REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

3/2/2019

 
Picture



​“…Triều Lê khởi đầu bằng những võ công hiển hách, quét sạch giặc đô hộ phương Bắc ra khỏi bờ cõi, khiến cho “càn khôn bĩ rồi lại thái, nhật nguyệt hồi rồi lại minh” và tên tuổi của người sáng lập ra triều Lê là Lê Lợi ngời ngời trong sử sách. Tiếc thay, triều Lê lại kết thúc bằng Lê Chiêu Thống, kẻ đi rước giặc phương Bắc về, hèn hạ với quân xâm lăng nhưng lại tàn bạo với đồng bào ruột thịt, bị trừng trị nhục nhã, thân bại danh liệt, ngàn thu chưa dễ ai quên…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“KẾT CỤC CỦA  TRIỀU LÊ”
 
Tập đoàn Lê Chiêu Thống rước 29 vạn quân Mãn Thanh về nước và hi vọng dựa vào thế lực ngoại bang để khôi phục địa vị của mình. Nhưng, thế chưa vững, lực chưa mạnh, địa vị còn đang rất bấp bênh, tập đoàn Lê Chiêu Thống đã lo báo ân báo oán. Việc này khiến cho nhân tâm vốn đã li tán lại càng li tán thêm. Trong lúc đó, tổng chỉ huy quân Mãn Thanh lại chủ quan, tự mãn, cho quân đi cướp bóc để ăn Tết Nguyên Đán, khiến cho thiên hạ không ai là không căm thù. Đúng Tết Kỉ Dậu (1789), Quang Trung Nguyễn Huệ đã đánh một trận thần tốc quét sạch quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, trừng trị đích đáng tội ác của bọn phản nước hại dân.
 
Bị đại bại thảm hại, tàn quân Tôn Sĩ Nghị và Lê Chiêu Thống cứ nhằm hướng Bắc mà tháo chạy thục mạng. Và, sau đó chẳng bao lâu, họ đã gặp nhau ở trấn Nam Quan - (Lạng Sơn ngày nay – ND). Tại đây, đám tàn quân đã được chứng kiến mẩu đối thoại giữa Lê Chiêu Thống với Tôn Sĩ Nghị. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 47, Tờ 42) chép lại như sau:
 
"Khi Nhà Vua đến trấn Nam Quan, bọn bầy tôi cũng lục tục kéo đến. Nhà vua tới từ tạ mà nói với Tôn Sĩ Nghị rằng:
 
- Tôi không giữ được xã tắc, phải phiền đến ngài là điều sỉ nhục mà tôi đã tự thấy được từ trước. Ngài đem quân sang cứu, tôi lấy làm cảm kích vô cùng. Nay, ngài đành phải chia tay với tôi, tôi cũng chẳng dám phiền đến ngài nữa. Vậy, tôi xin trở về nước để lo lượm lặt tàn quân, lo toan việc cử sự sau này.
 
(Tôn) Sĩ Nghị nói:
 
- Đã tâu xin thêm quân rồi, chẳng bao lâu nữa đại quân sẽ đến đây thôi.
 
Nói rồi (Tôn) Nghị mời vua vào nghỉ ở thành Quế Lâm (Trung Quốc - ND). Nhà vua theo lời.”
 
Bấy giờ, nhà Thanh cũng muốn đánh phục thù, nhưng phần vì vừa đại bại, không thể coi thường Tây Sơn được nữa, phần  chính sách ngoại giao mềm dẻo của Quang Trung, triều đình nhà Thanh đã do dự. Vua nhà Thanh là Càn Long ra lệnh cho Phúc Khang An chuẩn bị binh mã để đánh nước ta, nhưng Phúc Khang An đã liên kết với một số đại thần của triều đình nhà Thanh, khôn khéo khuyên vua Càn Long đình chỉ cuộc Nam chinh tội lỗi. Phúc Khang An thành công, nhưng cũng chính vì thế mà Lê Chiêu Thống cùng bọn tòng vong liên tiếp bị đánh lừa và bị hạ nhục. Cũng sách trên, (quyển 47, tờ 43, 44, 45 và 46) chép như sau:
 
... "(Phúc) Khang An được nhiều của đút lót, nhân đó nghĩ rằng, nếu triều đình chấm dứt việc dấy quân thì mình được ung dung vô sự bèn tâu xin với vua Thanh cho (Nguyễn) Văn Huệ được thông hiếu. Vua Thanh y cho. Bấy giờ, bọn bầy tôi tòng vong cũng lục tục kéo đến".
 
... "(Phúc) Khang An cho Đinh Nhã Hành làm Thủ Bị ở Toàn Châu, Phan Khải Đức làm Đô Ti ở Liễu Châu (hai châu này đều thuộc Trung Quốc - ND), số còn lại thì tùy nghi gởi đi cho cư trú mỗi người một nơi, cốt sao cho họ yên phận, riêng bọn Lê Duy Án (chú họ của Lê Chiêu Thống - ND), Trần Huy Lâm, Lê Doãn và Lê Hạo thì đưa vào thành Quế Lâm để ở lại với Vua.
 
Tháng Tư (năm 1789 - ND) thì (Phúc) Khang An về Quế Lâm. Hắn vờ nói (với Vua) rằng:
 
- Đang khi trời Hè nóng nực, hãy tạm dừng việc quân, đợi đến sang Thu hãy tính.
 
(Phúc) Khang An còn lừa vua rằng:
 
- Chẳng bao lâu nữa là đến ngày xuất quân. Ngày đó, Tự Vương (chỉ Lê Chiêu Thống - ND) sẽ là người thống lĩnh các tướng đi trước mở đường. Nhưng, đồ mặc của An Nam vốn bị Tây Sơn coi khinh, trong lúc đó, việc quân thì cốt phải trí trá, vậy, không có gì bằng việc Tự Vương hãy tạm gióc tóc, thay đổi áo quần, cốt lừa tai mắt đối phương khi hành quân, đợi khi khôi phục xong sẽ giữ theo lề thói (của nước Tự Vương) như cũ.
 
Nhà vua không nghĩ là bị gạt nên cũng gắng gượng làm theo. Bấy giờ, cứ hễ là người nước ta kéo sang, trước sau đều bị (Phúc)  Khang An bắt gióc tóc và thay đổi trang phục. Xong (Phúc) Khang An bí mật tâu với vua Thanh rằng:
 
- Tự Vương họ Lê tình nguyện ở lại Trung Quốc, không còn có ý định xin viện binh nữa, vậy, xin (Hoàng đế) tiếp đón sứ giả của Tây Sơn".
 
... “Nhà vua căm giận vì bị nhà Thanh lừa gạt, bèn cùng bọn bề tôi là Phạm Như Tùng, Hoàng Ích Hiểu, Lê Hân, Nguyễn Quốc Đống, Nguyễn Viết Triệu, Lê Quý Thích, Nguyễn Đình Miên, Lê Văn Trương, Lê Tùng và Lê Thức, tổng cộng mười người, cùng nhau uống máu ăn thề rồi làm bài biểu dâng lên vua Thanh để xin viện binh, nếu việc đó không thể thì xin đất hai châu Tuyên Quang và Thái Nguyên để có chỗ trở về mà thờ cúng tổ tiên, cực chẳng đã thì lẻn về Gia Định (chỉ vùng Nam Bộ ngày nay - ND) mà nương cậy ở triều ta (tức triều Nguyễn, lúc bấy giờ triều Nguyễn tuy chưa thành lập nhưng Nguyễn Ánh đã xưng vương và chiếm cứ vùng đất này - ND), từ đó mà kiếm kế khôi phục chứ nhất quyết không chịu sống thừa ở đất Bắc.
 
Vua tôi cùng nhất trí với nhau rằng sẽ phủ phục ở sân rồng mà khẩn khoản yêu cầu, nhược bằng có xảy ra điều gì bất trắc cũng quyết liều.
 
Bọn bề tôi chạy đến nhà Kim Giản (đại thần của nhà Thanh - ND) báo trước cho Kim Giản hay. Kim Giản mời họ vào an ủi và nói:
 
- Hãy tạm lui về quán trọ, đợi thương lượng sau.
 
Kim Giản bàn với Hòa Khôn, tìm cách phân tán vua tôi nhà Lê ra mỗi người một ngả".
 
... “Do buồn rầu căm phẫn, cho nên, mới sáng sớm. Nhà vua đã đi ngựa vào nhà Kim Giản, muốn bày tỏ nỗi khổ (bị đày đi xa) của bọn bề tôi. Lúc ấy, Kim Giản đang hầu tiếp vua Thanh ở vườn Viên Minh, vua (Lê Chiêu Thống) phi ngựa vào vườn. Tên canh vườn sợ, bèn giằng lấy ngựa rồi dìu nhà vua lên xe (đưa đi nơi khác). Vì lẽ đó, người hầu ngựa của vua là Nguyễn Văn Quyện, níu lấy cương ngựa mà mắng rằng:
- Đồ vô lễ dám làm nhục quốc vương của ta à?
 
Nói rồi (Nguyễn) Văn Quyện lấy đá ném tên canh vườn. Tên này lập tức kéo cả một lũ tới đánh trả. (Nguyễn) Văn Quyện bị đánh gần chết, xong, đem giam ở ti Thận Hình. Hơn một tháng sau (Nguyễn) Văn Quyện mới được thả ra, nhưng vì bị đánh đau, bị bệnh mà mất.
 
Tháng Năm mùa Hạ, năm Nhâm Tí, niên hiệu Thanh Càn Long thứ 57 (tức năm 1792 – ND) Nguyên Tử qua đời (vì bệnh đậu mùa - ND), nhà vua cũng không được khoẻ. Ngày Ất Tị (ngày 16) tháng Mười, mùa Đông, năm Quý Sửu, niên hiệu Thanh Càn Long thứ 58 (tức năm 1793 - ND), nhà vua trở bệnh nặng, liền cho mời bọn (Lê) Duy Khang, Phạm Đình Thiện và Đinh Nhã Hành đến, trối trăn rằng:
 
- Vận nước suy vi, ta không biết liều để giữ, phải nương tựa đất khách quê người, tính kế khôi phục nhưng chẳng dè lại bị lừa gạt, uất hận đến độ không sao kể xiết. Mai sau, nếu trong các ngươi có ai về nước được thì đem nắm xương của ta về táng ở đó để tỏ ý trở về của ta.
 
Bầy tôi lạy khóc và xin theo mệnh lệnh. Chốc lát, vua mất".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân