REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

22/1/2019

 
Picture




​“…Khi mà nghĩa tình bị rẻ rúng ngay trong nơi đặt ngôi chí tôn thì không có điều gì là không thể xảy ra. Và điều xảy ra cuối cùng là điều chẳng bao giờ bị coi là loạn. Ngẫm mà xem!...”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“CUỘC NÁO LOẠN PHỦ CHÚA NĂM GIÁP THÌN (1784)”
 
Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 46, Tờ 3, 4 và 5) viết rằng:

"Kể từ ngày bọn Nguyễn Lệ được giao công việc trong chính phủ, việc họ mưu tính nhiều nhất là ức chế kiêu binh. Bấy giờ có 4 người lính giả danh bạn, ức hiếp vay tiền của một hiệu buôn ở phố Đông Hà, chẳng dè bị bạn phát giác, bọn Nguyễn Lệ lập tức hạ lệnh chém đầu. Quân sĩ tuy rất tức giận việc giết người một cách quá đáng, nhưng việc đã trót bị phát giác rồi, họ chỉ còn biết im lặng cúi đầu nghe lệnh mà thôi. Bọn Nguyễn Lệ thấy thế, cứ tưởng là uy quyền của mình đã được vững vàng, bèn nói với nhau rằng: 

- Từ đây, cứ việc theo phép nước mà làm.

Khi ấy có viên Tri Huyện là Mai Doãn Khuê (người xã An Đồng, huyện La Sơn, lúc đó làm Tri Huyện của huyện Đông Thành - ND) vì muốn lập công với họ Trịnh, bèn nói riêng với Nguyễn Lệ rằng:

- Bọn các ông cho là kiêu binh đã dẹp yên nhưng có biết đâu là họa hoạn xảy ra, thật khó lường được. Tôi nghe họ xôn xao bàn luận rằng, Hoàng Tự Tôn (chỉ Lê Duy Khiêm - ND) do họ rước về, còn Hoàng Thượng (chỉ vua Lê Hiển Tông - ND) thì đang tuổi mỏi mệt. Xét cả tuổi lẫn đức, Hoàng Tự Tôn là người đã trưởng thành, cho nên, họ đang tính tâu xin nhà vua truyền ngôi (cho Hoàng Tự Tôn), nghĩa là làm cho cả ngôi chúa lẫn ngôi vua đều do họ định đoạt, công lao của họ ắt sẽ phi thường. Đã thế, trong quân lại có kẻ bất mãn, muốn sao cho nhà vua được nắm quyền trong thiên hạ, bỏ hết quyền bính của chúa, nếu kế ấy mà thành thì tôi sợ rằng các ông sẽ chẳng còn đất dung thân.

Nguyễn Lệ liền đem lời ấy báo với Trịnh Khải, Trịnh Khải sai (Mai) Doãn Khuê cứ việc theo dõi từng người trong quân. Nhân dịp ấy, (Mai) Doãn Khuê vu cho cháu ngoại của Tứ Xuyên Hầu Phan Lê Phiên là Nguyễn Siêu rằng đã dự vào mưu ấy. Tuy tra khảo không ra chứng cứ nhưng (Trịnh) Khải vẫn cho lời tố cáo (của Mai Doãn Khuê) là đúng, phong ngay cho (Mai) Doãn Khuê tước bá, lại ban cho chức Quản Lãnh của đội quân Thị Hậu và sai đến làm giảng quan cho Hoàng Tự Tôn ở nội điện, cốt để theo dõi động tĩnh.

Lúc ấy, quân sĩ có người cậy công đã rước Hoàng Tự Tôn về nên xin được ban phong cho cha mẹ họ. Họ đem nhau vào sân điện để tâu bày. Nhà vua sai triệu vào rồi tuyên bố chỉ dụ an ủi. Có người đã chạy đến báo cho Trịnh Khải biết. (Trịnh) Khải lập tức triệu bọn Nguyễn Lệ và Dương Khuông vào và nói:

- Mưu kế tôn phò nhà vua của kiêu binh thật khó mà dập tắt nổi, nay chúng đang tụ họp ở nội điện, ta phải tính sao?

Nguyễn Lệ xin phái quân đến bắt giết đi. (Trịnh) Khải liền hạ lệnh cho quan Thủ Hiệu của đội Nhưng Nhất là Nguyễn Triêm đi bắt. Nguyễn Triêm ra cửa phủ, rút kiếm và nói:

- Sắc bén thay lưỡi kiếm này của ta! Chém đầu lũ kiêu binh ắt ngọt lắm đây.

(Nói rồi, Nguyễn) Triêm bèn dẫn quân đến bao vây nội điện, bắt được 7 tên (kiêu binh), giao cho đình thần tra khảo. Bầy tôi bàn rằng, giết hết chắc sẽ gây ra biến loạn mà không giết thì không sao ngăn cấm chúng được. Họ định giết một vài người cầm đầu, cốt để ức chế bọn kiêu binh. Nhưng, Dương Khuông quả quyết nói:

- Chẳng cần phải tra xét làm gì, chỉ cần biết quen thói tụ họp mà răn mãi không chừa là đã đủ để chém đầu rồi. Chúng vẫn cậy có số đông nên sinh ra kiêu ngạo, nhưng còn ta, hễ thấy tên nào phạm tội rành rành là quyết không tha. Một nắm đũa cứng, không thể để thế mà bẻ, nhưng nếu bẻ từng cái thì tự khắc phải được mà thôi.

(Triều đình) bèn chiểu theo luật, kết cho tội “dám vượt vào hoàng thành" rồi đem chém tất cả. Quận sĩ tức giận, tụ họp bàn định rằng:

- Có triều đình như ngày nay là nhờ công của chúng ta, thế mà họ chẳng biết ơn lại còn gây oán. Nếu cái kế bẻ đũa từng chiếc ấy thi hành được thì chúng ta chẳng còn ai sống sót.

Họ hẹn nhau đến hôm sau thì khởi sự. Ngày rằm tháng ấy (tháng Giêng năm 1784 - ND) quân sĩ đem nhau vây nhà Nguyễn Lệ và Dương Khuông, quyết bắt giết cả hai người này. (Dương) Khuông và (Nguyễn) Triêm thì trốn vào phủ chúa, còn (Nguyễn) Lệ thì cải trang rồi theo đường tắt mà chạy về Sơn Tây. Quân sĩ tranh nhau phá nát nhà của bọn này, rồi reo hò ấm ĩ, vác cả dao  kiếm vào thẳng trong phủ chúa tìm bọn (Dương) Khuông và (Nguyễn) Triêm. Trịnh Khải cùng Dương Thị (mẹ Trịnh Khải, chị của Dương Khuông – ND) đem tiền bạc ra chuộc mạng cho (Dương) Khuông. Quân sĩ lại đi lùng bắt (Nguyễn) Triêm, Trịnh Khải bất đắc dĩ phải bảo (Nguyễn) Triêm ra. Quân Sĩ liền lấy gạch đá đánh chết (Nguyễn Triêm).

Sau hôm đó, (Trịnh Khải) đành phải bãi chức của Nguyễn Lệ và Dương Khuông, nhưng cũng từ đó, quyền bính về hết tay quân sĩ. Bọn chúng tự tiện uy hiếp hoặc áp chế quan lại, hở một chút là dọa sẽ phá nhà hoặc giết chết, thậm chí, cả đến việc thay đổi các quan văn, võ, cũng phải hỏi quân sĩ mới xong, việc nước không sao tính nổi.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân