REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

ÔN CỐ TRI TÂN…

30/1/2019

 
Picture




​“…Ở đời, thiếu niềm tin là nguy nhưng chưa hẳn đã nguy bằng trao niềm tin sai địa chỉ. Lê Chiêu Thống lúc đầu tin Nguyễn Hữu Chỉnh, tức là đã trao niềm tin sai địa chỉ vậy…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“CHUYỆN CUNG ĐÌNH XUÂN ĐINH MÙI (1787)”
 
Tháng Mười Một năm 1782, Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ vua Lê - chúa Trịnh mà về với Tây Sơn. Tháng Sáu năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh đã dẫn quân Tây Sơn đánh thẳng ra Bắc Hà. Chỉ hơn một tháng sau, Nguyễn Huệ đã tiến vào kinh thành Thăng Long. Với cuộc tấn công ấy, chúa Trịnh Khải bị giết, vua Lê Hiển Tông được tôn phò, nhưng chỉ hai ngày sau khi nhận lễ tôn phò ấy, Lê Hiển Tông đã qua đời. Cháu nội của Lê Hiển Tông là Lê Duy Kỳ (tức vua Lê Chiêu Thống) được đưa lên nối ngôi nhưng tình thế lúc ấy đã quá bi đát, chính sự đã trở nên cực kì rối ren. Kế hoạch khôi phục quyền bính cho nhà vua của Lê Chiêu Thống bị thất bại, bản thân Lê Chiêu Thống cũng bị truất phế hụt. Trong cơn hoảng hốt, Lê Chiêu Thống đã cho gọi Nguyễn Hữu Chỉnh ở Nghệ An về.
 
Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là tên giảo hoạt, theo Tây Sơn chẳng qua vì không thể theo ai được mà thôi. Lãnh tụ của Tây Sơn là Nguyễn Huệ biết rõ tâm địa của Nguyễn Hữu Chỉnh nên dung nạp để sử dụng trong nhất thời chứ không hề tin Nguyễn Hữu Chỉnh. Tháng Tám năm 1786, Nguyễn Huệ rút quân về Nam nhưng không cho Nguyễn Hữu Chỉnh biết. Hắn hoảng sợ chạy theo và sau đó thì ở lại Nghệ An.
 
Nguyễn Hữu Chỉnh về kinh đô rồi mau chóng trở thành chỗ dựa của vua Lê Chiêu Thống, nhưng cũng kể từ đó tai họa liên tiếp dội lên đầu con người giảo hoạt này. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 47, Tờ 1, 2 và 3) chép:
 
“Từ khi đắc chí (vì được vua tin dùng). Nguyễn Hữu Chỉnh dần dần trở nên tự mãn và kiêu căng. Nhà vua cho rằng, vận nước đang lúc gian nan, cho nên mọi việc lớn nhỏ của chính sự lẫn việc sắp đặt hay bổ nhiệm quan lại, thường là làm theo ý của (Nguyễn Hữu) Chỉnh.
 
Bấy giờ, bọn Phan Lê Phiên vì là chỗ thân thiết cũ của (Nguyễn Hữu) Chỉnh, (Uông) Sĩ Điển thì trước đó đã chịu đầu hàng và nạp cho (Nguyễn Hữu) Chỉnh quả ấn của Bộ Binh vốn do (Uông Sĩ Điển) giữ nên cũng được (Nguyễn Hữu) Chỉnh tin. Những người nói trên mà được nắm giữ quyền bính lớn thì cũng là do (Nguyễn Hữu) Chỉnh sắp đặt cả.
 
Trước kia, Nguyễn Đình Giản (người Thanh Hoa, đỗ Tiến Sĩ  khoa Kỉ Sửu, 1769 - ND) từng mạnh mẽ tố cáo (Nguyễn) Hữu Chỉnh về tội rước giặc ngoài về hại nước (chỉ việc dẫn quân Tây Sơn về - ND), lại còn thề rằng không chịu cùng sống với (Nguyễn Hữu) Chỉnh, liền trở về Thanh Hoa để mộ quân đánh giặc trả thù cho nước.
 
Dư luận lúc ấy tỏ ý khen tấc lòng hăng hái của (Nguyễn) Đình Giản, nhưng Trịnh Bồng không cho phép (Nguyễn Đình Giản về Thanh Hoa mộ quân). Đến đây, (Nguyễn Hữu) Chỉnh sợ khó bề được mọi người dung thứ, bèn nghĩ cách thu dùng (Nguyễn) Đình Giản để qua đó mà xoa dịu lòng người. Hắn sai người đến mời (Nguyễn) Đình Giản với những lời lẽ rất khiêm tốn và nhã nhặn. (Nguyễn) Đình Giản liền về kinh, được trao chức (Phó Đô Ngự Sử).
 
Từ đây, uy quyền (của Nguyễn Hữu Chỉnh) ngày một lừng lẫy, hắn kéo bà con về, cất nhắc cho giữ các chức trong kinh thành cũng như ngoài trấn để kết bè kết cánh, mọi việc triều chính đều do (Nguyễn Hữu) Chỉnh quyết đoán. (Nguyễn Hữu) Chỉnh lại mở phủ đệ cho con là (Nguyễn) Hữu Du ở phía đông của dinh mình, nghĩa là chẳng khác gì chúa Trịnh trước đó vẫn cho con là Thế Tử ra ở phủ riêng. (Nguyễn Hữu) Chỉnh kiêu ngạo và lấn lướt, khiến cho vua cũng dần dần phát chán với hắn.
 
Nhà vua bí mật bàn với viên Nội Hàn là Ngô Vi Quý rằng sẽ mời (Nguyễn Hữu) Chỉnh vào nơi ở riêng của vua để bàn việc, rồi nhân đó mà đánh thuốc độc để giết đi. Một hôm, Vũ Trinh vào ra mắt và cũng được nhà vua cho biết về việc này. (Vũ) Trinh sợ quá nói:
 
- Ai dám bày chước này cho bệ hạ thế? Tôi trộm nghĩ là nguy lắm đấy. Nay, giặc mạnh thì đang bức bách, tin báo động từ biên giới truyền về thì dồn dập, triều đình thì chưa hòa thuận, lòng người thì chưa được yên... đáng lẽ, bệ hạ nên dựa vào (Nguyễn Hữu) Chỉnh và dùng làm nanh vuốt, chớ sao lại nghi tội trạng chưa có gì là rõ, sao nỡ giết kẻ bề tôi có thế lực mạnh? Nếu tất cả những kẻ dưới quyền của (Nguyễn Hữu) Chỉnh mà tức giận rồi nổi lên gây ra biến loạn thì xã tắc sẽ ra sao?
 
Nhà vua chợt tỉnh ngộ, bèn thôi.
 
(Về phần mình, Nguyễn Hữu) Chỉnh cũng sơ sơ biết chuyện, nên kể từ đó, thường ít triều yết nhà vua, thả cho bọn thuộc hạ muốn làm gì thì làm. Hào kiệt bốn phương vì thế mà thất vọng.
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân