REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

9/3/2019

 
Picture
“…Bốn lần dâng sớ, bốn lần thẳng thắn chỉ trích lỗi lầm của vua,
​chừng ấy cũng đủ nói Thân Văn Nhiếp là vị quan rất cương trực,
so với cha của ông là Thân Văn Quyền, thì ông quả là hơn xa…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”)

​“THÂN VĂN NHIẾP BỐN LẦN DÂNG SỚ CAN VUA”
Thân Văn Nhiếp sinh năm Quý Sửu (1793), mất năm Tân Dậu (1861) thọ 68 tuổi. Ông người làng Yên Lỗ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, là con của Thân Văn Quyền, em của Thân Văn Soạn, Thân Văn Duy, là anh của Thân Trọng Tiết, và là ông nội của Thân Trọng Cảnh. Năm Thiệu Trị thứ nhất (Tân Sửu, 1841), Thân Văn Nhiếp đỗ thủ khoa trường Hương Thừa Thiên, từ đó, ông bắt đầu cuộc đời làm quan, từng trải thờ hai đời vua là Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Khác với cha là Thân Văn Quyền, lí lịch một đời làm quan của Thân Văn Nhiếp trong sạch hơn nhiều. Ông là người thanh liêm và đặc biệt là rất cương trực. Thời Tự Đức, ông đã bốn lần dâng sớ can vua, lời lẽ nhún nhường rất chừng mực nhưng cũng rất kiên quyết. Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhị Tập, Quyển 28) đã trân trọng ghi lại những lời sớ của ông. Nay, xin theo sách này giới thiệu lại như sau:

Tờ sớ thứ nhất, Thân Văn Nhiếp dâng vua Tự Đức năm Nhâm Tí (1852). Bấy giờ, ông đang giữ chức Thự Án Sát Bình Định. Nghe tin vua Tự Đức cho xây đựng nhiều lâu đài cung điện và những nơi ăn chơi, ông dâng sớ can ngăn rằng : "Nói là nơi tiêu khiển nhất thời, vậy mà sao làm nhà thuỷ tạ hứng mát lại kéo dài nhiều tuần? Làm vườn sau đua ngựa, tiếng là để khó nhọc tập luyện võ nghệ mà thực chỉ là nơi rong ruổi chơi vui. Đến như việc xây đắp từng có lệnh hoãn, sao có lúc vẫn thấy làm? Khi gỗ đã cạn sao nỡ ép mua giá hạ của dân, khiến cho dân quẫn bách? Binh lực giờ đây đã mỏi mệt, nghiêm lệnh không được trốn tránh, nhưng xem ra thì họ còn đó cũng như không vậy. Lại nói gần đây, triều đình cho người đi mua hàng hóa của nhà Thanh, hàng năm tốn đến bạc vạn, đã thế lại còn cho người đi hỏi han châu báu khắp các tỉnh. Ai tâu điều gì thì vặn hỏi bắt trả lời, như vậy, người cương trực thì thấy là thánh minh khoan dung (muốn rõ sự lí), nhưng, những người thấp kém hơn thì lại vì thế mà ngần ngại. Hẳn nhiên, cao thấp khó sánh, nhưng, lời trái ngược nhau không phải là không có chút ích lợi gì. Nếu (bệ hạ) cứ vặn hỏi, sau, dẫu ai có muốn tâu cũng đều sợ bị tội, như thế thì chưa phải là thông suốt đạo trị nước và hiểu tình của kẻ dưới vậy. Nay, xin triệt bỏ nhà thủy tạ, bãi bỏ hết mọi việc xây cất, hủy vườn đua ngựa và cũng chẳng cần đến ngựa hay, bỏ luôn việc đặt giá ép mua của dân để giảm khổ đau cho họ, đồng thời, xin lánh xa bọn con hát, lắng nghe lời đoan chính. Quần thần có tâu điều gì dùng được thì tiếp nhận. không dùng được thì bỏ đó. Người đời có câu: Cầu trời ở trời chẳng bằng cầu trời ở tâm".

Vua Tự Đức nhận tờ sớ này, quở trách Thân Văn Nhiếp, cho là chỉ nói việc cũ, lời lẽ sáo rỗng và hủ lậu, nhưng cũng không bắt tội ông.

Tờ sớ thứ hai, Thân Văn Nhiếp dâng vua Tự Đức vào năm Ất Sửu (1865). Bấy giờ, triều đình cho rằng không nên cấm thuốc phiện mà nên cho dân sản xuất và buôn bán thuốc phiện. Nhà nước chỉ nên đánh thuế thật nặng vào nghề sản xuất và kinh doanh đặc biệt này mà thôi. Lúc này, Thân Văn Nhiếp đang là quan Tổng Đốc Bình Phú. Ông đã ba bốn lần dâng lời can ngăn, nhưng, sớ của ông bị bỏ, không được xét đến để thi hành.

Tờ sớ thứ ba, Thân Văn Nhiếp dâng vua Tự Đức vào năm Bính Dần (1866). Lúc này, ông đang giữ chức Tuần Phủ. Nghe tin ở kinh thành Huế có cuộc nổi dậy của binh lính và dân phu đang xây Vạn Niên Cơ, do Đoàn Trưng cầm đầu, Thân Văn Nhiếp vội dâng vua tờ sớ, đại ý nói: "Thần nghe: Có sự ngang trái, bậc quân tử mới tỏ được cái đức của mình. Nhà nước ta, từ tám chín năm nay luôn có biến cố, trong thì lụt lội, hạn hán và dịch tật, ở ngoài thì cả phía Nam lẫn phía Bắc đều bị giặc xâm lấn tơi bời, khiến triều đình phải bồi thường chiến phí và cắt đất cho giặc. Đây chính là lúc kẻ làm tôi, làm con phải dốc sức hiến thân, và cũng là lúc nhà vua nên nằm gai nếm mật. Thế mà, thấy những việc tai biến lại cho là ngẫu nhiên, chưa hề thấy thực tâm tu tỉnh hay bổ cứu. Nay, pháp lệnh thay đổi, chỉ so đo về lợi lộc, chẳng thấy lo tính việc xa. Gần đây, ngay ở kinh sư mà có nghịch án lớn xảy ra. Thế mới biết biến cố xảy ra có thể ở bất cứ chỗ nào, từ bất cứ việc gì, cho nên, ở bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì cũng đều phải kính cẩn. Kinh Thư có câu: Oan không tự sinh ra ở nơi sáng tỏ, cho nên, chưa có nỗi oan cũng phải toan tính đến  lúc có nỗi oan vậy. Chính sự của ta hay dở thế nào, nước láng giềng đều có thể lợi dụng kẽ hở để can thiệp, thật đáng sợ lắm. Nơi cung khuyết chín tầng tôn nghiêm, xin bệ hạ hãy dốc lòng cố gắng. Hãy thương lấy xứ Nam đang bị giặc phá hủy. Khi ăn của ngon vật lạ thì xin hãy nghĩ xem thổ sản ở Nam Kì có còn hay không; khi ngắm nghía lầu gác ở lăng tẩm rực rỡ thì xin hãy nghĩ đến mồ mả của dân Nam Kì đã bị giặc phá; lúc vỗ về dân chung quanh kinh đô thì xin hãy nghĩ đến Nam Kì, xem có ai cần chẩn cấp không... Nghĩ đi rồi nghĩ lại, việc tự nhiên có thể cảm hóa lòng thánh thượng, khiến có thể lo xa, bỏ việc không cần kíp, ban hành chính sách tốt đẹp, dùng người và dùng quân đều kiệm ước, tránh xa xỉ: Đẩy xe xa vết cũ, thì tất cả sẽ tốt đẹp. Nhưng, trước hết xin hãy bãi bỏ việc đi Đông đi Tây, triệu những người sai đi mua vật phẩm trở về, rút hết tàu thuyền về cửa Thuận An để lo phòng bị tuần tiễu. Với những binh lính đang bị sai làm các việc, xin hãy khoan thư cho họ, chớ đốc thúc, chỉ mong làm sao để họ thực tâm làm. Tiếng tốt lan tới đâu, lòng người sẽ vui thuận đến đó. Lòng người đã vui thuận thì trời ắt cũng giúp cho, khiến cho gốc của nước được vững bền và yên ổn mãi mãi. Người xưa có câu rằng: Có vượt được hoạn nạn mới dựng được nước, có lo nghĩ nhiều mới có thánh đức, đại để là như thế. Nếu bệ hạ coi lời ấy là tầm thường thì mối lo về sau chưa hẳn đã dứt. Thần tuổi già lại bệnh hoạn, há dám nghĩ đến việc rút lui, chẳng qua vì tấm lòng khuyển mã, không thể không dâng lời đó thôi. Cúi mong bệ hạ rủ lòng thương mà soi xét, nếu được chỗ nào thì xin mau cho thi hành, nếu cho là lời nói càn thì xin đem cách chức, phận làm tôi như thần không dám trách cứ gì".

Tờ sớ này được vua khen, nhưng vẫn không cho thi hành.

Tờ sớ thứ tư, Thân Văn Nhiếp dâng vua Tự Đức vào năm Đinh Mão (1867). Lúc này, ông được thăng chức Thự Tổng Đốc. Thấy vua thường ngao du, xem việc xây cất, Thân Văn Nhiếp tâu rằng: "Từ xưa, đấng trị nước mà siêng năng chăm chỉ thì thường lo về sự nguy biến, còn người lười biếng, thích vui chơi thì chỉ thấy yên ổn. Thường thấy nguy biến là gốc của thịnh trị, thường thấy yên ổn là gốc của họa loạn." Ông cực lực phê phán việc xây cất Vạn Niên Cơ và các công trình khác. Vua nhận lỗi nhưng không sửa, lại thăng cho Thân Văn Nhiếp được chính thức làm Tổng Đốc.
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)


Comments are closed.

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân