REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“PASTORAL THOUGHT…”

30/9/2018

 
Picture
​




​“Lái xe, sợ nhất là ngủ gục khi lái; theo Chúa, sợ nhất là sai lạc ý Chúa theo Kinh Thánh.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi,
Ánh sáng cho đường lối tôi.”
(Thi. 119:105)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

30/9/2018

 
Picture



​“…Lê Anh Tông có gan và có sức chạy đến Nghệ An nhưng lại không có gan và sức để chống lại đám quân sĩ đi bắt mình. Bảo là lực lượng của Trịnh Tùng quá mạnh cũng được mà bảo là năng lực và bản lĩnh của nhà vua quá yếu cũng được. Bình sinh, vua thích nghe lời bàn ra bàn vào, thì khi gặp nạn, chẳng ai dám cứu Vua, chuyện ấy không có gì khó hiểu cả…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“ĐOẠN KẾT BI THẢM CỦA CUỘC ĐỜI VUA LÊ ANH TÔNG”
 
Năm 1570, bởi chịu không nổi sự bức bách của Trịnh Tùng và những lời bàn ra bàn vào của bá quan văn võ, vua Lê Anh Tông hoảng hốt bỏ cả ngai vàng mà chạy vào Nghệ An. Trong lúc vội vã, nhà vua chỉ kịp mang theo bốn trong số năm vị Hoàng tử của mình. Trịnh Tùng cũng chỉ mong được như vậy mà thôi. Ngay sau đó, Trịnh Tùng cho người đến xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), đón Hoàng tứ thứ năm là Lê Duy Đàm, lúc này mới lên sáu tuổi, về lập làm vua, đó là vua Lê Thế Tông (1573 - 1599).
 
Bấy giờ, đất đai Nam Triều quản lãnh còn nhỏ hẹp, vậy mà có đến những hai vua, sự thừa thãi đấng chí tôn quả là rất đáng sợ. Giữa hai vua, hiển nhiên Trịnh Tùng chỉ có thể chọn vua con là Lê Thế Tông, vì Lê Thế Tông bất quá cũng chỉ là một đứa trẻ con không hơn không kém. Chọn vua con thì phải thủ tiêu vua cha, nhưng để tránh tội thí nghịch, Trịnh Tùng lại phải đặt mưu tính kế. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVII, Tờ 2b) chép rằng:
 
"Bấy giờ, Hồng Phúc Hoàng Đế (chỉ vua Lê Anh Tông. Hồng phúc là niên hiệu của Lê Anh Tông, dùng từ năm 1572 đến năm 1573 - ND) phiêu bạt đến đất Nghệ An. Các Hoàng tử là Bách, Lựu, Ngạnh và Tùng đều đi theo. Tả tướng Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu tiến quân đến đánh thành (Nghệ An). Nhà vua chạy trốn ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu liền quỳ lạy ở ngoài ruộng mía và nói rằng:
 
- Xin bệ hạ mau trở về cung để thỏa yên lòng mong đợi của thần dân trong nước, bọn thần không hề có ý gì khác cả.
 
Chúng đem bốn con voi đực đi đón Vua trở về. (Trịnh Tùng) sai bảng quận công là Tống Đức Vị theo hầu sát ngày đêm. Ngày hai mươi hai (tháng Giêng năm Quý Dậu, 1573 - ND), Vua về đến huyện Lôi Dương (nay thuộc tỉnh Thanh Hóa - ND). Hôm ấy Vua băng. Khi ấy, tả tướng Trịnh Tùng sai Tống ĐứcVị ngầm bức hại Vua, xong thì nói phao lên rằng, Nhà vua đã thắt cổ tự tử."
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“MỖI TUẦN MỘT CHƯƠNG SÁCH…”

30/9/2018

 
Picture






​“Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…”

(Rev. Đoàn Nhật Tan, Ph.D.)

​“MẸ KHÔN CON GIỎI”
(“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)
 
Vương Lăng, người đất Bái là người hào trưởng trong huyện.
 
Cao Tổ nhà Hán, lúc còn hàn vi, quý Vương Lăng như anh. Khi Cao Tổ khởi binh, đánh dẹp, Vương Lăng có vài nghìn quân, đem đi phụ theo Cao Tổ. Hạng Vũ thấy thế, bắt mẹ Vương Lăng giam ở trong quận. Sứ giả của Vương Lăng đến, Hạng Vũ bách mẹ Lăng phải dụ Lăng về với mình.
 
Bà mẹ Lăng, tiễn sứ giả ra một mình, khóc mà bảo rằng:
 
- Người nên vì thiếp già này nhắn bảo hộ Lăng một câu: Cứ hết lòng mà theo thờ Hán Vương chớ vì có thiếp già đây mà sinh ra nhị tâm nhé!
 
Nói đoạn, bà cầm gươm tự đâm chết, cốt ý để khuyến khích Vương Lăng giữ cho bền lòng.
 
(Hán Sử)
 
GIẢI NGHĨA:
 
-Cao Tổ: tức là Bái Công vua đầu nhà Tây Hán, phá nhà Tần, diệt nhà Sở mà có thiên hạ.
 
-Hạng Vũ: tức là Hạng Tịch khỏe mạnh và tài khá hơn người, tranh thiên hạ với Bái Công sau thua chết ở Cai Hạ.
 
LỜI BÀN:
 
Đang lúc thiên hạ loạn lạc, quần hùng nổi lên, dù người có mắt tinh đời cũng chưa dễ oán được sau này ai là vua, ai là giặc.
 
Như Bái Công và Hạng Vũ đây, đôi bên bây giờ đang tranh đâu. Bái Công thua luôn, Hạng Vũ được luôn, lại càng khó biết sự thống nhất về tay ai hơn nữa. Thế mà khen thay, bà mẹ Vương Lăng biết con quy phục Bái Công là phải. Một khi bà đã hiểu rõ ai là người có chính nghĩa, trước bà liều thân để khuyên con, sau là thí thân để vững lòng con, thực là một bậc đàn bà, không ngoan sáng suốt hiếm có vậy. Cho nên người đời trước có câu khen rằng: “Mẫu hề hà trí, tử hề hà trung, nhất môn mẫu tử, vạn cổ anh phong” nghĩa là “ mẹ sao mà khôn như thế, con sao mà trung như thế, một nhà mẹ con tiếng thơm muôn đời”, thật là phải lắm.

“PASTORAL THOUGHT…”

29/9/2018

 
Picture






​“Vâng lời Đức Chúa Trời là chọn lựa tối hậu của Dân Ngài.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Phierơ và các Sứ Đồ trả lời rằng:
Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời
còn hơn là vâng lời người ta”
(Công. 5:29)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

29/9/2018

 
Picture



​“…Lập Bạo trước đã theo phò Nam triều, được Nam triều phong tới tước Quận công, nhưng khi thấy Nam triều lục đục, Lập Bạo đã vội theo Bắc triều, tình nguyện đem quân đi đánh Nam triều đang khi Nam triều gặp hoạn nạn, ấy là cơ hội và bất nghĩa. Đành là cả Nam triều lẫn Bắc triều, chẳng ai có chính nghĩa, nhưng phàm là kẻ được sống giữa cõi trời đất, chim cho ra chim, chuột cho ra chuột, còn như cam phận làm loài dơi thì chỉ lẩn quất trong bóng tối mà thôi…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“LẬP BẠO ĐÃ BỊ GIẾT NHƯ THẾ NÀO?”
 
Lập Bạo là tên, còn họ là gì thì chưa rõ. Sinh thời, Lập Bạo từng được Nam triều phong tới tước Quận Công, vì thế, sử vẫn thường chép là Lập Quận Công. Năm 1570, khi thấy Trịnh Kiểm mất, hai anh em Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau để giành quyền bính, tình thế Nam Triều rất phức tạp, Lập Bạo bèn về đầu hàng Bắc Triều. Bởi bản quán của Lập Bạo là vùng Bắc Bố Chính (nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - ND), cho nên, nhà Mạc liền sai Lập Bạo dẫn quân Bắc Triều vào đánh phá vùng này. Chuyến này, Lập Bạo ra đi để rồi không bao giờ trở về được nữa. Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển I) chép chuyện Lập Bạo như sau:
 
"Mùa Thu, tháng Bảy (năm 1572 - ND), tướng Mạc là Lập Bạo (không rõ họ, tự xưng là quận công) người châu Bắc Bố Chính, đem hơn sáu mươi chiến thuyền, vượt biển vào cướp phá. Chúng đóng trại từ Hồ Xá đến đền Thanh Tương (xã Lãng Uyển), thế rất mạnh. Chúa (đây chỉ Nguyễn Hoàng - ND) đem quân chống giữ ở sông Ái Tử. Đêm đang ngủ, Chúa bỗng nghe từ giữa sông có tiếng kêu trảo trảo, cho là điềm lạ, liền khấn rằng:
 
- Thần sông nếu có linh thiêng thì xin hãy giúp ta đánh giặc.
 
Đêm ấy, Chúa nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm một cái quạt the, đến trước mặt mà nói rằng:
 
- Minh công muốn trừ được giặc thì nên dùng mĩ kế để dụ giặc đến bãi cát, thiếp sẽ giúp sức cho.
 
Tỉnh dậy, Chúa nghĩ rằng, người đàn bà trong mộng khuyên ta nên dùng mĩ kế, vậy phải chăng mĩ kế chính là mĩ nhân kế? Bấy giờ, trong đám thị tì của chúa có nàng Ngô Thị (tên là Ngọc Lâm, lại có tên gọi khác là Trà, người làng Thế Lại) đã có nhan sắc đẹp lại có tài biện bác. Chúa liền sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ khúc sông có tiếng kêu trảo trảo để giết hắn.
 
Ngô Thị đến trại Lập Bạo, nói:
 
- Chúa công thiếp nghe tin tướng quân từ xa mới đến, liền vội sai thiếp mang chút quà mọn tới để xin giảng hòa, không đánh nhau nữa.
 
Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô Thị, nhưng vẫn còn giả vờ nói:
 
- Người tính đến đây để làm mồi nhử ta có phải không?
 
Ngô Thị khéo đẩy đưa thưa gởi, Lập Bạo liền tin, cho giữ lại trong trướng. Ngô Thị nhân đó, mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng Chúa hội thề. Lập Bạo đồng ý, Ngô Thị lập tức mật báo cho Chúa hay trước. Chúa cho dựng ngay một ngôi đền tranh ở bên sông, ngay chỗ có tiếng kêu trảo trảo để làm chỗ hội thề, đồng thời, sai đào hầm, đặt phục binh sẵn. Đến hẹn, Lập Bạo cùng với Ngô Thị, đi trên một chiếc thuyền nhỏ, chỉ có độ vài chục người theo hầu. Tới bến, thấy dưới cờ của Chúa cũng chỉ có khoảng vài chục người theo hầu nên Lập Bạo vẫn thản nhiên, không hề ngờ vực gì cả, cứ thế mà bước thong thả vào đền. Bất ngờ, phục binh nổi dậy, Lập Bạo hoảng sợ chạy xuống thuyền thì thuyền đã ra xa ngoài bãi rồi. Lập Bạo nhảy xuống nước lao theo, nhưng chưa kịp đến nơi thì đã bị bắn chết. Chúa thừa thắng, tiến đến đánh dinh trại của quân Lập Bạo ở Thanh Tương. Khi ấy, có gió to nổi lên, thuyền giặc đắm gần hết, chúng đem nhau ra hàng. Chúa cho chúng ở đất Cồn Tiên (tức cửa Tùng - ND), nay là tổng Bái Ân (thuộc Quảng Trị - ND), chia làm ba mươi sáu phường. Khi về, Chúa thưởng công cho Ngô Thị, đem Ngô Thị gả cho quan phó đoan sự vệ, vệ thiên võ là Võ Doãn Trung, lập đền thờ và phong cho thần sông làm Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu Phu Nhân”.
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“IN THE SAME BOAT” (“Đồng Hội Đồng Thuyền”)

28/9/2018

 
Picture



​We did it to two different cars but for the same purpose, on the same day, in the same city, at the same hotel… Did we?
(Dầu là nạo tuyết cho hai xe khác nhau nhưng vì cùng một mục đích, trong cùng một ngày, tại cùng một thành phố, ở cùng một khách sạn… Có phải vậy không?)

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

IT WAS IN OHIO THIRTEEN YEARS AGO…
(Returning Sounth From Scioto)

“PASTORAL THOUGHT…”

28/9/2018

 
Picture






​“Muốn được thành công thì phải biết cố công bàn bạc!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Đâu không có nghị luận, đó mưu định phải phế;
Nhưng nhờ có nhiều mưu sĩ, mưu định bèn được thành.”
(Châm. 15:22)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

28/9/2018

 
Picture





“Mưu kế chính trị và thực tiễn chính trị muôn thuở vẫn thế: ‘Nghịch ngã giả, vong!’. Nếu Trịnh Tùng không diệt người tất người sẽ diệt Trịnh Tùng.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“VUA LÊ ANH TÔNG VÀ THÁI PHÓ LÊ CẬP ĐỆ GẶP ĐẠI HỌA”
 
Năm 1570, sau khi đánh đuổi được anh là Trịnh Cối để giành ngôi chúa, Trịnh Tùng liền tìm đủ mọi cách thâu tóm quyến bính về tay mình, đồng thời, thủ tiêu bất cứ ai có ý định chống đối. Bấy giờ, Lê Cập Đệ vừa là chỗ dựa tin cậy của nhà vua, lại cũng vừa là kẻ không ưa gì Trịnh Tùng; bởi vậy, Trịnh Tùng cố sức gài bẫy để giết cho bằng được Lê Cập Đệ. Đang lúc Trịnh Tùng căm ghét Lê Cập Đệ như vậy, thì vào năm 1571, Nhà vua lại định công ban thưởng những người trực tiếp đánh nhau với quân Mạc, thăng cho Lê Cập Đệ lên đến hàm thái phó, khiến cho Lê Cập Đệ càng thêm dương dương tự đắc, khinh nhờn cả với Trịnh Tùng. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVI, Tờ 35b) chép rằng:
 
"Tháng Ba (năm Nhâm Thân, 1572 - ND), Lê Cập Đệ ngầm có chí khác, mưu giết tả tướng (chỉ Trịnh Tùng vì lúc này Trịnh Tùng được phong làm tả tướng - ND), vờ rủ Tả tướng bơi thuyền ra giữa sông để giết, nhưng tả tướng biết được nên mưu không thành. Từ đấy, hai bên thù oán nhau, ngoài thì vờ như hiệp lực để đánh giặc mà trong thì nghi kị, chỉ muốn ám hại nhau".
 
Và cuộc ám hại nhau đã diễn ra vào ngày hai mươi mốt tháng Mười Một năm 1572. Cũng sách trên (Tờ 37a) chép tiếp:
 
"Lê Cập Đệ từng nuôi chí khác, mưu hại tả tướng Trịnh Tùng, song, Tả tướng vờ như không biết, sai người đến biếu (Lê Cập Đệ) rất nhiều vàng. Lê Cập Đệ đến để tạ ơn, Trịnh Tùng liền sai đao phủ núp sẵn ở sau trướng, ra bắt và giết đi, xong lại sai người nói phao lên rằng, vua sai Trịnh Tùng giết Lê Cập Đệ là kẻ làm phản, tướng sĩ không ai được hoang mang, ai bỏ chạy hoặc chống lại đều bị giết cả họ. Quân lính thảy đều khiếp sợ, không dám làm gì".
 
Giết xong Lê Cập Đệ rồi, Trịnh Tùng liền tìm cách để bức bách Nhà vua. Tiếc thay, Lê Anh Tông đã ở thế cô, lại thêm non yếu về bản lĩnh chính trị, đến nỗi cuối cùng cũng gặp đại họa chẳng kém gì Lê Cập Đệ. Sách trên (Tờ 37a-b) viết tiếp:
 
"Lúc ấy, bọn bề tôi là Cảnh Hấp và Đình Ngạn đến tâu vua rằng:
 
- Tả tướng cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ thật khó bề cùng tồn tại với ông ta được.
 
Nghe vậy, Nhà vua hoang mang, nghi hoặc, đang đêm mà bỏ chạy, mang theo bốn vị hoàng tử cùng chạy vào thành Nghệ An và ở luôn tại đó. Tả tướng nói với các tướng rằng:
 
- Giờ đây, bởi nghe theo lời gièm pha của lũ tiểu nhân mà nhà vua bỗng làm điều khinh suất, bỏ ngôi báu mà phiêu dạt ra ngoài. Thiên hạ không thể có một ngày không có vua. Nếu vậy, ta và quân sĩ lập công danh với ai đây? Chi bằng hãy tìm một vị hoàng tử, tôn lên ngôi báu để yên lòng người, sau hãy đem quân đi đón vua cũng không muộn.
 
Bấy giờ, hoàng tử thứ năm, tên là Đàm đang ở xã Quảng Thi, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa - ND), Trịnh Tùng cho người đón về, tôn làm vua, đó là vua Lê Thế Tông".
 
Các bộ sử cũ cũng cho biết, đến ngày hai mươi hai tháng Giêng năm Quý Dậu (1573), vua Lê Anh Tông bị chúa Trịnh Tùng giết, thọ bốn mươi mốt tuổi. Hoàng tử Lê Duy Đàm lên ngôi lúc mới sáu tuổi đầu, chính sự trong nước lớn nhỏ đều do Trịnh Tùng quyết đoán.
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

27/9/2018

 
Picture
​




​“Là Cơ Đốc Nhân, tính tự túc của bản thân nhất thiết phải được thay thế bằng sự toàn túc của Đức Chúa Jêsus Christ!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh.
Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái;
vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được.”
(Gi. 15:5)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

27/9/2018

 
Picture





“Cái dũng của Trần Thị thật đáng khâm phục thay!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“CHUYỆN MỸ LƯƠNG, VĂN LAN, NGHĨA SƠN VÀ NGƯỜI VỢ CỦA TRƯƠNG TRÀ”
 
Mỹ Lương, Văn Lan và Nghĩa Sơn là ba anh em ruột, quê ỏ làng Phổ Hành, huyện Khang Lộc (Thuận Hóa), không rõ họ và tên thật là gì, còn vợ của tướng quân Trương Trà, người họ Trần, quê ở làng Diêm Tràng, huyện Phú Vang (Thuận Hóa). Trong chỗ đẩy đưa không ngờ của thế cuộc, năm Tân Mùi (1571), những con người này đã gặp nhau trong một câu chuyện đáng để cho hậu thế lưu tâm. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXVIII, Tờ 29 và 30) ghi lại như sau:
 
"Mỹ Lương và hai em là Văn Lan và Nghĩa Sơn, nhờ có công dâng thóc đóng góp cho họ Trịnh, nên được bổ làm quan, chuyên lo việc thu tô thuế. Sau, nhờ có công, Mỹ Lương được làm đến chức tham đốc, còn Văn Lan và Nghĩa Sơn đều được làm tới chức thự vệ.
 
Khi quân nhà Mạc vào cướp phá Nghệ An, đất Thuận Hóa cũng bị náo động. Mỹ Lương nhân đó, định đánh úp đất Vũ Xương (nay thuộc Quảng Trị - ND) rồi đem quân ra hàng nhà Mạc. Mỹ Lương sai em là Văn Lan và Nghĩa Sơn, đem quân mai phục ở Minh Linh (nay thuộc Quảng Trị - ND) còn mình thì lẻn theo đường núi đến khu Cầu Ngói ở huyện Hải Lăng (cũng thuộc Quảng Trị - ND), hẹn ngày cùng nhau đánh từ hai phía đánh lại.
 
Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế (chỉ Nguyễn Hoàng - ND) biết rõ âm mưu của chúng, bèn sai phó tướng là Trương Trà đi đánh Nghĩa Sơn, còn Gia Dụ thì tự mình thống lãnh quân lính, bí mật đến Cầu Ngói đánh úp Mỹ Lương, đốt hết doanh trại của chúng. Mỹ Lương chạy trốn nhưng bị Gia Dụ bắt được và đem chém.
 
Trương Trà đến Phúc Thị đánh nhau với Nghĩa Sơn, bị Nghĩa Sơn bắn chết. Người vợ của Trương Trà là Trần Thị, sôi sục căm thù, liền cải trang giả làm đàn ông, xông ra trận đốc chiến và bắn chết được Nghĩa Sơn. Bọn Văn Lan chạy trốn về được với họ Trịnh.
 
Gia Dụ kéo quân về, phong Trần Thị làm Quận Phu Nhân".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

26/9/2018

 
Picture





​“Đối với những ai biết khát khao Đức Chúa Trời hơn tất cả thì ân điển của Ngài sẽ giúp họ thắng hơn các sự công kích của Ma Quỉ, thế gian, và xác thịt.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[7]Vậy hãy phục Đức Chúa Trời;
hãy chống trả Ma Quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em.
[8]Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em.
Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi;
[9]hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc;
hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn.
[10]Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.”
(Gia. 4:7-10)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

26/9/2018

 
Picture




“Hạ kế của Lê Cập Đệ chẳng những đã không cải thiện được cuộc diện mà còn làm cho cuộc diện trở nên sa sút nhiều hơn, thật rất đáng chê và sử sách đời nào cũng chê cả. Ấy vậy mà hiện nay bọn giá áo, túi cơm kiểu Lê Cập Đệ càng lúc càng đông, càng ngày càng hoành hành. Mạt!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“HẠ KẾ CỦA LÊ CẬP ĐỆ”
 
Lê Cập Đệ là một trong những võ tướng của Nam Triều, thời vua Lê Anh Tông (1556-1573) từng được phong tới tước quận công; sau được gia phong đến hàm thái phó, uy danh lừng lẫy lắm. Người xưa xét tài làm tướng, thường lấy dũng và mưu làm tiêu chuẩn hàng đầu. Cái dũng của Lê tướng quân không thấy sử chép kĩ, nhưng cái mưu của Lê tướng quân thì thấy các bộ chính sử đều nhắc đến. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVI, Tờ 30b và 31a) chép như sau:
 
"Bấy giờ (khoảng những năm 1570, 1571 - ND) họ Mạc cậy có tướng nhiều quân mạnh, quyết chí thôn tính cả đất châu Ái (chỉ Thanh Hóa - ND) và châu Hoan (chỉ Nghệ An - ND), ngày đêm đánh gấp ngay phía ngoài lũy Yên Trường. Quan quân (chỉ Nam Triều - ND) thế yếu, chỉ lo đắp lũy cho cao, đào hào cho sâu, giữ vững chỗ hiểm yếu để chờ thời.
 
Tháng Sáu (năm 1570 - ND), bọn đoan vũ hầu là Lê Cập Đệ, dùng mẹo để đắp thêm một tầng thành lũy ở phía ngoài, dài hơn mười dặm. (Cập Đệ) sai quân lấy phên và cả vách nhà của dân, trát đất rồi cắm chông bên ngoài, nhân lúc đêm tối, đem dựng ở phía ngoài lũy. Lũy giả này chỉ làm một đêm là xong. Sáng hôm sau, Mạc Kính Điển (tướng nhà Mạc, em của vua Hiến Tông Mạc Phúc Hải - ND) trông thấy, ngỡ là thật, sợ hãi không dám đến gần, bàn với các tướng rằng:
 
- Chẳng ngờ ngày nay quân nhà Lê vẫn có kỉ luật và pháp lệnh nghiêm minh đến như thế. Chỉ một đêm mà đã đắp xong thành lũy, hẳn là quân cảm tử của nhà Lê còn nhiều nên mới có thể dốc sức làm nhanh được, ta thấy không yên lòng chút nào.
 
Nói rồi (Mạc Kính Điển) liền tự mình đốc suất tướng sĩ, ngày đêm đánh gấp, hẹn phải lấy cho bằng được (đất đai thành lũy của nhà Lê) mới thôi. Do vậy, phía tả ngạn từ Da Châu đến Tàm Châu, phía hữu ngạn từ phía trên hai huyện Lôi Dương và Nông Cống đều là bãi chiến trường và mất lần hầu hết vào tay đối phương (chỉ quân Mạc - ND). Bấy giờ, nhân dân khắp xứ Thanh Hoa đều bỏ chạy vì nhà cửa điêu tàn, ruộng đồng phải bỏ hoang, nhiều người bị chết đói".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

25/9/2018

 
Picture





​“Kết nối với Đức Chúa Trời bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus đồng nghĩa với việc chúng ta chuyển giao quyền làm chủ đời sống mình cho Đức Chúa Trời để được Ngài điều khiển.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“[1]Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời
khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh,
đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em.
[2]Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa
bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành,
đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.”
(Rô. 12:1-2)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

25/9/2018

 
Picture



​“Nguyên lý thiên thu chốn chính trường là ‘được làm vua, thua làm giặc’, chẳng bao giờ ai chịu nhượng ai. Cứ phong quan, ban tước cho nhiều vào, không chịu tinh giảm biên chế mà cứ làm cho bộ máy cai trị càng lúc càng cồng kềnh thêm lên thế nào cũng có ngày cuộc tranh bá cũng sẽ diễn ra, lắm kẻ nếu không theo giặc cũng sẽ tự biến mình thành giặc!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“THANH DANH NGÕA GIẢI 声名瓦解” (Danh Tiếng Mất Hết)

24/9/2018

 
Picture




Có những con người mà cùng với cái chết của họ thì danh tiếng cũng mất hết...
“Phải sống cho thanh danh vì người ta sẽ cứ còn sống được với thanh danh!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)



​“Bởi đức tin, Abên đã dâng cho Đức Chúa Trời một tế lễ tốt hơn của Cain,
và được xưng công bình, vì Đức Chúa Trời làm chứng về người rằng Ngài nhậm lễ vật ấy;
​lại cũng nhờ đó dầu người chết rồi, hãy còn nói.”

(Hê. 11:4)
 
“Tốt Danh Hơn Lành Áo.”
(Tục Ngữ)
 
“Trăm Năm Bia Đá Thì Mòn, Ngàn Năm Bia Miệng Vẫn Còn Trơ Trơ.”
(Ca Dao)
 
“Hùm Chết Để Da, Người Ta Chết Để Tiếng.”
(Tục Ngữ)
Picture

“PASTORAL THOUGHT…”

24/9/2018

 
Picture
​




​“Cơ Đốc Nhân là ngôi ngự của Đức Chúa Trời cho nên họ không được phép để vướng víu bởi những sự của đời này!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình
là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em,
là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời,
và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?”
(1Cô. 6:19)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

24/9/2018

 
Picture





​“Trong xã hội (loài người) tấm lòng con người là tất cả. Một khi lòng người đã đảo điên thì thế sự tất phải điên đảo. Bất luận là gia đình hay xã hội, cuộc diện điên đảo sẽ diễn ra trên mọi phạm vi, ở mọi mức độ!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“VÌ SAO HOÀNG ĐỆ LÊ DUY HÀN BỊ PHẾ LÀM THỨ DÂN”
 
Lê Duy Hàn là em ruột của vua Lê Anh Tông (1556-1573), vì thế, sử thường chép tên ông là hoàng đệ Lê Duy Hàn. Bấy giờ, cuộc hỗn chiến Nam - Bắc triều (cũng gọi là cuộc chiến tranh Lê Mạc) đang trong thời kì quyết liệt, chính sự của cả Nam triều lẫn Bắc triều đều rối bời, dân tình cả nước rất khốn khổ.
 
Xét về danh nghĩa, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính lại do Nguyễn Kim nắm giữ. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Nam triều bị họ Trịnh chuyên quyền, ngôi hoàng đế của họ Lê chỉ là hư vị mà thôi. Sử gọi đó là “thời vua Lê - chúa Trịnh”. Tất nhiên, trong tôn thất nhà Lê cũng có những người nuôi chí khôi phục quyền lực cho dòng họ mình, và trong họ Trịnh, cũng có không ít người thèm khát ngôi chúa, cho nên, họ kết bè kết cánh và tìm cách thanh trừng lẫn nhau.
 
Cuộc nồi da nấu thịt lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Trịnh là cuộc hỗn chiến giữa con trưởng của Trịnh Kiểm là Trịnh Cối với con thứ của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng, diễn ra trong hai năm 1569 và 1570 với kết cục là Trịnh Tùng giành được ngôi chúa từ tay anh ruột của mình. Cuộc xung đột lớn nhất và sớm nhất trong nội bộ họ Lê là cuộc xung đột giữa vua Lê Anh Tông với em ruột của nhà vua là Lê Duy Hàn. Về sự kiện này, sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ Tục Biên, Quyển XVI, Tờ 25a) chép như sau:
"Mùa Hạ, tháng Tư (năm Kỉ Tị, 1569 - ND) Lê Duy Hàn là em ruột của nhà vua ngầm nuôi chí khác, lẻn vào cung cấm, lấy trộm ấn báu nên bị bắt, nhưng rồi được tha. Sau đó, (Lê Duy) Hàn lại phạm thêm tội giết người, (nhà vua) đành phải giao cho đình thần nghị tội. Vua nói với thượng tướng (chỉ Trịnh Kiểm - ND) rằng:
 
- Ta đang lúc tuổi trẻ, may nhờ được thượng phụ (chỉ Trịnh Kiểm - ND) và các quan văn võ tôn làm quân trưởng, lòng những mong giữ tình thân ái, trong từ anh em ruột thịt đến gia đình, ngoài từ quốc gia đến khắp thiên hạ, ai ai cũng được hưởng an vui. Nay, Duy Hàn với ta, tuy sinh cùng một bọc nhưng cha mẹ đều mất sớm, hắn chẳng chịu nghe lời dạy bảo, thường vụng trộm làm trò nhơ nhuốc, bẩm tính đã gian ngoan ngu muội, lại còn phạm tội vô cớ giết người, đáng phải bắt giam lại.
 
Đến ngày hai mươi lăm tháng Bảy, bọn thiếu phó là văn khê hấu Lương Quốc Hoa vâng theo thánh chỉ của vua, vào xin ý kiến của thượng tướng, căn cứ vào phép nước mà xử (Lê Duy Hàn) phải bị thích vào mặt sáu chữ, bắt phải phế làm thứ dân. Các quan Bộ Hình phải chịu trách nhiệm thi hành".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

23/9/2018

 
Picture





“Vâng lời Đức Chúa Trời là mệnh lệnh tối thượng của Đức Chúa Trời dành cho Dân Ngài.”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Các ngươi phải theo Giêhôva Đức Chúa Trời của các ngươi,
kính sợ Ngài, gìn giữ các điều răn Ngài,
vâng nghe tiếng phán Ngài, phục sự Ngài và tríu mến Ngài”
(Phục. 13:4)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

23/9/2018

 
Picture
​




​“…Chừng nào bậc chân tài còn trả lời theo lối ẩn dụ vòng vo thì chừng đó còn chưa thể nói rằng nhân tình thế thái đã hết đen bạc, kẻ cầm quyền bính nên lấy đó làm mối lo hàng đầu…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“LỜI KHUYÊN CỦA TRẠNG NGUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM”
 
Ngày hai mươi tháng Năm năm Ất Tị (1545), quan thái tể của Nam Triều là Nguyễn Kim bị viên hàng tướng của Bắc triều là trung hậu hầu Dương Chấp Nhất ngầm bỏ thuốc độc giết chết, Nam triều phải một phen khủng hoảng. Con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm, sau khi đã giết con trai trưởng của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông rồi khống chế con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng và các quan văn võ khác, đã giành được quyền chi phối mọi hoạt động của Nam Triều. Việc này khiến cho nhiều người đặc biệt là Nguyễn Hoàng, hết sức lo lắng.
 
Để phòng thân, sau nữa là để tìm cơ hội chống lại Trịnh Kiểm; một mặt, Nguyễn Hoàng giữ sự hòa thuận và thần phục Trịnh Kiểm, nhưng mặt khác, Nguyễn Hoàng bí mật tìm nơi thích hợp để tạo dựng cơ ngơi riêng cho mình. Giữa thế cuộc điên đảo của cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, ý định táo bạo này quả là không dễ gì thực hiện. Bản thân Nguyễn Hoàng cũng tỏ ra rất thận trọng trong công việc đặc biệt này. Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển I) chép rằng:
 
"Đến khoảng năm Thuận Bình đời vua Lê Trung Tông (tức khoảng từ năm 1548 đến năm 1556 - ND), do có quân công, (Nguyễn Hoàng) đã được tiến phong là Đoan Quận Công. Bấy giờ, hữu tướng của triều Lê là Trịnh Kiểm (xưng là Lượng Quốc công), cầm giữ binh quyền, tự ý quyết đoán mọi việc. Tả tướng là Lãng Quận công (Nguyễn) Uông, con trưởng của Triệu Tổ (chỉ Nguyễn Kim - ND) bị Kiểm hãm hại, Kiểm lại thấy chúa (chỉ Nguyễn Hoàng - ND) công danh ngày càng lớn nên rất ghét. Chúa cũng biết vậy nên trong lòng cứ áy náy không yên, ngầm bàn mưu với Nguyễn Ư Dĩ, vờ cáo bệnh, cốt giữ mình kín đáo để họ Trịnh không nghi ngờ gì.
 
Chúa nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm (người Trung Am, xứ Hải Dương, trạng nguyên của triều Mạc, từng làm đến thái bảo, đã về trí sĩ) là người giỏi về thuật số, liền bí mật sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn hòn non bộ trước sân mà ngâm rằng:
 
- Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân.
 
(Nghĩa là: Một dải Hoành Sơn, dung thân muôn đời. Hoành Sơn, tên nôm là Đèo Ngang, nằm giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình - ND). Người được sai đi đem câu ấy về thuật lại, chúa hiểu ý (của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Lúc ấy tuy xứ Thuận Hóa đã được dẹp yên, nhà Lê đã đặt tam ti (cơ quan cấp trấn, gồm Thừa Ti trông coi về hành chính và thuế khóa, Đô Ti trông coi về quân sự và Hiến Ti trông coi về tư pháp - ND) và phủ huyện để cai trị, nhưng lòng dân vẫn còn li tán, Trịnh Kiểm cũng lấy đó làm mối lo. Chúa nhờ chị là Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm - ND) nói với Kiểm cho mình vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Trịnh Kiểm thấy đất ấy hiểm nghèo lại xa xôi, bèn cho ngay. Khi vua Anh Tông lên ngôi (năm 1556 - ND), Trịnh Kiểm liền dâng biểu nói:
 
- Thuận Hóa là nơi quan trọng, quân lính và của cải đều từ đó mà ra, buổi quốc sơ, ta cũng nhờ đó mà làm nên sự nghiệp lớn. Nay, lòng dân hãy còn tráo trở, nhiều kẻ vượt biển đi theo họ Mạc, cũng có kẻ dẫn giặc về cướp phá, nếu chẳng có tướng tài đến trấn trị để vỗ yên thì không xong. Nay, Đoan Quận công ta là con nhà tướng, có mưu trí và tài lược, có thể sai đi trấn trị ở đấy cốt sao hợp sức với tướng trấn thủ Quảng Nam, như thế mới mong giữ yên mặt Nam.
 
Vua Lê nghe theo, trao cho chúa cờ tiết của trấn, phàm mọi việc của trấn đều ủy thác cho chúa cả, chỉ phải đóng thuế hàng năm mà thôi".
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“MỖI TUẦN MỘT CHƯƠNG SÁCH…”

23/9/2018

 
Picture





​“Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…”

(Rev. Đoàn Nhật Tan, Ph.D.)

“NGHĨA CÔNG NẶNG HƠN TÌNH RIÊNG”
(“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)
 
Quân nước Tề sang đánh nước Lỗ.
 
Khi đến chỗ giáp giới, trông thấy một người đàn bà một tay bồng một đứa bé, một tay dắt đứa nữa. Người đàn bà thấy quân kéo tới, vội vàng bỏ đứa đang bồng trên tay xuống mà bồng đứa bé đang dắt, rồi chạy trốn vào trong núi. Đứa bé kia chạy theo khóc, người đàn bà cứ chạy không ngoảnh lại.
 
Một viên tướng nước Tề cho bắt đến, hỏi:
 
- Đứa bé nàng bế chạy là con ai? Còn đứa trẻ nàng bỏ liều là con ai?
 
Người đàn bà thưa:
 
- Đứa tôi bế là con anh cả tôi, đứa tôi bỏ lại là con tôi. Tôi thấy quân lính kéo đến, sức tôi không thể bảo toàn được cả hai đứa, cho nên tôi đành phải bỏ còn tôi lại.
 
Viên tướng nước Tề nói:
 
- Con với mẹ kể tình thân yêu thì đau xót lắm. Nay bỏ con mình lại mà chạy lấy con anh là cớ làm sao?
 
- Người đàn bà nói:
 
- Con tôi là “ tình riêng” con anh tôi là “nghĩa công”. Con đẻ tuy đau xót thật, nhưng đối với việc nghĩa thì tính làm sao. Cho nên tôi đành bỏ liều con tôi mà làm việc “nghĩa”. Tôi không thể nào chịu tiếng “bất nghĩa” mà vác mặt sống ở nước tôi được.
 
Viên tướng nước Tề dừng quân lại, sai người tâu với vua Tề rằng:
 
- Nước Lỗ chưa thể đánh được. Quân ta mới đến chỗ cương giới, đã thấy con mụ đàn bà xó rừng còn biết làm điều “nghĩa” chẳng chịu đem “tình riêng” mà hại “nghĩa công” huống chi là những bậc quan lại, sĩ phu ở trong nước. Xin kéo quân về.
 
Vua Tề cho là phải.
 
Sau vua Lỗ biết chuyện này, thưởng người đàn bà một trăm tấm lụa và phong cho hai chữ “ Hữu Nghĩa”.
 
(Lưu Hương Liệt Nữ Truyện)
 
GIẢI NGHĨA:
 
- Tề: một nước thời Xuân Thu ở vào toàn hạt tỉnh Sơn Đông ngày nay.
 
- Lỗ: tên một nước thời Xuân Thu ở vào tự phủ Duyên Châu cho đến Bi Tứ tỉnh Sơn Đông.
 
LỜI BÀN:
 
Tình với nghĩa cũng là quý, không quyết hẳn được bên nào nặng hơn bên nào. Cho nên ta phải cân nhắc cho cẩn thận, tình nặng hơn nghĩa, thì ta giữ tình, nghĩa nặng hơn tình, thì ta trọng
nghĩa. Như người đàn bà nói trong chuyện đây so cái “tình riêng” đối với “ nghĩa công” thì không còn phải do dự gì nữa.
 
Thế nào là tình riêng? là cái lòng yêu riêng của một mình mình. Thế nào là nghĩa công? Là cái việc phải đối với nhà, với nước, với thiên hạ. Tình riêng cứ kể cũng là nặng, nhưng so với nghĩa công thì nghĩa công còn nặng gấp mấy muơi. Nghĩa công đã nặng , thì đến cái thân là yêu nhất của mình ở đời mình, còn có thể hi sinh để mà giữ nghĩa huống chi là những thứ ngoài thân. Nguời đàn bà đây hiểu thấu lẽ ấy nên mới đành đem nghĩa để đoạn tình, chẳng vì tình mà hại nghĩa để giữ lấy nòi giống ông cha nhà chồng. Ngờ đâu cái ảnh hưởng của việc nghĩa ấy còn làm quân ngoại xâm (Tề) phải kéo nhau về, vì chúng nghĩ: “nước người có thể cườp bóc được, về mới cao, sống chung sao được”. Thế mới hay, làm dân một nước mà không biết trọng “nghĩa” là người dân tai hại cho tổ quốc vậy.

“PASTORAL THOUGHT…”

22/9/2018

 
Picture






​“Thông thường thì người kính sợ Chúa cũng là người xem trọng nhu cần thuộc linh của người khác!”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau,
như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ.”
(Gal. 6:2)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

22/9/2018

 
Picture




​“…Lê Ý bị xe ngựa nhà Mạc xé xác, nhưng bài học về sự cẩn trọng thì mãi  còn nguyên vẹn với thiên thu. Mới hay, có chí cả không thôi chưa đủ, muốn tạo lập sự nghiệp lớn, còn cần phải có bản lĩnh cao cường nữa…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“PASTORAL THOUGHT…”

21/9/2018

 
Picture





​“Phận sự của người giảng dạy Kinh Thánh là phải chuyên tâm nghiên cứu Kinh Thánh và có lòng ngay thẳng đối với lời Kinh Thánh.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời
như người làm công không chỗ trách được,
lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.”
(2Ti. 2:15)

“ÔN CỐ TRI TÂN…”

21/9/2018

 
Picture



“Mỗi triều đại (chế độ) cứ đến rồi đi theo khai kỳ, trung kỳ, và mạt kỳ của mình mà không sao cưỡng lại được. Sự tồn tại của triều đại (chế độ) vì vậy mà chỉ mang tính lịch sử; tức phát sinh, phát triển, và suy vong theo dòng chảy của thời gian. Nếu là thức giả, đừng để bị trói mình theo triều đại (chế độ) mà phải dâng mình cho sự hưng thịnh của Dân Tộc, sự trường tồn của Tổ Quốc, và sự phát triển của Nhân Loại!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

​“NIÊN BIỂU THỜI LÊ SƠ”
 
Sau khi lãnh đạo nhân dân cả nước đánh đuổi giặc Minh đô hộ ra khỏi bờ cõi, lãnh tụ của phong trào Lam Sơn là Lê Lợi đã lên ngôi Hoàng Đế, sáng lập ra nhà Hậu Lê. Trên danh nghĩa, nhà Hậu Lê chiếm giữ vũ dài chính trị đến 360 năm (1428 - 1788), nhưng, đó hoàn toàn chỉ là danh nghĩa, quyền lực thực sự của họ Lê chỉ có trong khoảng một trăm năm đầu, sử gọi đó là thời Lê Sơ.
 
Năm 1527, Mạc Đăng Dung giết chết vua Lê Chiêu Tông và lập ra triều Mạc. Những người thuộc lực lượng đối nghịch với Mạc Đăng Dung đã chạy vào Thanh Hóa, tìm người tôn thất nhà Lê để đưa lên ngôi, nhằm tạo ra ngọn cờ chính trị cho mình trong cuộc đấu tranh lâu dài với họ Mạc. Sử gọi đó là chiến tranh Lê - Mạc hay chiến tranh Nam - Bắc Triều. Cuối thế kỉ XVI, Nam Triều giành được phần thắng và trở về với cố đô Thăng Long, sử gọi đó là thời Lê Trung Hưng. Từ ngày trở về được với Thăng Long, vua Lê dần dần mất hết quyền hành, chúa Trịnh càng ngày càng trở nên chuyên quyền và độc đoán. Các vua Lê chỉ còn là những kẻ hữu danh vô thực, thậm chí, chỉ tồn tại trong khuôn khổ cho phép của các chúa Trịnh mà thôi. Sử gọi đó là thời Lê Mạt.
 
Cũng như ở các tập trước, trong Tập VI về giai thoại thời Lê Sơ này, chúng tôi cố gắng lập một bảng niên biểu giản lược, cốt để bạn đọc tiện theo dõi hoặc tra cứu khi cần thiết. Bảng này kê đủ họ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian ở ngôi và tuổi thọ của từng vua. Tất cả ngày tháng ghi trong niên biểu này đều là ngày tháng âm lịch. Riêng năm, ngoài việc kê tên theo can chi, chúng tôi còn ghi chú ngay trong ngoặc đơn bên cạnh, thứ tự của năm tính theo dương lịch.
 
1. LÊ THÁI TỔ (1428 - 1433)
 
Tên thật là Lê Lợi, sinh ngày sáu tháng Tám năm Ất Sửu (1385) tại Chủ Sơn, Lôi Dương, Thanh Hóa. Cha là Lê Khoáng, sau được tôn phong là Tuyên Tổ Phúc Hoàng Đế. Mẹ là Trịnh Thị Ngọc Thương, sau được tôn phong là Trinh Từ Ỷ Văn Hoàng Thái Hậu. Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) ngày Mồng Hai Tết năm Mậu Tuất (1418), xưng là Bình Định Vương. Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh dạo đã giành toàn thắng . Ngày mười lăm tháng Tư năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế. Ông ở ngôi gần sáu năm, mất ngày hai mươi hai tháng Tám năm Quý Sửu (1433), thọ bốn mươi tám tuổi.
 
2. LÊ THÁI TÔNG (1433 - 1442)
 
Tên thật là Lê Nguyên Long, con của Lê Thái Tổ, do bà Phạm Hoàng Hậu (húy là Phạm Ngọc Trần) sinh vào ngày hai mươi mốt tháng Mười Một năm Quý Mão (1423). Tháng Ba năm 1428, Lê Nguyên Long được phong là Lương Quận Công và ngày sáu tháng Giêng năm 1429, được phong làm Hoàng Thái Tử. Ngày tám tháng Chín năm Quý Sửu (1433) được nối ngôi. Thái Tông ở ngôi chín năm, mất ngày bốn tháng Tám năm Nhâm Tuất (1442), thọ mười chín tuổi.
 
3. LÊ NHÂN TÔNG (1442 - 1459)
 
Tên thật là Lê Bang Cơ, con thứ ba của Lê Thái Tông, mẹ là Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu (húy là Nguyễn Thị Anh, người ở Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hóa). Vua sinh ngày chín tháng Sáu năm Tân Dậu (1441), ngày mười sáu tháng Mười Một năm 1441 được lập làm Hoàng Thái Tử, và ngày tám tháng Chạp năm Nhâm Tuất được lên nối ngôi. Vua ở ngôi mưới bảy năm, thọ mười tám tuổi.
 
4. LÊ NGHI DÂN (1459 - 1460)
 
Nguyên là con trưởng của Lê Thái Tông, do bà Dương Thị Bí sinh vào tháng Sáu năm Kỉ Mùi (1439), đến tháng Ba năm Canh Thân (1440) thì được phong làm Hoàng Thái Tử, nhưng sau bị giáng truất làm Lạng Sơn Vương. Ngày ba tháng Mười năm Kỉ Mão (1459), Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết vua Lê Nhân Tông mà tự lập làm vua, ngày sáu tháng Sáu năm Canh Thìn (1460) thì bị triều thần giết chết. Nghi Dân ở ngôi tám tháng, thọ hai mươi mốt tuổi.
 
5. LÊ THÁNH TÔNG (1460 - 1497)
 
Tên thật là Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, do bà Ngô Thị Ngọc Dao sinh vào ngày hai mươi tháng Bảy năm Nhâm Tuất (1442). Năm Ất Sửu (1445) được phong là Bình Nguyên Vương. Ngày tám tháng Sáu năm Canh Thìn (1460), sau khi Lê Nghi Dân bị giết, ông được quần thần tôn lên ngôi. Lê Thánh Tông ở ngôi ba mươi bảy năm, mất ngày ba mươi tháng Giêng năm Đinh Tị (1497), thọ năm mươi lăm tuổi.
 
6. LÊ HIẾN TÔNG (1497 - 1504)
 
Tên thật là Tranh, lại có tên là Huy, con trưởng của Lê Thánh Tông. Thân mẫu của vua là bà Nguyễn Thị Hằng, người quê ở Gia Miêu, Ngoại Trang, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa), con gái của Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung, sau bà được tôn phong là Trường Lạc Thái Hậu. Vua sinh ngày mười tháng Tám năm Tân Tị (1461), được phong làm Thái Tử vào tháng Ba năm 1462, lên nối ngôi từ tháng Hai năm Đinh Tị (1497), ở ngôi gần tám năm, mất ngày hai mươi bốn tháng Năm năm Giáp Tí (1504), thọ bốn mươi ba tuổi.
 
7. LÊ TÚC TÔNG (1504)
 
Tên thật là Thuần, con thứ ba của Lê Hiến Tông (Lê Hiến Tông có tất cả 6 người con trai). Thân mẫu của Vua là bà Nguyễn Thị Hoàn, quê ở xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Bà vốn là Quý phi của Lê Hiến Tông, sau được Túc Tông tôn phong là Trang Thuận Minh Ý Hoàng thái hậu. Vua sinh ngày ba tháng Tám năm Mậu Thân (1488), được lập làm Thái Tử tháng Chạp năm Kỉ Mùi (1499), lên ngôi tháng Sáu năm Giáp Tí (1504), ở ngôi được sáu tháng thì mất vào tháng Chạp năm 1504, thọ mười sáu tuổi.
 
8. LÊ UY MỤC (1505 - 1509)
 
Tên thật là Tuấn, lại có tên khác là Huyên, con thứ hai của Lê Hiến Tông (anh của Lê Túc Tông). Thân mẫu của Vua là bà Nguyễn Thị Cận, quê xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (thuộc Bắc Ninh), sau được tôn phong là Chiêu Nhân Hoàng Thái Hậu. Vua sinh ngày năm tháng Năm năm Mậu Thân (1488) lên ngôi tháng Chạp năm 1504, ở ngôi năm năm, bị giết ngày một tháng Chạp năm 1509, thọ hai mươi mốt tuổi.
 
9. LÊ TƯƠNG DỰC (1510 - 1518)
 
Tên thật là Oánh, lại có tên khác là Trừ. Vua là con của Kiến Vương Tân và bà Trịnh Thị Tuyên (người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa. Bà là con gái của quan đô đốc thiêm sự tả tôn chính Trịnh Trọng Phong). Dưới thời Lê Hiến Tông, vua được phong là Giản Tu Công. Khi Lê Uy Mục lên ngôi, vua chạy về Thanh Hóa. Tháng Mười năm 1510 được quần thần tôn lên ngôi để lật đổ Lê Uy Mục. Vua ở ngôi gần bảy năm, bị giết vào ngày bảy tháng Tư năm Bính Tí (1516), thọ hai mươi ba tuổi.
 
10. LÊ CHIÊU TÔNG (1518 - 1522)
 
Tên thật là Y, lại có tên là Huệ, con của Cẩm Giang Vương Sùng, cháu đích tôn của Kiến Vương Tân. Thân mẫu của vua là bà Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, nay thuộc Nghệ An. Vua sinh ngày bốn tháng Mười năm Bính Dần (1506), lên ngôi ngày tám tháng Tư năm Bính Tí (1516), ở ngôi sáu năm (1516 - 1522), bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hóa ngày mười tám tháng Mười năm Nhâm Ngọ (1522), bị giết vào tháng Chạp năm Canh Dần (1530), thọ hai mươi bốn tuổi.
 
11. LÊ CUNG HOÀNG (1522 - 1527)
 
Tên thật là Xuân, lại có tên khác là Khánh, em cùng mẹ với Lê Chiêu Tông, vì thế, sử thường gọi là Hoàng Đệ Xuân. Sinh ngày hai mươi sáu tháng Bảy năm Đinh Mão (1507), lên ngôi tháng Chạp năm 1522 (khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa), ở ngôi năm năm. Tháng Sáu năm Đinh Hợi (1527), bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, thọ hai mươi tuổi.
 
Như vậy, thời Lê Sơ có tất cả mười một vua, đó là chưa kể vua Lê Quang Trị, lên ngôi tháng Tư năm 1516, mới được ba ngày, chưa kịp đặt niên hiệu đã bị đưa vào Thanh Hóa rồi chết ở trong đó. Trong số 11 vị vua thời Lê Sơ, chúng ta thấy:
 
- Vua thọ nhất là Lê Thánh Tông (55 tuổi), vua qua đời sớm nhất là Lê Túc Tông (16 tuổi). Ngoài Lê Túc Tông, thời Lê Sơ còn có bảy vị vua khác tuổi đời từ dưới 20 đến 24 tuổi.
 
- Trong số 11 vị vua thời Lê Sơ thì có đến 6 vị vua (Nhân Tông, Nghi Dân, Uy Mục, Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng) bị giết.
 
- Vua ở ngôi lâu nhất là Lê Thánh Tông (37 năm) và vua ở ngôi ngắn nhất là Lê Túc Tông (6 tháng) và Lê Nghi Dân (8 tháng).
 
- Vua lên ngôi sớm nhất là Lê Nhân Tông (lúc mới hơn 1 tuổi). Vua lên ngôi muộn nhất là Lê Thái Tổ (43 tuổi) và Lê Hiến Tông (36 tuổi).
 
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập V, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“ĐA TẠ!”

20/9/2018

 
Picture
Xin chân thành đa tạ những lời chúc sinh nhật tốt đẹp mà anh em khắp nơi đã dành cho tôi, những quà tặng giàu ý nghĩa mà anh em đã gửi đến cho tôi, những thì giờ quí báu mà anh em đã không tiếc để thông công với tôi… Tất cả những sự ấy đã khích lệ tôi rất nhiều!
“22 Ví thử tôi cứ sống trong xác thịt, là ích lợi cho công khó tôi, thì tôi chẳng biết nên lựa điều chi. 23 Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn; 24 nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em. 25 Trong sự tin chắc đó, tôi biết rằng tôi sẽ cứ còn lại và ở với hết thảy anh em, để giúp đức tin anh em được tấn tới và vui vẻ; 26 hầu cho khi tôi lại đến cùng anh em, anh em sẽ nhân tôi mà có nhiều cớ khoe mình luôn trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phlp. 1:22-26)
Bây giờ thì tôi có thể hiểu được tấm lòng của Sứ Đồ Phaolô rõ hơn: Rất muốn thanh thản cho mình nhưng lại muốn cưu mang cho người nhiều hơn nữa. Tôi cũng muốn như thế! 

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

<<Previous

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
    • Nhận Thức
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân