REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

6/3/2019

 
Picture
“…Bảy lần bị trách phạt, trước sau mức độ tuy có khác nhau nhưng lỗi của Phan Thanh Giản thì gần như chỉ có một, ấy là sự bất cẩn.
Thường dân mà bất cẩn thì hại nhà, nhiều lắm cũng chỉ hại làng hại xóm. Nhưng là quan mà bất cẩn thì hại nước, hại dân, mức độ thật khó mà lường được.
Không thể đổ hết trách nhiệm để mất nước cho Phan Thanh Giản, nhưng, trong số những người phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về đại họa mất nước,
​hẳn nhiên phải có Phan Thanh Giản…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

​​“PHAN THANH GIẢN BẢY LẦN BỊ TRÁCH PHẠT”
Phan Thanh Giản sinh năm Bính Thìn (1796) tại làng Tân Thạnh, huyện Bảo An (nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tiên tổ Phan Thanh Giản vốn gốc Trung Quốc, mới di cư sang nước ta từ cuối thời Minh, đầu thời Thanh. Lúc đầu, họ Phan định cư ở Bình Định, mãi đến khi phong trào Tây Sơn bùng nổ, họ Phan mới di cư vào Bảo An.

Thuở nhỏ, Phan Thanh Giản đã nổi tiếng văn chương. Năm Ất Dậu (1825), ông đỗ Á Khoa, khoa thi Hương tại trường Hương - Gia Định. Năm Bính Tuất (1826), ông đỗ Tiến Sĩ, và ông là người đổ Tiến Sĩ đầu tiên của đất Nam Kì Lục Tỉnh.

Phan Thanh Giản làm quan trải thờ ba đời vua là Minh Mạng (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883), với nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng Thư Bộ Hình, Thượng Thư Bộ Lễ, Thượng Thư Bộ Hộ. Thời Tự Đức, Phan Thanh Giản là Cơ Mật Đại Thần, Hiệp Biện Đại Học Sĩ, từng cầm đầu phái bộ sứ giả của nước ta sang Pháp. Năm Đinh Mão (1867), Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự tử, hưởng thọ 71 tuổi.

Từ khi ra làm quan, Phan Thanh Giản đã tiến rất nhanh trên hoạn lộ, nhưng cũng chính trên hoạn lộ, Phan Thanh Giản đã gặp không ít gian truân và cuối cùng, ông đã tự giải thoát bằng liều thuốc độc. Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhị Tập Quyển 26) đã dành một đoạn khá dài đề viết về Phan Thanh Gián. Nay, xin theo đó để lược thuật bảy lần Phan Thanh Giản bị trách phạt như sau:

- Lần thứ nhất xảy ra vào năm Minh Mạng thứ mười hai (1831). Bấy giờ có cuộc nổi dậy của đồng bào các dân tộc ít người ớ Quảng Nam. Phan Thanh Giản được lệnh đem quân đi đánh nhưng vì thua trận nên bị cách chức, bắt phải lập công để chuộc lỗi lầm. Năm sau (1832), ông được phục chức.

- Lần thứ hai xảy ra vào năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836). Năm này, vua Minh Mạng cho là đất nước thái bình nên định di tuần du ở Quảng Nam. Phan Thanh Giản dâng sớ can ngăn, khiến vua không vui. Nhà vua phái quan Ngự Sử là Vũ Duy Tân đến Quảng Nam xem xét. Vũ Duy Tân đi về tâu rằng, nhân dân mong nhà vua tới, còn quan lại ở Quảng Nam thì làm việc lười biếng lại còn tham nhũng. Vua giận, giáng chức của Phan Thanh Giản, bắt phải vào Quảng Nam cố sức làm việc để sửa lỗi. Hai tháng sau Phan Thanh Giản lại được phục chức.

- Lần thứ ba xảy ra vào năm Minh Mạng thứ mười chín (1838). Lúc này, Phan Thanh Giản đang giữ chức Thự Thị Lang Bộ Hộ. Một hôm, Nhà vua phát hiện có tờ sớ của địa phương gửi về tâu việc thuộc lãnh vực của Bộ Hộ. Sớ ấy, Nhà vua đã có lời phê, giao xuống cho Bộ Hộ vào đúng ngày trực của Phan Thanh Giản nhưng Phan Thanh Giản lại quên không đóng đấu ấn vào. Vì việc này, ông lại bị giáng chức, buộc phải ra Thái Nguyên làm việc một thời gian.

- Lần thứ tư xảy ra vào năm Minh Mạng thứ hai mươi (1839). Năm này, Phan Thanh Giản giữ chức Thị Lang Bộ Hộ. Ông và một vị quan trong triều là Vương Hữu Quang, vốn người cùng làng với nhau. Vương Hữu Quang tâu việc bị coi là càn quấy nên triều đình định xử tội nặng. Nhờ được Phan Thanh Giản tìm cách che chở nên Vương Hữu Quang chỉ bị xử nhẹ. Việc đến tai Vua. Vua cho Phan Thanh Giản là kẻ binh vực người cùng làng nên giáng chức của ông, bắt ra coi việc ở nhà kho.

- Lần thứ năm xảy ra vào năm Minh Mạng thứ hai mươi mốt (1840). Lần này, Phan Thanh Giản được cử làm Phó Chủ Khảo trường thi Hương ở Thừa Thiên. Bấy giờ, có Mai Trúc Tùng làm bài phú bị trùng vần mà Phan Thanh Giản không biết. Sau, các quan ở Bộ Lễ phát hiện ra, vì thế, Phan Thanh Giản bị giáng một cấp. Nhưng, cũng chẳng bao lâu sau đó, ông được phục chức và được thăng làm Thự Thị Lang Bộ Binh.

Suốt thời Thiệu Trị rồi suốt hơn một chục năm đầu thời Tự Đức, hầu như Phan Thanh Giản không bị trách phạt gì, lại còn được liên tiếp thăng chức. Nhưng, chẳng ai ngờ kết cục bi thảm đang chờ ông.

- Lần thứ sáu xảy ra vào năm Tự Đức thứ mười lăm (1862), Lúc này, thực dân Pháp đã ngang nhiên nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình Tự Đức bàn nên thương lượng với Pháp, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp xin tình nguyện đi. Đến Gia Định, chính Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã kí hòa ước Nhâm Tuất (1862), cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kì là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp, lại còn chấp thuận bồi thường cho Pháp 4.000.000 đồng chiến phí! Bởi việc này, Phan Thanh Giản bị quở, bị cách chức nhưng vẫn lưu lại để làm việc như cũ. Năm sau (1863), ông được sung làm Chánh Sứ sang Pháp và đến năm 1864 thì ông được thăng làm Thượng Thư Bộ Hộ.

- Lần thứ bảy xảy ra vào năm Tự Đức thứ hai mươi mốt (1868), tức là đúng một năm sau khi Phan Thanh Giản đã qua đời. Trước đó, Phan Thanh Giản được vua Tự Đức giao trách nhiệm thương lượng với người Pháp thêm một lần nữa. Nhưng, người Pháp đã bất chấp mọi lời đề nghị. Năm 1867, đến lượt ba tỉnh miền Tây Nam Kì là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên lại lọt vào tay thực dân Pháp. Phan Thanh Giản đau xót, hoang mang và hoảng sợ. Rốt cuộc, ông đã nhịn ăn và uống thuốc độc để tự tử. Vua Tự Đức hạ lệnh truy tước hết mọi chức hàm của ông, đồng thời, đục bỏ tên ông ở bia Tiến Sĩ.
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân