REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

16/3/2019

 
Picture
“…Nước có giặc thì quyết chí đánh giặc.
Khí khái Phạm Văn Nghị rõ là hơn hẳn bao kẻ áo mão xênh xang đương thời.
Tiếc thay, việc chiêu tập nghĩa dũng lúc ấy chẳng phải là quá khó, vậy mà vua và triều đình lại dửng dưng.
Ông tập hợp thân hào ở Ý Yên để chờ sự sai khiến của triều đình, nhưng thương thay, ông đã gởi niềm mong chờ không đúng địa chỉ…”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“KHÍ KHÁI PHẠM VĂN NGHỊ”

Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhị Tập Quyển 33) chép rằng:

"Phạm Văn Nghị hiệu là Nghĩa Trai, người huyện Đại An, tỉnh Nam Định. Năm Minh Mạng thứ mười chín (tức năm Mậu Tuất 1838 - NKT) ông đỗ Tiến Sĩ, làm quan bắt đầu từ chức Hàn Lâm Tu Soạn rồi Tri Phủ phủ Lý Nhân. (Phạm Văn Nghị) khi làm quan thường không thích giấy tờ án kiện, hễ dân có việc phải tranh tụng lẫn nhau thì ông hay lấy điều nghĩa và đức hiếu để khuyên bảo. Sau, ông được thăng làm Biên Tu ở Quốc Sử Quán. (Chẳng bao lâu), nhân vì có bệnh, ông cáo quan xin về dạy học. Học trò của ông rất đông, nhiều người thành đạt, và trong số những người thành đạt ấy, phần nhiều đều ra làm quan.

Nơi ông ở gần cửa biển Đại An, thấy đất gần cửa biển bỏ không, ông bèn chiêu tập người cùng làng đến để khẩn hoang lập ấp đặt tên cho nơi mới khai khẩn ấy là trại Sĩ Lâm.

Năm Tự Đức thứ mười một (tức năm Mậu Ngọ, 1858 - NKT), ông được khởi phục, cho lãnh chức Đốc Học Nam Định. Năm ấy có biến ở Sơn Trà (chỉ việc thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta - NKT), ông dâng sớ xin tập hợp nghĩa dũng để theo quân (triều đình) đi đánh giặc, nhưng khi ông đến thì họa binh lửa đã chuyển về Nam (chỉ việc thực dân Pháp kéo quân vào Nam đánh chiếm Gia Định - NKT). Vua cho rằng, (Phạm Văn) Nghị là người có dũng khí và chí lớn hơn người, liền khen ngợi rồi cho về giữ chức cũ. Khi ấy, giặc ở Đông Bắc lại quấy nhiễu (chỉ bọn thổ phỉ người Trung Quốc tràn sang quấy phá nước ta - NKT) cho nên (Phạm) Văn Nghị lại đem số nghĩa dũng đã chiêu mộ được trước đó, đến đóng giữ ở đồn Thượng Nguyên vài tháng mới thôi. Triều đình thăng ông làm Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ, nhưng ông vì bệnh nên lại xin về nghỉ.

(Phạm) Văn Nghị cùng với Doãn Khuê (đỗ Tiến Sĩ cùng khoa với Phạm Văn Nghị - NKT) được kẻ sĩ đương thời rất mến phục. Hai ông đối đãi với họ rất ưu ái. Có lần (Doãn) Khuê vào bái yết Vua, Vua thong thả hỏi chuyện bệnh tình của (Phạm) Văn Nghị rồi cho vàng và tiền để mua thuốc men, lại dụ rằng:

- Không phải ta khen về sự tiến thoái nhanh nhẹn, mà là khen về khí tiết hơn người, gặp việc là hăng hái làm.

Năm (Tự Đức) thứ mười chín (tức là năm Bính Dần, 1866 - NKT) ông được sung chức Thương Biện, đóng quân ở Hà Cát để trông coi vùng biển, cùng với các quân thứ khác, họp bàn mà làm các việc.

Năm (Tự Đức) thứ hai mươi sáu (tức năm Quý Dậu 1873 - NKT), ông được thăng làm Thị Độc Học Sĩ, được ban thẻ bài bằng vàng. Mùa Đông năm ấy, Hà thành có việc (chỉ việc thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội - NKT), ông dâng sớ xin chiêu tập nghĩa dũng để phòng bị và đem quân đến đóng ở đồng Độc Bộ để ngàn chặn. Do quân ít, chống không nổi, ông liền rút về Ý Yên, tập hợp thân hào ở vùng này lại, chờ đợi sự sai khiến của triều đình. Khi việc hòa hiếu đã định đoạt xong (chỉ hàng ước kí ngày 15-3-1874 gồm 22 diều khoản nặng nề, trong đó có việc triều Nguyễn phải thừa nhận chủ quyền của Pháp đối với Nam Kì - NKT), ông được sung làm Thương Biện ở tỉnh (Nam Định) song ông viện cớ tuổi cao, xin về dưỡng lão. Vua chấp thuận. Sau, vì việc thành (Nam Định) bị thất thủ, ông bị triều đình nghị án, đoạt hết mọi chức tước. Vua nói:

- Ta không thể vì ơn riêng mà bỏ qua phép nước được.

(Từ khi bị đoạt chức), Phạm Văn Nghị về làm nhà ở động Liên Hà tỉnh Ninh Bình, xưng là Liên Động Chủ Nhân. Quan lại địa phương đem việc này tâu lên. Vua ban cho ông 100 lạng bạc và dụ rằng:

- An cư, dưỡng lão, dạy bảo hiền tài, thế cũng đã là lo báo đáp, không nên tự cho như thế là chưa đủ.

(Phạm Văn Nghị) mất năm 76 tuổi. Vua chuẩn cho được phục lại nguyên chức hàm cũ là Thị Độc Học Sĩ. Con trưởng của ông là (Phạm Văn) Giảng, thi Hội đỗ Phó Bảng, làm quan đến chức Bố Chánh Thanh Hóa. Con thứ là (Phạm Văn) Hân, (Phạm Văn) Hàm, (Phạm Văn) Phả đều là Cử Nhân".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân