REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

21/9/2018

 
Picture



“Mỗi triều đại (chế độ) cứ đến rồi đi theo khai kỳ, trung kỳ, và mạt kỳ của mình mà không sao cưỡng lại được. Sự tồn tại của triều đại (chế độ) vì vậy mà chỉ mang tính lịch sử; tức phát sinh, phát triển, và suy vong theo dòng chảy của thời gian. Nếu là thức giả, đừng để bị trói mình theo triều đại (chế độ) mà phải dâng mình cho sự hưng thịnh của Dân Tộc, sự trường tồn của Tổ Quốc, và sự phát triển của Nhân Loại!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

​“NIÊN BIỂU THỜI LÊ SƠ”
 
Sau khi lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đuổi giặc Minh đô hộ ra khỏi bờ cõi, lãnh tụ của phong trào Lam Sơn là Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng Đế, sáng lập ra nhà Hậu Lê. Trên danh nghĩa, nhà Hậu Lê chiếm giữ vũ dài chính trị đến 360 năm (1428 - 1788), nhưng, đó hoàn toàn chỉ là danh nghĩa, quyền lực thực sự của họ Lê chỉ có trong khoảng một trăm năm đầu, sử gọi đó là thời Lê Sơ.
 
Năm 1527, Mạc Đăng Dung giết chết vua Lê Chiêu Tông và lập ra triều Mạc. Những người thuộc lực lượng đối nghịch với Mạc Đăng Dung đã chạy vào Thanh Hóa, tìm người tôn thất nhà Lê để đưa lên ngôi, nhằm tạo ra ngọn cờ chính trị cho mình trong cuộc đấu tranh lâu dài với họ Mạc. Sử gọi đó là chiến tranh Lê - Mạc hay chiến tranh Nam - Bắc Triều. Cuối thế kỉ XVI, Nam Triều giành được phần thắng và trở về với cố đô Thăng Long, sử gọi đó là thời Lê Trung Hưng. Từ ngày trở về được với Thăng Long, vua Lê dần dần mất hết quyền hành, chúa Trịnh càng ngày càng trở nên chuyên quyền và độc đoán. Các vua Lê chỉ còn là những kẻ hữu danh vô thực, thậm chí, chỉ tồn tại trong khuôn khổ cho phép của các chúa Trịnh mà thôi. Sử gọi đó là thời Lê Mạt.
 
Cũng như ở các tập trước, trong Tập VI về giai thoại thời Lê Sơ này, chúng tôi cố gắng lập một bảng niên biểu giản lược, cốt để bạn đọc tiện theo dõi hoặc tra cứu khi cần thiết. Bảng này kê đủ họ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian ở ngôi và tuổi thọ của từng vua. Tất cả ngày tháng ghi trong niên biểu này đều là ngày tháng âm lịch. Riêng năm, ngoài việc kê tên theo can chi, chúng tôi còn ghi chú ngay trong ngoặc đơn bên cạnh, thứ tự của năm tính theo dương lịch.
 
1. LÊ THÁI TỔ (1428 - 1433)
 
Tên thật là Lê Lợi, sinh ngày sáu tháng Tám năm Ất Sửu (1385) tại Chủ Sơn, Lôi Dương, Thanh Hóa. Cha là Lê Khoáng, sau được tôn phong là Tuyên Tổ Phúc Hoàng Đế. Mẹ là Trịnh Thị Ngọc Thương, sau được tôn phong là Trinh Từ Ỷ Văn Hoàng Thái Hậu. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) ngày Mồng Hai Tết năm Mậu Tuất (1418), xưng là Bình Định Vương. Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh dạo đã giành toàn thắng . Ngày mười lăm tháng Tư năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế. Ông ở ngôi gần sáu năm, mất ngày hai mươi hai tháng Tám năm Quý Sửu (1433), thọ bốn mươi tám tuổi.
 
2. LÊ THÁI TÔNG (1433 - 1442)
 
Tên thật là Lê Nguyên Long, con của Lê Thái Tổ, do bà Phạm Hoàng Hậu (húy là Phạm Ngọc Trần) sinh vào ngày hai mươi mốt tháng Mười Một năm Quý Mão (1423). Tháng Ba năm 1428, Lê Nguyên Long được phong là Lương Quận Công và ngày sáu tháng Giêng năm 1429, được phong làm Hoàng Thái Tử. Ngày tám tháng Chín năm Quý Sửu (1433) được nối ngôi. Thái Tông ở ngôi chín năm, mất ngày bốn tháng Tám năm Nhâm Tuất (1442), thọ mười chín tuổi.
 
3. LÊ NHÂN TÔNG (1442 - 1459)
 
Tên thật là Lê Bang Cơ, con thứ ba của Lê Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu (húy là Nguyễn Thị Anh, người ở Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa). Vua sinh ngày chín tháng Sáu năm Tân Dậu (1441), ngày mười sáu tháng Mười Một năm 1441 được lập làm Hoàng Thái Tử, và ngày tám tháng Chạp năm Nhâm Tuất được lên nối ngôi. Vua ở ngôi mưới bảy năm, thọ mười tám tuổi.
 
4. LÊ NGHI DÂN (1459 - 1460)
 
Nguyên là con trưởng của Lê Thái Tông, do bà Dương Thị Bí sinh vào tháng Sáu năm Kỉ Mùi (1439), đến tháng Ba năm Canh Thân (1440) thì được phong làm Hoàng Thái Tử, nhưng sau bị giáng truất làm Lạng Sơn Vương. Ngày ba tháng Mười năm Kỉ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết vua Lê Nhân Tông mà tự lập làm vua, ngày sáu tháng Sáu năm Canh Thìn (1460) thì bị triều thần giết chết. Nghi Dân ở ngôi tám tháng, thọ hai mươi mốt tuổi.
 
5. LÊ THÁNH TÔNG (1460 - 1497)
 
Tên thật là Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, do bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh vào ngày hai mươi tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1442). Năm Ất Sửu (1445) được phong là Bình Nguyên Vương. Ngày tám tháng Sáu năm Canh Thìn (1460), sau khi Lê Nghi Dân bị giết, ông được quần thần tôn lên ngôi. Lê Thánh Tông ở ngôi ba mươi bảy năm, mất ngày ba mươi tháng Giêng năm Đinh Tị (1497), thọ năm mươi lăm tuổi.
 
6. LÊ HIẾN TÔNG (1497 - 1504)
 
Tên thật là Tranh, lại có tên là Huy, con trưởng của Lê Thánh Tông. Thân mẫu của vua là bà Nguyễn Thị Hằng, người quê ở Gia Miêu, Ngoại Trang, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), con gái của Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung, sau bà được tôn phong là Trường Lạc Thái Hậu. Vua sinh ngày mười tháng Tám năm Tân Tị (1461), được phong làm Thái Tử vào tháng Ba năm 1462, lên nối ngôi từ tháng Hai năm Đinh Tị (1497), ở ngôi gần tám năm, mất ngày hai mươi bốn tháng Năm năm Giáp Tí (1504), thọ bốn mươi ba tuổi.
 
7. LÊ TÚC TÔNG (1504)
 
Tên thật là Thuần, con thứ ba của Lê Hiến Tông (Lê Hiến Tông có tất cả 6 người con trai). Thân mẫu của Vua là bà Nguyễn Thị Hoàn, quê ở xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Bà vốn là Quý phi của Lê Hiến Tông, sau được Túc Tông tôn phong là Trang Thuận Minh Ý Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày ba tháng Tám năm Mậu Thân (1488), được lập làm Thái Tử tháng Chạp năm Kỉ Mùi (1499), lên ngôi tháng Sáu năm Giáp Tí (1504), ở ngôi được sáu tháng thì mất vào tháng Chạp năm 1504, thọ mười sáu tuổi.
 
8. LÊ UY MỤC (1505 - 1509)
 
Tên thật là Tuấn, lại có tên khác là Huyên, con thứ hai của Lê Hiến Tông (anh của Lê Túc Tông). Thân mẫu của Vua là bà Nguyễn Thị Cận, quê xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (thuộc Bắc Ninh), sau được tôn phong là Chiêu Nhân Hoàng Thái Hậu. Vua sinh ngày năm tháng Năm năm Mậu Thân (1488) lên ngôi tháng Chạp năm 1504, ở ngôi năm năm, bị giết ngày một tháng Chạp năm 1509, thọ hai mươi mốt tuổi.
 
9. LÊ TƯƠNG DỰC (1510 - 1518)
 
Tên thật là Oánh, lại có tên khác là Trừ. Vua là con của Kiến Vương Tân và bà Trịnh Thị Tuyên (người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bà là con gái của quan đô đốc thiêm sự tả tôn chính Trịnh Trọng Phong). Dưới thời Lê Hiến Tông, vua được phong là Giản Tu Công. Khi Lê Uy Mục lên ngôi, vua chạy về Thanh Hóa. Tháng Mười năm 1510 được quần thần tôn lên ngôi để lật đổ Lê Uy Mục. Vua ở ngôi gần bảy năm, bị giết vào ngày bảy tháng Tư năm Bính Tí (1516), thọ hai mươi ba tuổi.
 
10. LÊ CHIÊU TÔNG (1518 - 1522)
 
Tên thật là Y, lại có tên là Huệ, con của Cẩm Giang Vương Sùng, cháu đích tôn của Kiến Vương Tân. Thân mẫu của vua là bà Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, nay thuộc Nghệ An. Vua sinh ngày bốn tháng Mười năm Bính Dần (1506), lên ngôi ngày tám tháng Tư năm Bính Tí (1516), ở ngôi sáu năm (1516 - 1522), bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hóa ngày mười tám tháng Mười năm Nhâm Ngọ (1522), bị giết vào tháng Chạp năm Canh Dần (1530), thọ hai mươi bốn tuổi.
 
11. LÊ CUNG HOÀNG (1522 - 1527)
 
Tên thật là Xuân, lại có tên khác là Khánh, em cùng mẹ với Lê Chiêu Tông, vì thế, sử thường gọi là Hoàng Đệ Xuân. Sinh ngày hai mươi sáu tháng Bảy năm Đinh Mão (1507), lên ngôi tháng Chạp năm 1522 (khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa), ở ngôi năm năm. Tháng Sáu năm Đinh Hợi (1527), bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, thọ hai mươi tuổi.
 
Như vậy, thời Lê Sơ có tất cả mười một vua, đó là chưa kể vua Lê Quang Trị, lên ngôi tháng Tư năm 1516, mới được ba ngày, chưa kịp đặt niên hiệu đã bị đưa vào Thanh Hóa rồi chết ở trong đó. Trong số 11 vị vua thời Lê Sơ, chúng ta thấy:
 
- Vua thọ nhất là Lê Thánh Tông (55 tuổi), vua qua đời sớm nhất là Lê Túc Tông (16 tuổi). Ngoài Lê Túc Tông, thời Lê Sơ còn có bảy vị vua khác tuổi đời từ dưới 20 đến 24 tuổi.
 
- Trong số 11 vị vua thời Lê Sơ thì có đến 6 vị vua (Nhân Tông, Nghi Dân, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng) bị giết.
 
- Vua ở ngôi lâu nhất là Lê Thánh Tông (37 năm) và vua ở ngôi ngắn nhất là Lê Túc Tông (6 tháng) và Lê Nghi Dân (8 tháng).
 
- Vua lên ngôi sớm nhất là Lê Nhân Tông (lúc mới hơn 1 tuổi). Vua lên ngôi muộn nhất là Lê Thái Tổ (43 tuổi) và Lê Hiến Tông (36 tuổi).
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân