REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

3/3/2019

 
Picture
“…Làm quan mà suốt một đời được vua tin đã là khó, được vua tin mà ủy thác việc dạy dỗ Hoàng Tử thì lại càng khó hơn.
​Dám nói con vua là vô lễ để dạy theo cách dạy những kẻ vô lễ, Nguyễn Đăng Tuân quả là khí khái và dũng cảm hơn người…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)
“LỜI SỚ CỦA NGUYỄN ĐĂNG TUÂN”
Nguyễn Đăng Tuân người huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, sinh năm Nhâm Thìn (1772), mất năm Giáp Thìn (1844) thọ 72 tuổi. Ông làm quan trải thờ ba đời vua là Gia Long (1802 - 1819), Minh Mạng (1820 - 1840) và Thiệu Trị (1841 – 1847). Thời Gia Long, ông từng được trao chức Phó Tổng Tài, tham gia chỉ huy biên soạn bộ luật nổi tiếng của triều Nguyễn mà ta quen gọi là Luật Gia Long. Thời Minh Mạng, ông được trao chức Tả Tham Tri Bộ Lễ . Nhận chức được ít lâu, ông xin về nghỉ hưu và được nhà vua chấp thuận, nhưng rồi thấy chỉ có ông mới uốn nắn được các Hoàng Tử nên nhà vua lại triệu ông về kinh đô, trao chức Sư Bảo. Nhận chức này, ông từng nói thẳng với nhà vua rằng các Hoàng Tử phần nhiều là vô lễ, vì thế, phải nghiêm khắc giáo dục mới mong nên người. Nhà vua đồng ý, và cũng chính vì vậy mà ông phải giữ chức này mãi cho đến năm 1842. Bấy giờ, ông lấy cớ đã 70 tuổi, xin về nghỉ hưu hẳn ở quê nhà. Vua Thiệu Trị chấp thuận nhưng thỉnh thoảng vẫn cho người tới thăm hỏi và cho phép ông được tâu trình những điều can hệ đến chính sự quốc gia. Ông nghỉ hưu được hai năm thì mất tại quê nhà. Vua Thiệu Trị truy tặng ông hàm Thiếu Sư, ban tên thụy là Văn Chính, hậu cấp việc mai táng, đồng thời sai khắc ghi công trạng của ông vào bia đá và dựng ngay tại quê nhà của ông. Vua Tự Đức (1848 - 1883) còn sai quan sở tại làm nhà thờ và hàng năm lo việc cúng tế ông.
​
Bình sinh, Nguyễn Đăng Tuân là người nghiêm cẩn và rất say mê đọc sách. Con cháu ông như Nguyễn Đăng Giai, Nguyễn Đăng Hành... đã nối được chí lớn của ông, đỗ đạt cao và để lại tiếng tốt cho đời.

Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhị Tập, Quyển 13) đã chép khá nhiều chuyện về ông, trong đó có đoạn chép về lời sớ khá dài như sau:

“Năm (Thiệu Trị) thứ tư (tức năm 1844 - NKT), vua sai quan ở Nội Các mang sắc thư đến nhà (Nguyễn Đăng Tuân) để hỏi thăm sức khỏe, đồng thời, ban cho ông được hưởng thực thụ hàm Vinh Lộc Đại Phu, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, và hàng năm cho được hưởng một nửa số bổng lộc của hàm mới này (để dưỡng hưu), lại cho một người con thứ được tập ấm làm chức Tư Vụ, cho cháu là Cử Nhân (Nguyễn) Đăng Hành được ở nhà để chăm nom. (Nguyễn) Đăng Tuân dâng sớ, khẩn thiết chối từ, đại lược nói rằng:

- Thần chỉ là con nhà thường dân, may mà được làm quan, rồi được dự quyền ngang với hàng Tòng Nhất Phẩm, đã không còn làm được việc gì nữa, chỉ chống gậy ở làng vui xem cảnh thái bình, như thế là đã quá may mắn mà được vượt khỏi phận mình rồi, dám đâu thần ở đồng nội mà ngồi bậc cao, chẳng hề có thực công, chỉ nhờ ơn sâu mà được đặc cách, lòng thần chẳng thể yên. Đó là một chuyện. Thần làm quan trải thờ ba triều, lương bổng tích trữ lâu năm và cha ông của thần còn để lại cho thần hơn 100 mẫu ruộng, đủ lo sinh nhai, nhà cửa đâu đến nỗi thiếu thốn, đã thế, thần còn nhiều lần được ban bạc, lụa rất hậu hĩ, cộng lại cũng đủ nuôi tuổi già thừa thãi. Con của thần là (Nguyễn) Đăng Giai hiện cũng đang được hưởng lương hàng Tòng Nhị Phẩm, hàng năm vẫn gửi về biếu thần một nửa để góp thêm chi phí về củi, gạo. Nay, con thứ của thần là (Nguyên Đăng) Đạt được thụ ấm và cháu đích tôn là (Nguyễn) Đăng Hành cũng được ở nhà để lo chăm nom cho thần, vậy thì hết thảy mọi thứ phụng dưỡng đã đầy, đồ mặc không phải lo, thức ăn còn thừa chứ chẳng bận tâm về sự thiếu. Vậy mà còn nhận lộc quá nhiều, khiến lòng thần không được yên. Đó là hai chuyện. Vả chăng, thần vẫn nghe cổ nhân nói rằng: Làm gì cũng phải tích đức về sau, đức lớn của người làm quan để lại cho con cháu chính là sự thanh bạch. Tấm lòng của thần từ trước tới nay ra sao, chắc thánh minh đã soi thấu. Nay, nếu nhờ ơn thánh thượng rủ lòng thương xót mà cho được hưởng một nửa lương bổng hàng năm, thì thần chỉ xin lãnh một kì để gọi là vinh hạnh được vua ban và làm sáng tỏ ý khuyến khích kẻ bề tôi trung hiếu mà thôi. Còn như việc thưởng cho chức  hàm cùng các khoản lương bổng từ sang năm trở về sau thì xin (thánh thượng) chuẩn cho ý của thần là xin được miễn nhận. Có như thế mới không phương hại đến việc ban thưởng của nước nhà mà con cháu của thần cũng đời đời được nhờ phúc ấy, vui đắp phúc trạch cho nhà, tức là đã được chịu ơn vua không biết gấp bao nhiêu lần rồi vậy".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân