REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

24/1/2019

 
Picture



​“…Phủ chúa lắm đại thần nhưng lại thiếu đại trí và đại dũng, buồn thay. Một Mai Thế Pháp bất quá cũng chỉ như một cành cây nhỏ, ngăn sao nổi voi lớn đang hung hăng đi. Một Lý Trần Quán bất quá cũng chỉ như chiếc lá bé nhỏ, che sao nổi nhà đạo nghĩa vốn dột nát đã mấy trăm năm…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“CHUYỆN TRỊNH KHẢI, LÝ TRẦN QUÁN VÀ NGUYỄN TRANG”
 
Tháng Sáu năm Bính Ngọ (1786), nhân thế chẻ tre, Nguyễn Huệ cho quân vượt sông Gianh, đánh thẳng ra Bắc Hà với khẩu hiệu chính trị rất rõ ràng là phò Lê diệt Trịnh. Nguyễn Huệ đi tới đâu quân của chúa Trịnh tan tác đến đó. Quân Tây Sơn thẳng tiến vào Thăng Long. Tình thế bi đát của chúa Trịnh, được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 48, Tờ 19, 20, 21 và 22) chép lại như sau:
 
“Kể từ khi trấn Sơn Nam thất thủ, khắp kinh thành Thăng Long ai ai cũng sợ hãi, quan quân chỉ lo việc chạy trốn, không có chút chí khí chiến đấu nào nữa. Thiên hạ bàn luận xôn xao mà vẫn không sao tìm được mưu kế gì có thể đánh hay giữ. Khi ấy, Nguyễn Lệ từ Nghệ An về, có khuyên Trịnh Khải rằng:
 
- Hãy nên sai tướng ở lại giữ kinh thành, còn Chúa và Nhà vua thì nên tạm lánh lên Sơn Tây để lo tính kế lâu dài. Đánh giặc mà dùng kiêu binh thì không xong, sợ lại còn làm hỏng cả việc nước nữa.
 
(Trịnh) Khải toan theo lời của Nguyễn Lệ thì kiêu binh đã họp nhau la mắng ầm ỹ, nói là Nguyễn Lệ dẫn giặc về kinh thành nên lùng bắt để giết (Nguyễn) Lệ, khiến (Nguyễn) Lệ phải chạy trốn lên Sơn Tây.
 
(Trịnh) Khải cho là quan Tham tụng Bùi Huy Bích giữ công việc của chính phủ mà chẳng được tích sự gì, nay cng chẳng có mưu kế gì để cứu vãn tình thế, bụng có ý ghét, bèn sai (Bùi) Huy Bích làm Đốc chiến rồi triệu Trần Công Xán (tên cũ là Trần Công Thước) vào nội phủ, bí mật bàn mưu để đánh và để tránh giặc, (Trần) Công Xán nói:
 
- Giặc đem quân đơn độc tiến sâu vào đất ta, tức là phạm vào điều binh pháp rất cấm kị. Nay nên nhử cho chúng đến gần hơn nữa rồi đánh một trận là tiêu diệt sạch. Kinh sư là chốn cội rễ, không thể bỏ mà đi xa được, còn nếu như tình thế quá ngặt nghèo, khó bề xoay xở, thì cũng nên đánh một trận cuối cùng.
 
(Trịnh) Khải cho lời ấy là phải, bèn triệu Hoàng Phùng Cơ từ Sơn Tây về, sai làm Tiền Bộ Quân.
 
Hoàng Phùng Cơ cùng với 8 người con của ông (4 người có tên là Thụ, Bồi, Truyền và Tình, còn 4 người nữa chưa rõ tên), đem quân bản bộ đến đóng ở hồ Vạn Xuân (tức hồ Vạn Phúc ở ngoại thành Hà Nội ngày nay - ND) và đội quân thủy là Tứ Thị, dàn trận bên sông Thúy Ái (ngoại thành Hà Nội - ND). Bản thân Trịnh Khải cùng đem quân trong thành đến bày trận ở bến Tây Long (Hà Nội - ND). Bấy giờ, gió đông nam thổi mạnh, thuyền giặc nhân đó kéo ập đến. Về phần chúa Trịnh thì quân thủy tan vỡ trước. Quản lãnh đội Tiền Ưu là Thiên Tướng Nguyễn Trọng Yên, Quản lãnh đội Tiền Trạch là Thiên Tướng Ngô Cảnh Hoàn, cầm đao đứng ở mũi thuyền đều bị giặc giết. Giặc kéo lên bộ, quân của Hoàng Phùng Cơ chưa kịp dàn đội ngũ đã bỏ chạy tứ tung. Có viên thuộc tướng (của Hoàng Phùng Cơ) là Mai Thế Pháp phi ngựa lên đánh, giết được hơn mười tên giặc, nhưng rồi cũng bị giặc vây chặt. (Mai) Thế Pháp phải nhảy xuống sông (tự tử), chỉ một mình Hoàng Phùng Cơ cùng 8 người con và vài ba chục thủ hạ cố sức chiến đấu. Các thủ hạ và 6 người con của Hoàng Phùng Cơ bị giết, (Hoàng) Phùng Cơ và hai người con còn lại phải cướp thuyền mà chạy. Giặc tiến đến bến Tây Long. Khi ấy, (Trịnh) Khải ngồi trên bành voi, cầm cờ lệnh chỉ huy, nhưng quân sĩ chỉ nhìn nhau, không ai chịu tiến. Giặc tung quân ra chém bừa, khiến phải tan vỡ, (Trịnh) Khải quay voi về thành, nhưng mới đến cửa Tuyên Võ đã trông thấy cờ hiệu của giặc cắm la liệt ngoài phủ đường, bèn dẫn hơn một trăm tượng binh, nhằm hướng Sơn Tây mà chạy trốn. Bộn bề tôi, người thì trốn, người thì chạy, chẳng ai cần biết đến chúa nữa.
 
Khi Trịnh Khải đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng thì quân sĩ đi theo đã chạy tan tác hết. Bấy giờ, có viên Thiêm Sai, làm việc ở Lại Phiên là Lý Trần Quán, trước đó được cử đi truyền hịch để chiêu mộ nghĩa binh, bất ngờ gặp (Trịnh) Khải. Lý Trần Quán giả vờ nói với người học trò của mình là Nguyễn Trang (người xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng - ND) rằng:
 
- Đây là quan Tham Tụng, người họ Bùi (ý muốn nói dối rằng đó là Bùi Huy Bích - ND) đi lánh nạn đến, anh hãy hộ vệ ngài, đưa ngài qua bên kia địa giới của huyện này.
 
Nguyễn Trang biết đó là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng là Nguyễn Bá, bắt giải (Trịnh Khải) nạp cho giặc. (Lý) Trần Quán được tin ấy, vội vàng chạy đến, vừa lạy vừa khóc, nói rằng:
 
- Đẩy chúa vào tình thế này, tội là ở thần.
 
Xong, lấy nghĩa lớn (của đạo chúa tôi) mà khuyên bảo Nguyễn Trang, nhưng (Ngưyễn) Trang lại nói:
- Sợ thầy không bằng sợ giặc, quý chúa chẳng bằng quý thân.
 
Nói rồi, hắn giải Trịnh Khải đi. (Trịnh) Khải dùng dao cắt cổ tự tử. (Nguyễn) Trang đem thi thể của (Trịnh) Khải nạp cho giặc. (Nguyễn) Văn Huệ sai sắm đủ áo quan để khâm liệm và tống táng (cho Trịnh Khải) và bổ dụng Nguyễn Trang làm trấn thủ Sơn Tây, lại còn phong cho làm Tráng Liệt Hầu.
 
(Lý) Trần Quán về nhà bảo với học trò rằng:
 
- Ta là bầy tôi mà làm chúa phái lầm lở, tội đáng chết. Nếu ta không chết thì không sao giải bày lòng ta với trời đất được.
 
Nói rồi (Lý Trần Quán) sai người đào huyệt, đặt sẵn áo quan, mặc đủ áo mão, tự nằm vào áo quan, nhờ người chôn sống".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân