theo có những điểm chung cho người của các truyền thống khác nhau. Đó là những tín lý thuộc nhóm “chỉ duy nhất” (The Solas) được đề xuất và theo đuổi từ Phong Trào Cải Chánh vào Thế Kỷ Thứ Mười Sáu. Ánh sáng đã từng được soi rọi từ Phong Trào Cải Chánh ngày nay đang lịm tắt dần giữa vòng các Hội Thánh thuộc Cộng Đoàn Tin Lành. Kết cuộc là hai chữ “Tin Lành” bị biến nghĩa để chỉ chung mọi thứ niềm tin mà các tín lý “chỉ duy nhất” (The Solas) không còn là điều nhất thiết cần phải có. Chúng ta phải đối diện với nguy cơ bị mất tính hiệp nhất đã từng được vun đắp qua nhiều thế kỷ. Vì sự khủng hoảng này và vì lòng kính yêu Đức Chúa Jêsus, vì lòng kính yêu Tin Lành và Hội Thánh của Ngài chúng tôi cố gắng khẳng định một lần nữa sự gắn bó đối với các lẽ thật cốt lõi mà Phong Trào Cải Chánh đã đề ra. Chúng tôi xác quyết các lẽ thật này không phải là để giữ truyền thống mà là vì chúng tôi tin rằng đó là cốt lõi của Kinh Thánh. Mục đích của việc nhấn mạnh “Chỉ Duy Nhất Kinh Thánh” là để giữ cho thẩm quyền Kinh Thánh khỏi sự xói mòn. Chỉ duy nhất Kinh Thánh là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống của Hội Thánh nhưng ngày nay lắm khi chính Hội Thánh lại làm cho thẩm quyền của Kinh Thánh không còn trong sự tác động của Kinh Thánh nữa. Trên thực tế, thường khi Hội Thánh bị dắt đi quá xa khỏi thẩm quyền Kinh Thánh để chạy theo kỹ thuật dỗ dành, chiến thuật tiếp cận, và theo xu thế trình diễn và tiêu khiển của xã hội chứ không theo các nguyên tắc Kinh Thánh. Có lắm Mục Sư đã đánh mất thẩm quyền chính đáng của mình trong việc giám định hoạt động thờ phượng của Hội Thánh, trong đó có cả quyền giám định nội dung giáo lý, thần học của các loại âm nhạc được sử dụng trong Hội Thánh. Trên thực tế thẩm quyền Kinh Thánh đã bị bỏ rơi khi các lẽ thật Kinh Thánh đã trở nên nhạt nhòa trong nhận thức của các Cơ Đốc Nhân. Một khi tính chủ đạo của giáo lý Kinh Thánh bị chối bỏ trong đời sống Hội Thánh thì Hội Thánh nhất định phải bị mất tính trong sạch và không còn giữ được vai trò hướng đạo đạo về đạo đức, lối sống được nữa. Thay vì phải chỉnh sửa niềm tin Cơ Đốc cho vừa ý thế gian chúng ta phải cứ rao lên rằng sự dạy dỗ của Kinh Thánh là phương sách duy nhất để đến với sự công nghĩa của Đức Chúa Trời và phải giảng ra rằng Tin Lành là lẽ thật không thể thiếu được đối với đời sống, sự giáo dưỡng, và sự chỉnh sửa trong Hội Thánh. Kinh Thánh phải đem chúng ta ra khỏi chính chúng ta để có thể nhận ra các sự vinh quang giả tạo, các khuôn sáo vô nghĩa, các sự hão huyền và những ưu tiên sai trái mà nền văn hóa của chúng ta vẫn hằng cầm buộc chúng ta. Chỉ duy nhất dưới ánh sáng của Lời Kinh Thánh chúng ta mới có khả năng hiểu đúng được chúng ta và thấy ra rằng chính Đức Chúa Trời mới là Đấng chu cấp mọi nhu cần cho đời sống của chúng ta. Chính vì thế mà Kinh Thánh phải được giảng và dạy trong Hội Thánh. Chính vì thế mà Kinh Thánh phải được giải bày bởi lời Kinh Thánh chứ không phải là theo quan điểm của bất cứ người nào. Chúng ta có phận sự phải giữ cho Lời Kinh Thánh được thuần khiết, không bị pha tạp. Công việc của Đức Thánh Linh theo kinh nghiệm riêng của Cơ Đốc Nhân không thể tách rời với sự giáo huấn Kinh Thánh được. Đức Thánh Linh sẽ không bao giờ phán một điều gì xa lạ đối với Lời của chính Ngài trong Kinh Thánh. Không dựa theo Kinh Thánh chúng ta sẽ không sao có thể biết được về Ân Điển của Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ. Chính Lời của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh phải là thuốc thử để giúp phân biệt được đâu là lẽ thật chứ không phải là kinh nghiệm thuộc linh của các cá nhân riêng lẻ. Luận Đề Thứ Nhất, “Sola Scriptura”, Tức Là “Chỉ Duy Nhất Kinh Thánh”… Chúng ta tái khẳng định rằng Kinh Thánh là nguốn khải thị thành văn duy nhất của Đức Chúa Trời và vì thế chỉ duy nhất Kinh Thánh là có thẩm quyền trên lương tâm. Chỉ duy nhất Kinh Thánh dạy cho chúng ta những điều cần phải biết về sự cứu rỗi và về tiêu chuẩn mà mọi hành vi Cơ Đốc phải tuân theo. Chúng ta phủ nhận mọi sự ràng buộc của tín điều trên đời sống của Cơ Đốc Nhân - bất kể là từ cá nhân hay Giáo Hội nào - và chúng ta không cho rằng Đức Thánh Linh có thể phán cách tách rời hay ngược lại các sự dạy dỗ của Kinh Thánh, và chúng ta cũng không cho rằng kinh nghiệm thuộc linh của cá nhân - bất kể là ai - là một kênh dẫn của sự khải thị Thiên Thượng. Mục đích của việc nhấn mạnh “Chỉ Duy Nhất Đức Chúa Jêsus” là để giữ cho Đức Tin Trong Và Qua Đức Chúa Jêsus khỏi sự xói mòn. Hễ khi nào niềm tin Cơ Đốc bị thế tục hóa thì các trọng điểm của Tin Lành sẽ bị phai mờ vì văn hóa của đời này. Hậu quả của việc này là tính tuyệt đối của lẽ thật không còn, chủ nghĩa cá nhân được dung túng, đời sống thánh khiết bị mất tính ưu tiên, trực giác được nâng bậc thay cho lẽ thật, cảm xúc thế chỗ cho đức tin, và cuộc theo Chúa của một người được xem như một sự kiện nhất tác, vạn thành. Nói chung, hễ khi nào niềm tin Cơ Đốc bị thế tục hóa thì chính Đức Chúa Jêsus và Thập Tự Giá của Ngài không còn đứng tại tâm điểm của Tin Lành Ngài nữa. Luận Đề Thứ Hai, “Solus Christus”, Tức Là “Chỉ Duy Nhất Đức Chúa Jêsus”… Chúng ta tái khẳng định rằng sự cứu rỗi của chúng ta đã được hoàn thành bởi công trình đền tội thay của duy nhất Đức Chúa Jêsus Christ. Chỉ duy nhất đời sống vô nhiễm tội và công trình đền tội thay của Ngài mới đủ để đền tội thay cho chúng ta và làm nguôi được cơn thịnh nộ của Đức Chúa Cha. Chúng ta phủ nhận chủ trương cho rằng Tin Lành cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus không cần phải giảng ra và đức tin đặt nơi công trình đền tội thay của Ngài không cần phải có. Mục đích của việc nhấn mạnh “Chỉ Duy Nhất Ân Điển” là để giữ cho Ân Điển Cứu Rỗi của Tin Lành khỏi sự xói mòn. Sự tự tin không bền vững nơi năng lực con người là một trong các sản phẩm của bản chất sa bại của nhân loại. Điều đáng buồn là hiện nay tinh thần này có đầy giữa vòng những người tự nhận mình là người Tin Lành: Từ “Tin Lành Tự Trọng” cho đến “Tin Lành Thịnh Vượng”, từ những kẻ cố tình cải biến Tin Lành thành một món hàng bán chạy cho đến những người chỉ muốn mua một thứ Tin Lành rẻ tiền, và cả đến những người coi Tin Lành là thật chỉ vì Tin Lành hữu dụng cách như thế nào đấy. Chính một tinh thần như vậy đã khiến cho giáo lý về sự xưng công bình của Kinh Thánh không cất lên tiếng nói của mình được. Ân Điển của Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ chẳng những là một điều cần thiết mà lại còn là yêu cầu duy nhất cho sự cứu rỗi. Chúng ta thừa nhận rằng mọi người đều được sinh ra trong một tình trạng chết thuộc linh đến độ không còn đủ sức hợp tác với Ân Điển tái sinh của Đức Chúa Trời. Luận Đề Thứ Ba, “Sola Gratia”, Tức Là “Chỉ Duy Nhất Ân Điển”… Chúng ta tái khẳng định rằng qua sự cứu rỗi trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ nhờ duy nhất Ân Điển của Đức Chúa Trời chúng ta được tránh khỏi cơn thịnh nộ của Ngài. Ấy là nhờ công nghiệp siêu nhiên của Đức Thánh Linh mà chúng ta được đem đến với Đức Chúa Jêsus Christ để thoát khỏi ách tội và được sống lại từ sự chết thuộc linh. Chúng ta phủ nhận chủ trương cho rằng con người có thể kiến tạo hay dự phần kiến tạo nên sự cứu rỗi. Các đạo pháp, kỹ thuật, hay phương sách của con người không bao giờ giúp đem lại được sự biến đổi như sự cứu rỗi. Đức Tin không bao giờ có trong trạng thái chưa được tái sinh của chúng ta. Mục đích của việc nhấn mạnh “Chỉ Duy Nhất Đức Tin” là để giữ cho luận đề chính của sự cứu rỗi là Đức Tin Tin Lành khỏi sự xói mòn. Sự xưng công nghĩa duy nhất đến nhờ Ân Điển, bởi Đức Tin là do duy nhất Đức Chúa Jêsus mà có. Chính từ luận đề này mà Hội Thánh đứng vững hay sụp đỗ. Ngày nay thường có nhiều nhà lãnh đạo - dầu rằng họ tự nhận mình là học giả Kinh Thánh, là Mục Sư - làm ngơ, bóp méo, hoặc thậm chí là bác bỏ chủ đề này. Bản chất đã sa bại của con người thường khiến cho người ta chạy trốn sự thật là họ cần Đức Chúa Jêsus Christ để có được sự công nghĩa được qui bởi Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jêsus Christ. Bản chất này càng được gia cố thành cứng cỏi hơn trong xã hội hiện đại khiến cho người ta trở nên dị ứng đối với Tin Lành theo Kinh Thánh. Tiếc thay chúng ta đã để cho sự chối bỏ Tin Lành này tác động trên bản chất của các mục vụ và sự giảng dạy Cơ Đốc của chúng ta. Có nhiều người trong phong trào “Hội Thánh Theo Văn Hóa” cho rằng một sự hiểu biết xã hội học đối với người trong Hội Thánh sẽ là một yếu tố quan trọng đóng góp cho sự thành công của Hội Thánh trong việc rao truyền Tin Lành. Hậu quả là ngày càng thiếu vắng sự chứng giải thần học trong công vụ của Hội Thánh. Xu hướng tiếp thị Tin Lành trong nhiều Hội Thánh thậm chí còn đẩy chủ trương này đi xa hơn, làm nhạt nhòa sự dị biệt giữa Đạo và Đời, cướp mất tính chiến đấu của Thập Tự Giá của Đức Chúa Jêsus Christ, và khiến cho Đức Tin Cơ Đốc bị hạ xuống chỉ còn là nguyên tắc và phương pháp giống như trong hoạt động kinh doanh thế tục. Dầu rằng thần học về sự cứu rỗi vẫn còn được những người trong phong trào “Hội Thánh Theo Văn Hóa” nhắc đến nhưng đường lối của họ đã làm cho thần học ấy trở nên trống rỗng. Sẽ chẳng còn là Tin Lành nữa trừ phi chúng ta thực sự tin tưởng vào lẽ thật rằng chính từ công trình đền tội thay của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã qui tội của chúng ta cho Ngài và sự công nghĩa của Ngài cho chúng ta. Nhờ Đức Chúa Jêsus Christ đã gánh thay sự đoán phạt cho chúng ta nên chúng ta được sống trong Ân Điển tha tội vĩnh viễn, được Đức Chúa Trời kể là sạch tội, và được Ngài nhận làm con cái của Ngài. Ngoài công trình cứu chuộc của Đức Chúa Jêsus Christ nhân loại không thể có bất cứ nền tảng nào khác để được Đức Chúa Trời xưng công bình. Tin Lành bày tỏ cho chúng ta biết về những gì Đức Chúa Trời đã thực hiện cho chúng ta trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ chứ không phải để cho chúng ta biết mình phải làm gì để được Ngài xưng công bình. Luận Đề Thứ Tư, “Sola Fide”, Tức Là “Chỉ Duy Nhất Đức Tin”… Chúng ta tái khẳng định rằng sự xưng công nghĩa duy nhất đến nhờ Ân Điển, bởi Đức Tin là do duy nhất Đức Chúa Jêsus mà có. Trong sự xưng công nghĩa của Đức Chúa Trời sự công nghĩa của Đức Chúa Jêsus Christ được qui kết cho chúng ta là cách duy nhất thõa mãn được mỹ đức công bình của Đức Chúa Trời. Chúng ta phủ nhận chủ trương cho rằng sự xưng công nghĩa có thể nhờ vào việc công đức của chúng ta, hoặc từ sự pha trộn sự công nghĩa của Đức Chúa Jêsus Christ với công đức riêng của chúng ta, và chúng ta không cho rằng bất cứ Giáo Hội nào bằng hiến chế của mình khiến loại trừ mất luận đề “Chỉ Duy Nhất Đức Tin” mà lại đáng được kể là Hội Thánh Tin Lành. Mục đích của việc nhấn mạnh “Chỉ Duy Nhất Đức Chúa Trời” là để giữ cho sự thờ phượng duy nhất Đức Chúa Trời khỏi sự xói mòn. Từ xưa cho đến nay, nguyên nhân duy nhất khiến thẩm quyền Kinh Thánh trên Hội Thánh không còn để rồi từ đó Đức Chúa Jêsus sẽ bị thay thế, Tin Lành sẽ bị méo mó, đức tin bị dẫn dắt sai lạc là việc con người lấy chương trình của mình thay thế cho đường lối của Đức Chúa Trời, và làm theo cách của mình chứ không theo cách của Ngài. Sự đánh mất về tính chất tập trung vào Đức Chúa Trời trong đời sống Hội Thánh ngày nay là một điều hết sức đáng tiếc. Chính sự đánh mất ấy đã khiến chúng ta rơi vào tình trạng thờ phượng hướng về sự tiêu khiển, giảng Tin Lành theo cách tiếp thị, theo đuổi kỹ thuật, tìm kiếm cảm xúc thoải mái, đánh đổi sự trung tín để lấy sự thành công,… như hiện thấy ngày nay. Hậu quả là Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ, Kinh Thánh không còn nhiều ý nghĩa đối với chúng ta nữa mà chỉ còn lại những sự chẳng đâu vào đâu. Đức Chúa Trời không thực hữu để thỏa mãn tham vọng, sự khao khát, thị hiếu tiêu dùng, hoặc ngay cả các sở thích thuộc linh cho chúng ta. Chúng ta phải tập trung vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời chứ không phải là sự thỏa mãn các nhu cần cá nhân của chúng ta. Đức Chúa Trời là đối tượng thờ phượng tối cao của chúng ta và chúng ta chỉ là chủ thể thờ phượng. Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời vì và chỉ vì chúng ta phải thờ phượng Ngài. Sự quan tâm của chúng ta phải là những sự thuộc về Vương Quốc Đức Chúa Trời chứ không phải là đế quốc của chúng ta; cũng chẳng phải cho sự thành công, sự nổi tiếng của chúng ta. Luận Đề Thứ Năm, “Soli Deo Gloria”, Tức Là “Chỉ Duy Nhất Đức Chúa Trời”… Chúng ta tái khẳng định rằng vì sự cứu rỗi cho chúng ta là của Đức Chúa Trời và do Đức Chúa Trời hoàn thành cho sự vinh hiển của Ngài cho nên chúng ta phải tôn vinh hiển cho duy nhất một mình Ngài. Chúng ta phải sống hẳn hoi trước mặt Đức Chúa Trời theo thẩm quyền của Ngài và cho sự vinh hiển của duy nhất Ngài mà thôi. Chúng ta phủ nhận chủ trương cho rằng người ta vẫn có thể tôn vinh hiển được cho Đức Chúa Trời khi pha trộn sự thờ phượng Ngài với sự tiêu khiển của họ. Nếu chúng ta xem nhẹ Luật Pháp và Tin Lành trong sự giảng dạy của chúng ta thì nhất định là việc tự tu dưỡng, tự hoàn thiện, tự thăng tiến sẽ trở thành những sự thay thế cho Tin Lành của Đức Chúa Trời trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ. Một Sự Kêu Gọi Về An Năn Và Cải Chánh… Đức trung tín của Hội Thánh trong quá khứ hoàn toàn tương phản với sự bất trung của Hội Thánh hiện nay. Cho đến đầu thế kỷ này các Hội Thánh Tin Lành vẫn còn duy trì được một nổ lực truyền giáo đáng kể và đã xây dựng được khá nhiều các cơ sở tôn giáo phục vụ cho lẽ thật Kinh Thánh và cho Vương Quốc Đức Chúa Trời. Sở dĩ được như vậy là vì cho đến lúc ấy kỳ vọng và động thái Cơ Đốc vẫn còn chưa bị nhuộm màu thế tục, chưa bị sự ảnh hưởng của văn hóa. Ngày nay thì chẳng còn được như vậy. Thế giới Tin Lành hiện nay dang mất dần lòng trung thành theo Kinh Thánh, mất dần phẩm chất đạo đức, mất dần nhiệt tình truyền giáo… Chúng ta cần phải ăn năn về tính dung tục của chúng ta. Chúng ta đang bị ảnh hưởng của nhiều loại “tin lành” theo văn hóa là những sự chẳng phải Tin Lành. Chúng ta đã làm cho Hội Thánh trở nên yếu hơn bằng việc không chịu ăn năn thực sự, bằng việc để cho đời sống của chúng ta có sự hiện diện của những tội mà chúng ta thấy có trong đời sống của người khác, và bằng sự thất bại không sao bào chữa được trong việc chia sẻ cho những người chung quanh chúng ta về công trình cứu chuộc trong và qua Đức Chúa Jêsus Christ. Chúng ta cũng thiết tha kêu gọi những người tự nhận mình là người Tin Lành nhưng vẫn tin theo những điều phi, phản Kinh Thánh trên các vấn đề được đề cập trong Tuyên Ngôn này. Sự kêu gọi này cũng nhắm đến những người cho rằng có sự sống đời đời tách rời với đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, cùng với những người cho rằng những ai khước từ Đức Chúa Jêsus Christ trong đời này đến cuối cùng thì cũng sẽ được tịch diệt chứ không phải chịu sự đoán phạt đời đời của Đức Chúa Trời, và cho cả những ai cho rằng cả Tin Lành và Công Giáo La Mã đều là một trong Đức Chúa Jêsus Christ bất chấp việc người thuộc Công Giáo La Mã không tin theo giáo lý xưng công nghĩa của Kinh Thánh. Hội Đồng Liên Hiệp Tin Lành cũng long trọng kêu gọi mọi Cơ Đốc Nhân nghiêm túc xem xét việc thực hiện Tuyên Ngôn này trong tất cả các lĩnh vực thờ phượng, mục vụ, đời sống, công cuộc truyền giáo, và việc hoạch định chính sách của Hội Thánh. Tất cả hãy vì Đức Chúa Jêsus Christ! Amen. Tuyên Ngôn này có thể được sao lại để sử dụng mà không cần phải xin phép trước. Xin vui lòng ghi nhận xuất xứ của tài liệu là “Hội Đồng Liên Hiệp Tin Lành”, “Alliance of Confessing Evangelicals”. ![]()
Comments are closed.
|