REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

9/12/2018

 
Picture






​“…Thêm bốn chục dặm đất, Trung Quốc chẳng nhờ vậy mà lớn hơn và mạnh hơn, mất bốn chục dặm đất, nước ta cũng chẳng vì thế mà nhỏ đi và yếu đi, nhưng, giang sơn là giang sơn của muôn đời tổ tiên để lại, tấc nào cũng là tấc lòng thiêng liêng, tham mà chiếm hay coi thường mà bỏ, tất cả đều là tội không thể dung tha…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“NGUYỄN CÔNG THÁI VỚI VIỆC THU HỒI ĐẤT TỤ LONG”
 
Xã Tụ Long thời Lê thuộc châu Vị Xuyên, thời Nguyễn thuộc huyện Vĩnh Tuy, tỉnh Tuyên Quang. Ở xã Tụ Long có núi Tụ Long, núi này có mỏ đồng và mỏ bạc. Đồng của Tụ Long là đồng tốt, dân gian thuở xưa vẫn thường nói: "Tốt như đồng Tụ”. Tuy nhiên, đất Tụ Long và vùng phụ cận bị nhà Mãn Thanh lấn chiếm một thời gian khá dài. Mãi đến năm Mậu Thân (1728), đất này mới được nhà Thanh trả về cho ta. Người có công lớn trong việc đòi lại được đất này là Nguyễn Công Thái. Nguyễn Công Thái người xà Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc ngoại thành Hà Nội), đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715), làm quan trải thờ hai đời chúa là Trịnh Cương (1709 - 1729) và Trịnh Giang (1729 - 1740). Năm 1728, Nguyễn Công Thái được chúa Trịnh Cương cử đi đòi lại đất Tụ Long. Và, Nguyễn Công Thái đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng này. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXVII, Tờ 3, 4 và 5) chép như sau:

"Trước đây, ta và nhà Thanh cùng lập cột mốc biên giới ở Biên Xưởng. Núi Tụ Long của ta vẫn bị nhà Thanh chiếm mất. Thổ quan của nhà Thanh đã đặt trạm để thu thuế ở đó. Đất biên cương của ta bị mất đến bốn chục dặm, triều đình ta nhiều lần gởi văn thư biện bạch chuyện này. Vua Thanh một mặt thì dụ bảo quan địa phương (của nhà Thanh) bàn bạc với ta về chuyện này, nhưng mặt khác lại ra lệnh cho quan Tổng Đốc Vân Nam và Quý Châu là Ngạc Nhĩ Thái đi khám xét lại. (Ngạc) Nhĩ Thái nghe lời viên quan của nhà Thanh được phái đến trước đó là Phan Doãn Mẫn, nên tâu về triều đình nhà Thanh là ta chiếm của nhà Thanh đất đai phủ Khai Hóa (thuộc Vân Nam, Trung Quốc - ND) mà không chịu giao trả lại. Vua nhà Thanh hạ sắc dụ, bảo ta phải trả. (Ngạc) Nhĩ Thái cho chạy trạm, đưa thư đến địa đầu biên giới nước ta ở Tuyên Quang, nhưng thổ mục đất này của ta là Hoàng Văn Phác (cũng có sách chép là Hoàng Văn Lâu) bác bỏ chứ không chịu nhận thư. Chuyện tranh biện này kéo dài mãi đến năm sáu ngày. (Ngạc) Nhĩ Thái ngờ rằng ta có ý gì khác, bèn thông báo cho quan tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc - ND) chia quân phòng giữ biên giới. Hắn cũng tâu việc này về triều, xin điều động binh mã ba tỉnh để phòng bị biên giới nhưng vua nhà Thanh không đồng ý, đã thế, còn lập tức sai bọn Tả Đô Ngự Sử là Hàng Dịch Lộc, Nội Các Học Sĩ là Nhậm Lan Chi, đi thẳng sang nước ta để ban bố tờ chiếu hiểu dụ, đồng thời, xem xét động tĩnh ra sao.

Bọn (Hàng) Dịch Lộc sắp sửa lên đường, đi đến nước ta thì đúng ngay lúc ấy, quốc thư của nước ta chuyển đạt từ trước cũng vừa đến Yên Kinh. Thư ấy giải bày lòng thành thờ nước lớn và sợ mệnh trời. Vua Thanh xem, lấy làm hài lòng và rất khen ngợi, bèn lập tức, sai viết văn thư khác, giao cho (Hàng) Dịch Lộc sang nước ta, tuyên bố lời dụ bảo. Văn thư này nói đã tra xét được đất  có xưởng đồng, rộng 40 dặm, nay trao trả lại cho ta.

Bấy giờ, khắp biên cương phía Bắc đều cảnh giới nghiêm ngặt, do đó trong nước ta, kinh sư cũng như ngoài trấn, không ít kẻ nghi ngờ, sợ hãi. Trịnh Cương quyết đoán, cho rằng không có gì hấn khích, lẽ đâu lại sinh sự, bèn nghiêm lệnh cho các quan ở biên giới phải bình tĩnh, không được làm điều gì càn quấy. Quả nhiên, đến tháng Sáu thì (Hàng) Dịch Lộc tới kinh đô, trao trả đất cho ta, cho lập lại cột mốc biên giới ở sông Đổ Chú. Về nghi lễ tiếp nhận văn thư của vua Thanh, bọn (Hàng) Dịch Lộc yêu cầu làm theo lệ tam quỵ cửu khấu (ba lần quỳ, chín lần vái), triều đình ta cũng miễn cưỡng mà nghe theo.

Sau, triều đình sai quan Tả Thị Lang Bộ Binh là Nguyễn Huy Nhuận, quan Tế Tửu là Nguyễn Công Thái đi lên Tuyên Quang để nhận đất và lập cột mốc. Thổ ti phủ Khai Hóa (của Trung Quốc) muốn ăn chặn bớt các sách ở Bảo Sơn (gần với Tụ Long - ND) nên chỉ sai vị trí của Sông Đổ Chú. Công Thái biết là gian trá, liền bất kể lam chướng hiểm trở, xông đi tìm cho bằng được sông Đổ Chú. Ông đã đi qua nhiều xưởng bạc, xưởng đồng rồi mới nhận ra được đúng nơi cần dựng cột mốc biên giới. Từ đấy, biên cương mới được ấn định rõ ràng"
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân