CHÚNG TA PHẢI TRỞ NÊN VÔ CẢM ĐỐI VỚI TỘI LỖI Và Nhạy Cảm Đối Với Tiếng Phán Của Đức Chúa Trời! “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Rô. 6:11) “Mức sống mà chúng ta đang than phiền lắm khi lại là ước mơ mà người khác vẫn cứ còn phải ấp ủ!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng.” (1Ti. 6:8) “… Thời Phùng Khắc Khoan là thời nhà Lê mới hưng phục, ứng xử của phái bộ sứ giả lúc này, dẫu muốn hay không, cũng đều can hệ tới vận mệnh của nhà Lê. Đáng khen thay Phùng Khắc Khoan, người đã xứng đáng với niềm tin cậy của triều đình đương thời…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) HOÀNG GIÁP PHÙNG KHẮC KHOAN VỚI CHUYẾN BẮC SỨ NĂM 1597 Phùng Khắc Khoan (1528-1613), quê ở Phùng Xá, huyện Thạch Thất (nay thuộc tỉnh Hà Tây), nguyên là học trò của trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Năm 1550, Phùng Khắc Khoan vào Thanh Hoa, cùng với các cựu thần nhà Lê chống lại nhà Mạc. Năm 1580, Phùng Khắc Khoan đỗ Hoàng giáp và trở thành một trong những quan lại cao cấp của Nam Triều. Bình sinh ông từng giữ chức thượng thư bộ Hộ và bộ Công và từng cầm đầu phái bộ sứ giả nước ta sang Trung Quốc. Lúc về hưu, Phùng Khắc Khoan đã tận tụy chỉ dẫn cho dân làng cách xây dựng hệ thống tưới tiêu, và đặc biệt, ông đã dạy cho dân Phùng Xá học nghề dệt vải, khiến cho dân Phùng Xá nổi tiếng với nghề thủ công đặc biệt này. Ngày mười tháng Tư năm Đinh Dậu (1597), triều đình cử một phái bộ sứ giả sang Trung Quốc để nạp cống và cầu phong. Chánh sứ của phái bộ này là Công Bộ tả thị lang Phùng Khắc Khoan và phó sứ là thái thường tự khanh Nguyễn Nhân Thiêm. Chuyến Bắc sứ này kéo dài tổng cộng gần một năm rưỡi và Phùng Khắc Khoan đã hoàn thành tốt đẹp phận sự của mình, để lại tiếng thơm ngàn đời trong sử sách. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXX, Tờ 26) chép như sau: "Trước đây (chỉ tháng Tư năm 1597, vì đoạn này chép việc của tháng 12 năm 1598 - ND), sứ thần là Phùng Khắc Khoan đem phẩm vật sang Yên Kinh (Trung Quốc - ND) để cống nạp. Vua Minh rất bằng lòng, hạ chiếu phong vua Lê làm đô thống sứ của An Nam Đô Thống Sứ Ti, được cai quản nhân dân trong nước và được ban một quả ấn bằng bạc trên có khắc chữ An Nam, sai Phùng Khắc Khoan mang về. Phùng Khắc Khoan dâng sớ biện bác rằng: - Họ Lê là dòng chính thống của nước An Nam, vì giận kẻ bề tôi là họ Mạc bạo ngược tiếm ngôi cướp nước, nên cam chịu nếm mật nằm gai, quyết chí khôi phục cơ nghiệp của tổ tông. Họ Mạc vốn đời đời làm tôi mà dám giết vua cướp nước, rõ là có tội với thiên triều mà vẫn được phong chức đô thống một cách ám muội. Nay, họ Lê không phải là người có tội như họ Mạc mà vẫn phải nhận chức ngang với họ Mạc, thế nghĩa là sao? Xin bệ hạ soi xét lại. Vua Minh thấy thế, dụ bảo rằng: - Chúa của ngươi không phải như họ Mạc, nhưng vì mới khôi phục được nước, lòng người chưa yên, thì hãy tạm nhận chức đô thống, quản lí việc nước, sau sẽ gia phong cũng chưa muộn gì. Bấy giờ, Phùng Khắc Khoan mới chịu lạy nhận sắc phong mang về. Khi sứ bộ về đến Nam Quan, quan tả giang binh tuần đạo của nhà Minh là Trần Đôn Lâm, sai liêu thuộc là Vương Kiến Lập, nhân thể, đem công văn đến nước ta. Triều đình sai hữu tướng là Hoàng Đình Ái và Thái bảo là Trịnh Nành, lo chuẩn bị nghi trượng để đón tiếp. Nhà vua thân hành sang sông (chỉ sông Hồng - ND), tới bến Bồ Đề lạy nhận chiếu thư và rước về nội điện. Khi thấy quả ấn (nhà Minh ban cho) là quả ấn làm bằng đồng mạ bạc, nhà vua liền sai viết tờ tấu thư, giao cho Vương Kiến Lập chuyển đạt lên vua Minh. Sau, vua nhà Minh sai quan lại đến đổi cho quả ấn khác." Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, Tờ 60a) cho biết thêm: "(Phùng) Khắc Khoan đến Yên Kinh vào đúng tiết Vạn Thọ của vua Minh, nhân đó, ông làm ba chục bài thơ để mừng. Quan anh vũ điện đại học sĩ, hàm thiếu bảo, kiêm thái tử thái bảo, chức Lại Bộ thượng thư của nhà Minh là Trương Vị đem tập thơ Vạn Thọ ấy dâng lên. Vua Minh cầm bút phê rằng: - Trẫm đọc thơ này, thấy rõ lòng thành của Phùng Khắc Khoan thật đáng khen ngợi. Nói rồi, vua Minh sai người đưa xuống khắc in tập thơ (của Phùng Khắc Khoan) để lưu hành trong nước. Bấy giờ, sứ thần của Triều Tiên là hình tào tham phán Lý Toái Quang đề tựa cho tập thơ này”. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA PHẢI ĐỔI MỚI ĐỜI SỐNG TỪ TRONG TẤM LÒNG Thể Theo Cuộc Giao Ngộ Với Đức Chúa Jêsus Christ! “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2Cô. 5:17) “Người ta được theo Chúa và theo Chúa được là nhờ sự tha thứ của Ngài.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1Gi. 1:9) “…Thời nhà Mạc còn thịnh vượng, trên gồm đủ triều đình và bá quan văn võ, dưới có quân mạnh và tướng tài, vậy mà vẫn còn chịu thua Nam Triều, huống chi là thời mạt vận của nhà Mạc. Nổi binh chống Nam triều lúc này, Mạc Kính Dụng quả là không thức thời chút nào cả…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) MẠC KÍNH DỤNG BỊ MẮC MƯU Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, từ Tờ 65a đến Tờ 66b) chép rằng: "Con của Hùng Lễ Hầu (tức Mạc Kính Chỉ - ND) là Mạc Kính Dụng, họp đảng ở huyện An Bác (nay thuộc Lạng Sơn - ND), ngụy xưng là Uy Vương. Vì thua luôn lại thiếu ăn nên hắn âm mưu giết viên thổ quan Phú Lương Hầu (chưa rõ họ tên) để cướp lấy đất đai và dân vùng này, nhưng Phú Lương Hầu biết được nên mưu ấy không thành. Mạc Kính Dụng bèn đem quân đến bức bách, Phú Lương Hầu dã dùng mẹo để đánh lừa. Trước hết, ông sai vợ con ra đón (Mạc Kính Dụng) để xin hàng, vờ thú tội rằng: - Đại Vương quyền cao chức trọng, binh lính nhiều, kẻ theo hầu phục dịch ai cũng oai hùng gan dạ. Chồng thiếp chỉ là một người nhà quê, chưa từng thấy dụng binh lớn như thế này bao giờ, cho nên, vừa nghe có quân của Đại Vương tới, chồng thiếp đã kinh hoàng sợ hãi, liền sai thiếp đi đón thay, xin Đại Vương đóng yên dinh trại ở ngoài cõi, ban lệnh nghiêm cấm, chấn chỉnh quân sĩ cho nghiêm, cố giữ dinh lại thật cẩn thận để lỡ quân triều đình có đến thì chống lại. Xong, xin Đại Vương tự chọn lấy tay chân thân cận, chẳng qua độ vài chục người, theo thiếp vào nhà, thiếp sẽ lập tức dẫn chồng ra lạy chào và dâng nạp đất đai cũng như dân chúng trong vùng. Uy Vương nghe nói thì cả mừng, lập tức chọn bốn mươi người tay chân và con em thân cận, vào thôn của Phú Lương Hầu. Phú Lương Hầu sai quân canh giữ, đóng kín hết các cửa ải, rồi ra đón tiếp, quỳ lạy trước mặt Uy Vương và nói: - Thần ở nơi xa xôi hẻo lánh, lương đủ nhưng binh ít, Đại Vương có thể tạm yên thân nơi này, nuôi quân và dưỡng sức để chờ thời, nhân thể chiêu dụ các châu huyện khác, tuyển chọn thêm sĩ tốt thì có thể phục hưng được cơ nghiệp xưa. Nay, thần có một lũng núi xa, rất sâu và rất hiểm, đại vương nên đem vài người tới chiếm giữ chỗ sâu và hiểm ấy, thần sẽ lo cung cấp hầu hạ, còn các tướng hiệu khác thì hãy tạm ở trong thôn của thần, thần sẽ lo cấp dưỡng và cùng lo liệu việc lớn sau này. Uy Vương nghe vậy, tự đem bốn năm mươi người tay chân thân tín đi chiếm lũng núi. Phú Lương Hầu lập tức sai người bí mật thủ tiêu hết cả bốn chục con em và tay chân thân tín của Uy Vương mà Uy Vương không hay, đồng thời, sai người gấp chạy về kinh đô xin quân cứu viện để bắt Uy Vương. Lúc ấy, Tiết chế Trịnh Tùng sai bọn Đô đốc là Lâm Quận Công, Quảng Quận Công và Hoa Dương Hầu đem quân đến thôn của Phú Lương Hầu thì quả nhiên bắt được Uy Vương giải về kinh đô. Sau, (triều đình) xét công ban thưởng, Phú Lương Hầu được thăng chức Tổng Binh". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA PHẢI BIẾT NƯƠNG CẬY ĐỨC CHÚA TRỜI Cách Đẹp Ý Ngài! “Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện.” (1Phi. 5:7) “Khi được ai chỉ cho thấy một điều gì, đừng chỉ nhìn vào điều ấy mà cũng phải nhìn vào người ấy nữa!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé.” (Ma. 7:15) “…Họ Lê và họ Mạc công kích nhau, rốt cuộc, chỉ có nhà Minh là thủ lợi…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) BANG GIAO THỜI LOẠN Trong thời Nam Bắc Triều, triều Mạc (Bắc Triều) và triều Lê (Nam Triều), tuy coi nhau là kẻ thù không đội trời chung, nhưng cả hai đều thần phục nhà Minh và cố tìm mọi cách để được nhà Minh ban sắc phong cho mình. Hai bên biết rõ ý định cũng như mặt mạnh và mặt yếu của nhau, cho nên đã không ngần ngại tung ra các thủ đoạn để phá hoại lẫn nhau. Nói khác hơn, ngay cả trong lĩnh vực bang giao với nhà Minh, Nam triều và Bắc triều cũng có một cuộc chiến thực sự. Một trong những đỉnh cao ác liệt của cuộc chiến tranh này là sự kiện năm Bính Thân (1596). Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, Tờ 55b và 56a) chép như sau: “Bấy giờ, bọn bề tôi nhà Mạc dùng nhiều quỷ kế đề tố cáo với nhà Minh rằng: - Cái gọi là nhà Lê hiện thời, thực chất chỉ là của họ Trịnh. Chúng làm việc tranh giành, dấy binh để giết bề tôi đã thần phục của thượng quốc (ý nói giết dòng dõi của họ Lê - ND) và con cháu của họ Mạc chứ chẳng phải là quân lo hưng phục nhà Lê. Vì lời tố cáo ấy, nhà Minh đã nhiều lần sai sứ tới cửa ải trấn Nam Giao (tức cửa ải Mục Nam Quan ngày nay - ND), mang điệp văn sang và hẹn đến cửa ải hội khám xem thực hư thế nào. Ngày hai mươi chín (tháng Giêng năm Bính Thân, 1596 - ND), vua Lê sai Hộ Bộ Thượng Thư kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, tước Thông Quận Công là Đỗ Uông, cùng với quan Đô Ngự Sử ở Ngự Sử Đài là Nguyễn Văn Giai, đi làm quan hầu mệnh, đến cửa ải trấn Nam Giao để trao đổi điệp văn và thư từ qua lại với viên Tả Giang Binh Tuần Đạo (của nhà Minh) là Trần Đôn Lâm, lời lẽ rất khiêm nhường. Sau, (vua Lê) lại sai quan hữu tướng là Hoàng Đình Ái, mang quân đến Lạng Sơn để làm hậu ứng, sai tộc mục là hoàng huynh Lê Ngạnh, hoàng huynh Lê Lựu, cùng với Công Bộ Thị Lang là Phùng Khắc Khoan, mang ấn An Nam Đô thống sứ ti và hai tờ có in mẫu ấn bằng mực của An Nam Quốc Vương trước, một trăm cân vàng, một ngàn lạng bạc và mấy chục kì lão lên tận cửa ải trấn Nam Giao để chờ hội khám. Ngày mồng một tháng Hai, quan tả giang binh tuần đạo, kiêm án sát đề hình sứ ti, phó sứ Trần Đôn Lâm gởi điệp văn, đòi Vua phải thân hành tới cửa ải trấn Nam Giao để cùng hội khám. Ngày mồng năm (tháng Giêng năm Bính Thân - ND), Vua đích thân đốc suất bọn hữu tướng là Hoàng Đình Ái, thái úy là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Hữu Liêu, thái phó là Trịnh Đỗ và tướng lĩnh cùng binh lính, tổng cộng hơn một vạn người đến cửa ải trấn Nam Giao để hẹn ngày hội khám, nhưng lúc ấy nhà Minh tìm cớ dây dưa thoái thác, chỉ đòi lấy người vàng, ấn vàng theo lệ cũ, không đến khám, thành ra quá cả kì hạn". Tháng Chạp năm Bính Thân (1596), vua Lê lại sai quan hộ bộ thượng thư, kiêm Đông Các Đại Học Sĩ, tước Thông Quận Công là Đỗ Uông đi làm quan hầu mệnh, cùng đi còn có Quảng Quận công là Trịnh Vĩnh Lộc. Cũng sách trên (Tờ 58b) chép: "Lúc ấy, viên thổ quan đất Long Châu của nhà Minh, vì nhận nhiều của đút lót của họ Mạc, nên cứ về hùa với họ Mạc mà thoái thác, khiến cho việc chẳng thành, trong khi đó, Tết Nguyên Đán cũng đã đến, bọn Đỗ Uông và Vĩnh Lộc đành phải về kinh". Sau nhiều phen hối lộ, tốn phí không biết bao nhiêu là của cải, đến tháng Tư năm Đinh Dậu (1597), mối bang giao giữa nhà Lê với nhà Minh mới trở lại bình thường. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “TƯỜNG ÐỔ” Nước Tống có người nhà giàu. Một hôm trời mưa, tường nhà anh ta đổ. Ðứa con nói: "Thưa cha, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào." Người láng giềng thấy tường đổ, cũng nói: "Này bác, không đắp ngay tường lại, e có trộm vào." Tường chưa kịp đắp, tối hôm ấy, nhà anh ta quả nhiên mất trộm thật. Anh ta khen đứa con là khôn ngoan biết trước, mà người láng giềng là gian giảo làm xằng. Cùng một câu nói: con nói thì khen là tinh khôn, láng giềng nói thì ngờ là trộm cắp, bởi tại cớ làm sao? Tại con thì tình thân, cho nên không có bụng ngờ, láng giềng là tình sơ, cho nên sinh ra ngờ vực. Thế cho nên phận sơ mà câu nói thân, thì thế nào cũng làm cho người nghe mình đem lòng nghi ngờ. (Hàn Phi Tử) Lời Bàn: Bài này cốt dạy ta phải thận trọng câu nói. Người láng giềng đây sở dĩ mà để người nhà giàu ngờ vực, là vì không được thân với người ta, mà nói một câu ra chừng thân lắm, muốn lo việc của người như việc của mình, coi việc thiết đến người cũng như thiết đến mình vậy. Cho nên gặp người đáng nói mà không nói là bỏ hoài mất một người, thì gặp người không đáng nói mà lại nói, chẳng những làm phí mất lời nói, mà lại để cho người ta sinh nghi tình ra nữa! (“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân) CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC PHÉP HAM HỐ Của Cải Đời Này! “Chớ tham tiền;hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.” (Hê. 13:5) “Người ta được phép chọn nói thẳng hay không nói thẳng nhưng không phải vì thế mà người ta có thể được phép chọn để nói dối!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Chớ trách kẻ nhạo báng, e nó ghét con; Hãy trách người khôn ngoan, thì người sẽ yêu mến con.” (Châm. 9:8) “Phan Ngạn giỏi trí trá, khéo dùng binh, đáng kể là tướng có tài; chỉ tiếc một điều là Phan Ngạn không thể nào làm nên đại cuộc vì ấy là buổi loạn cuộc!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) CHUYỆN PHAN NGẠN Phan Ngạn là tướng của Nam Triều, được Nam Triều phong tước Kế Quận Công. Năm 1592, Nam Triều kể như dã đè bẹp được Bắc Triều, tuy nhiên, dư đảng của họ Mạc vẫn còn hoạt động khắp miền Đông Bắc. Trước tình hình đó, Nam Triều cử Kế Quận Công là Phan Ngạn, đem ba trăm chiến thuyền, một trăm con voi và đông đảo lính thủy, lính bộ đi đàn áp. Cuối năm Ất Mùi (1595), Phan Ngạn đã có mặt ở Hải Dương. Ngày mồng ba Tết Bính Thân (1596), Phan Ngạn đã đụng độ một trận quyết liệt với đối phương. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển 17, Từ Tờ 53b đến Tờ 55a) chép như sau: "Khi ấy; Phan Ngạn đóng quân chưa yên chỗ, quân sĩ chưa kịp mặc áo giáp mà thuyền giặc đã tới ngoài cửa dinh, ai cũng luống cuống, chỉ có bốn mươi lăm người cùng đi với Phan Ngạn ra chống cự mà thôi. Có viên tướng (Nam Triều), người Giao Thủy là Lễ Quận Công, thấy thế giặc mạnh, tự liệu rằng quân ít, sức không chống nổi, đem quân của mình rút lui trước, Phan Ngạn cho là nhát gan, liền chém chết và rao cho mọi người biết. Nhờ vậy, ai cũng liều chết mà đánh. Đúng khi đó, có một đội thuyền nhẹ từ Tây Chân (thuộc Nam Hà cũ - ND) tiến ra. Tướng giặc ngờ là có quân cứu viện, liền tự tan vỡ, bỏ thuyền nhảy xuống sông chạy trốn. Phan Ngạn cho gọi các thuyền lớn nhỏ của mình, nhất loạt xông ra kịch chiến ở giữa sông, chém được tướng giặc là Ly Quốc Công, Thái Quốc Công, An Quốc Công, Thụy Quận Công... (tất cả đều không rõ họ tên) và hơn hai mươi viên tì tướng khác. Quân Phan Ngạn chém được 2.298 thủ cấp, thu thuyền bè khí giới nhiều không kể xiết, sau lại còn bắt sống được tướng giặc là Hào Quận Công (không rõ tên). Giặc tan tác chạy về bản quán của chúng. Ngay hôm ấy, tướng giặc là Hào Quận Công bị giải đến trước cửa quân. Phan Ngạn tự mình cởi trói (cho Hào Quận công) và dụ dỗ: - Muốn sống thì hãy làm người hướng đạo cho ta, bắt được Tráng Vương (chỉ Mạc Kính Chương, kẻ cầm đầu thế lực họ Mạc lúc ấy - ND) ta sẽ tha tội chết cho. Hào Quận công xin làm người dẫn đường, đem quân (Phan Ngạn) theo đường thủy mà men ra Quảng Yên, cố bắt Tráng Vương để báo đáp. Phan Ngạn chọn thuyền nhẹ và mấy trăm quân tinh nhuệ, cùng với năm chiến thuyền, mặc áo giáp che kín mình, giấu Hào Quốc công trong thuyền rồi ra đi. Ngày mồng bốn (Tết Bính Thân - ND) Phan Ngạn bàn với các tướng rằng: - Việc quân quý ở thần tốc. Ta lấy quân thắng trận, thừa thế chẻ tre mà tiến, đánh một trận mà thắng đến hai lần thì đó chính là trời đã giúp ta thành công to, đáng mặt để sánh với các danh tướng thuở xưa lắm. Tôi mong các tướng nghe lệnh, đồng tâm hiệp lực để lập công danh, tiễu trừ được giặc nguy thì công của bọn ta không gì to bằng. Các tướng đều nói: - Xin tuân lệnh. Hôm ấy, Phan Ngạn chọn các tráng sĩ, vờ mang sắc áo và màu cờ của quân (Tráng Vương) Mạc Kính Chương. Phan Ngạn tự làm tiền đội, quân thủy lục tục theo sau. Đến đêm, Phan Ngạn tự đi thuyền nhẹ, xông vào, qua được hai lần cửa. Người giữ cửa hỏi, Phan Ngạn nói: - Binh thuyền của Hào Quận Công đây. Nhân thắng trận, bắt được tướng giặc là Kế Quận Công (tức Phan Ngạn - ND) nên giải về để dâng nạp. Nhờ lời này mà quân phàn Ngạn qua được hết mấy lớp cửa rồi thẳng tiến, sau ba ngày đêm thì đến xã Hương Lan, châu Vạn Ninh. Mạc Kính Chương ngỡ là Hào Quận Công thắng trận trở về liền thân ra đón. Phan Ngạn thét: - Ta là Kế Quận Công đây. Bọn ngươi nên mau mau chịu trói để khỏi bị chém đầu. Kính Chương nghe nói, trở tay không kịp, bỏ thuyền chạy lên bờ, vừa đến giữa bãi cát thì bị quan quân bắt được. Cùng bị bắt với Mạc Kính Chương còn có vợ cả, vợ lẽ của y, cộng hai mươi người. Phan Ngạn sai chém bốn mươi tên dư đảng. Lúc ấy, quân lính (của Phan Ngạn) phần nhiều tranh nhau lấy của cải, bỏ mặc cho dư đảng (của Mạc Kính Chương) chạy tản mác vào rừng núi. Quân Phan Ngạn toàn thắng, một lúc hai trận, ai cũng vui mừng, khải hoàn về kinh đô, giải nạp Mạc Kính Chương ở dưới cửa khuyết. Hôm ấy Tiết chế Trịnh Tùng thưởng chiến công, ban cho Phan Ngạn một tấm thẻ bài bằng vàng, cân nặng mười lượng vàng ròng, thưởng cho các tướng sĩ đã chấp hành mệnh lệnh ba trăm cân bạc và đặt yến lớn để khao quân". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA PHẢI NHIỆT THÀNH NƯƠNG CẬY Ân Điển Của Đức Chúa Trời! “Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.” (Hê. 4:16) “Có khi bị đối phương khinh thường lại chính là được một lợi thế phi thường!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Kẻ nào khinh dể người lân cận mình thiếu trí hiểu; Nhưng người khôn sáng làm thinh.” (Châm. 11:12) “…Lời vàng ngọc rành rành trong sử sách, nhưng, những kẻ say sưa với cuộc tranh hùng, chỉ nhìn chăm chăm vào cổ đối phương để vung gươm lên chém, có ai ngó ngàng gì tới sử sách đâu…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) DI CHÚC CỦA MẠC NGỌC LIỄN Sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết, tôn thất nhà Mạc, có người thì theo về với Nam Triều, có người thì chạy trốn sang tận đất Long Châu (Trung Quốc) và thỉnh thoảng lại đem quân về cướp bóc, có người mai danh ẩn tích để chờ thời. Tháng Ba năm 1593, Mạc Ngọc Liễn bí mật lên vùng rừng núi Đông Bắc, dò tìm được Đôn Hậu Vương là Mạc Kính Cung (con của Mạc Kính Điển). Mạc Ngọc Liễn liền tôn Mạc Kính Cung lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Càn Thống. Dư đảng họ Mạc nghe tin này liền kéo nhau theo về. Vùng Đông Bắc lại thêm một phen binh lửa. Tháng Hai năm 1594, Mạc Ngọc Liễn bị đánh thua, phải chạy sang Tư Minh (Trung Quốc), xin làm bề tôi của nhà Minh, còn Mạc Kính Cung thì chạy đến Long Châu (Trung Quốc). Nhờ được sự trợ giúp của các quan biên ải nhà Minh, Mạc Ngọc Liễn và Mạc Kính Cung thỉnh thoảng lại đem quân về cướp phá, quấy nhiễu. Ngày hai tháng Bảy năm 1594, Mạc Ngọc Liễn bị bệnh mà mất, các con của Mạc Ngọc Liễn chạy sang với Mạc Kính Cung. Trước khi mất, Mạc Ngọc Liễn có để lại lời di chúc cho con cái và cho Mạc Kính Cung. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, Tờ 48b) chép về lời di chúc của Mạc Ngọc Liễn như sau: "Khi Ngọc Liễn sắp lâm chung, có di chúc để lại, khuyên Mạc Kính Cung rằng: Nay, khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là bởi số trời đã định. Dân chúng vô tội mà mắc phải nạn binh đao, thật không nỡ! Bọn ta nên lánh ra nước ngoài, chứa uy và nuôi sức, chịu khuất để chờ thời, đợi khi nào mệnh trời tái hiện mới có thể hành động nổi. Lấy sức chọi sức là điều hoàn toàn không nên. Hai con hổ tranh nhau tất phải có một con bị thương, chẳng nên việc gì cả. Nay, nếu thấy quân họ tới thì nên tránh, chớ nên đánh nhau, cẩn thận giữ mình là hơn cả. Cuối cùng, chớ nên mời người Minh vào trong nước ta, khiến cho dân phải lầm than đau khổ. Đó là tội lớn, không có gì so được". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA PHẢI CÓ SỰ TRÔNG CẬY CHẮC CHẮN Vào Cơ Nghiệp Cứu Rỗi Của Mình! “Hãy cầm giữ sự làm chứng về điều trông cậy chúng ta chẳng chuyển lay, vì Đấng đã hứa cùng chúng ta là thành tín.” (Hê. 10:23) “Khi một cái tên được kèm theo nhiều danh hiệu khác nhau thì thường là do người mang tên ấy muốn đi tìm cho mình sự tín nhiệm mà mình chưa có và có thể sẽ chẳng bao giờ có.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Chớ tìm kiếm danh vọng giả dối mà trêu chọc nhau và ghen ghét nhau.” (Gal. 5:26) “Khi chính quyền trung ương thực sự vững mạnh, hiện tượng cát cứ sẽ không có; khi chính quyền trung ương không thực sự vững mạnh, cát cứ sẽ là một hiện tượng tất yếu phải có (dưới một dạng tồn tại nào đó) . Một khi hiện tượng cát cứ diễn ra, các nhân vật các cứ đều luôn có tâm địa hoạt đầu như Vũ Đức Cung vì họ cảm thấy mình là anh hùng, có thể làm nên thời thế. Chuyện Vũ Đức Cung chẳng phải là chuyện lạ!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) CHUYỆN VŨ ĐỨC CUNG Vũ Đức Cung sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết dưới thời vua Lê Thế Tông (1573-1599), ông từng được phong tới tước Quận Công và vào năm Giáp Ngọ (1594), ông là người bỗng dưng được các sử gia đương thời đồng loạt nhắc tới. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXX, Tờ 9 và 10) viết như sau: "Thuở trước, Gia Quốc Công là Vũ Văn Mật (bề tôi cũ của nhà Mạc - ND), vì đã sớm biết quy thuận triều đình, lại còn có công đánh bại quân nhà Mạc, nên triều đình đặc ân, cho giữ đất Đại Đồng (nay thuộc tỉnh Tuyên Quang - ND), và cho được đời đời cha truyền con nối (chức vụ ấy). Vũ Đức Cung là đời cháu, khi lên nối giữ chức quyền, đã vào chầu, dâng mười mâm vàng bạc và châu báu, thêm ba chục con ngựa hay, được triều đình (vua Lê - Chúa Trịnh - ND) gia phong làm Hữu Đô Đốc của phủ Đô Đốc, hàm Thái Bảo, tước Hòa Quận Công, lại cho đặt quân hiệu riêng, lấy tên là An Bắc Doanh. Nhận gia phong chức tước xong, Vũ Đức Cung xin triều đình cho về bản trấn đề phòng giặc cướp. Sau, Đức Cung ngầm thông mưu với tướng nhà Mạc là Mỹ Thọ Hầu (chưa rõ tên), quấy phá và cướp bóc các huyện vùng địa đầu Sơn Tây như Thanh Ba và Hạ Hòa (nay đều thuộc Phú Thọ - ND). Xong, còn thúc ép dân các huyện Đông Lan và Tây Lan (nay cũng thuộc về tỉnh Phú Thọ) phải đi theo chúng. Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu đem quân đi đánh dẹp, bắt sống được Mỹ Thọ Hầu, đánh tan quân giặc ở Đại Đồng, khiến Đức Cung phải hoảng hốt đem con em mình chạy đến đất Nghĩa Đô. Đức Cung lại sai người dâng lên triều đình vàng bạc và ngựa quý, xong thì vào kinh đô tạ tội. Triều đình ưng cho." (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA PHẢI Ý THỨC ĐẦY ĐỦ Chức Phận Làm Con Nuôi Đức Chúa Trời Của Mình! “Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi; nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: Aba! Cha!” (Rô. 8:15) “Suy cho cùng, sự bình an hợp Kinh Thánh là tình trạng được Đức Chúa Trời chuẩn thuận và nhờ đó mà được ở trong sự dắt dẫn của Ngài; đó không phải chỉ là một trạng thái khách quan ngoại lai miễn phí mà là kết quả của nổ lực chủ quan sống vâng lời Đức Chúa Trời một cách toàn diện, thường xuyên, và tích cực.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[8] Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. [9] Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.” (Phlp. 4:8-9) “…Thế là Nam Triều thắng, Bắc Triều thua, nạn binh đao ở phía Bắc tạm lắng xuống. Đành là hậu quả để lại còn nặng nề và lâu dài lắm, nhưng dẫu sao thì cái chết không còn thường xuyên rình rập thiên hạ như những năm trước đó…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) SỐ PHẬN MẠC MẬU HỢP Mạc Mậu Hợp là con của vua Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên, sinh vào năm nào không rõ, chỉ biết được lên nối ngôi từ năm 1562 và làm vua nhà Mạc từ đó cho đến năm 1592. Trớ trêu thay, tên vua là Mậu Hợp nhưng chính sự triều Mạc ở thời trị vì của vị vua thứ năm này lại là lìa tan. Có thể nói, năm 1592 là năm đánh dấu sự chấm dứt vai trò của họ Mạc trên vũ đài chính trị của nước nhà. Sau nhiều trận đại bại liên tiếp, thế cùng lực kiệt, Mạc Mậu Hợp buộc phải rời bỏ kinh thành Thăng Long, chạy trốn lên vùng Đông Bắc. Kẻ trung thành và người theo hầu hạ ngày một ít dần, đất đai bị Nam triều chiếm lại gần hết. Cuối năm 1592, Mạc Mậu Hợp quyết chí tự mình cầm quân để đánh trận quyết định với Nam Triều, nhưng cả cố gắng cuối cùng này cũng bị Nam triều đè bẹp. Bắc triều tan rã, vua quan và tướng sĩ không sao liên lạc được với nhau nữa. Số phận của Mạc Mậu Hợp sau trận thua thảm hại này, được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, Tờ 35b) ghi chép như sau: "Bấy giờ, Mạc Mậu Hợp buộc phải bỏ thuyền mà đi bộ, đến một ngôi chùa ở huyện Phượng Nhãn, ẩn náu ở đó mười một ngày. Khi quan quân (chỉ Nam Triều - ND) đến huyện Phượng Nhãn, có người trong thôn dẫn đường đưa quan quân vào chùa. Mạc Mậu Hợp bị bắt giải về dinh trại. Vũ Quận Công sai người lấy voi chở Mạc Mậu Hợp cùng với hai kĩ nữ về kinh đô để dâng. Mạc Mậu Hợp bị chém ở bến Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội - ND), bêu đầu ba ngày, xong, đem đầu về hành tại ở Vạn Lại (Thanh Hoa), đóng đinh vào hai mắt và bỏ ở chợ". Các bộ sử cũ cũng cho biết, sau Mạc Mậu Hợp, đến lượt con của Mạc Mậu Hợp là Mạc Toàn cũng bị bắt và bị giết. Cuộc hỗn chiến Nam - Bắc Triều đến đây kể như kết thúc. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI SỬA PHẠT Trong Tình Cha Con! “Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt?” (Hê. 12:7) “Người bạn thân đúng nghĩa là người có khi chê trước mặt nhưng không bao giờ nói xấu sau lưng.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Một lời quở trách tỏ tường Hơn là thương yêu giấu kín.” (Châm. 27:5) “…Mạc Mậu Hợp với Bùi Văn Khuê, tuy lúc vào triều danh phận là vua tôi, nhưng khi về nhà, nghĩa tình lại là anh em bạn rể. Mạc Mậu Hợp đã lấy chị, lại còn muốn chiếm luôn người em vợ đã có chồng, ấy là tham. Bùi Văn Khuê đang lúc giận dữ nên lánh mặt không ra. Mạc Mậu Hợp không tự hối lỗi, lại còn đem quân tới đánh, ấy là bất nghĩa và thiển lậu. Đem quân đánh Bùi Văn Khuê thì có khác gì tình nguyện giúp Nam triều chống lại chính mình?...” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) NGÀY TÀN CỦA HỌ MẠC Năm Nhâm Thìn (1592) là năm ghi nhận sự tàn lụi của họ Mạc. Kể ra thì sau đó, họ Mạc vẫn còn tiếp tục xưng vương xưng đế thêm một thời gian nữa, nhưng thực lực chẳng còn, có cũng như không vậy. Mở đầu triều Mạc là Mạc Đăng Dung, nhờ có tài đánh vật mà được bổ làm quan, rồi dần dần, quật đổ cả nhà Lê mà lập ra nhà Mạc, tiếc thay con cháu chẳng nối được chí lớn của tổ tiên, đến đây, vua của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp lại gục ngã bởi một người đàn bà. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, Tờ 31a-b) chép rằng: "Mạc Mậu Hợp càng ngày càng buông thả, đam mê tửu sắc một cách bừa bãi. Bấy giờ, vì vợ của Sơn Quận công Bùi Văn Khuê là Nguyễn Thị Niên có chị ruột đang là hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, bởi vậy, bà vẫn thường hay ra vào trong cung. Mạc Mậu Hợp thấy bà có nhan sắc mặn mà, lòng lấy làm thích thú lắm, bèn bí mật lập mưu giết Bùi Văn Khuê để cướp vợ của ông ta. Cơ mưu bị lộ, Bùi Văn Khuê vội đem quân bản bộ chạy về huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên (nay thuộc Ninh Bình - ND) chứ không chịu ra giúp Mạc Mậu Hợp nữa. Mạc Mậu Hợp cho gọi hai ba lần mà không được, bèn sai tướng đem quân tới hỏi tội Bùi Văn Khuê. Tháng Mười (năm 1592 - ND) một mặt, Bùi Văn Khuê dốc quân đánh quân Mạc, mặt khác lại cho con chạy vào Thanh Hoa, lạy xin đầu hàng (Nam Triều), khóc mà nói rằng: - Thân phụ của thần là Bùi Văn Khuê bị họ Mạc ngầm sai quân đến bức hại. Thân phụ của thần sai thần thay mặt, liều đến tạ tội và xin theo về với triều đình. Thần xin cúi mình hàng phục để cầu được sống, nếu triều đình ưng thuận, thần xin khắc ghi ơn nghĩa vào tận xương cốt, trọn đời cảm phục không quên. Nếu may mà thần được đội ơn đức lớn, được triều đình xét rõ lòng thành, thì xin cho một lữ quân tới cứu. Thân phụ thần là kẻ hèn mọn ở phương xa, nếu được oai trời rủ lòng thương xót đến, thì nhất định sẽ tình nguyện làm người dẫn đường (đi đánh quân Mạc), cho dẫu có phải chết cũng không dám chối từ, quyết lập công báo đáp. Tiết chế Trịnh Tùng nghe vậy, cười mà nói rằng: - Văn Khuê về hàng, đó là ý trời muốn cho ta được thành công. Đất đai của bản triều đã có thể định ngày lấy lại hết được rồi". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) |