REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

26/11/2018

 
Picture






​“Sự thật hiển nhiên là chế độ (vương triều) chỉ tạm thời còn Tổ Quốc mới muôn đời và chỉ duy nhất Tin Lành của Đức Chúa Trời là đời đời!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“THẾ THỨ CÁC TRIỀU VUA THẾ KỈ XVI - XVII”
 
Từ năm 1527 trở đi, ở nước ta có nhiều hệ thống chính quyền khác nhau cùng đồng thời tồn tại. Để bạn đọc (nhất là những người chưa có dịp làm quen với sử cũ) tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu thêm phần thế thứ các triều vua và chúa thế kỉ XVI - XVII. Phần này được trình bày theo thứ tự trước sau của từng dòng, còn như việc đối chiếu thời gian nắm quyền tương ứng của các dòng, chúng tôi nghĩ là không cần thiết.

I.      Thế Thứ Các Vua Nhà Mạc

         1.      Mạc Thái Tổ (1527 - 1529)
                  Tên thật: Mạc Đăng Dung.
                  Nguyên quán: Cổ Trai, Nghi Dương (nay thuộc Hải Phòng).
Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung sống bằng nghề đánh cá ở quê nhà, sau nhờ thi đỗ lực sĩ, Mạc Đăng Dung được làm quan cho nhà Lê. Dưới thời Lê Tương Dực (1509 - 1516), Mạc Đăng Dung được phong chức Đô Chỉ Huy Sứ, tước Vũ Xuyên Bá. Mạc Đăng Dung làm quan trải thờ ba đời vua Lê là Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) và Lê Cung Hoàng (1522 - 1527). Thời Lê Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung được phong tới tước An Hưng Vương.
Tháng Sáu năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê rồi làm vua từ tháng Sáu năm 1527 cho đến tháng Mười Hai năm 1529, sau đó, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh để lên làm Thượng Hoàng.
Mạc Đăng Dung mất ngày 22 tháng Tám năm Tân Sửu (1541). Do không rõ năm sinh nên không rõ Mạc Đăng Dưng thọ bao nhiêu tuổi.
Trong thời gian ở ngôi (1527 - 1529), Mạc Đăng Dung chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Minh Đức.

         2.      Mạc Thái Tông (1530 - 1540)
                  Tên thật: Mạc Đăng Doanh, con trưởng của Mạc Đăng Dung.
Được truyền ngôi ngày 1 tháng Giêng năm Canh Dần (1530) và ở ngôi 10 năm (1530 - 1540), mất ngày 15 tháng Giêng năm Canh Tí (1540). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Đăng Doanh thọ bao nhiêu tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Mạc Đăng Doanh chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Đại Chính (1530 - 1540).

         3.      Mạc Hiến Tông (1540 - 1546)
                  Tên thật: Mạc Phúc Hải (con trưởng của Mạc Đăng Doanh).
Lên ngôi cuối tháng Giêng năm 1540, ở ngôi 6 năm (1540 - 1546), mất ngày 8 tháng Năm năm Bính Ngọ (1546). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Phúc Hải thọ bao nhiêu tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Mạc Phúc Hải chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Quảng Hòa (1540 - 1546).

         4.      Mạc Tuyên Tông (1548-1561)
                  Tên thật : Mạc Phúc Nguyên (con trưởng của Mạc Phúc Hải).
Lên ngôi tháng Năm năm 1546, ở ngôi 15 năm, mất tháng Chạp năm Tân Dậu (1561). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Phúc Nguyên thọ bao nhiêu tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Mạc Phúc Nguyên đã đặt ba niên hiệu sau đây: Vĩnh Định (1547), Cảnh Lịch (1548-1553), Quang Bảo (1554-1561).

         5.      Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592)
Mạc Mậu Hợp là họ và tên thật, không phải là miếu hiệu, nhưng vì Mạc Mậu Hợp bị giết nên sử cũ theo đúng điển lễ xưa, chỉ chép họ và tên mà thôi.
Mạc Mậu Hợp là con trưởng của Mạc Phúc Nguyên, lên ngôi vào tháng Giêng năm Nhâm Tuất (1562), ở ngôi 31 năm, sau, bị Trịnh Tùng giết vào tháng Chạp năm Nhâm Thìn (1592). Do chưa rõ năm sinh nên không rõ Mạc Mậu Hợp thọ bao nhiêu tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Mạc Mậu Hợp đã đặt 6 niên hiệu sau đây : Thuần Phúc (1562-1565), Sùng Khang (1566-1577), Diên Thành (1578-1585), Đoan Thái (1586-1587), Hưng Trị (1588-1590), Hồng Ninh (1591-1592)
Khi Mạc Mậu Hợp bị giết, vị trí của họ Mạc trên vũ đài chính trị của nước nhà không có gì đáng kể nữa. Tuy nhiên, dư đảng của họ Mạc vẫn còn tiếp tục hoạt động cho đến nửa sau của thế kỉ XVII. Dưới đây là thế thứ thời suy tàn cua họ Mạc.

         6.      Mạc Toàn (1592 - 1593)
Con trưởng của Mạc Mậu Hợp, được Mạc Mậu Hợp truyền ngôi vào tháng Mười Một năm Nhâm Thìn (1592).
Bị Trịnh Tùng bắt và giết vào tháng 1 năm Quý Tị (1593), vì chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Toàn thọ bao nhiêu tuổi.
                  Trong thời gian ở ngôi, Mạc Toàn có đặt một niên hiệu là Vũ An.

         7.      Mạc Kính Chỉ (1592 - 1593)
                  Con của Mạc Kính Điển, cháu nội của Mạc Phúc Hải (chú ruột của Mạc Toàn).
Lên ngôi ngay sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết (tháng Chạp năm 1592), dẫu trước đó một tháng, Mạc Toàn đã được cha là Mạc Mậu Hợp truyền ngôi cho.
Bị Trịnh Tùng bắt và giết cùng với Mạc Toàn vào tháng Giêng năm 1593. Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Kính Chỉ thọ bao nhiêu tuổi.
Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Chi có đặt hai niên hiệu sau đây: Bảo Định (1592), Khang Hựu (1593 - vừa đặt xong thì bị giết).

         8.      Mạc Kính Cung (1593 – 1625)
                  Tự lập làm vua vào năm Quý Tị (1593) và ở ngôi 32 năm.
Bị Trịnh Tráng bắt được và giết vào tháng Năm năm Ất Sửu (1625). Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Kính Cung thọ bao nhiêu tuổi.
                  Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Cung chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Càn Thống.

         9.      Mạc Kính Khoan (1623 - 1638)
Tự lập làm vua ngay khi Mạc Kính Cung còn ở ngôi, cho nên từ năm 1623 đến năm 1625, họ Mạc có đến hai người cùng làm vua.
Năm 1625, Mạc Kính Khoan đầu hàng Trịnh Tráng, được Trịnh Tráng cho lên giữ đất Cao Bằng. Ngay khi đến Cao Bằng, Mạc Kính Khoan lại xưng đế như cũ. Nhưng, cũng vì sự kiện này, một số sử sách cho rằng Mạc Kính Khoan chỉ xưng đế đến năm 1625 mà thôi.
                  Mạc Kính Khoan mất vì bệnh vào tháng 3 năm Mậu Dần (1638).
                  Do chưa rõ năm sinh nên không biết Mạc Kính Khoan thọ bao nhiêu tuổi.
                  Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Khoan có đặt một niên  hiệu là Long Thái.

         10.   Kính Vũ (1638 - 1677)
                  Mạc Kính Vũ (còn có tên khác là Mạc Kính Hoàn) là con của Mạc Kính Khoan.
Nối ngôi sau khi Mạc Kính Khoan mất (1638), ở ngôi 39 năm (1638-1677). Sau, bị chúa Trịnh Tạc đánh, phải bỏ chạy sang Trung Quốc, không rõ sống chết ra sao.
Năm 1667, Mạc Kính Vũ có đầu hàng chúa Trịnh Tạc, nhưng ngay sau đó lại tổ chức lực lượng chống lại Trịnh Tạc và tiếp tục xưng đế như cũ. Vì sự kiện này, một số sử sách cho rằng Mạc Kính Vũ chỉ xưng đế đến năm 1667 mà thôi.
                  Trong thời gian ở ngôi, Mạc Kính Vũ chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Thuận Đức.

II.    Thế Thứ Các Vua Triều Lê
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, triều Lê vì thế bị gián đoạn một thời gian. Từ năm 1533, nhờ công giúp rập của Nguyễn Kim và nhiều cựu thần khác, triều Lê lại được dựng lên tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, cũng kể từ dây, cuộc hỗn chiến Nam-Bắc triều (hay còn gọi là chiến tranh Lê-Mạc) bắt đầu diễn ra. Nam triều tuy đã giành được thắng lợi, nhưng quyền lực của vua Lê thì bị mất dần. Cuối cùng, vua Lê chỉ còn là hư vị mà thôi.

         Trong hai thế kỉ XVI và XVII, triều Lê gồm có các vua sau đây:

         1.      Trang Tông (1533-1548)
                  -       Tên thật: Lê Ninh (lại có tên khác là Lê Huyến), con của vua Lê Chiêu Tông (1516-1522) và Phạm Thị Ngọc Quỳnh (Hoàng hậu của Lê Chiêu                                    Tông). Sử cũ chép Lê Trang Tông sinh năm Ất Hợi (1515) nhưng chúng tôi lấy làm ngờ, bởi vì năm này, Lê Chiêu Tông mới được 8 tuổi, làm sao                               có con!
                  -       Lên ngôi năm Quý Tị (1533) tại Thanh Hóa và là vị vua đầu tiên của Nam triều.
                  -       Ở ngôi 15 năm, mất ngày 29 tháng Giêng năm Mậu Thân (1548), thọ 33 tuổi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Ninh chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Nguyên Hòa.

         2.      Lê Trung Tông (1548 - 1556)
                  -       Tên thật: Lê Huyên (con trưởng của Lê Trang Tông).
                  -       Lên ngôi năm 1548, ở ngôi 8 năm, mất năm 1556, thọ 22 tuổi. Vua không có con nối                                            dõi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Trung Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất là Thuận Bình.

         3.      Lê Anh Tông (1556 - 1573)
                  -       Tên thật: Lê Duy Bang (cháu 5 đời của Lề Trừ, mà Lê Trừ là anh của Lê Lợi).
                  -       Vua sinh năm 1532, lên ngôi năm 1556, ở ngôi 17 năm, bị giết năm 1573, thọ 41 tuổi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Anh Tông đã đặt ba niên hiệu sau đây:
                          (1)    Thiên Hựu (1556-1557)
                          (2)    Chính Trị (1558-1571)
                          (3)    Hồng Phúc (1572-1573).

         4.      Lê Thế Tông (1573 - 1599)
                  -       Tên thật: Lê Duy Đàm (con thứ 5 của Lê Anh Tông).
                  -       Vua sinh năm 1567, lên ngôi năm 1573, ở ngôi 26 năm, mất năm 1599 vì bệnh, thọ 32 tuổi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Thế Tông có đặt 2 niên hiệu sau đây :
                          (1)    Gia Thái (1573-1577)
                          (2)    Quang Hưng (1578-1599).

         5.      Lê Kính Tông (1599 - 11619)
                  -       Tên thật: Lê Duy Tân (con thứ của Lê Thế Tông).
                  -       Vua sinh năm 1588, lên ngồi năm 1599, ở ngôi 20 năm, bị giết năm 1619, thọ 31 tuổi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Kính Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây :
                          (1)    Thận Đức (1600-1601)
                          (2)    Hoằng Định (1601-1619).

         6.      Lê Thần Tông (1619 – 1643 và 1649 - 1662)
                  -       Tên thật: Lê Duy Kỳ (con trưởng của Lê Kính Tông).
                  -       Vua sinh năm 1607, lên ngôi vua hai lần.
                          (1)    Lần thứ nhất: Từ năm 1619 đến năm 1643. Năm 1643, Lê Thần Tông nhường ngôi cho con trưởng là Lê Duy Hựu (tức vua Lê Chân Tông) để                                      làm Thượng hoàng 6 năm.
                          (2)    Lần thứ hai: Từ năm 1649 đến năm 1662. Năm 1649, vì con là Lê Duy Hựu mất, Lê Thần Tông lại tiếp tục làm vua.
                          Trong thời gian hai lần ở ngôi, Lê Thần Tông đã đặt 6 niên hiệu sau đây :
                          (1)    Vĩnh Tộ (1619-1629)
                          (2)    Đức Long (1629-1643)
                          (3)    Khánh Đức (1649-1653)
                          (4)    Thịnh Đức (1653-1658)
                          (5)    Vĩnh Thọ (1658-1662)
                          (6)    Vạn Khánh (1662). Niên hiệu vừa đặt xong thì Lê Thần Tông qua đời.

         7.      Lê Chân Tông (1643 - 1649)
                  -       Tên thật: Lê Duy Hựu (con trưởng của Lê Thần Tông).
                  -       Vua sinh năm 1630, được truyền ngôi năm 1643, ở ngôi 6 năm, mất năm 1649, thọ 19 tuổi. Nhà vua không có con nối dõi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Chân  Tông chỉ đặt một niên hiệu duy nhất: Phúc Thái (1643 - 1649).

         8.      Lê Huyền Tông (1662 - 1671)
                  -       Tên thật: Lê Duy Vũ (con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông)
                  -       Vua sinh năm 1654, nối ngôi năm 1662, ở ngôi 9 năm, mất năm 1671, thọ 17 tuổi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Huyền Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Tự (1662-1671).

         9.      Lê Gia Tông (1671 – 1675)
                  -       Tên thật: Lê Duy Cối (cũng có tên khác là Lê Duy Khoái).
                  -       Vua sinh năm 1661, lên ngôi năm 1671, ở ngôi 4 năm, mất năm 1675, thọ 14 tuổi. Vua vốn là con thứ của Lê Thần Tông, em của Lê Chân Tông.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Gia Tông có đặt hai niên hiệu sau đây:
                          (1)    Dương Đức (1672-1674)
                          (2)    Đức Nguyên (1674-1675).

         10.   Lê Hy Tông (1675 -1705)
                  -       Tên thật: Lê Duy Hiệp (con thứ của Lê Thần Tông, chào đời sau khi Lê Thần Tông mất được 6 tháng).
                  -       Vua sinh năm 1663, lên ngôi năm 1675, ở ngôi 30 năm. Năm 1705, vua nhường ngôi cho con là Lê Duy Đường (tức Lê Dụ Tông) để làm Thượng                               hoàng 11 năm (1705 - 1716). Vua mất năm  1716, thọ 53 tuổi.
                  -       Trong thời gian ở ngôi, Lê Hy Tông có đặt hai niên hiệu sau đây :
                          (1)    Vĩnh Trị (1676-1679)
                          (2)    Chính Hòa (1680-1705)
​
Sau Lê Hy Tông, nhà Lê còn có 6 đời vua nữa, đó là: Lê Dụ Tông (1705-1729), Lê Đế Duy Phường (1729-1732), Lê Thuần Tông (1732-1735), Lê Ý Tông (1735-1740), Lê Hiển Tông (1740-1786) và Lê Chiêu Thống (1786-1788). Tuy nhiên, tất cả những vị vua này đều thuộc khung lịch sử của thế kỉ XVIII, chúng tôi sẽ giới thiệu ở tập sau.
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân