REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

1/2/2019

 
Picture



​“…Thực ra, mục tiêu của Tây Sơn ra Bắc Hà lần này không phải là để trừng trị Lê Chiêu Thống. Việc Lê Chiêu Thống hoảng hốt rồi không còn phân biệt được đâu với đâu, tự mình đứng về phía đối thủ của Tây Sơn, đó là lỗi riêng của Lê Chiêu Thống. Xem ra, lỗi của Lê Chiêu Thống nào chỉ ít ỏi như vậy, nhưng thôi, có vậy thì Lê Chiêu Thống mới là Lê Chiêu Thống, nếu không, lấy đâu ra Lê Chiêu Thống …”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“VUA LÊ CHIÊU THỐNG BỊ LỘT MẤT HOÀNG BÀO”
 
Tháng Mười Một năm Đinh Mùi (1787), Tây Sơn sai tướng Vũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc Hà để trừng trị Nguyễn Hữu Chỉnh. Về phần mình, Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đem quân vào tận vùng Ninh Bình ngày nay để chủ động đón đánh, nhưng vì bị thua đau nên vội vã tháo chạy về Thăng Long. Việc này đã khiến cho cả triều đình nhốn nháo. Đầu tháng Chạp năm đó, cuộc bôn tẩu của Lê Chiêu Thống bắt đầu. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 47, Tờ 15, 16 và 17) chép như sau:
 
"Tin thất bại của cánh quân (Nguyễn) Hữu Chỉnh vừa báo đến là lập tức nhà vua muốn bỏ đi về phía Tây, tính theo đường thượng đạo mà về Thanh Hoa, chiếm giữ chỗ trọng yếu để tính kế khôi phục sau này. Vào khoảng nửa đêm, (Nguyễn) Hữu Chỉnh từ Thanh Quyết (thuộc Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay - ND) trở về. Nhà vua sai người đến mời mấy lần liền nhưng (Nguyễn) Hữu Chỉnh vẫn không đi mà chỉ ủy thác cho viên Tham Tri Chính Sự là Nguyễn Khuê (vừa đỗ Tiến Sĩ ngay trong năm 1787 – ND) vào tâu xin Nhà vua đi sang Kinh Bắc (vùng Bắc Ninh ngày nay - ND) và nói:
 
- Ở Kinh Bắc có Nguyễn Cảnh Thược là người vừa hùng mạnh lại vừa có mưu lược, rất đáng tin cậy, cho nên, ta hãy lấy Kinh Bắc làm chỗ dựa, bám vào thành trì chắc chắn và cậy sông Cái làm hào cách ngăn để tạo thế thủ. Xong, ra lời kêu gọi quân cần vương thì có thể liên lạc được với khắp nơi, như phía trên thì có Thái Nguyên và Sơn Tây, dưới có Hải Dương và Sơn Nam, chẳng mấy chốc mà có đại binh, từ đó, có thể liệu thời cơ mà hành động, vậy mới có thể mong hưng phục nổi.
 
Nhà vua nghe theo.
 
Sáng sớm hôm sau, nhà vua sai Hoàng Đệ là (Lê) Duy Trù hộ tống Hoàng Thái Hậu, Hoàng Phi và Nguyên Tử (con đầu lòng của vua Lê Chiêu Thống - ND) cùng các cung tần đi trước. Lúc sắp sửa lên đường, nhà vua đến nhà Thái Miếu khóc và lạy, nhân đó, bầy tôi và thị vệ cũng lẻn trốn, khiến cho vua lo sợ không biết tính sao. Viên quan theo hầu là Bùi Dương Lịch đến tâu rằng:
 
- (Nguyễn) Hữu Chỉnh tuy thua trận khiến cho quân bị tan vỡ, nhưng thủ hạ (của Nguyễn Hữu Chỉnh) vẫn còn nhiều, còn có kẻ sợ uy, vậy, xin nhà vua hãy truyền chỉ dụ, ép (Nguyễn Hữu) Chỉnh phải theo hộ giá rồi nhân đó mà kêu gọi mọi người, được như thế thì may mới thoát cảnh trơ trọi.
 
Nhà vua cho là phải. (Bùi) Dương Lịch còn sai người đứng giữa sân rồng đọc to lời chỉ dụ, bọn thị vệ lúc ấy mới dần dần tề tựu.
 
Nhà vua cùng nội thần là Nguyễn Quốc Đống và Nguyễn Khải đến nhà của (Nguyễn) Hữu Chỉnh. (Nguyễn) Hữu Chỉnh vội vàng vừa lạy vừa khóc để đón xa giá, đồng thời rước ghế chạm rồng (của Vua) vào gian nhà giữa. Nhà vua dụ bảo (Nguyễn Hữu) Chỉnh đi theo hộ giá. (Nguyễn Hữu) Chỉnh liền sai con là (Nguyễn) Hữu Du đi trước để mở đường, còn mình thu lượm tàn quân được độ vài ngàn người hộ vệ Nhà vua đi qua sông để đến Kinh Bắc".
 
"Khi nhà vua đến Kinh Bắc thì trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước đã đầu hàng giặc từ trước, đóng cửa thành cáo bệnh, không chịu ra đón tiếp. Nhà vua và (Nguyễn) Hữu Chỉnh bối rối vội qua đò để sang bên kia sông Nguyệt Đức (tức sông Cà Lồ - ND). Bấy giờ, theo vua chỉ còn độ dăm bảy văn thần như Nguyễn Đình Giản, Phạm Đình Dữ, Chu Doãn Lệ, Trương Đăng Quỹ, Vũ Trinh... mà thôi. (Nguyễn) Cảnh Thước tung tay chân ra chặn đường cướp bóc những người đi theo xa giá, chúng còn đuổi theo đòi lột áo hoàng bào của nhà vua. Nhà vua rớt nước mắt mà cởi ra để trao cho chúng.”
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân