REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

13/1/2019

 
Picture




​“…Hẳn nhiên là phủ chúa lúc ấy có quá lắm những kẻ cơ hội và hiểm độc, nhưng nhân vì có lắm kẻ hiểm độc mà góp thêm sự hiểm độc, phỏng có nên chăng?...”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

“VỤ ÁN NĂM CANH TÍ (1780)”
 
Tháng Chín năm Canh Tí (1780), một vụ án lớn đã xảy ra ngay trong phủ chúa Trịnh. Bị can gồm Trịnh Khải là con của Trịnh Sâm cùng với một loạt các vị quan lại và đại thần đương thời. Vụ án này đã được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển 45 Tờ 19, 20 và 21) chép lại như sau:

“(Trịnh) Khải là con do Dương Thị, một trong những phi tần của Trịnh Sâm sinh ra. Theo lệ cổ, con trai của chúa cứ đến 7 tuổi thì cho ra ở riêng để học, nếu là con trai trưởng thì cứ đến năm 13 tuổi là cho mở phủ đệ riêng, được phong làm Thế Tử. Nhưng (Trịnh) Sâm cho rằng, (Trịnh) Khải (lúc đầu có tên là Tông) không phải do chính phi sinh ra nên không yêu quý lắm. (Trịnh Sâm) dùng viên hoạn quan là Nguyễn Phương Đĩnh làm Bảo Phó cho (Trịnh) Khải. Mãi đến năm lên 9 tuổi, (Trịnh) Khải mới được đi học. (Trịnh Sâm) dùng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản làm Tả Tư Giảng và Hữu Tư Giảng (để lo việc dạy dỗ cho Trịnh Khải). Chưa được bao lâu, (Lý) Trần Thản mất, Nguyễn Lệ thì ra trấn thủ Sơn Tây, cho nên, (Trịnh) Khải ở nhà với Nguyễn Phương Đĩnh, chỉ theo mùa theo tiết mà vào yết kiến ở phủ đường mà thôi.

Hai viên quan trong cơ quan Ngự Sử Đài là Nguyễn Thưởng và Vũ Huy Đĩnh nhiều lần xin Trịnh Sâm lập Thế tử, nhưng họ đều bị giáng chức. Về sau, Đặng Thị Huệ là một thị nữ được (Trịnh Sâm) yêu chiều, sinh con trai là (Trịnh) Cán, Trịnh Sâm đặc biệt yêu quý hơn nên sách phong Đặng Thị (Huệ) làm Tuyên Phi. Từ đó Đặng Thị (Huệ) ra sức xây dựng phe cánh ngày một mạnh. Ở ngoài , (phe cánh của Đặng Thị Huệ) lại có (Hoàng) Đình Bảo giúp sức, bởi vậy, (Đặng Thị Huệ) ngầm nuôi chí lập mưu cướp ngôi Thế Tử cho con là (Trịnh) Cán. (Trịnh) Khải lấy đó là mối lo. Khi (Trịnh) Sâm bị bệnh, (Trịnh) Khải nhiều lần vào tẩm thất để chầu và thăm hỏi, nhưng thường bị quân canh cửa ngăn lại, không cho vào.

Lúc ấy, ở ngoài phủ thường có tin đồn loan truyền rằng (Trịnh) Sâm bị bệnh rất nặng. (Trịnh) Khải bèn bàn mưu với gia thần là Đàm Xuân Thụ và hai tên đầy tớ là Thế và Thẩm (cả hai đều chưa rõ họ) như sau:

- Vương thượng mắc bệnh mà ta không được vào chầu. Vậy, nếu có biến cố tương tự như việc làm của tên Cao và tên Tư (chỉ hai đại thần của Tần Thuỷ Hoàng là Triệu Cao và Lý Tư đã phế truất ngôi Thái tử của Phù Tô để lập Hồ Hợi. Chuyện xảy ra khi Tần Thủy Hoàng đi tuần du ở Sa Khâu, bị bệnh mà mất - ND), thì ta phải toan tính như thế nào?

Bọn (Đàm) Xuân Thụ xin được bí mật sắm sửa vũ khí, chiêu mộ binh sĩ để chờ. Nếu trong phủ đường có sự chẳng lành (ý nói Trịnh Sâm mất - ND), thì lập tức đóng cửa thành, bắt giết (Hoàng) Đình Bảo và bắt Đặng Thị Huệ rồi cấp báo cho quan lại ở hai Trấn (Sơn Tây và Kinh Bắc, nơi quan trấn thủ vốn kình địch với Hoàng Đình Bảo - ND) đem binh mã về hộ vệ, thì ngôi chúa mới có thể vững vàng (trong tay Trịnh Khải) được. (Trịnh) Khải cho lời bàn ấy là đúng, bèn lén đến nhà viên Nội Thị là Chu Xuân Hán vay 1.000 lạng bạc để sắm sửa vũ khí và nuôi dũng sĩ. Bọn Trấn Thủ Sơn Tây là Nguyễn Lệ, từng làm (Tả) Tư Giảng cho (Trịnh) Khải, Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân, con nuôi của (hoạn quan) Nguyễn Phương Đĩnh, vốn là chỗ thân tình (của Trịnh Khải) nay đều được mật báo cho biết để sẵn sàng ứng phó.

Quan Đốc Đồng Kinh Bắc là Ngô (Thì) Nhậm từng giữ việc ngày ngày giảng sách cho (Trịnh) Khải cũng rất được (Trịnh) Khải thân yêu. Tên đầy tớ, cũng là học trò của (Ngô Thì) Nhậm lúc này đang giữ sách cho (Trịnh) Khải là Hà Như Sơn biết được cơ mưu, bèn đem nói với (Ngô Thì) Nhậm.

Bấy giờ có viên Cấp Sự Trung là Nguyễn Huy Bá, vốn tính ưa giảo hoạt, từng vì tội tham ô mà bị bãi chức. (Nguyễn Huy) Bá cho con dâu vào làm thị tì, hầu hạ Đặng Thị (Huệ), lại còn sai người thân tín vào cầu cạnh để làm môn hạ của Nguyễn Khắc Tuân (là kẻ đối nghịch với phe Đặng Thị Huệ - ND). Nhờ (kẻ thân tín làm môn hạ này mà Nguyễn Huy Bá) dò biết được cơ mưu, liền tố cáo ngay với Đặng Thị (Huệ). (Ngô Thì) Nhậm cũng muốn phụ họa với Đặng Thị (Huệ), bèn cùng với (Nguyễn) Huy Bá hợp mưu tố cáo rằng (Trịnh) Khải đã lén lút liên hệ với hai viên trấn thủ (Sơn Tây và Kinh Bắc) để làm chuyện phản nghịch. (Trịnh) Sâm giận lắm, cho triệu (Hoàng) Đình Bảo vào phủ để bàn về việc này. (Trịnh) Sâm muốn trị tội ngay, song (Hoàng) Đình Bảo can rằng:

- Sở dĩ (Trịnh) Khải dám làm chuyện ghê gớm này, chung quy cũng vì có hai viên Trấn thủ Sơn Tây và Kinh Bắc chủ mưu. Nay, cả hai người này đang cầm quân ở ngoài, nếu vội vàng trị tội (bọn phản nghịch ở bên trong) thì sợ là sẽ có biến cố khác. Vậy chi bằng hãy triệu hết hai viên trấn thủ ấy về triều rồi sau này trị tội cũng không muộn.

(Trịnh) Sâm cho lời ấy là phải, bèn hạ lệnh triệu hồi Trấn thủ Sơn Tây là Nguyên Lệ về kinh. (Nguyễn) Lệ về đến nơi, (Trịnh) Sâm an ủi có phần hơn trước. Mấy hôm sau, (Trịnh Sâm) bí mật bắt hết bè đảng của (Nguyễn) Lệ, đồng thời, cho triệu Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Khắc Tuân về triều. (Nguyễn Khắc) Tuân vừa về, (Trịnh Sâm) sai bắt giam cùng với Nguyễn Lệ và Nguyễn Phương Đĩnh, sai (Ngô Thì) Nhậm cùng với viên hoạn quan là Phạm Huy Thức tra khảo. Bấy giờ, (Ngô Thì) Nhậm vì cha mất, phải về chịu tang nên (chúa Trịnh) dùng Lê Quý Đôn để thay. Bọn (Đàm) Xuân Thụ, Thế và Thẩm đều nhận tội. (Trịnh) Sâm giáng (Trịnh) Khải xuống làm con út và bắt giam ở nội phủ. Bọn (Đàm) Xuân Thụ bị giết. Nguyễn Lệ và Nguyễn Khắc Tuân bị tống giam vào ngục, còn (Nguyễn) Phương Đĩnh bị kết tội nuôi dưỡng Trịnh Khải không nên người, bị lột hết chức tước và đuổi về làng. (Nguyễn) Khắc Tuân và Chu Xuân Hán đều uống thuốc độc mà chết.

Trịnh Khải bị phế, chỉ được ở ngôi nhà ba gian, ăn uống đi lại đều không được tự do, người người đều ái ngại, nhưng không ai dám nói. Bấy giờ, có viên Tri châu là Lê Vĩ, dâng thư nói rằng (Trịnh) Khải mắc oan, nhưng thư ấy cũng không được Trịnh Sâm ngó tới.

Trước khi Ngô (Thì ) Nhậm tố cáo về cơ mưu của (Trịnh) Khải, có đem bàn với cha là Ngô (Thì) Sĩ. (Ngô Thì) Sĩ cố sức ngăn, từng lấy thân mạng để thề bồi với con nhưng vẫn không được (Ngô Thì) Nhậm nghe. Đến khi hay tin (Ngô Thì) Nhậm đã tố cáo thì (Ngô Thì) Sĩ buồn bực mà uống thuốc độc tự tử. (Ngô Thì) Nhậm, vì có công tố giác, được thăng làm Hữu Thị Lang Bộ Công, nhưng thiên hạ lúc ấy lại có câu rằng Sát Tứ Phụ Nhi Thị Lang, nghĩa là giết bốn người cha mà làm Thị lang. (Bốn người cha ở đây gồm có: Ngô Thì Sĩ là cha ruột, Nguyễn Lệ, Nguyễn Khắc Tuân và Nguyễn Phương Đĩnh là bạn của cha, cũng kể như cha. Lại cũng có người nói Ngô Thì Sĩ là thân phụ, Trịnh Khải là quân phụ. Nguyễn Khắc Tuân và Chu Xuân Hán là phụ chấp - ND).
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân