REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

31/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC BAN CHO MỌI SỰ CÓ CẦN
Cho Đời Sống Tin Kính!
“Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính,
khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta.”
(2Phi. 1:3)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

31/10/2019

 
Picture
Picture
“[17] Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi,
lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi.
[18] Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em,
nay tôi lại khóc mà nói nữa:
Lắm người có cách ăn ở
như là kẻ thù nghịch Thập Tự Giá của Đấng Christ.
[19] Sự cuối cùng của họ là hư mất;
họ lấy bụng mình làm chúa mình,
và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển,
chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.”
(Php. 3:17-19)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

31/10/2019

 
Picture
“Nguyễn Trãi ơi là Nguyễn Trãi, ngài giận mà làm gì!
Tự cổ chí kim, tự Đông chí Tây, bọn bồi bút chỉ giỏi có mỗi một việc là buông lời chê bai cách ngu xuẩn các công trình học thuật của những bậc đại bút như ngài mà thôi.
​Ấy là vì chúng bị cầm buộc trong trạng thái vong thân, chẳng còn biết mình là ai; ngài giận họ làm gì cho phiền!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)

"CHUYỆN QUANH TỜ BIỂU VĂN DO NGUYỄN TRÃI SOẠN"
“Tháng Năm năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), có một chuyện rắc rối đã xảy ra trong triều đình nhà Lê. Đó là chuyện rắc rối xảy ra quanh tờ biểu văn do quan Hành khiển là Nguyễn Trãi vâng mệnh vua Lê Thái Tông soạn để giao cho sứ giả đem sang triều đình nhà Minh. Chuyện rắc rối đó được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển XI, Tờ 9b và 10a) chép lại như sau:

‘Ngày mười sáu (tháng Năm năm 1434 - ND), sai bọn tuyên phủ sứ là Nguyễn Tông Trụ, trung thư hoàng môn thị lang là Thái Quân Thực và kì lão là Đái Lương Bật mang tờ biểu cùng các thứ phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ biểu, bọn nội mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ là Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ. Nguyễn Trãi giận lắm, liền nói:

- Bọn các ngươi là hạng bề tôi chỉ biết vơ vét. Bao nhiêu nạn hạn hán đều do các ngươi gây nên cả.

Thúc Huệ liền tố cáo lời này với đại tư đồ là (Lê) Sát và đô đốc là (Lê) Vấn. Sát và Vấn tức lắm, cùng nhau trách Nguyễn Trãi rằng:

- Gây ra thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy mà là lỗi của vua và tể tướng. Sao ông nỡ quá lời như thế?

Nguyễn Trãi từ tạ mà nói rằng:

- Bọn Thúc Huệ chỉ cậy có chút tài vét thuế trong dân mà chiếm ngôi vị cao trong thiên hạ. Mỗi khi có sổ sách trình đến, chúng đều tìm cách vơ vét cho quan tham, hòng được lòng vua và tể tướng. Tôi nhân việc này mà nói ra thôi chớ đâu có dám bàn gì đến vua và tể tướng.

(Lê) Sát vẫn không nguôi giận, nhưng tờ biểu thì vẫn cho để y nguyên như Nguyễn Trãi soạn, chẳng sửa chữa gì’.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

30/10/2019

 
Picture
NHỜ SỰ CHUỘC TỘI CỦA ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST
Chúng Ta Được Xưng Công Bình Theo Ân Điển Của Đức Chúa Trời! 
“Họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không,
bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ.”
(Rô. 3:24)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

30/10/2019

 
Picture
“Thái độ sống thể hiện được sức sống của đức tin
vì người tin thì ít sợ và người sợ thì ít tin.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“Lòng các ngươi chớ hề bối rối;
hãy tin Đức Chúa Trời,
cũng hãy tin Ta nữa.”
(Gi. 14:1)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

30/10/2019

 
Picture
“…Người làm quan thường hay nhân danh phép nước, kẻ vô chức nghiệp thường hay nhân danh quần chúng nhân dân.
Sáng suốt và bình tâm để gạt bỏ được sự nhân danh vô lối chẳng phải là việc dễ. Việc ấy, học cả đời chưa ắt đã xong.
Nhưng, học ở đây chẳng qua cũng chỉ để cho thêm phần sáng suốt, chớ cái chính yếu vẫn là phải có đức.
​Như Nguyễn Thiên Hựu, ông xử việc bắt đầu bằng đức đó của chính mình đó thôi…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)
"ĐỨC ĐỘ CỦA NGUYỄN THIÊN HỰU"
“Nguyễn Thiên Hựu sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông làm quan trải hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông. Bình sinh Nguyễn Thiên Hựu là người trung trực, có lòng thương đến dân lành. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển XI) có chép hai mẩu chuyện về ông như sau:

‘Ngày hai mươi bốn (tháng Năm năm 1434 - ND), giờ thìn (tức từ khoảng 7 đến 9 giờ sáng - ND), có khí xanh đỏ như hình cầu vồng nhưng ngắn hơn, xuất hiện ở hướng Đông Bắc, trời có sương nhẹ. (Vua hạ lệnh) chém người thợ của Cục Tả Ban Tất Tác là Cao Sư Đãng. Lúc ấy, (triều đình) điều động thợ ở các Cục Tất Tác đến để lo làm chùa Báo Thiên. Việc thổ mộc rất nặng nề, (Cao) Sư Đãng làm vất vả quá nên có nói vụng trộm rằng: Thiên tử không có đức để đến nỗi hạn hán, còn như bọn đại thần thì ăn của đút, tiến cử kẻ vô công, có gì đáng gọi là từ thiện đâu mà làm chùa to thế. Lời ấy bị cáo giác. Quan Đại Tư Đồ là Lê Sát nghe được, lấy làm giận lắm, bèn sai quan thẩm hình là Nguyễn Đình Lịch xét xử. Nguyễn Đình Lịch nói:
- Nó dám nói càn đến quốc gia đại sự, chém đi chứ để làm gì.

Lúc ấy, Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hồ đều xin tha tội chết (cho Cao Sư Đãng). Vua đã sắp nghe lời thì (Lê) Sát nói:

- Trước đã nghe theo lời Nguyễn Thiên Hựu mà tha chết cho bọn Nguyễn Đức Minh, khiến chúng bỏ thư nặc danh vu khống cho nhau, nay lại tha thêm thằng này nữa thì lấy gì để răn cho kẻ khác sợ?

Bọn Thiên Hựu không dám nói nữa, (vua) bèn sai chém (Cao) Sư Đãng. Ngay hôm ấy bỗng có mưa nhỏ, nên hôm sau, (Lê) Sát vào nói giữa triều đình rằng:

- Nếu nghe lời Ngôn Quan (chức này cũng tương tự như chức Ngự Sử - ND) thì làm gì có trận mưa vừa rồi!

Lê Ngân nói:

- Giết nhiều kẻ ác thì được mưa nhiều, chỉ hiềm một nỗi là xương người chất đầy đường, khó đi lại mà thôi’ (Tờ 10 a-b).

‘Tên đầu bếp ở Thái Miếu là Nguyễn Chú bị đánh tám mươi trượng, thích chữ vào gáy và đồ làm lính chăn voi vì tội ức hiếp để mua rẻ hàng hóa ở ngoài chợ.

Bấy giờ, bọn đầu bếp các nhà quyền quý thường hay cậy thế là người trong cung để ức hiếp mà mua rẻ hàng hóa ngoài chợ. Dân rất sợ bọn này. (Nguyễn Chú) bị Nguyễn Thiên Hựu bắt được, tâu sự thể lên vua, vua bèn trị tội Chú, lại còn cho đem đi rao liền trong ba ngày cho mọi người biết’ (Tờ 13b).”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

29/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC NHẬN LÀM CON
Trong Gia Đình Đức Chúa Trời! 

​
“Thật anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của tôi mọi đặng còn ở trong sự sợ hãi;
nhưng đã nhận lấy thần trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: Aba! Cha!”
(Rô. 8:15)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

29/10/2019

 
Picture
“Thái độ về đời này cho thấy niềm tin về đời sau.”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
​
Picture
“[6] Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy,
và biết rằng khi chúng ta đang ở trong thân thể nầy thì cách xa Chúa
[7] - vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy -
[8] Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy,
muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn.”
(2Cô. 5:6-8)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

29/10/2019

 
Picture
“Bùi Thì Hanh dùng kiến thức thiên văn của mình để gạt một loạt từ vua xuống đến dân khá dễ dàng; thế mới biết cái sức mạnh của sự mê tín.
​Dẫu vậy, muôn đời sau khi người ta đọc sử ai cũng thấy Bùi Thì Hanh rõ là một tên lưu manh. Hóa ra sự tri thức tự nó chẳng làm nên nhà trí thức được!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
"BÙI THÌ HANH GẠT VUA ĐỂ ĐƯỢC THƯỞNG"
“Ngày hai mươi lăm tháng Tư năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), vua Lê Thái Tông tiến hành thăng chức nhất loạt cho cả ngàn quan lại. Ngày hôm đó, quan Nội Mật gọi tên để cấp sắc liên tục từ sáng đến trưa mà vẫn chưa hết. Có lẽ vì cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để được ban thưởng, cho nên, quan Thái sử Bùi Thì Hanh đã lập kế được hậu thưởng thêm. Chuyện này xảy ra vào ngày một tháng Năm năm Giáp Dần, đã được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển XI, Tờ 9a) chép lại như sau:

‘Trước đó, thái sử Bùi Thì Hanh bí mật tâu rằng, ngày mồng một tháng Năm sẽ có tinh khí con vượn đen ăn mặt trời nên sẽ có nhật thực, mà có nhật thực thì nhất định trong nước sẽ có tai biến. Nếu bắt được vượn sống đem về giết để trấn yểm thì mới mong tai qua nạn khỏi.

Quan Đại Tư đồ là Lê Sát rất tin, bèn tâu xin cho quan lại ở các trấn như Tuyên Quang, Thái Nguyên phải đốc thúc dân săn lùng vượn khắp núi rừng để đem về kinh. Bởi thế, vượn, khỉ... bị bắt, đóng cũi đưa về nườm nượp, đếm không xuể. Đến ngày ấy (tức ngày một tháng Năm - ND), vua nghỉ chầu, sai làm phép trấn yểm khắp cấm cung, bách quan chẳng ai hay biết. (Bùi) Thì Hanh chỉ nói cho quan Lễ Bộ Thị Lang là Trịnh Toàn Dương, nguyên là đạo sĩ, để Trịnh Toàn Dương cùng làm phép với mình. Xong, hai người được thưởng rất hậu’.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)
 


“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

28/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC BAN ĐỨC THÁNH LINH! 
“Ngài cũng lấy ấn mình mà đóng cho chúng tôi
và ban của tin Đức Thánh Linh trong lòng chúng tôi.”
(2Cô. 1:22)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

28/10/2019

 
Picture
“Chỉ có thể sống giống Chúa nếu đã được chết với Chúa về tính xác thịt của mình.”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“Hay là, anh em chẳng biết rằng
chúng ta thảy đều đã chịu Phép Báptêm
trong Đức Chúa Jêsus Christ,
tức là chịu Phép Báptêm trong sự chết Ngài sao?”
(Rô. 6:3)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

28/10/2019

 
Picture
“Chim đã chết, cung phải bị bẻ; người như Trần Nguyên Hãn, hễ cứ nhúc nhích là phải bị diệt, ấy là chuyện thường.
​Chỉ có điều bất thường không giải thích được ở chỗ vì sao Trần Nguyên Hãn đã biết tâm tính Lê Thái Tổ là như thế rồi mà sao không chịu ẩn thân?”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
"THƯƠNG THAY TRẦN NGUYÊN HÃN!"
“Trần Nguyên Hãn người đất Sơn Đông huyện Lập Thạch, nay là huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông sinh năm nào không rõ, chỉ biết là mất vào năm 1429. Trần Nguyên Hãn là cháu nội của Tư Đồ Trần Nguyên Đán, nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng cuối thời Trần. Khi Lê Lợi xướng nghĩa ở Lam Sơn, ông cùng với Nguyễn Trãi (cháu ngoại của Trần Nguyên Đán) đã sớm tìm đến và mau chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lê Lợi. Cuộc đời và cái chết oan khuất của ông đã được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXV, Tờ 20) chép lại tóm lược như sau:

‘Hãn có học thức, giỏi binh pháp, từng giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa, được thương yêu và hậu đãi và dự bàn những chuyện bí mật. (Trần Nguyên Hãn) cùng vua xông pha trận mạc, đến đâu cũng lập được chiến công.

Năm Mậu Thân, niên hiệu Thuận Thiên thứ nhất (1428), khi (Lê Thái Tổ) định công ban thưởng cho các bậc công thần, (Trần Nguyên) Hãn được gia phong chức Hữu Tướng Quốc, cho mang quốc tính là họ Lê. Công lao và danh vọng của (Trần Nguyên) Hãn kể vào hàng cao nhất. Nhưng sau, Trần Nguyên Hãn có nói riêng với người thân tín rằng:

- Nhà vua có tướng giống như Việt Vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể cùng hưởng yên vui sung sướng được.

(Nói rồi), Hãn xin về hưu, được nhà vua ưng thuận. Nhưng, vì (Trần Nguyên Hãn) là dòng dõi họ Trần, nên bị nghi kị. Về đến Sơn Đông, sống trong cảnh quê nhà mà (Trần Nguyên) Hãn vẫn cho xây dựng phủ đệ, đóng thuyền bè, không chịu giữ gìn hình tích. Những kẻ xấu muốn tâng công, bèn thêu dệt gièm pha với nhà vua, rằng (Trần Nguyên) Hãn có mưu toan phản nghịch. Nhà vua tin lời, bèn ra lệnh cho bọn lực sĩ đến bắt. Khi thuyền chở (Trần Nguyên) Hãn đến bến Sơn Đông (Trần Nguyên) Hãn nhảy xuống sông tự tử’.
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

27/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA PHẢI GIÀU LÒNG DŨNG CẢM,
Yêu Thương, Và Tự Chủ! 

“Vì Đức Chúa Trời chẳng ban cho chúng ta tâm thần nhút nhát,
bèn là tâm thần mạnh mẽ, có tình thương yêu và dè giữ.”
(2Ti. 1:7)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

27/10/2019

 
Picture
“Đừng bao giờ đi ngược lại lời Đức Chúa Trời để khỏi đi ngược lại sự chuẩn thuận của người đời.
Bất kể là người đời nói gì, bạn sẽ chẳng bao giờ sai khi cứ bám lấy lẽ thật từ lời Kinh Thánh.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“[1]Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,
Chẳng đứng trong đường tội nhân,
Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;
[2]Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giêhôva,
Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.”
 (Thi. 1:1-2)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

27/10/2019

 
Picture
“…Muốn bách quan nghiêm giữ phép nước, trước hết, đấng chí tôn là Hoàng Đế phải mẫu mực.
Song, phàm là người sống giữa cõi trời đất, ai dám chắc là mình tránh được hết mọi lỗi lầm.
​Hoàng đế mở rộng lòng mình, bình tâm để lắng nghe lời tâu việc sửa sang chính trị của bá quan văn võ, kính thay!...”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)
"PHÉP NƯỚC ĐẦU ĐỜI LÊ THÁI TỔ"
“Đầu năm 1428, sau khi đất nước sạch bóng quân xâm lăng, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, đó là Lê Thái Tổ (1428-1433), vị Hoàng Đế đầu tiên của nhà Hậu Lê.

Bấy giờ, trải hai mươi năm bị ngoại xâm và chiến tranh tàn phá, đất nước chìm ngập trong những khó khăn lớn lao: Chính trị đổ nát, kinh tế điêu tàn, xã hội loạn li... Lê Thái Tổ phải dồn hết tâm lực để giải quyết hàng loạt những công việc quốc gia đại sự. Mặc dù vậy, Hoàng Đế vẫn luôn canh cánh nỗi lo nghiêm giữ phép nước. Năm 1429, Lê Thái Tổ đã ban hành rất nhiều sắc lệnh quan trọng, trong đó có hai sắc lệnh đặc biệt, được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển X) ghi lại như sau:

‘Ngày hai mươi sáu (tháng Hai năm 1429 - ND), ra lệnh cho các vị đại thần và các quan hành khiển rằng: Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì phương hại đến việc quân, việc nước, hoặc giả là việc sai dịch không phải lẽ, hoặc giả là cho thu thuế khoá nặng nề, hay như có việc tà dâm bạo ngược... thì cho tâu xin để trẫm sửa lại’ (Tờ 65b).

‘Ngày mười tám (tháng Mười năm 1429 - ND), ra lệnh cho các đại thần, tổng quản và các quan từ hành khiển trở xuống rằng: Người xưa có câu ‘Vua không chọn tướng mà dùng thì có khác gì đem dâng nước mình cho giặc’. Trẫm không lúc nào không suy nghĩ đến điều đó. Bởi đêm ngày lo nghĩ nên mới đem việc quân, việc nước quan trọng mà trao cho các khanh. Thế mà các khanh cứ điềm nhiên như không, trên thì phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới thì chẳng chút đoái thương đến quân dân, sao mà biếng nhác việc quan đến thế? Nay, ta ra chiếu này để răn báo, nếu không biết tự mình sửa lỗi, lại còn tái phạm, thì phép nước còn chờ đó, khi ấy đừng nói là trẫm phụ bề tôi cũ có nhiều công lao’ (Tờ 71-a).
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“KINH TRUYỆN & KINH NGHIỆM”

27/10/2019

 
Picture
“Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)
“LÒNG CƯƠNG TRỰC”
Thôi Trữ là quyền thần nước Tề, định giết vua Trang Công, bèn hội họp sĩ phu lại ăn thề. Ai nấy đều sợ hãi, răm rắp vâng lời. Duy có Án Tử nghiễm nhiên như không nhất quyết không chịu thề.
Thôi Trữ bảo Án Tử: "Ngươi nghe ta. Ta lấy được nước thì ta cho một nửa. Nhược bằng không nghe, ta giết ngay lập tức."
Lúc ấy, bốn mặt quân lính hầm hầm những muốn đưa gươm giáo ra đâm chém Án Tử. Chết đến nơi, mà Án Tử vẫn không biến sắc mặt, ung dung nói rằng: "Lấy lợi nhử người ta, mà bảo người ta phản bội quân thượng là bất nhân, lấy binh khí hiếp người ta mà làm người ta mất chí khí là bất dũng. Giết thì giết, ta đây không theo việc nhà ngươi làm."
Thôi Trữ nghe nói, không dám làm gì Án Tử. Án Tử đứng dậy ung dung bước ra.
(Tả Truyện)
 
Giải Nghĩa :
Cương trực: Cứng rắn, ngay thẳng.
Quyền thần: Người bầy tôi chiếm hết cả quyền của vua chúa.
Sĩ: Quan nhỏ.
Phu: Quan to.
Ăn thề: Giết một con vật lấy máu cùng uống mà thề ước với nhau làm một việc gì.
Tả Truyện: Sách của Tả Khưu Minh nhà Chu làm, kể những sự về lịch sử thời Xuân Thu.
 
Lời Bàn :
Cường quyền thường muốn át công lý, tuy vậy công lý vẫn hay uốn được cường quyền. Thôi Trữ mạnh biết bao nhiêu, mà chỉ một câu nói của Án Tử cũng đủ làm cho phải lùi. Thế mới hay cái lòng người, cái lẽ phải có sức hơn là mũi gươm, ngọn giáo. Những người có lòng trung nghĩa, có tính cương quyết như Án Tử, cứng như sắt, đỏ tựa son, dù nguy cấp thế nào cũng không đổi đại tiếtchính là những người giữ được công lý để đối phó với cường quyền.
(“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

26/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA PHẢI THĂNG TIẾN
Trong Việc Thông Biết Các Lẽ Đạo! 
“Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình;vì còn là thơ ấu.”
(Hê. 5:13)

Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

26/10/2019

 
Picture
“Chúng ta đã không được tạo dựng để sống cho chính chúng ta;
chúng ta vốn đã được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời,
theo hình ảnh của Đức Chúa Trời,
cho ý chỉ của Đức Chúa Trời.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài,
bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được,
hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền,
đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.”
 (Côl. 1:16)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

26/10/2019

 
Picture
“Cầu mong sao dân mình luôn viết tiếp được những trang sử oai hùng cho nước mình, muôn đời không thôi!”
(Đoàn Nhật Tân, PhD)
"HỘI THỀ ĐÔNG QUAN"
“Sau khi toàn bộ lực lượng viện binh đều bị tiêu diệt và mọi cố gắng nhằm xoay chuyển tình hình cũng đều bị thất bại, ngày mười tháng Hai năm 1427 (nhằm ngày 22 tháng Mười Một năm Đinh Mùi), Tổng binh giặc là Thành Sơn Hầu Vương Thông đành phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện. Lễ kí kết văn kiện đầu hàng nhục nhã này của Vương Thông được các lãnh tụ Lam Sơn đặt cho một cái tên thật hài  hước là hội thề Đông Quan!

Dự "hội thề", về phía Lam Sơn có Bình Định Vương Lê Lợi cùng các tướng tùy tùng là Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú, Phạm Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bôi, Lê Văn An, Bế Khắc Thiện và Ma Luân.

Về phía quân Minh có Vương Thông cùng các tướng tùy tùng là Mã Anh, Sơn Thọ, Mã Kỳ, Trần Trí, Lý An, Phương Chính, Trần Tuấn, Chu Kỳ Hân, Trần Hựu, Quách Vĩnh Thanh, Dực Khiêm, Lục Quảng Bình, Hồng Bỉnh Lương, Lục Trinh, Dương Thời Tập và Quách Đoan.

Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển X, Tờ 46b và Tờ 47a) chép rằng: "Bấy giờ, các tướng sĩ và người trong nước căm thù quân Minh tột độ vì chúng đã giết cha con, thân thích của họ, bèn kéo tới khuyên vua nên giết hết bọn chúng đi. Vua dụ rằng:

- Trả thù và báo oán là lẽ thường tình của con người. Nhưng, không nỡ giết người là bản tâm của bậc có lòng nhân đức. Vả lại, giết kẻ đã hàng là điều xấu không gì sánh được. Nếu được hả mối thù trong chốc lát mà phải mang tiếng xấu với muôn đời là giết kẻ đã hàng, thì chi bằng tha mạng cho tất cả lũ chúng để nhân đó dập tắt hết thảm họa chiến chinh cho đời sau, khiến sử xanh phải ghi mãi tiếng thơm đến muôn thuở. Đó chẳng phải là việc lớn hay sao?

(Nói xong), vua bèn hạ lệnh: Số giặc về bằng đường thủy thì cấp cho năm trăm chiếc thuyền, giao cho Phương Chính và Mã Kỳ nhận lãnh. Số giặc về bằng đường bộ thì cấp thêm lương thực, giao cho Sơn Thọ và Hoàng Phúc nhận lãnh. Riêng số giặc bị bắt hoặc đầu hàng từ trước, tổng cộng hơn hai vạn người cùng với hơn hai vạn con ngựa thì giao cho Mã Anh nhận lãnh và cho Chinh Man tướng quân là Trần Tuấn đem quân trấn thủ đi theo.

Tất cả quân Minh đều kéo nhau đến dinh Bồ Đề để lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính, phần vì xúc động, phần vì hổ thẹn mà rơi cả nước mắt".

Sách Quân Trung Từ Mệnh Tập của Nguyễn Trãi đã ghi lại lời thề của Vương Thông trong "hội thề" này như sau:

‘Về phía bọn tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, tự làm trái lời thề, nhất là khi người phục dịch và thuyền bè đã sắp sẵn rồi, cầu đường cũng đã sửa xong rồi, mà không làm theo lời bàn, nghĩa là không lập tức đem quân về nước, cứ kéo dài năm tháng để đợi viện binh, hoặc giả là khi về đến triều đình mà tâu sai sự lí, không sợ thần linh sông núi  nước An Nam, hoặc bàn khác đi, hoặc cho quân cướp phá dọc đường thì Trời, Đất cùng Danh Sơn, Đại Xuyên và Thần Kỳ các xứ tất đem bọn quan tổng binh thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, cùng thân thích, đều làm cho chết hết và cả đến lũ quan quân cũng không một ai được sống sót trở về’.

Ngày hai mươi chín tháng Mười Hai năm 1427, Vương Thông bắt đầu cho quân rút lui và đến ngày ba tháng Giêng năm 1428 thì đất nước sạch bóng quân xâm lăng. Cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của thế kỉ XV kết thúc toàn thắng. Năm đó, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế, nhà Hậu Lê được chính thức lập ra.

Các tác giả sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư đã có lời bàn về sự kiện trọng đại này. Lời bàn ghi ở quyển X, Tờ 55a như sau:

‘Từ khi trời đất đã phân chia, thì Nam Bắc giới hạn rạch ròi. Phương Bắc lớn mạnh nhưng không thể đè bẹp được phương Nam. Cứ xem các thời (Tiền) Lê, Lý và Trần thì đủ biết. Bởi vậy, cuối thời Tam Quốc, phương Nam tuy có yếu nhưng cũng chỉ là nội loạn. Nhà Nhuận Hồ thì bạo ngược đã quá, để đến nỗi nước mất, thân nhục, giặc Bắc hưng tàn, dân tình khốn khổ. May thay, lòng trời còn đó, thánh chúa lại ra đời, chinh phục bằng nghĩa, đánh dẹp bằng nhân, cho nên, non sông mới được đổi mới, nhật nguyệt mới lại được sáng tươi. Nhân dân từ đấy bình yên, nước nhà từ đấy thịnh trị. Ấy là bởi vua tôi một dạ, trên dưới cùng lòng vậy. Ôi, đại loạn thì phải trị, lẽ ấy xưa nay rành rành’.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

25/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA ĐƯỢC SỐNG
Nhờ Đã Được Tha Tội!  
“Khi anh em đã chết bởi tội lỗi mình và sự xác thịt mình không chịu cắt bì,
​thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em sống lại với Đấng Christ, vì đã tha thứ hết mọi tội chúng ta.”

(Côl. 2:13)
 
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

25/10/2019

 
Picture
“Các tư tưởng sai luôn có sức cầm buộc chúng ta trong các thói quen sai
nhưng ai cũng phải có phận sự giữ cho tâm trí mình theo điều đúng.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“Rốt lại, hỡi anh em,
phàm điều chi chân thật,
điều chi đáng tôn, điều chi công bình,
điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng,
điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen,
thì anh em phải nghĩ đến.”
(Php. 4:8)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

25/10/2019

 
Picture
“…Chỉ vì không nghiêm cẩn nghe lời dặn dò của Bình Định Vương Lê Lợi mà hai vị tướng tài đều bị bắt, một người bi giết, một người thoát được,
​nhưng hao tổn binh lực cũng chẳng phải là ít. Mới hay, thắng được sự kiêu căng của chính mình còn khổ hơn cả thắng kẻ thù thiện chiến và mưu lược…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)
"ĐINH LỄ VÀ NGUYỄN XÍ VỚI CÁI GIÁ CỦA MỘT BÀI HỌC"
Đinh Lễ người Lam Sơn (Thanh Hóa), sinh năm nào không rõ, chỉ biết mất vào năm 1427. Ông là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, tham gia phong trào Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, là người chỉ huy trận tấn công vào Diễn Châu và vào Thanh Hóa, là một trong những vị tướng có vai trò rất quan trọng trong trận quyết chiến Tốt Động-Chúc Động. Bởi có nhiều công lao lớn, ông được đổi gọi là họ Lê, sử cũ vì thế mà thường chép là Lê Lễ.

Nguyễn Xí (1397-1465) người đất Thượng Xá, Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm lên chín tuổi, Nguyễn Xí mồ côi cha, được người anh đem ra Thanh Hóa rồi được Lê Lợi nuôi trong nhà. Năm 1418, ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, mau  chóng trở thành một trong những vị tướng có tài. Cùng với nhiều người khác, ông cũng được đổi họ thành họ Lê.

Trải mười năm chinh chiến, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đánh đâu thắng đó nên càng về sau càng hay khinh địch. Vì lẽ này, hai ông đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự chủ quan của mình. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển X, Tờ 30a-b) chép:

‘Trước đó, ngày mồng tám (tháng Sáu 1427 - ND), tư không là Lê Lễ cùng thượng tướng là Lê Xí đánh nhau với quân Minh ở My Động (nay là xã Hoàng Mai, ngoại thành Hà Nội - ND). Lễ tử trận. Hôm ấy, Vương Thông cho quân tinh nhuệ từ trong thành (Đông Quan) ra đánh thái giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt. Nguyễn cố giữ thành để đánh trả. Vua vội sai Lê Lễ và Lê Xí đem hơn năm trăm quân thiết đột đến giúp, đuổi giặc tới My Động. Vương Thông thấy Lễ ít quân mới quay lại đánh ép vào. Lễ và Xí cưỡi voi, ra sức mà đánh nhưng rồi voi bị sa lầy nên cả hai bị quân Minh bắt sống đem vào thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất phục, bị giết chết ngay, còn Xí thì nhân cơ hội đêm ấy mưa gió, dùng kế đánh lừa kẻ canh giữ mà chạy thoát được. Xí về ra mắt vua ở dinh Bồ Đề, vua thấy liền kêu to lên rằng: Ngươi sống lại đấy ư?’.

Trước kia, mỗi lần xuất quân, vua thường răn Lễ chớ nên khinh địch. Đến khi thắng trận Tốt Động, ai cũng khen Lễ giỏi, Vua nói:

- Trăm trận mà thắng cả trăm chưa hẳn đã là điều hay. Hắn cứ cậy có lính giỏi, quen say men thắng trận thua đau biết đâu còn chờ.

Đến đây thì lời ấy quả là đúng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Khuất Hà (tướng của Lỗ Hoàn Công, Trung Quốc thời Chu, nổi tiếng là giỏi, sau vì chủ quan mà thua đau, phải tự tử - ND) quen thói thắng lớn ở Bồ Tao mà đến nỗi bị đại bại. Nhưng, Khuất Hà là tướng cầm quân đi đánh nước nhỏ, tàn bạo và bị cô lập. Lê Lễ cũng quen thói thắng trận ở Tốt Động mà rồi bị thua đau, nhưng Lê Lễ cầm quân khảng khái phục thù, có đại nghĩa. Tuy xem ra, hai người đều thất bại có vẻ như  nhau mà ý nghĩa thì thực lại rất khác biệt. Tướng giỏi thời bấy giờ, đứng hàng đầu ắt phải kể đến Lễ và Triện’.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

24/10/2019

 
Picture
CHÚNG TA PHẢI LÀ NGUỒN AN ỦI
Cho Các Lãnh Đạo Thuộc Linh Của Chúng Ta! 
“Hỡi anh em, như vậy thì ở giữa mọi sự gian nan khốn khó của chúng tôi,
anh em đã lấy đức tin mình mà làm một cớ yên ủi cho chúng tôi đó.”
(1Tê. 3:7)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

24/10/2019

 
Picture
“Thật ra sức sống Cơ Đốc chính là sức sống phục sinh,
một sự phục sinh về bản chất được chia sẻ từ Cứu Chúa của mình.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài
bởi Phép Báptêm trong sự chết Ngài,
hầu cho Đấng Christ
nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào,
thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.”
(Rô. 6:4)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

24/10/2019

 
Picture
“Tướng giặc như Lưu Thanh kể cũng ít có, còn bọn nhãi nhép như tên Việt gian tay sai kia thì thời nào cũng thừa mứa cả!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
"LỜI TIÊN ĐOÁN CỦA  LƯU THANH"
“Lưu Thanh là một trong những viên tướng của nhà Minh, từng nhiều phen đem quân đi đàn áp Lê Lợi. Năm 1427, Lưu Thanh là chỉ huy đồn Tam Giang. Giữa năm 1427, có một sự kiện khá độc đáo, gắn liền với nhân vật Lưu Thanh, đã được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển X, Tờ 29b) chép lại như sau:

‘Tháng Sáu, bọn chỉ huy sứ (của quân Minh) là Lưu Thanh đóng ở đồn Tam Giang ra hàng. Nguyên trước kia, bọn lính Tam Giang từng vào Thanh Hóa (để đánh Lam Sơn) theo lệnh điều động của quan tổng binh. Bại trận trở về, có tên ngụy binh buông lời khinh mạn nhà vua (tức Lê Lợi). Lưu Thanh liền mắng:

- Thằng man di vô lễ. Ông ấy (chỉ Lê Lợi - ND) sẽ là Hoàng Đế của chúng mày đấy.

Đến đây thì (Lưu Thanh đem binh sĩ thành Tam Giang) ra hàng.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: ‘Vua nổi dậy, nghĩa binh đi tới đâu là quân Minh thua chạy đến đấy, nhưng đó có phải là vì quân ta đông mà quân giặc ít đâu? Đó cũng có phải là vì quân ta mạnh mà quân địch yếu đâu? Tất cả chỉ là vì đức của vua hiệp với lẽ của trời, trời giúp vua, vua lại làm đẹp lòng người nên người theo về đó thôi. Bấy giờ, không những chỉ có người nước ta vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính, cho nên, chúng không còn ý chí chiến đấu, cùng nhau ra hàng là phải lắm. Thế thì việc dấy quân nhân nghĩa của Vua nào có kém gì công trạng rực rỡ của Thang, Võ trước kia? Việc làm này của tướng Lưu Thanh càng tỏ rõ uy đức của vua lớn lắm. Còn như cái điềm được nước, đâu phải là từ lời sấm vĩ kia?’”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

<<Previous

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân