REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

10/12/2018

 
Picture






​“Lời thật thì mất lòng nhưng là thân đại khoa Bùi Sĩ Tiêm không thể không dâng lời trung nghĩa được. Đâu như ngày nay lắm người đầu óc thì rỗng tuếch mà cũng áo mũ màu mè, xênh xang; trông chẳng khác phường hề mà chẳng hề thấy ngượng!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“VÌ SAO BÙI SĨ TIÊM BỊ MẤT CHỨC?”
 
Bùi Sĩ Tiêm người xã Kinh Lũ, huyện Đông Quan, đỗ Tiến Sĩ khoa Ất Mùi (1715), làm quan trải thờ hai đời chúa là Trịnh Cương (l709 – 1729) và Trịnh Giang (1729 - 1740). Dưới thời chúa Trịnh Giang, Bùi Sĩ Tiêm được làm tới Thái Thường Tự Khanh. Nhưng, hoạn lộ của ông đến đó là dứt. Tháng Sáu năm Tân Hợi (1731), Bùi Sĩ Tiêm bị lột hết chức tước rồi bị đuổi về quê. Sự kiện này được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXVII, Tờ 18) chép lại như sau:

“Vì có tai biến là nhật thực, chúa Trịnh Giang hạ lệnh cho bầy tôi được bày tỏ những điều thiết thực và cần thiết nhất. (Bùi) Sĩ Tiêm trình bày 10 điều, trong đó, điều đầu tiên nói về việc truyền ngôi vua, lời lẽ rất thống thiết và sâu sắc. Đại lược như sau: Từ khi nước nhà được trung hưng đến nay, trong khoảng hai trăm năm, các đời chúa trước đều tôn phò vua. Sở dĩ có thể làm cho anh hùng hào kiệt vui vẻ đến giúp mà thống trị được đất đai khắp nước, ấy là nhờ ở truyền thống trung nghĩa, khiến cho gốc rễ được vững vàng, không sao lay chuyển nổi. Nhà vua và nhà chúa không khác gì bánh xe với thân xe, luôn nương dựa vào nhau, như cột nhà và kèo nhà cùng nhau chống đỡ, một lòng một dạ giúp nhau, không hề dửng dưng bỏ mặc kẻ béo người gầy như cách người Tần xử với người Việt được.

Gần đây, việc truyền hoặc nhường ngôi báu, tuy có noi theo phép cổ, nhưng không rõ có đúng là vì Tiên Đế mỏi mệt mà phó thác thật hay không. Tôi thường thấy khi trị vì, khí sắc của Tiên Đế hoặc bực tức, hoặc bất bình, lộ ra cả trong câu văn, lời nói. Những điều ấy, lẽ đâu che mắt thần dân trong nước mãi được. Vì thế, từ đầu mùa Hè năm Kỉ Dậu (tức năm 1729, năm Trịnh Cương là cha của Trịnh Giang, ép vua Lê Dụ Tông truyền ngôi cho Lê Đế Duy Phường - ND) đến nay, trời lắm thiên tai,  đất nhiều biến động, nào nước lũ, nào hạn hán, lúc nào cũng có  điềm xấu và dữ. Có lẽ anh linh trời đất và tổ tông răn bảo một cách rõ ràng đấy.

Tôi cúi xin Vương thượng nghĩ đến công lao cũ của Tiên vương vun đắp, nối chí cũ của Tiên vương tôn phò, gặp việc gì phải thì quả quyết thi hành, chớ mê muội bởi lời tiểu nhân bảo thủ và nghi kị, hãy vì việc nghĩa mà mạnh dạn, đừng câu nệ vào lời "ba năm không thay đổi việc làm của cha" (lời của Khổng Tử, ý nói: Sau khi cha mất, trong ba năm mà không thay đổi việc làm của cha, đó mới là người con có hiếu - ND). Khi làm việc lớn, cần phải tỏ rõ được quyền uy, đã chấn chỉnh đạo thường thì muôn đời cùng khó đổi, phải sớm chặn cho được ngọn sóng đang chực làm vỡ đê, quyền năng có thể kéo được mặt trời khi sắp lặn. Tóm lại, phải dốc lòng thờ vua, làm sao cho tiêu tan hết mọi tai biến.

(Bùi) Sĩ Tiêm lại còn nói tiếp: Văn chương là thứ để thu hút sĩ phu và để tô điểm cho nước nhà. Văn chương triều ta, bắt đầu chấn chỉnh từ thời Thiệu Bình (niên hiệu của vua Lê Thái Tông, dùng từ năm 1434 đến năm 1439 - ND), trở nên đầy đủ từ đời Hồng Đức (niên hiệu của vua Lê Thánh Tông, dùng từ năm 1460 đến năm 1497 - ND). Ở khoảng giữa từ đó đến nay, một lần thay đổi mà hóa ra văn chương rập theo sách cũ, lại một lần thay đổi nữa mà ra lối văn tầm chương trích cú. Đã thế, còn coi khinh các sách của thánh nhân, cho là dấu vết cũ rích, xem sử cũ là cỏ rác rơi vãi, khiến cho sĩ tử một thời bỏ hết kinh truyện mà đọc sách ngoài để cầu được đỗ cao, những lời của họ bàn về thời thế lúc nguy nan thì không một câu nào có thể dùng được cả.

Tôi cúi xin Vương thượng dốc lòng tôn sùng đạo học chính thống, chấn hưng cho được phong thái của nhà nho, phàm những tập văn do hậu nho viết ra như Ngốc Trai (tức Ngốc Trai Thập Khoa Sách Lược do Lưu Định Chi, người Trung Quốc đời Minh soạn ra - ND), Đề Cương (sách do Chúc Nghiêu, người Trung Quốc đời Nguyên soạn ra - ND) và Trường Sách (tức Tứ Đạo Trường Sách của Trung Quốc, hiện vẫn chưa rõ tác giả là ai - ND)... nhất thiết phải cấm chỉ. Về đầu bài thi các kì văn sách, nên bỏ bớt điều mục mà nói các điều cốt yếu, văn cổ thì chỉ nên hỏi đại lược để biết sức học của học trò, văn mới thì hỏi những việc về chính trị, cốt để xét sức sáng tạo của sĩ tử. Tóm lại, phải chấn chỉnh phép văn chương để chọn hiền tài cho xứng.

Ngoài ra, còn những tám điều nữa, (Bùi) Sĩ Tiêm đều mạnh mẽ chỉ trích những thói tệ đương thời, vì thế, bọn quyền quý trong triều ghét bỏ ông. Khi thư này dâng vào phủ, Trịnh Giang giận lắm, bèn tước hết chức quan của (Bùi) Sĩ Tiêm và đuổi ông về quê.

(Bùi) Sĩ Tiêm là người khảng khái, biết trọng nghĩa khí, hay nói thẳng, vì việc nói mười điều có xúc phạm đến những chuyện cấm kị nên bị tước hết chức quan. Ông về nhà một thời gian lâu thì mất. Đầu đời Cảnh Hưng (niên hiệu của vua Lê Hiển Tông, dùng từ năm 1740 đến năm 1786 - ND), triều đình nghĩ (Bùi) Sĩ Tiêm là người cương trực, liền truy tặng hàm Tham Chính, tước Trung Tiết Hầu, cấp cho ruộng thờ để biểu dương".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân