REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

17/1/2019

 
Picture
​


“Việc này được mô tả sơ sài khiến dễ bị ngộ nhận như một cuộc chính biến tự phát, nhỏ nhoi. Kỳ thật, nó tự giác, lớn lao và mang tính nguyên lý vì đây chính là cái mô thức chính trị muôn thuở: Quân đội là giải pháp tối hậu để kết thúc sự thao túng của bọn chính trị gia vô dụng!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

​“CUỘC TRUẤT PHẾ TRỊNH CÁN”
 
Sự kiện này xảy ra vào tháng Mười năm Nhâm Dần (1782), nghĩa là đúng một tháng sau khi Trịnh Sâm mất, cũng đúng một tháng sau khi Trịnh Cán được đưa lên nối ngôi chúa. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 45, Tờ 28, 29, 30 và 31) chép lại như sau:

“Sau khi (Trịnh) Cán đã được lập làm chúa, Đặng Thị (Huệ) đem (Trịnh) Khải ra giam giữ rất ngặt ở nhà Tả Xuyên. Mẹ của (Trịnh) Khải là Dương Thị sợ rằng (Trịnh) Khai sẽ khó lòng mà bảo toàn được tính mạng, bèn sai người đến gặp (Hoàng) Đình Bảo xin hãy xót thương đến. (Hoàng) Đình Bảo vừa khóc vừa nói:

- (Hoàng) Đình Bảo này thờ Tiên Vương, từng được đội ơn yêu dấu. Quý tử (chỉ Trịnh Khải, vì lúc này Trịnh Khải đã bị bắt làm con út của Trịnh Sâm nên phải gọi là quý tử - ND) là con của Tiên Vương, nếu ta mà có lòng dạ nào thì sẽ bị trời tru đất diệt.

Từ ấy, việc giam giữ có được nới lỏng hơn, bọn gia thần của (Trịnh) Khải cũng nhân đó mà dần dà được ra vào thăm hỏi (Trịnh) Khải. Bấy giờ, (Trịnh) Cán tuy đã được lập làm chúa nhưng không sao quy tụ được lòng người, (Hoàng) Đình Bảo thì phụ họa với Đặng Thị (Huệ), cho nên, ai ai cũng ghét. Họ tụ họp bàn tán khắp nơi, người nói là (Hoàng) Đình Bảo đang âm mưu làm việc trái phép, kẻ thì bảo rằng Chúa mới đang lâm bệnh nặng, còn (Hoàng) Đình Bảo thì tư thông với Đặng Thị (Huệ) và tính kế giết quý tử... Lời đồn cứ thế loan ra khắp nơi, không sao ngăn chặn được nữa.

Có tên bề tôi của (Trịnh) Khải là Dự Vũ, lẻn vào chỗ quân sĩ đang uống rượu, nói vụng với bọn này rằng:

- Thế Tử của Tiên Vương (ở đây, Thế Tử là từ chỉ Trịnh Khải, vì Dự Vũ không thừa nhận việc truất ngôi Thế Tử của Trịnh Khải trước kia - ND ) không có tội trạng gì, tất cả chẳng qua vì Đặng Thị (Huệ) là người đàn bà ác nghiệt, làm cho Tiên Vương bị mê hoặc để rồi cướp lấy ngôi cho con mình mà thôi. Còn như (Hoàng) Đình Bảo thì vốn có chủ đích làm phản đã lâu, hắn muốn lợi dụng chúa mới còn bé nhỏ để dễ bề áp chế, đồng thời, phụ họa với Đặng Thị (Huệ) để lập kế cướp ngôi. Nay, Chúa mới đang bị bệnh nguy kịch, họa loạn xảy ra là điều không tránh khỏi. Quân sĩ  đều là dân ở đất thang mộc (đất quê hương của cả vua Lê và chúa Trịnh - ND), là nanh vuốt của nước nhà, là những người trung nghĩa... Nếu sớm biết một lòng tôn phò, định yên được ngôi chúa (ý muốn chỉ đưa Trịnh Khải lên thay Trịnh Cán mà làm chúa - ND) thì tên tuổi sẽ được ghi mãi trong tờ văn thư, làm bằng vải xoa màu đỏ, trong tờ khoán ước chế bằng sắt, công trạng thật không có gì lớn hơn.

Quân sĩ nghe vậy, ai ai cũng vừa tức (Hòang Đình Bảo và Đặng Thị Huệ) vừa cảm kích, cho nên mật hẹn cùng nhau hội họp ở chùa Khán Sơn (Hà Nội - ND), tính kế để làm, nhưng vì e còn ngại về quyền uy của (Hoàng) Đình Bảo, bàn mãi vẫn chẳng được kế hay. Bấy giờ, có viên Quản Lại của đội quân Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng, cũng đang ngồi họp bàn với bọn quân sĩ, mạnh dạn đứng dậy nói:

- Nếu quân sĩ ai ai cũng đồng lòng làm việc này, thì chẳng qua chỉ cần đợi qua lễ tế điện buổi sáng ở trong phủ đường, nổi ba hồi trống làm hiệu, rồi nhất tề kéo đến lôi nó xuống mà quật cho một trận, thế là xong chớ có gì là khó khăn?

Mọi người mừng rỡ, cử Nguyễn Bằng đứng đầu, cùng uống máu ăn thề, rằng chẳng cần đến ngày hẹn cụ thể, cứ hễ thấy nổi ba hồi trống là nhất tề khởi sự.
Mưu kín đã định xong thì có tên Viên Ngoại Lang là Bùi Bật Trực nghe được, hắn bèn đem báo cho Nguyễn Trọng Chiểu là con của Nguyễn Trọng Viêm biết, lại còn tự đứng ra giới thiệu để Nguyễn Trọng Chiểu tham gia hội họp với quân sĩ, ngầm theo dõi tin tức để rồi (báo cho Hoàng Đình Bảo và Đặng Thị Huệ) mong lập được công to. (Bùi) Bật Trực còn nói với quân sĩ rằng:

- Đây là việc hệ trọng, cần phải nhờ Quốc Cữu (tức Nguyễn Trọng Viêm, em ruột của Trịnh Thái Phi Nguyễn Thị) tâu trình cho Trịnh Thái phi rõ. Nếu chẳng may (Hoàng) Đình Bảo biết chuyện thì cứ việc nói là có mệnh lệnh của Trịnh Thái Phi mật trao cho. Chuyện gì minh bạch cũng hay hơn.

Quân sĩ nghe theo lời ấy, bèn sai (Bùi) Bật Trực đến, bí mật nói riêng với (Nguyễn) Trọng Viêm, nhưng (Nguyễn) Trọng Viêm lại nói với Nguyễn Hoàn. Nguyễn Hoàn muốn noi theo cách cũ của Trịnh Doanh (chỉ việc Trịnh Doanh giành ngôi của anh là Trịnh Giang khi Trịnh Giang đang mắc bệnh - ND), nên có ý xin cho (Trịnh) Khải được tạm giữ chính quyền, cốt để yên lòng quân sĩ. (Nguyễn) Trọng Viêm liền tâu với Trịnh Thái Phi. Thái Phi sai người đến nói với (Hoàng) Đình Bảo. (Hoàng) Đình Bảo nói:

- Tiên vương có hai người con trai, nếu chúa mới mà bệnh không khỏi thì ngôi báu tất nhiên về tay quý tử, còn như nói cho quý tử tạm nắm chính quyền tức là mở đường cho việc cướp ngôi. Tôi vâng chịu cố mệnh của Tiên vương, cho nên, không dám làm theo lời này.

(Nguyễn) Trọng Viêm sợ rằng việc này mà bại lộ thì mình  bị vạ lây, bèn đến bàn với Nguyễn Hoàn. (Nguyễn) Hoàn nói:

- Việc đã đến như vậy thì để mặc quân sĩ muốn làm gì cứ làm.

Bấy giờ, trong kinh thành người ta đồn ầm lên rằng quân sĩ sẽ gây chuyện biến loạn, nhưng (Hoàng) Đình Bảo vẫn không hề hay biết gì cả.

Sáng ngày 24 tháng ấy (tháng Mười năm 1782 - ND), Nguyễn Bằng đã tìm được lối đi tắt, leo lên lầu phủ đường, nổi trống tụ họp quân sĩ, và quân sĩ lập tức có mặt đông đủ, gươm giáo tuốt trần, ồ ạt xông vào. (Hoàng) Đình Bảo, mình ngồi trên voi, tay cầm kiếm, chắn ngang cửa phủ để ngăn lại. Quân sĩ tranh nhau lấy đá ném chết hắn. Em hắn là Khanh Vũ Hầu Hoàng Lương cũng bị lọan quân giết chết. Quân sĩ kéo nhau đến nhà giam, phò Trịnh Khải ra phủ đường, rồi xin Trịnh Thái Phi tâu với nhà vua cho lập (Trịnh) Khải làm Nguyên Soái, tước Đoan Nam Vương, truất (Trịnh) Cán xuống làm Cung Quốc Công, nhưng sau đó chẳng bao lâu (Trịnh) Cán đã chết vì bệnh.

Quân sĩ thả cửa cướp bóc, cứ hễ ai là tộc thuộc của họ Đặng và họ Hoàng cùng những người trước kia từng tố cáo Trịnh Khải là họ cướp phá. Kinh thành rối loạn đến mấy ngày mới được yên.

Quân sĩ cậy công, đòi ban thưởng mải. Triều đình định rằng:

- Phong cho Nguyễn Bằng tước hầu, hàm Suy Trung Dực Vận Công Thần.

- Ba mươi người có mặt trong buổi nhóm họp đầu tiên và Quản Lại là Nguyễn Trù được đặc biệt thăng thưởng.

- Các quân thủy bộ trong kinh, ngoài trấn được ban tiền bạc người nhiều, người ít khác nhau. Ngoài ra, còn ban cho mỗi người một tờ sắc phong để trống, cho phép họ có thể tặng cho thân thuộc, tức là tỏ rõ việc đền ơn này hết sức lớn lao. Nhưng cũng từ ấy bọn kiêu binh ngày càng ngông cuồng, không viên quan nào cai quản được, chỉ có thể ràng buộc lỏng lẻo mà thôi".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân