REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân

“PASTORAL THOUGHT…”

31/10/2018

 
Picture






​“Một trong những chuyện buồn cười là sự suy nghĩ rằng những gì người khác nói khiến ‘chạm’ đến mình đều luôn luôn nặng, còn những gì mình làm khiến ‘phạm’ đến người khác đều luôn luôn chỉ là những chuyện nhỏ đáng bỏ chứ không đáng nói!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[1] Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.
[2] Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy;
các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy.
[3] Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi,
mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?
[4] Sao ngươi dám nói với anh em rằng:
Để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt anh, mà chính ngươi có cây đà trong mắt mình?
[5] Hỡi kẻ giả hình!
Trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi,
rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác ra khỏi mắt anh em mình được”
(Ma. 7:1-5)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

31/10/2018

 
Picture




“…Cứ theo sử cũ mà lần, thì đời ông của Trịnh Tráng là Trịnh Kiểm đã tranh đoạt chức quyền của em vợ, đời cha của Trịnh Tráng là Trịnh Tùng đã tranh đoạt chức quyền của anh là Trịnh Cối, vậy thì đời con của Trịnh Tráng là Trịnh Lịch, Trịnh Sầm... có tranh đoạt chức quyền với anh là Trịnh Tạc, thì cũng là... huyết thống di truyền đó thôi. Các tác giả sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục rõ ràng là không hề sai khi viết lời nghiêm phê như đã trích dịch ở trên…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“VÌ SAO TRỊNH LỊCH  VÀ TRỊNH SẦM BỊ GIẾT?”
 
Trịnh Lịch và Trịnh Sầm đều là con của chúa Trịnh Tráng (1623 - 1657). Năm Nhâm Ngọ (1642), nghĩa là đúng một năm trước khi xuất quân gây cuộc ác chiến lần thứ ba (1643) với họ Nguyễn, Trịnh Tráng cho các con của mình đi trấn giữ các địa phương hiểm yếu, cốt để bảo đảm an toàn cho hậu phương. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXI, Tờ 30) cho biết:

"Tráng lấy cớ rằng, việc xét xử sao cho trôi chảy, ngăn chặn và nã bắt kịp thời bọn trộm cướp; chính là giềng mối của nước nhà, vì thế, bổ dụng các con như sau:
- Thái Úy, Tây Quận Công là Trịnh Tạc: Trấn thủ Sơn Nam.

- Thái Bảo, Phù Quận Công là Trịnh Lịch: Trấn thủ Sơn Tây.

- Quỳnh Nham Công là Trịnh Lệ: Trấn thủ Kinh Bắc.

- Thiếu Úy, Hoa Quận Công là Trịnh Sầm: Trấn thủ Hải Dương.

(Trịnh Tráng) lại còn ra lệnh cho quan Thái Thường Tự Khanh là Phạm Công Trứ, quan Binh Bộ Hữu Thị Lang là Nguyễn Trừng, quan Công Bộ Hữu Thị Lang là Nguyễn Bính, quan Hộ Khoa Cấp Sự Trung là Nguyễn Nhân Trứ... cùng sung chức tán lí ở bốn trấn. Nhiệm vụ của các quan nói trên là sửa chữa hoặc thay đổi những chính lệnh thối nát, vỗ về và an ủi nhân dân các địa phương".

Trong số các con nói trên của Trịnh Tráng, thì Trịnh Tạc là con trưởng, lại thêm có chút công lao trong cuộc ác chiến lần thứ ba với họ Nguyễn, cho nên, quyền uy ngày một lớn thêm. Tháng Tư năm Ất Dậu (1645), Trịnh Tạc được tấn phong tới chức Tả Tướng Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh, được mở phủ đệ riêng, cho lấy tên là Khiêm Định. Trịnh Tráng tuy vẫn ở ngôi chúa, nhưng quyền bính trong nước đều ủy thác cho Trịnh Tạc lo liệu. Hi vọng chiếm đoạt ngôi chúa của Trịnh Lịch và Trịnh Sầm tiêu tan, bởi vậy, họ liền nổi loạn. Sự việc này xảy ra vào năm 1645 và cũng được sách trên (quyển XXXII, tờ 2) ghi lại như sau:

“Đến đây, Trịnh Tạc được tiến phong làm Thái Úy, giữ chính quyền trong nước, khiến bọn (Trịnh) Lịch và (Trịnh) Sâm mất hết hi vọng, bèn cất quân nổi loạn. (Trịnh) Tráng sai (Trịnh) Tạc đem quân đi đánh, bắt được Trịnh Lịch, còn Trịnh Sầm thì bỏ chạy vào Ninh Giang. (Trịnh) Tráng sai Thái Bảo là Trịnh Trượng đuổi, đến Chúc Sơn thì bắt được, giải về kinh đô. Bọn Lịch và Sầm đều bị giết chết”.

Chép đến đây, các tác giả của sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã hạ bút viết lời phê như sau:

"Gia đình bọn bầy tôi phản nghịch bao giờ cũng sinh ra những đứa con phản nghịch. Có thể nói rằng, họ Trịnh là dòng họ đời nọ thừa kế ác nghiệp của đời kia”.
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

30/10/2018

 
Picture






​“Dầu nghe qua có vẻ ‘bá đạo’ nhưng xét về bản chất thì tự cổ chí kim, Đông cũng như Tây, chỉ có hai cách dùng người: Đãi nhân tài chủ yếu phải dùng lễ nghĩa; đãi nô tài chủ yếu phải dùng lợi lộc. Chỉ dùng lợi lộc đãi nhân tài thì họ sẽ thất chí, chỉ dùng lễ nghĩa đãi nô tài thì họ sẽ thất vọng!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[17] Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi,
lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi.
[18] Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em,
nay tôi lại khóc mà nói nữa:
Lắm người có cách ăn ở
như là kẻ thù nghịch Thập Tự Giá của Đấng Christ.
[19] Sự cuối cùng của họ là hư mất;
họ lấy bụng mình làm chúa mình,
và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển,
chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi”
(Php. 3:17-19)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

30/10/2018

 
Picture






​“…Nước sông Gianh ngàn đời vẫn chảy, vậy mà có giúp hồn thiêng của Nguyễn Khắc Liệt rửa sạch được nỗi hổ thẹn đâu. Mới hay, chim cho ra chim, chuột cho ra chuột, làm loài dơi thì sống trong đêm, chết cũng chết trong bóng đêm đó thôi…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“BI KỊCH CUỘC ĐỜI NGUYỄN KHẮC LIỆT”
 
Nguyễn Khắc Liệt là con của Nguyễn Khắc Khám, hai cha con đều là tướng của chúa Trịnh. Năm 1633, chúa Trịnh đem quân tấn công vào Đàng Trong lần thứ hai nhưng không thu được kết quả gì nên phải rút quân về, để Nguyễn Khắc Liệt ở lại giữ đất Bắc Bố Chính (Quảng Bình). Chưa đầy một năm sau, Nguyễn Khắc Liệt đã mưu phản chúa Trịnh. Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển II) chép:

"Tướng Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt bí mật sai người tâm phúc đến hẹn sẽ phản lại họ Trịnh mà theo về (với chúa Nguyễn). Chúa nhận lời và hẹn Khắc Liệt đến họp. Khắc Liệt thân hành đến kết ước. Khi trở về (Khắc Liệt) cho đắp thêm lũy Phật Cương và chia quân đóng giữ ở Hoành Sơn. Trịnh Tráng biết tin nhưng sợ rằng đánh ngay sẽ có biến, đành tạm cho yên. Khắc Liệt lấy đó làm điều đắc chí, càng ngày càng kiêu ngạo, càn quấy. Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) thấy vậy cũng không tin nữa".

…"Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) không được khoẻ, cho triệu thế tử Nhân Lộc Hầu (tức Nguyễn Phúc Lan - ND) và Tôn Thất Khê vào hầu. Chúa bảo Khê rằng:

- Ta vâng mệnh nối giữ nghiệp trước, chí chỉ cốt phò vua và cứu sinh linh dân nước. Nay, thế tử chưa phải là người từng trải, cho nên, mọi việc lớn của nước nhà, ta ủy thác hết cho hiền đệ định đoạt.

(Tôn Thất) Khê cúi đầu, vừa khóc vừa nói:

- Thần dám đâu lại không đem sức ngựa hèn ra báo đáp.

Chúa lại nói:

- Khắc Liệt là đứa tiểu nhân phản trắc, trước kia ta có cùng nó ước hẹn, chẳng qua chỉ là kế tạm chiêu nạp mà thôi. Các ngươi chớ nên quá tin lời nó mà để mối lo ngại về sau.

Thế tử và Khê lạy khóc để nhận mệnh. Hôm ấy chúa băng, ở ngôi 22 năm, thọ 73 tuổi".

Cũng sách trên, quyển III, chép tiếp:

"Trịnh Tráng triều Lê giết chết tướng của họ là Nguyễn Khắc Liệt. Nguyên xưa, Khắc Liệt có đi lại với ta, Hy Tông (miếu hiệu của Nguyễn Phúc Nguyên - ND) từng vỗ về nó. Đến khi chúa lên ngôi (chỉ việc Nguyễn Phúc Lan nối nghiệp Chúa năm 1635 - ND), Khắc Liệt đem lòng nghi sợ, lại cho quân quấy rối châu Nam Bố Chính. Quan lại biên thùy đem việc báo về, chúa giận lắm, bèn họp các tướng để bàn. Nguyễn Hữu Dật nói:

- Khắc Liệt là đứa tiểu nhân phản bội, Trịnh Tráng dù bề  ngoài có tin dùng, thì bề trong vẫn nghi ngờ và ghét bỏ. Thần xin làm kế phản gián, nói phao để họ Trịnh tin rằng Khắc Liệt đã cùng ta kết ước, giả làm bất hòa với quân ta, đợi khi quân ta đánh úp thì nó sẽ tìm cách dụ Tráng đến cho ta giết. Đó chẳng qua là cách làm cho Tráng thêm giận (Khắc Liệt). Ta cũng nhân đó cho quân bí mật vượt sông Gianh, gặp Khắc Liệt và nhắc lại lời hẹn ước cũ. Thừa lúc (Khắc Liệt) không phòng bị, ta đánh úp luôn. Làm như vậy, nếu Khắc Liệt không bị ta bắt cũng bị họ Trịnh giết.

Chúa theo kế ấy, Trịnh Tráng nhận được thư (phản gián), quả nhiên rất giận, tức thì sai Thái úy là Trịnh Kiều đem 5000 quân vào châu Bắc Bố Chính để bắt Khắc Liệt. Khi (Trịnh Kiều) đến nơi thì Khắc Liệt đã bị các tướng của ta là Nguyễn Phúc Kiều và Trương Phúc Phấn đánh cho chạy rồi. Trịnh Kiều cho ràng Khắc Liệt chỉ giả vờ thua, liền bắt giải về cho Trịnh Tráng giết.
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

29/10/2018

 
Picture







​“Thái độ sống thể hiện được sức sống của đức tin vì người tin thì ít sợ và người sợ thì ít tin.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Lòng các ngươi chớ hề bối rối;
hãy tin Đức Chúa Trời,
cũng hãy tin Ta nữa”
(Gi. 14:1)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

29/10/2018

 
Picture




“…Quan Nội tán người họ Phạm quả là cương trực, đáng khen lắm. Can Chúa khi Chúa mới thoáng có ý định đã khó, can Chúa khi Chúa quyết đoán một sự rồi thì lại càng khó hơn, và can Chúa khi Chúa đang cho tiến hành công việc, nghĩa là biến ý định thành hiện thực, thì mối nguy hại đối với người dám can ngăn thật khó mà lường. Nếu không có dũng khí hơn người, không thể nói được lời như vậy. Vân Hiên Hầu dẫu không có ý để chí ở sự lập ngôn, thì lời ông vẫn còn mãi với thiên cổ…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“LỜI CAN CỦA QUAN NỘI TÁN VÂN HIÊN HẦU”
 
Quan giữ chức nội tán, tước Vân Hiên Hầu là người họ Phạm nhưng tên thật là gì, sinh và mất năm nào thì chưa rõ. Sử cũ chỉ cho biết đại để, ông làm quan trải thờ hai đời chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan, chức và tước nói trên của quan họ Phạm là do chúa Nguyễn Phúc Lan phong cho. Sinh thời, quan họ Phạm vốn rất tận tụy, có nhiều đóng góp cho xứ Đàng Trong, nhưng nổi danh với đời hơn cả có lẽ là lời ông thẳng thắn can ngăn sự ăn chơi xa hoa của chúa Nguyễn Phúc Lan, năm Canh Thìn (1640). Sự kiện này được sách Đại Nam Thực Tục (Tiền Biên, Quyển III) chép lại như sau:
“Bấy giờ Chúa thấy ở biên cương không có gì đáng lo (thực ra, hai bên Trịnh - Nguyễn đang chuẩn bị cho cuộc ác chiến lần thứ ba, 1643 - ND), cho nên, thường hay tổ chức vui chơi, đãi yến tiệc và sai xây dựng liên tiếp nhiều cung thất, công quán...v.v. Quan giữ chức nội tán, người họ Phạm, lúc này đã được ban tước Vân Hiên Hầu, thấy vậy liền can rằng:
- Thần nghe, bậc vương giả lấy người hiền tài làm cột, lấy đức tốt làm thành, (như thế thì) dẫu ung dung rũ áo chắp tay (ý nói rằng không phải lo nghĩ bận tâm gì - ND) mà rốt cuộc (xã tắc) vẫn vững bền như núi Thái Sơn. Xưa kia, vua Nghiêu, vua Thuấn ở nhà lợp cỏ tranh không xén, xà ngang bằng gỗ không đẽo, vậy mà chư hầu vẫn cảm phục, bốn rợ đều mến đức, thế thì hà tất cứ phải nhà cao cửa rộng? Nay họ Trịnh, ở trên thì lấn ép vua Lê, ở dưới thì ức hiếp công khanh, lại vốn có ý dòm ngó chúng ta, Chúa nên vì thế mà siêng năng lo lắng, xem xét thời cơ rồi mở mang bờ cõi. Nếu không nghĩ đến điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc, thì thần cũng chẳng rõ rồi sẽ ra sao.
Chúa nghe, đổi sắc mặt mà nói:
- Việc này do thiên hạ xúi bẩy mà ra, thực ý ta không phải như vậy đâu.
Nói xong, lập tức ra lệnh bãi bỏ các việc".
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

28/10/2018

 
Picture








​“Thái độ về đời này cho thấy niềm tin về đời sau.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[6] Vậy, chúng ta hằng đầy lòng tin cậy,
và biết rằng khi chúng ta đang ở trong thân thể nầy thì cách xa Chúa
[7] - vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy -
[8] Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy,
muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn”
(2Cô. 5:6-8)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

28/10/2018

 
Picture





​“…Thoạt tiên, bề tôi chia bè kết cánh và mưu hại lẫn nhau, chính sự theo đó mà ngày một rối bời. Thứ đến, một nước nhỏ mà có đến mấy vương triều chia nhau cai trị, cuộc tương tàn khiến cho thế nước suy vi, dân tình khốn khổ. Sau cùng, nước đã có vua lại còn có chúa, chúa Trịnh ở phương Bắc chưa đủ, thêm chúa Nguyễn ở phương Nam, lưỡi gươm tranh hùng của họ nào phải chỉ để chém nhau đâu? Giềng mối và cương thổ, phép nước và đạo lí, nghĩa tình và cơ nghiệp... tất cả đều bị vằm nát đó thôi…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CUỘC ÁC CHIẾN LẦN THỨ HAI GIỮA HỌ TRỊNH VÀ HỌ NGUYỄN”
 
Cuộc ác chiến lần thứ nhất (1627) kết thúc vừa được sáu năm thì họ Trịnh và họ Nguyễn lại xua quân đánh nhau lần thứ hai. Lần này, Trịnh Tráng không phải mất công tìm cớ hành quân như lần trước nữa. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXI, Tờ 28) chép về cuộc ác chiến lần thứ hai, nổ ra vào năm Quý Dậu (1633) như sau:

"Bấy giờ, con thứ ba của vương thượng (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên – ND) là Anh, đang làm Trấn thủ xứ Quảng Nam, ngầm nuôi lòng bội nghịch, bí mật viết thư, hẹn với Trịnh Tráng đem quân vào, hễ nghe có tiếng pháo nổ là Anh lập tức làm kẻ nội ứng từ bên trong. Trịnh Tráng tin lời, liền tự mình thống lĩnh đại quân tiến thẳng vào cửa biển Nhật Lệ. Hy Tông Hiếu Văn Hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Phúc Nguyên - ND) hạ lệnh cho bọn Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Hữu Dật đem quân ra chống cự. Quân sĩ hai bên dinh lũy đối nhau. Quân Trịnh bắn pháo ra hiệu nhưng không thấy bọn Anh đâu cả. Trịnh Tráng sinh nghi bèn lui quân ra xa dinh trại để chờ, hơn một tuần (tức hơn mười ngày- ND), quân Trịnh vì thế mà sinh ra trễ biếng. Quân ta (chỉ quân của chúa Nguyễn - ND) xông ra đánh tới tấp, quân Trịnh tan vỡ bỏ chạy, bị giết hơn một nửa. Tráng cho Nguyễn Khắc Liệt ở lại giữ Bắc Bố Chính (Quảng Bình - ND) rồi dẫn quân về".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“MỖI TUẦN MỘT CHƯƠNG SÁCH…”

28/10/2018

 
Picture







​“Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…”

(Rev. Đoàn Nhật Tan, Ph.D.)

​“MUA XƯƠNG NGỰA”
(“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)
 
Người nước Tề đánh nước Yên giết được vua Yên. Người Yên lập thái tử tên là Bình lên làm vua tức là vua Chiêu Vương. Chiêu Vương lên ngôi, thương dân lo việc nước, cầu người hiền tài. Một hôm, bảo Quách Ngỗi rằng:
 
- Nước Tề nhân dịp nước ta loạn, sang đánh lấy nước ta. Ta biết rõ ràng nước ta nhỏ, dân ta yếu, thực khó lòng mà báo thù. Song nếu được những người giỏi cùng lo toan việc nước may mà rửa sạch sự nhục của tiên vương được chăng. Chí nguyện quả nhân như vậy tiên sinh xem ai là người giỏi để cùng ta lo toan việc nước thì hay.
 
Ngỗi nói: Xưa có ông vua đưa nghìn vàng cho người nội thị đi mua con ngựa chạy ngày nghìn dặm. Khi đến ngựa đã chết, anh ta mua bộ xương ngựa năm trăm nén vàng đem về. Vua thấy thế giận lắm. Anh ta thưa: “Ngựa chết còn quý mà mua như vậy huống chi là ngựa sống. Tôi chắc thế nào nay mai người ta cũng đem ngựa hay đến bán cho nhà vua”. Quả nhiên không đầy một năm mà người ta đem ngựa hay đến bán đã ba bận. Nay nhà vua muốn được người giỏi thì trước hãy dùng tôi. Người giỏi hơn tôi thấy thế há có ngại xa mà không lại ư?
 
(Chu Sử)
 
GIẢI NGHĨA
 
Tề: Tên một nước mạnh về thời Chiến Quốc ở vào tỉnh Sơn Đông ngày nay.
 
Yên: Tên một nước thời Chiến Quốc ở vào Phụng Thiên, Trực Lệ và phía bắc Triều Tiên ngày nay.
 
LỜI BÀN
 
Có bỏ năm trăm nén vàng ra mua bộ xương ngựa, sau mới có ngựa hay mà dùng; có dùng Quách Ngỗi là người tài vừa và ở gần trước, sau mới có người thật hiền tài ở xa cầu đến. Cái lối ấy là lối quyền mưu trí thuật của bá giả đời bấy giờ, để quyến dẫn lấy nhân tài trong thiên hạ.
 
Đọc bài này ta đáng khen Quách Ngỗi, đã tìm được câu thí dụ hay để tự tiến lấy mình mà nhất là khi được tin dùng lại hết lòng báo đáp, không phụ sự ủy thác của Chiêu Vương. Ta lại đáng phục Chiêu Vương là biết nghe Quách Ngỗi mà nhất là biết cố ý lo toan báo thù cho tiên vương, và dụng tâm làm cho cố quốc được cường thịnh.

“PASTORAL THOUGHT…”

27/10/2018

 
Picture
​







​“Chỉ có thể sống giống Chúa nếu đã được chết với Chúa.”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Hay là, anh em chẳng biết rằng
chúng ta thảy đều đã chịu Phép Báptêm
trong Đức Chúa Jêsus Christ,
tức là chịu Phép Báptêm trong sự chết Ngài sao?”
(Rô. 6:3)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

27/10/2018

 
Picture




​“…Chúa Trịnh từng đem binh hùng tướng mạnh vào đánh Quảng Bình nhưng quan trấn trị xứ ấy vẫn bình thản chống trả, trên được Chúa khen, dưới được dân phục, chức vị chẳng hề lung lay. Đến đây, chỉ mấy câu xúc xiểm của bọn bất mãn, chỉ mấy lời vu cáo của lũ phản nghịch, thế mà quan trấn trị là Tôn Thất Tuấn đành phải cam chịu mất chức, lủi thủi đi về, lạ thay. Hóa ra, lời của bọn phản bạn còn ghê gớm hơn cả hàng vạn binh lính đối phương. Tôn Thất Tuấn mà còn giữ được tấm thân, ấy là nhờ phúc ấm của tổ tiên bao đời để lại, nếu không, nguy hại chẳng thể lường…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“NGUYỄN PHÚC ANH VÀ VĂN CHỨC LÝ MINH TRONG BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG”
 
Nguyễn Phúc Anh là con trai thứ ba của Nguyễn Phúc Nguyên, còn Lý Minh là tên, chưa rõ họ là gì, nhưng vì ông được phong làm văn chức nên sử cũ thường gọi ông là văn chức Lý Minh. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, văn chức Lý Minh làm việc ở Quảng Bình, còn Nguyễn Phúc Anh thì trấn giữ đất Quảng Nam. Cách nhau xa xôi như vậy nhưng cả hai lại luôn gặp gỡ nhau trong ý định giành ngôi chúa cho Nguyễn Phúc Anh. Mưu phản nghịch này của hai người được sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển II) chép lại như sau:

"Mùa Thu, tháng Tám (năm Quý Dậu, 1633 - ND), triệu trấn thủ xứ Quảng Bình là Tôn Thất Tuấn về, cho Nguyễn Phúc Kiều ra thay. Tuấn trấn trị Quảng Bình, hiệu lệnh nghiêm minh, quân dân đều được yên ổn.

Bấy giờ, (Nguyễn Phúc) Anh ở Quảng Nam đã ngầm có chí khác, muốn được ra trấn trị Quảng Bình để tiện bề liên lạc với họ Trịnh, bèn bí mật sai người ra bàn mưu tính kế với văn chức Quảng Bình là Lý Minh (chưa rõ họ). Lý Minh tập hợp những kẻ bất mãn trong hạt của mình lại, khiến họ viết đơn kiện, vu cho Tuấn tội lấn xén của công và hà khắc với trăm họ; vậy, xin đổi Tuấn đi nơi khác và cho (Nguyễn Phúc) Anh ra thay.

Lúc đầu, Chúa tin lời, bãi chức của Tuấn rồi cho (Nguyễn Phúc) Anh ra thay. Nhưng cũng lúc ấy, (Nguyễn Phúc) Anh đã tự ý bỏ trị sở đi săn đến hơn một tuần (tức là hơn mười ngày - ND) vẫn chưa về, Chúa biết được, giận lắm, bèn cho (Nguyễn Phúc) Kiều ra thay. Kiều đến trấn, rộng lòng thương yêu quân dân, người người đều tin phục. (Nguyễn Phúc) Anh thất vọng, lại sai người ra ( Quảng Bình) hỏi kế Lý Minh, Lý Minh gởi thư mật, nói:

- Nguyễn Phúc Kiều mới lại, lòng dân đang ái mộ, huống chi hắn lại là người họ ngoại của Chúa, thế rất khó lung lay. (Thực ra, Kiều là con rể của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chồng của Nguyễn Thị Ngọc Đỉnh - ND). Nhưng (Kiều) là người nhút nhát, nếu có quân Bắc đến bức bách thì hắn sẽ là người bỏ chạy trước. Lúc đó muốn mưu kế gì mà chẳng được?

(Nguyễn Phúc) Anh nghe nói thì mừng rỡ, tức thì sai người đem thư của mình đến xin quy thuận họ Trịnh".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

26/10/2018

 
Picture






“Đừng bao giờ đi ngược lại lời Đức Chúa Trời để khỏi đi ngược lại sự chuẩn thuận của người đời. Bất kể là người đời nói gì, bạn sẽ chẳng bao giờ sai khi cứ bám lấy lẽ thật từ lời Kinh Thánh.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[1]Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ,
Chẳng đứng trong đường tội nhân,
Không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng;
[2]Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giêhôva,
Và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.”
(Thi. 1:1-2)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

26/10/2018

 
Picture
​




​“…Con cò khôn ngoan là con cò biết tạo ra và biết lợi dụng cảnh nước đục. Dân gian vẫn nói: "Đục nước béo cò" đó thôi. Thương hại thay, lũ cò thời này béo quá, cất cánh không nổi, chết rũ xương trong sử sách, mở ra trông thấy mà kinh hồn. Những kẻ đang mong được làm "cò" như các quan thuở trước, dẫu chỉ là "cò con"... xin hãy đọc kĩ đoạn này, làm nhơ bẩn sử sách là tội lớn, muôn đời chưa dễ rửa được đâu…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“THỰC TRẠNG CHÍNH QUYỀN THỜI VUA LÊ THẦN TÔNG - CHÚA TRỊNH TẠC”
 
Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVIII, Tờ 27b) nhận xét về nhân cách của quan lại triều đình như sau:
 
"Bấy giờ, bọn khâm sai và võ tướng, phần nhiều cậy thế có công, lại được thân cận (với vua và chúa), cho nên, không chịu tuân theo chiếu chỉ, mệnh lệnh, lấy lạm của dân, công nhiên hối lộ, tự tiện sa thải người già hoặc miễn bắt lính (cho người này người nọ), làm cho thiên hạ điên đảo vì bất công, nhiều phen bị chất vấn, quở trách mà vẫn không chừa. Quá quắt nhất là quan lo việc duyệt tuyển ở Thanh Hoa: Thái Bá Kỳ. Duy chỉ có các quan Cao Ty, Trần Vỹ, Lã Thì Trung, Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tài Toàn, Nguyễn Khắc Văn, Nguyễn Trừng... là biết thận trọng giữ phép nước, không làm điều sai quấy, được lòng người nên dân rất ca ngợi.
 
Vì thực trạng nói trên, tháng 4 năm Nhâm Thân (1632), triều đình vua Lê - chúa Trịnh phải bãi chức của một số quan lại cao cấp mong lấy đó làm gương để răn đe kẻ khác. Sách trên (Tờ 31b) chép:
 
"Mùa Hạ, tháng Tư, bãi chức của Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại. Bấy giờ, bọn Lại Bộ tả thị lang là Nguyễn Tuấn và (Lại Bộ) hữu thị lang là Nguyễn Lại, khi tuyển bổ các chức, thường hay nhũng lạm. Quan lại của triều đình là Nguyễn Thực và Nguyễn Khải hặc tội họ, họ liền bị bãi chức, nhưng rồi lại cho tiếp tục làm công việc tuyển dụng quan lại, và họ lại ngang nhiên ăn của đút. Lúc ấy, có người làm câu hát rằng:
 
Các chức bị viên
Lưỡng Bột tận điền.
 
Nghĩa là: Nếu các chức mà tuyển bổ được đầy đủ, thì hai làng là Bột Thượng và Bột Hạ (Lưỡng Bột là từ chỉ chung hai làng Bột này) sẽ hết sạch cả ruộng. (Nguyễn Lại quê ở làng Bột Thượng. Hai câu nói trên có ý chỉ việc Nguyễn Lại ăn hối lộ nhiều, do đó sẽ thừa tiền để mua hết đất của hai làng Bột)".
 
Lại cũng sách trên (Tờ 30a), đã ghi một sự kiện khá độc đáo về việc xử lí quan lại mắc lỗi lầm như sau: "Đổi ngang chức cho Trần Nghi ra làm tham chính xứ Sơn Tây, đưa Phạm Phúc Khánh lên làm hiến sát xứ Lạng Sơn, Đặng Phi Hiển làm Hiến sát xứ Tuyên Quang, Lê Phan Lân làm Hiến sát xứ Yên Quảng. Lí do: vì bọn (Trần) Nghi không biết giữ phép nước khi làm quan".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

25/10/2018

 
Picture







​“Chúng ta đã không được tạo dựng để sống cho chính chúng ta; chúng ta vốn đã được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời, theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, cho ý chỉ của Đức Chúa Trời.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

 
“Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài,
bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được,
hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền,
đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả.”
(Côl. 1:16)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

25/10/2018

 
Picture






​“…Tiến cử người tài là chuyện giản đơn nhưng lại cực kì khó, bởi vì trong muôn người may ra mới có một vài người tài và trong muôn người tài, may ra mới có một vài người có khả nâng dang tay đón nhận những người tài khác. Cổ kim vẫn cho thấy, chỉ những ai thực sự giàu tài năng xuất chúng mới có thể biết trọng và biết dùng người tài…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CUỘC KÌ NGỘ GIỮA ĐÀO DUY TỪ VỚI NGUYỄN HỮU TIẾN”
 
Từ khi có Đào Duy Từ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên như dược thêm nguồn sinh lực lớn, nhưng, tuổi của Chúa và của Đào Duy Từ kể cũng đã cao, nếu có mệnh hệ nào thì cơ nghiệp họ Nguyễn khó bề giữ được, bởi vậy, Nguyễn Phúc Nguyên vẫn chưa thực sự an lòng. May sao, đúng lúc đó, một tài năng trẻ tuổi mà xuất chúng đã xuất hiện. Người đó là Nguyễn Hữu Tiến. Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển II) chép:
 
"Chúa cùng với Đào Duy Từ ngày đêm mưu tính việc chống lại họ Trịnh. Duy Từ mong có người hiền tài để tiến dẫn cho Chúa. Một hôm, Duy Từ nằm mộng thấy một con hổ đen từ phía Nam tiến vào, ông liền xua quân vây bắt. Bỗng, con hổ mọc cánh, nhảy lên không trung mà vừa bay vừa múa. Tỉnh dậy, Duy Từ ăn mặc chỉnh tề để ngồi chờ. Chợt có một người quê ở xã Vân Trai, huyện Ngọc Sơn xứ Thanh Hoa là Nguyễn Hữu Tiến (biểu danh là Thuận Nghĩa), từ phía ngoài vào, mình mặc áo đen, tay cầm quạt lông, đến bái yết dưới thềm. Duy Từ thấy dáng vẻ khác thường, hỏi thì xưng tên họ, hỏi tuổi thì nói sinh năm Nhâm Dần, lòng lấy làm vui mừng vì cho như thế là hợp với mộng, bèn giữ lại để đàm đạo.
 
(Nguyễn) Hữu Tiến là người thông minh, khỏe mạnh và có mưu lược, Duy Từ rất yêu quý, đem con gái gả cho rồi tiến cử lên Chúa. Chúa cho (Nguyễn Hữu Tiến) làm đội trưởng, coi thuyền Địch Cần trong quân Nội Thủy. Hữu Tiến thường đêm đêm diễn tập quân lính. Một hôm, ở trong quân có kẻ làm trái luật, ông liền chém viên kì trưởng (người lo giữ hiệu cờ trong quân đội xưa - ND) để giữ nghiêm mệnh lệnh, khiến cho toàn quân đều sợ. Duy Từ biết chuyện, lấy làm kinh ngạc, vội vào hầu chúa. Lúc ấy chúa đang đọc Chiến Quốc Sách (một tác phẩm của Trung Quốc - ND), nên (nhân có Đào Duy Từ vào, hai người) cùng bàn về binh pháp cổ kim. Duy Từ ung dung nói chuyện Tôn Võ Tử đang giảng giải về các phép chiến sự ở cung vua Ngô mà chém vợ yêu của Vua. Chúa nghe, khen vua Ngô là người quyết đoán, Tôn Võ Tử là người nghiêm, có thế mới dựng nên nghiệp bá. Duy Từ nhân đấy mới đem chuyện Hữu Tiến chém người kì trưởng để xin tội, chúa nói:
 
- Binh không đều thì giết, còn tội gì?
 
Từ đó, chúa thăng dần Hữu Tiến lên đến chức Cai Đội, sĩ tốt ai ai cũng phục".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

24/10/2018

 
Picture







​“Các tư tưởng sai luôn có sức cầm buộc chúng ta trong các thói quen sai nhưng ai cũng phải có phận sự giữ cho tâm trí mình theo điều đúng.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Rốt lại, hỡi anh em,
phàm điều chi chân thật,
điều chi đáng tôn, điều chi công bình,
điều chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng,
điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen,
thì anh em phải nghĩ đến.”
(Php. 4:8)

ÔN CỐ TRI TÂN…

24/10/2018

 
Picture






“…Đem nước mắm cà cuống cho kẻ tịt mũi, đem đàn gảy vào lỗ tai trâu, phỏng có ích gì? Hoá ra, hiểu chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì chỉ có Đào Duy Từ, và hiểu Đào Duy Từ cũng chỉ có chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Đương thời, thành lũy vững chãi nhất của Đàng Trong chính là ở chỗ này…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“ĐÀO DUY TỪ VỚI VIỆC ĐẮP LŨY NHẬT LỆ”
 
Năm 1630, theo đề nghị của Đào Duy Từ, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho đắp lũy Trường Dục (ở Quảng Bình). Nhưng, trước quyết tâm gây chiến khó bề lay chuyển của họ Trịnh, Đào Duy Từ thấy cần phải đắp thêm chiến lũy nữa. Giữa năm1631, Đào Duy Từ xin chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đắp lũy Nhật Lệ. Lũy này, về sau dân thường gọi là dãy Trường Thành Quảng Bình. Nhìn Trường Thành Quảng Bình với những dấu tích còn lại, không ai nghĩ rằng, để có nó, Đào Duy Từ đã phải tìm đủ mọi cách để thuyết phục chúa Nguyễn Phúc Nguyên như thế nào. Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển II) chép việc này như sau:
 
"Lúc đầu, Chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình để xem xét hình thế núi sông. Bọn Đào Duy Từ đến Quảng Bình, nắm rõ địa thế cao thấp, rộng hẹp. Khi về, Đào Duy Từ thưa rằng:
 
- Thần xem, từ cửa biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, ngoài có nước khe, bùn lầy ngập ngụa, có thể nhân đó tạo thành hào rãnh, trong thì cho đắp lũy mới, hình thế có thể nói là hiểm yếu gấp mười lần lũy Trường Dục.
 
Chúa ngại khó (nên không quyết). Đào Duy Từ nhân đó cáo ốm rồi làm nhiều bài ngâm vịnh, kí thác ý mình vào đó, lời lẽ rất thiết tha. Chúa biết được, liền cho làm.
 
(Đào) Duy Từ cùng với (Nguyễn) Hữu Dật trông coi việc đắp lũy. Duy Từ họp dân, tính toán công việc để cho khởi đắp. Lũy cao một trượng năm thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, có năm bậc lên xuống, voi và ngựa có thể đi được. Lũy đắp men theo khe, dài hơn 3000 trượng, cứ mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn (súng có thể bắn qua núi, tức súng bắn tầm xa - ND), cách ba trượng hoặc năm trượng (tùy chỗ) thì lập một pháo đài, ở trong có đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Trải mấy tháng mới đắp xong, lũy ấy thành nơi ngăn chia hai miền Nam, Bắc. (Đào Duy Từ) lại còn cho đặt xích sắt chắn ngang cửa biển Nhật Lệ và cửa Minh Linh."
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

23/10/2018

 
Picture







​“Thật ra sức sống Cơ Đốc chính là sức sống phục sinh, một sự phục sinh về bản chất được chia sẻ từ Cứu Chúa của mình.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài
bởi Phép Báptêm trong sự chết Ngài,
hầu cho Đấng Christ
nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào,
thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy”
(Rô. 6:4)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

23/10/2018

 
Picture






​“…Vua nói: "Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy" nhưng xem ra chẳng hề có chút gượng ép nào. Nhân tình thế thái điên đảo nhưng ngai vàng của Lê Thần Tông vẫn được vững vàng đó thôi…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CHUYỆN VUA LÊ THẦN TÔNG LẬP HOÀNG HẬU”
 
Vua Lê Thần Tông, tên thật là Lê Duy Kỳ, con trưởng của vua Lê Kính Tông và bà đoan từ hoàng hậu. Vua sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi (1607), mất ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), thọ 55 tuổi. Lê Thần Tông là vị vua duy nhất của triều Lê được lên ngôi hai lần. Lần thứ nhất, từ năm 1619 đến năm 1643, tổng cộng 24 năm, sau đó, nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu (tức vua Lê Chân Tông) để lên làm thái thượng hoàng trong sáu năm (1643 - 1649). Năm 1649, Lê Chân Tông mất, Lê Thần Tông lại làm vua thêm 13 năm nữa (1649 - 1662). Như vậy, tổng cộng, Lê Thần Tông đã ở ngôi chí tôn liên tục trong 43 năm.
 
Bình sinh, Lê Thần Tông là người nhu nhược, làm việc gì cũng chỉ cầu cho qua chuyện mà thôi. Có lẽ cũng vì thế mà Nhà vua được ở yên trên ngôi vị. Cứ xem chuyện Lê Thần Tông lập hoàng hậu cũng đủ rõ bản lĩnh chung của nhà vua như thế nào. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVIII, Tờ 19a-b và Tờ27a) viết:
 
"Mẹ ngài (chỉ vua Lê Thần Tông - ND) là bà đoan từ hoàng thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của thượng phụ Bình An Vương (tức chúa Trịnh Tùng - ND), sinh vua vào ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ tám (1607 - ND). Khi vua Lê Kính Tông băng (thực ra là bị bức tử vào năm 1619 - ND), Bình An Vương tôn tập ngài làm vua".
 
"Năm Canh Ngọ, niên hiệu Đức Long thứ hai (niên hiệu của vua Lê Thần Tông, dùng từ năm 1629 đến năm 1643, năm thứ hai là năm 1630 - ND), ứng với niên hiệu Sùng Trinh năm thứ ba của nhà Minh. Mùa Hạ, tháng 5, Vua lấy con gái của Vương (chỉ Trịnh Tráng, lúc này được phong làm Thanh Đô Vương - ND) là Trịnh Thị Ngọc Hạnh, lập làm Hoàng hậu.
 
Trước đây, Ngọc Hạnh đã lấy bác họ của vua là cường quận công Lê Trụ và đã sinh hạ được bốn người con. Khi ấy, Lê Trụ bị giam trong ngục, Vương đem Ngọc Hạnh gả cho vua, vua liền nhận vào cung. Triều thần là bọn Nguyễn Thực (người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn, nay vùng này thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ tiến sĩ năm Ất Mùi, 1595 - ND) và Nguyễn Danh Thế (người xã Vân Nội, huyện Chương Đức, nay thuộc Hà Tây - ND) nhiều lần dâng sớ can ngăn, nhưng Vua đã không nghe, lại còn nói rằng:
- Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy.
 
Từ hôm ấy trở đi, trời mưa dầm ngày đêm không ngớt".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

22/10/2018

 
Picture







​“Đã được sạch nợ thì đừng sống như vẫn còn nặng nợ!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[1]Vậy chúng ta sẽ nói làm sao?
Chúng ta phải cứ ở trong tội lỗi,
hầu cho ân điển được dư dật chăng?
[2]Chẳng hề như vậy!
Chúng ta đã chết về tội lỗi,
lẽ nào còn sống trong tội lỗi nữa?”
(Rô. 6:1-2)

"ÔN CỐ TRI TÂN…"

22/10/2018

 
Picture





​“…Đào Duy Từ, người mà chúa Trịnh khinh khi chỉ vì ông là con phường chèo, chẳng dè lại là người mưu sâu kế hiểm, chúa Nguyễn sánh ông với Tử Phòng và Khổng Minh thì có thể là chưa đúng, nhưng chắc chắn là cũng chẳng sai bao nhiêu. Hóa ra, xét người mà không xét ở cái đầu và cái tâm, chỉ lo xét ở những trang gia phả của họ, thì nếu đúng cũng chỉ là sự may trong muôn một mà thôi…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“LẦN HIẾN KẾ LỚN ĐẦU TIÊN CỦA ĐÀO DUY TỪ”
 
Tháng Ba năm Canh Ngọ (1630), Đào Duy Từ đã lập công lớn bằng cách hiến kế cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Sự kiện này đã được sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển II) chép như sau:
 
"Trước đó, Đào Duy Từ thường khuyên chúa đừng nạp thuế cho họ Trịnh. Chúa nói:
 
- Tiên vương (chỉ Nguyễn Hoàng - ND) tài trí hơn người mà cũng còn phải chịu đi lại thông hiếu. Ta nay nhỏ kém không thể sánh với tiên vương, đất đai và binh sĩ khí giới lại không bằng một phần mười của Đông Đô (đây chỉ chúa Trịnh - ND), nếu không nạp thuế thì lấy gì để giữ đất và nối nghiệp?
 
Duy Từ thưa rằng:
 
- Thần nghe, trí tuệ chẳng bằng nắm được thời thế. Tiên vương sẵn uy vũ anh hùng, mưu kế sáng suốt, chẳng phải là không thể riêng giữ đất đai, nhưng thời ấy, thuộc tướng ở tam ti (tức Thừa ti, Đô ti và Hiến ti) đều do họ Trịnh cắt đặt, ví như thời vua Lê Thế Tông có Mai Cầu làm tổng binh Thuận Hóa, thời vua Lê Kính Tông có Vũ Chân làm hiến sát Thuận Hóa...v.v, nhất cử nhất động đều bị họ chú ý kiếm chế, cho nên, tiên vương mới chịu nhẫn nại như vậy. Nay, Chúa thượng chuyên chế cả một phương, quan thuộc đều tự quyền cắt đặt, dẫu nói một lời cũng không ai dám trái. Thần xin được hiến kế, theo đó thì không phải nạp thuế mà vẫn giữ được đất đai, lại còn có thể dựng nên nghiệp lớn.
 
Chúa hỏi:
 
- Đó là kế gì?
 
(Đào) Duy Từ thưa:
 
- Muốn mưu đồ bá vương, cần phải có kế vẹn toàn. Người xưa nói rằng, nếu không có một lần khó nhọc thì không thể ngơi nghỉ lâu dài, nếu không chịu phí tổn nhất thời thì không thể có yên ổn mãi. Thần xin được hiến bản vẽ, đem quân dân hai trấn đến đắp một cái lũy dài, trên nối với núi Trường Dục, dưới kéo đến bãi cát Hạc Hải, nhân theo thế đất mà đặt chỗ hiểm để giữ vững biên cảnh, quân địch dẫu có đến cũng không làm gì được.
 
Chúa theo kế ấy, huy động quân dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng thì xong. Chúa lại hỏi (Đào) Duy Từ về cách trả lại tờ sắc phong, Duy Từ thưa:
 
- Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc phong ở giữa, xong, sắm đầy đủ lễ vật, lấy tướng thần lại là Văn Khuông (chưa rõ họ) làm sứ giả đi tạ ơn. Thần xin nghĩ sẵn hơn mười câu hỏi và trả lời để trao cho sứ giả mang đi, đến nơi sẽ tùy cơ ứng biến. Hễ đem xong mâm đồng cho họ Trịnh thì mau tìm cách về. Làm như thế, họ Trịnh sẽ mắc mưu ta.
 
Chúa theo lời, sai Văn Khuông đi Đông Đô. Văn Khuông đến, Trịnh Tráng mời vào yết kiến và hỏi:
- Trước đây đã đòi mà chúa Phương Nam không chịu nạp lễ vật để cống nhà Minh là sao?
 
Văn Khuông đáp:
 
- Lệ cống nhà Minh không có voi và thuyền, sợ người truyền lệnh nói không thật nên không dám vâng mệnh.
 
Hỏi:
 
- Tại sao (chúa Phương Nam) không cho con em đến làm con tin?
 
Đáp:
 
- Nam Bắc nghĩa như một nhà, một lòng thành tin cậy lẫn nhau thì còn dùng con tin làm gì nữa?
 
Hỏi:
 
- Hoàng đế sai mời chúa Phương Nam đi đánh Cao Bằng, cớ sao lại không chịu đến?
 
Đáp:
 
- Giặc ở Cao Bằng là giặc đã sức cùng lực kiệt, sức của quân ở Trung Đô cũng đã thừa sức đánh. Chúa tôi vâng mệnh giữ hai xứ Thuận Quảng, phía Nam thì phải chống Chiêm Thành, phía Bắc lại phải đề phòng nhà Mạc, chỉ vì sợ không thể giữ yên bờ cõi nên mới không dám đi.
 
Hỏi:
 
- Đắp lũy Trường Dục là có ý muốn chống mệnh Vua hay sao?
 
Đáp:
 
- Đã chịu mệnh giữ đất thì phải phòng bị bờ cõi cho chắc, sao lại gọi là chống mệnh Vua?
 
Hỏi:
 
- Tướng tá ở Phương Nam thế nào?
 
Đáp:
 
- Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì không dưới vài chục người.
 
Hỏi:
 
- Người ta nói chúa Phương Nam là bậc anh hùng hào kiệt, sao không nghĩ đến việc đánh giặc lập công?
 
Đáp:
 
- Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn hát, chỉ muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, lấy uy tín để cảm phục người xa. Ở Phương Đông thì Ma Cao và Lạc Già (tức Malácca - ND) là thuộc quốc của Tây Dương, ở phương Tây thì Vạn Tượng và Ai Lao... không đâu là không thần phục. Nếu như thực có bọn Vương Mãng, Tào Tháo... tiếm lạm danh nghĩa và giết hại sinh dân thì (chúa tôi) nhất định vì nghĩa mà xuất chinh, xây nền cơ nghiệp, không có gì sánh bằng.
 
Trịnh Tráng nghe vậy thì lặng yên, lát sau, quay lại bảo triều thần rằng:
 
- Sứ giả Phương Nam ứng đối lưu loát như nước chảy, người Phương Bắc ta không thể sánh kịp được. Nói rồi, tiếp đãi (Văn Khuông) rất hậu.
 
Văn Khuông bưng mâm đồng chứa đầy vàng bạc dâng lên. Tráng nhận lấy. Ngay hôm đó, Văn Khuông lẻn ra khỏi cửa đô thành, theo đường biển mà trở về. Người họ Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy thì lấy làm lạ, bèn tách ra xem thì thấy ở trong có tờ sắc phong và một tấm thiếp viết:
 
“Mâu Nhi Vô Dịch,
Mịch Phi Kiến Tích,
Ái Lạc Tâm Trường,
Lực Lai Tương Địch.”
 
Bầy tôi dâng lên, Tráng hỏi nhưng không ai hiểu được. Thiếu úy là Phùng Khắc Khoan nói rằng:
 
- Đó chẳng qua là ẩn ngữ của mấy chữ “Dư Bất Thụ Sắc” (nghĩa là ta không nhận sắc - ND).
 
Tráng giận lắm, sai người bắt Văn Khuông nhưng không kịp. Tráng muốn lập tức đem quân vào đánh Phương Nam, nhưng lúc bấy giờ ở Cao Bằng và Hải Dương đều có tin cáo cấp nên thôi. Khi Văn Khuông về, Chúa (Nguyễn Phúc Nguyên) cả mừng, nói:
 
- Duy Từ quả như Tử Phòng, Khổng Minh ngày nay vậy.
 
Nói rồi, trọng thưởng (cho Đào Duy Từ) và thăng Văn Khuông lên chức cai hợp".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“HÃY CẦU NGUYỆN CHO MỤC SƯ CỦA MÌNH!”

21/10/2018

 
Picture
​





​

​"Kẻ cầu thay cần phải có người cầu thay để có thể cầu thay!"
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Ta sẽ ban
các kẻ chăn giữ vừa lòng ta
cho các ngươi,
các kẻ ấy
sẽ lấy sự sáng suốt khôn ngoan
mà chăn nuôi các ngươi.”
(Giê. 3:15)

“PASTORAL THOUGHT…”

21/10/2018

 
Picture








​“Có những người mà nếu họ chưa mở miệng nói thì chưa ai biết họ là người ngu!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Khi nín lặng, dầu người ngu dại,
cũng được cầm bằng khôn ngoan;
Còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại
được kể là thông sáng.”
(Châm. 17:28)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

21/10/2018

 
Picture


“…Chúa Nguyễn Phúc Nguyên khen Trần Đức Hòa là bậc biết người, thật không thể nào nói khác hơn được. Kẻ bất tài lại bất nhân, bao giờ cũng chỉ canh cánh nỗi lo người khác hơn mình. Họ ghen ghét đã đành, có khi còn tìm cách hãm hại, đẩy người tài đức vào chỗ chết. Khám lí Trần Đức Hòa thì hòan toàn ngược lại, gặp được người tài còn lấy làm vui hơn bắt được vàng, một lòng tận tụy bảo bọc, chỉ chờ được dịp là tiến cử, đáng kính thay! Có người sống cạnh ta cả đời mà rốt cuộc vẫn chẳng hiểu ta, nhưng cũng có người dẫu chỉ mới sơ giao, ta đã có cảm giác như họ vừa từ trong lòng ta đi ra vậy. Những người tri kỉ như vậy, đông tây kim cổ vẫn rất hiếm. Phải chăng cũng chính vì sự đặc biệt hiếm hoi ấy mà sử đã trân trọng chép cuộc gặp gỡ rất tương đắc giữa Đào Duy Từ với Trần Đức Hòa? Nếu coi đó là hạnh phúc thì Đào Duy Từ là người vô cùng hạnh phúc vậy….”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“ĐÀO DUY TỪ GẶP NGƯỜI TRI KỈ”
 
Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển II) chép rằng:
 
"Ất Sửu, năm thứ mười hai (tức năm 1625 - ND). Mùa Đông, Đào Duy Từ đến theo (chúa Nguyễn). Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, xứ Thanh Hoa (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND), làu thông kinh sử lại giỏi cả thiên văn và thuật số. Năm ấy, Thanh Hoa có kì thi Hương, quan Hiến Ti cho Duy Từ là con phường chèo nên tước bỏ tên, không cho vào thi. Duy Từ bực tức trở về, nhân nghe tiếng chúa (Nguyễn) yêu dân và quý học trò, các bậc hào kiệt đều quy phục, nên quyết chí vào Nam một mình để theo.
 
(Đến nơi, Đào Duy Từ) ở huyện Vũ Xương đến hơn một tháng nhưng không ai biết đến cả. Lúc ấy có tin quan khám lí huyện Hoài Nhân là Trần Đức Hòa, giàu mưu lược, được chúa tin dùng, (ông) bèn vào Hoài Nhân, (lúc đầu) giả thác làm người ở chăn trâu cho một nhà giàu ở xã Tùng Châu. Nhà giàu này thấy ông là người biết rộng, nghe nhiều, bèn nói với (Trần) Đức Hòa. Đức Hòa đến nói chuyện với ông, thấy ông không có điều gì là không thông suốt, lấy làm kính trọng, bèn gả con gái cho. Duy Từ từng ngâm bài Ngọa Long Cương để tự ví mình (với Khổng Minh Gia Cát Lượng). Đức Hòa thấy thế, nói:
 
- Đào Duy Từ là Ngọa Long (tức Khổng Minh - ND) đời nay chăng ?"
 
Năm 1627, quân của Trịnh Tráng chủ động tấn công quân của chúa Nguyễn, nhưng trải mấy tháng trời không thể thu được thắng lợi, họ liền rút lui. Được tin này, Trần Đức Hòa từ quê nhà là Hoài Nhân ra tận phủ Chúa để chúc mừng. Cũng sách trên chép tiếp:
 
"Chúa hỏi cuộc sống của dân xứ Quảng Nam sướng khổ thế nào, Hòa liền thưa:
 
- Nhờ chúa thượng rộng ban ơn huệ, lại giữ hiệu lệnh nghiêm minh nên trăm họ ai ai cũng được an cư lạc nghiệp.
 
Nới rồi, Đức Hòa ung dung lấy bài Ngọa Long Cương từ trong tay áo ra dâng và thưa rằng:
 
- Bài thơ này do gia sư của tôi là Đào Duy Từ làm ra.
 
Chúa xem, thấy lạ, liền giục mời (Đào Duy Từ) đến. Mấy ngày sau, Đức Hòa cùng Đào Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy, Chúa mặc áo trắng, đứng ở cửa nách chờ, Duy Từ vừa chợt nhìn thấy đã đứng lại, không chịu đi nữa. Chúa liền vào mặc áo, đội mũ chỉnh tề để ra mời. Duy Từ lúc ấy mới rảo bước vào lạy. (Chúa và Duy Từ) cùng nói chuyện. Chúa vui vẻ hỏi:
 
- Khanh sao đến muộn thế?
 
Nói xong, trao ngay cho chức Nha Úy Nội Tán, tước Lộc Khê Hầu, sai trông coi việc quân cơ trong ngoài và dự bàn việc lớn của quốc gia.
 
Chúa mời (Duy Từ) vào trong cung cấm để bàn bạc. Duy Từ nhân đó bày tỏ hết những điều uẩn khúc trong lòng cho Chúa hay. Chúa khen Đức Hòa là bậc biết người, bèn trọng thưởng cho ông".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“MỖI TUẦN MỘT CHƯƠNG SÁCH…”

21/10/2018

 
Picture








​​“Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…”

(Rev. Đoàn Nhật Tan, Ph.D.)

​“TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI”
(“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)
 
Ông Phạm Trọng Yêm, người nhà Tống, làm quan đến Tể Tường mà vẫn nghèo suốt đời, tính ông trọng nghĩa, khinh tài, thích làm việc bố thí nhất là đối với người trong họ lại càng hậu lắm. Ông để dành lương bổng, mua được một thửa đất làm nghĩa trang để lấy hoa lợi cứu người nghèo khó trong họ. Phàm việc tang tóc cưới xin của chúng, ông đều lo liệu đỡ cho hết.
 
Con ông là Thuần Nhân, đức tính cũng như ông. Lúc ông làm quan ở Khai Phong, để dành được năm trăm thùng thóc, sai Thuần Nhân đem về quê. Thuần Nhân đi đến Đan Dương gặp người bạn cũ của cha là Thạch Man Khanh, nhà đã cùng quẫn, chẳng may gặp ba cái tang một lúc, Thuần Nhân giúp cho cả năm trăm thùng thóc. Hai con gái Man Khanh lớn tuổi mà chưa gả bán xây dựng, không chỗ nương tựa. Nhân Thuần cho nốt cả cái thuyền.
 
Đến lúc về nhà cha hỏi:
 
- Con đi có gặp ai không?
 
Thuần Nhân thưa: - Con đi đến Đan Dương có gặp Thạch Man Khanh nhà nghèo khổ, lại gặp lúc liền ba cái tang, hai con gái lớn không có gì để gây dựng, con có tự tiện cho cả năm trăm thùng thóc mà còn chưa đủ.
 
Ông bảo: - Thế sao con không cho nốt cả cái thuyền?
 
Thuần Nhân thưa: - Con cũng đã cho cả cái thuyền rồi.
 
Ông khen phải rồi nói: - Cứ như thế mới đáng là con ta.
 
(Phạm Trọng Yêm Truyện)
 
GIẢI NGHĨA
 
Phạm Trọng Yêm: Bực danh thần nhà Tống, có chí to gánh vác việc đời, lo thì lo trước khi thiên hạ lo, vui thì sau khi thiên hạ vui.
Trọng nghĩa: Lấy điều phải làm trọng mà hết sức làm.
Khinh tài: Cho của cải là thường, không để cho của lấn được nghĩa.
 
LỜI BÀN
 
Làm quan đến bậc tể tướng mà nhà vẫn nghèo, thế là thanh liêm đáng trọng. Để dành được đồng nào lại đem bố thí cho kẻ nghèo khổ, thế là nhân đức, đáng trọng hơn nữa. Có năm trăm hộc thóc cho cả thế là thương người, đáng phục. Có chiếc thuyền mình đi cũng cho nốt, thế là quên mình đáng trọng hơn nữa. Rõ ràng cha nào con nấy; hai cha con ông Phạm Trọng Yêm thật là có lòng nhân ái, hiểu thấu cái nghĩa cứu kẻ khốn cùng, giúp người tai nạn là việc vui lòng nhất ở đời. Cho nên ta có câu:
 
“Sướng gì hơn sướng làm lành,
Cho bao nhiêu của để dành bấy nhiêu.”

<<Previous

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân