CHÚNG TA ĐƯỢC DẮT DẪN BỞI ĐỨC THÁNH LINH! “Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời.” (Rô. 8:14) “Cách ‘dĩ bất biến khắc vạn biến’ duy nhất là nương mình trong Đức Chúa Trời là Đấng tự hữu hằng hữu, vô sở bất tri, vô sở bất năng, vô sở bất tại, bác ái, bất biến.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Chúng tôi thường mang sự chết của Đức Chúa Jêsus trong thân thể mình, hầu cho sự sống của Đức Chúa Jêsus cũng tỏ ra trong thân thể chúng tôi.” (2Cô. 4:10) “… Sử thần Ngô Sĩ Liên nói rằng: ‘Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy’. Nghiệp nhà Trần ra sao? Hẳn bạn cũng biết, nước Đại Việt thời Trần thật sự là một quốc gia hùng cường ở Đông Nam châu Á…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) LINH TỪ QUỐC MẪU TRẦN THỊ DUNG “Trần Thị Dung là con gái của Trần Lý, cô ruột của vua Trần Thái Tông (1225 - 1258). Bà vốn quê ở Lưu Gia, Hải Ấp (nay là đất Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Năm Kỉ Tị (1209), chính sự nhà Lý đổ nát, kinh thành Thăng Long hỗn loạn, Thái Tử của nhà Lý là Lý Hạo Sảm, bấy giờ mới mười lăm tuổi, chạy đến vùng Lưu Gia, nhân đó, kết hôn với Trần Thị Dung. Nhờ gia đình Trần Lý bảo bọc và hết lòng giúp đỡ, Thái tử Lý Hạo Sảm đã mau chóng tập hợp được một lực lượng khá hùng mạnh. Năm Tân Mùi (1210), vua cha là Lý Cao Tông qua đời, Thái tử Lý Hạo Sảm được triều thần đón về để tôn lên ngôi vua, đó là vua Lý Huệ Tông (1210 - 1224). Năm ấy, bà Trần Thị Dung được sắc phong làm Nguyên Phi (đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhưng, địa vị của Nguyên Phi Trần Thị Dung trong hoàng gia kể cũng thuộc hàng ba chìm bảy nổi. Đầu năm 1213, do vua Lý Huệ Tông có chút nghi ngờ đối với anh trai của bà là Trần Tự Khánh, bà bị giáng xuống hàng ngự nữ (thấp nhất trong các thê thiếp của vua). Năm Bính Tí (1216), bà được sắc phong làm Thuận Trinh Phu Nhân và đến cuối năm ấy lại được sắc phong làm Hoàng Hậu. Hoàng Hậu Trần Thị Dung sinh hạ hai công chúa. Trưởng Công chúa là Thuận Thiên, sinh tháng Sáu năm Bính Tí (1216), sau gã cho Trần Liễu (thân sinh của Trần Hưng Đạo) và công chúa thứ hai là Chiêu Thánh, sinh vào tháng Chín năm Mậu Dần (1218), sau vì Lý Huệ Tông không có con trai lại mắc bệnh điên, Chiêu Thánh được truyền ngôi vào năm Giáp Thân (1224), ấy là Lý Chiêu Hoàng (1224 - 1225), Hoàng đế cuối cùng của triều Lý. Cuối năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh (em ruột của Trần Liễu) và ngay sau đó thì nhường ngôi cho Trần Cảnh. Nhà Trần được lập kể từ đó. Từ ngày có mặt trong hoàng cung, Trần Thị Dung luôn tìm cách tạo điều kiện cho họ Trần phát triển thế lực, ấy cũng là sự khôn khéo phòng thân. Khi triều Trần được thiết lập, bà một lòng giúp rập họ Trần. Đầu năm Bính Tuất (1226), Thượng Hoàng Lý Huệ Tông bị phế, bắt ra ở chùa Chân Giáo, cho đổi gọi là Huệ Quảng Đại Sư. Khi Lý Huệ Tông và nhiều tôn thất nhà Lý bị giết hại, Bà bị giáng làm Thiên Cực Công Chúa và đem gả cho Trần Thủ Độ. Họ Trần nhờ hôn nhân mà lấy được ngôi thì ắt hẳn dòng họ khác cũng có thể làm được việc tương tự như vậy. Nghĩ thế, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung ngày đêm lo lắng, để rồi sau cùng đã định lệ cho con cháu họ Trần hôn phối với nhau, không lấy người khác họ. Bởi lẽ ấy mà vợ của Trần Hưng Đạo cũng chính là bà cô ruột của ông (Công chúa Thiên Thành). Sau, Trần Thủ Độ và bà Trần Thị Dung còn buộc Trần Liễu phải nhường vợ là Thuận Thiên Công Chúa cho Trần Cảnh (lúc này đã là vua), còn Chiêu Thánh Công Chúa thì đem gả cho Lê Tần (tức Lê Phụ Trần). Bởi chuyện này mà Trần Liễu xung đột với Trần Cảnh, bà Trần Thị Dung phải dàn xếp mãi mới xong. Năm 1258, quân Mông Cổ sang xâm lược nước ta, bà Trần Thị Dung có công rất lớn trong cuộc đọ sức lịch sử này. Giặc vào, bà là nữ tướng hậu cần chỉ huy việc di chuyển toàn bộ kho tàng và cung tần mỹ nữ khỏi kinh thành. Khi nhà Trần tổ chức phản công, bà chỉ huy việc chuyên chở lương thực và khí giới cho quân đội. Tháng Giêng năm Kỉ Mùi (1259) bà mất vì bệnh tại Thăng Long. Bởi nguyên trước đó bà là Hoàng Hậu, lại cũng bởi bà là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và của Thuận Thiên Hoàng Hậu, nên triều Trần đã truy tặng bà tước hiệu Linh Từ Quốc Mẫu (người mẹ hiền từ và hiển linh của đất nước).” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập III, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “CAN VUA BỎ RƯỢU” Vua Cảnh Công nước Tề hay uống rượu, có bận say luôn mấy đêm ngày, xao lãng cả việc nước. Huyền Chương can, nói: "Nhà vua uống rượu say sưa như thế, hạ thần xin can, nhà vua không nghe, hạ thần xin tự tận." Ngay lúc ấy án Tử vào yết kiến vua. Vua bảo: "Huyền Chương can ta bỏ rượu, không thì y tự tận. Nếu ta mà nghe, thì ta hóa ra non, nếu ta không nghe, lỡ Huyền Chương chết thì cũng đáng tiếc." Án Tử nói: "May lắm! May mà Huyền Chương gặp được nhà vua, chớ như vua Kiệt, vua Trụ, thì chết mất rồi, còn đâu sống được đến bây giờ nữa!" Cảnh Công nghe nói, tỉnh ngộ, tự hôm đó chừa rượu. (Án Tử Xuân Thu) Giải Nghĩa: Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân thu Chiến quốc ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ. Hạ thần: Hạ: dưới, thần: bầy tôi. Tiếng bầy tôi xưng với vua. Tự tận: Tự mình làm cho mình chết. Yết kiến: Vào hầu. Kiệt, Trụ: Hai vua tàn bạo, độc ác say mê tửu sắc, bỏ cả chính sự đến nỗi mất nước. Tỉnh ngộ: Đang say mê việc gì mà biết hối lại. Án Tử Xuân Thu: Bộ sách ghi chép những công việc cùng lời nói của Án Tử. Án Tử tức Án Anh, tên tự là Bình Trọng, người nước Tề thời Xuân Thu, làm tướng ba đời vua Linh Công, Trang Công, Cảnh Công, có tính cần kiệm, một bụng trung thành nổi tiếng thời bấy giờ. (“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân) CHÚNG TA LÀ NGƯỜI ĐỒNG CÔNG VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI! “Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng của Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây” (1Cô. 3:9) “Không chịu để cho Đức Chúa Trời dạy dỗ thì không bao giờ có thể dạy dỗ ai theo ý chỉ của Đức Chúa Trời được.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Hễ sự gì anh em đã học, đã nhận, đã nghe ở nơi tôi, và đã thấy trong tôi, hãy làm đi, thì Đức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh em.” (Phlp. 4:9) “…Xưa, việc nhờ thần linh chứng giám hoặc can thiệp là điều bình thường. Thề làm tôi tận trung, làm quan trong sạch là lời thề trang nghiêm và đáng kính, chẳng thể vì chút vỏ mê tín bao bọc ở phía ngoài mà coi thường được…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) HỘI THỀ ĐỀN THỜ NÚI ĐỒNG CỔ “Núi Đồng Cổ cũng tức là núi Khả Phong, là một ngọn núi ở Thanh Hóa. Người xưa cho rằng trên núi Đồng Cổ có vị thần rất thiêng, từng giúp vua Lý Thái Tổ (1010 - 1028) đánh thắng quân Chiêm Thành (năm 1020), lại còn thác mộng mà báo cho Lý Thái Tông (1028 - 1054) biết trước loạn Tam Vương (tức việc Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương giành ngôi vua với Thái Tử Lý Phật Mã vào tháng 2 năm 1027), bởi vậy, triều Lý đã cho xây đền thờ thần núi Đồng Cổ ở ngay trong kinh thành Thăng Long, dân quen gọi là đền thờ Đồng Cổ. Hội thề đền Đồng Cổ được nhà Lý tổ chức khá đều. Đến thời Trần, vào năm Đinh Hợi (1227), vua Trần Thái Tông mới bắt đầu tuyên bố các khoản minh thệ rõ ràng. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển V, Tờ 4b) chép rằng: ‘Hằng năm, vào ngày mồng Bốn tháng Tư, Tể Tướng và trăm quan đến chực ở ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, đến tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục, lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đứng thành đội ngũ, sắp nghi trượng mà theo hầu ra cửa Tây thành, vào đền thờ núi Đồng Cổ, họp nhau uống máu ăn thề. Quan Trung Thư Kiểm Chính tuyên đọc lời thề rằng: Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này xin thần minh giết chết. Đọc xong, Tể tướng sai đóng cửa để điểm danh, người vắng mặt phải phạt năm quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như một ngày hội lớn’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập III, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI THA THỨ DỒI DÀO! “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (1Gi. 1:9) “Sở lực và tự thức là những rào cản lớn nhất đối với sự nhận thức thiên đạo của Đức Chúa Trời qua Tin Lành theo Kinh Thánh.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[18] Vả, cơn giận của Đức Chúa Trời từ trên trời tỏ ra nghịch cùng mọi sự không tin kính và mọi sự không công bình của những người dùng sự không công bình mà bắt hiếp Lẽ Thật. [19] Vì điều chi có thể biết được về Đức Chúa Trời thì đã trình bày ra cho họ, Đức Chúa Trời đã tỏ điều đó cho họ rồi, [20] bởi những sự trọn lành của Ngài mắt không thấy được, tức là quyền phép đời đời và bổn tánh Ngài, thì từ buổi sáng thế vẫn sờ sờ như mắt xem thấy, khi người ta xem xét công việc của Ngài. Cho nên họ không thể chữa mình được, [21] vì họ dẫu biết Đức Chúa Trời, mà không làm sáng danh Ngài là Đức Chúa Trời, và không tạ ơn Ngài nữa; song cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không, và lòng ngu dốt đầy những sự tối tăm. [22] Họ tự xưng mình là khôn ngoan, mà trở nên điên dại; [23] họ đã đổi vinh hiển của Đức Chúa Trời không hề hư nát lấy hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng.” (Rô. 1:18-23) “…Chính quyền nhà Trần là chính quyền của quý tộc họ Trần. Chính quyền ấy cho phép con em quý tộc được quyền sống dựa vào uy danh và bổng lộc của cha ông. Song, đọc chuyện Trần Thủ Độ, ai dám bảo con cháu ông sẽ dựa hơi ông để ức hiếp người đời!...” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHUYỆN THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐỘ “Trần Thủ Độ (1194 - 1264) là người có công rất lớn trong việc dứt bỏ nhà Lý đã tàn tạ mà lập ra triều Trần (1225 - 1400). Hậu thế mãi mãi ghi nhớ câu nói thể hiện khí phách hiên ngang đáng kính của ông trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lăng lần thứ nhất: ‘Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì’; nhưng ít ai chú ý đến những chi tiết rất độc đáo khác trong lí lịch cuộc đời của nhân vật lịch sử này. Xin được mạo muội bổ khuyết bằng lời dịch một đoạn ghi chép của sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển V, Tờ 28b và 29a) như sau: ‘Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế, ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hạch ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao? Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hạch ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: Quả có đúng như những lời hắn nói thật. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho. Linh Từ Quốc Mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc kể với Thủ Độ rằng: Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư ? Thủ Độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc là phải chết. Đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa. Nói xong, đem vàng lụa thưởng cho. Có lần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Quốc Mẫu xin riêng cho một người được làm chức Câu Đương, Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: Ngươi vì có Công Chúa xin cho được làm Câu Đương, không thể ví như những Câu Đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác! Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa. Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể Tướng, Thủ Độ tâu: An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể Tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao? Vua bèn thôi. Thủ Độ tuy làm Tể Tướng nhưng mọi việc đều để ý chu tất, vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất’. Người kể chuyện xin có hai chú thích nhỏ. Một là Linh Từ Quốc Mẫu (gọi tắt là Quốc Mẫu) hay Công Chúa nói đến trong ghi chép trên chính là bà Trần Thị Dung, vợ của Trần Thủ Độ. Bà vốn là con gái của Trần Lý, từng là Hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, nhà Lý đổ, bà bị giáng làm Thiên Cực Công Chúa và đem gả cho Trần Thủ Độ. Do có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ xâm lược lần thứ nhất, khi mất, bà được phong là Linh Từ Quốc Mẫu. Chú thích thứ hai : Chức Câu Đương chỉ là một chức dịch nhỏ ở xã.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập III, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC BAN CHO ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST LÀ NGUỒN ÂN ĐIỂN! “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2Cô. 9:15) “Đức Chúa Trời chẳng những đã ban cho chúng ta trọn vẹn Ân Điển cứu rỗi mà Ngài cũng còn ban cho chúng ta trọn vẹn thế giới này để chúng ta rao truyền Tin Lành cứu rỗi nữa.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[18] Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. [19] Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm Phép Báptêm cho họ, [20] và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, Ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma. 28:18-20) “… Chuyện này xảy ra vào năm 1232, khi Trần Thừa đã ở tột đỉnh của vinh hiển, vậy mà thiếu phụ thôn Bà Liệt cũng chẳng đòi hỏi gì. Thế mới biết bà cần tình yêu chứ chẳng cần giàu sang. Xét về cái tâm, lúc đó ai dám bảo Thượng hoàng hơn được người đàn bà nghèo nơi thôn dã này…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) THƯỢNG HOÀNG TRẦN THỪA VỚI ĐỨA CON RƠI “Thời Trần, vua cha thường chỉ ở ngôi một thời gian rồi nhường lại cho con để lên làm Thượng Hoàng. Trần Thừa tuy không hề làm vua ngày nào, nhưng nhờ có con thứ là Trần Cảnh giành được ngôi vua từ tay họ Lý, nên tháng Mười năm Bính Tuất (1226) cũng được tôn là Thượng Hoàng. Vua đầu triều Trần cũng vì thế mà gọi là Thái Tông chứ không phải là Thái Tổ như vua đầu của các triều đại khác. Họ Trần vốn quê ở làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định), sống bằng nghề chài lưới. Cuộc đời sông nước lênh đênh, cũng đã có lần, thuyền tình của Trần Thừa cập bến xứ người. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển V, Tờ 7a-b) chép rằng: ‘Xưa kia, khi Thượng Hoàng còn hàn vi, có lấy người con gái thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân (nay là đất Nam Chân, Nam Trực, Nam Định - ND). Người đó có thai thì Thượng Hoàng ruồng bỏ, sinh con (là Bà Liệt), Thượng hoàng cũng không nhận. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ đến xuýt bị tắc thở. Thượng Hoàng (trông thấy) liền thét lên rằng: Con ta đấy! Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con’. Bà Liệt được phong làm Hoài Đức Vương.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập III, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC THÔNG CÔNG TRONG SỰ CHẾT, SỰ CHÔN, Và Sự Sống Lại Của Đức Chúa Jêsus Christ! “Anh em đã bởi Phép Báptêm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại” (Côl. 2:12) “Một khi tấm lòng tràn đầy tình yêu thương của Đức Chúa Trời, tâm trí tràn đầy Lời của Đức Chúa Trời thì chẳng lo gì đời sống thiếu phước hạnh của Đức Chúa Trời.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Ma. 6:33) NIÊN BIỂU TRIỀU LÝ Triều Lý được thiết lập năm 1010 và mất ngôi năm 1225, tồn tại tổng cộng hai trăm mười lăm năm. Trong khoảng thời gian hai trăm mười lăm năm đó, có tất cả chín vua Lý đã nối nhau trị vì. Để bạn đọc đỡ mất công tra cứu khi xét thấy cần, chúng tôi lập bảng niên biểu này, kê đủ tên thật, cha sinh mẹ đẻ, thời gian làm vua và tuổi thọ của từng vị hoàng đế họ Lý. Điều cần lưu ý là ngày tháng ghi trong niên biểu này là ngày tháng âm lịch. 1. Lý Thái Tổ (1010 - 1028) Tên húy là Công Uẩn, quê ở châu Cổ Pháp (nay là Bắc Ninh). Vua sinh ngày Mười Hai tháng Hai năm Giáp Tuất (974). Thời Tiền Lê, Lý Công Uẩn làm quan Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Năm Kỉ Dậu (1009), Lê Ngọa Triều mất, ông được triều thần (mà đại diện là Đào Cam Mộc) và các nhà sư (mà đại diện là sư Vạn Hạnh) cùng nhau tôn lên ngôi vua. Lý Thái Tổ ở ngôi mười tám năm, mất ngày Ba tháng Ba năm Mậu Thìn (1028), thọ năm mươi bốn tuổi. 2. Lý Thái Tông (1028-1054) Tên húy là Phật Mã, lại có tên húy khác là Đức Chính, con trưởng của Lý Thái Tổ, mẹ đẻ là Lê Thái Hậu (không rõ tên). Vua sinh ngày Hai Mươi Sáu tháng Sáu năm Canh Tí (1000), lên ngôi năm Mậu Thìn (1028), ở ngôi hai mươi sáu năm, mất ngày Một tháng Mười năm Giáp Ngọ (1054), thọ năm mươi bốn tuổi. 3. Lý Thánh Tông (1054 - 1072) Tên húy là Nhật Tôn, con trưởng của Lý Thái Tông (theo Đại Việt Sử Lược thì lại là con thứ ba), mẹ đẻ là Kim Thiên Thái Hậu, người họ Mai (Đại Việt Sử Lược nói bà là Linh Cảm Thái Hậu). Vua sinh ngày Hai mươi Lăm tháng Hai năm Quý Hợi (1023), lên ngôi năm Giáp Ngọ (1054), ở ngôi mười tám năm, mất tháng Giêng năm Nhâm Tí (1072), thọ bốn mươi chín tuổi. 4. Lý Nhân Tông (1072 - 1127) Tên húy là Càn Đức, con trưởng của Lý Thánh Tông, mẹ đẻ là Linh Nhân Thái Hậu (tức bà Ỷ Lan). Vua sinh ngày Hai mươi Lăm tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066), lên ngôi năm Nhâm Tí (1072), ở ngôi năm mươi lăm năm, mất tháng Mưới Hai năm Đinh Mùi (1127), thọ sáu mươi mốt tuổi. 5. Lý Thần Tông (1128 - 1138) Tên húy là Dương Hoán, con trưởng của em ruột vua Nhân Tông là Sùng Hiền Hầu, được Nhân Tông nhận làm con nuôi rồi sau truyền ngôi cho, mẹ đẻ là Phu Nhân họ Đỗ (không rõ tên). Như vậy, Thần Tông là vai cháu ruột của vua Nhân Tông. Vua sinh năm Bính Thân (1116); năm Đinh Dậu (1117), được Nhân Tông nhận làm con nuôi. Năm Mậu Thân (1128) Nhân Tông mất, được lên nối ngôi. Vua ở ngôi mười năm, mất ngày Hai Mươi Sáu tháng Chín năm Mậu Ngọ (1138), thọ hai mươi hai tuổi. 6. Lý Anh Tông (1138 - 1175) Tên húy là Thiên Tộ, con trưởng của Lý Thần Tông, mẹ đẻ là Lê Thái hậu (không rõ tên hiệu). Vua sinh tháng Tư năm Bính Thìn (1136) và lên ngôi ngày Một tháng Mười năm Mậu Ngọ (1138), ở ngôi ba mươi bảy năm, mất vào tháng Bảy năm Ất Mùi (1175), thọ ba mươi chín tuổi. 7. Lý Cao Tông (1175 - 1210) Tên húy là Long Trát, lại có tên húy khác là Long Cán, con thứ sáu của Anh Tông, mẹ đẻ là Thụy Châu Thái Hậu, người họ Đỗ. Vua sinh ngày Hai Mươi Lăm tháng Năm năm Quý Tị (1173), lên ngôi năm Ất Mùi (1175), ở ngôi ba mươi lăm năm, mất ngày Hai Mươi Tám tháng Mười năm Canh Ngọ (1210), thọ ba mươi bảy tuổi. 8. Lý Huệ Tông (1210 - 1224) Tên húy là Hạo Sảm, con trưởng của Cao Tông, mẹ đẻ là Đàm Thái Hậu (không rõ tên). Vua sinh tháng Bảy năm Giáp Dần (1194), lên ngôi năm Canh Ngọ (1210), ở ngôi mười bốn năm năm. Năm Giáp Thân (1224) nhường ngôi cho con gái út là Chiêu Thánh Công Chúa rồi đi tu. Huệ Tông sau bị nhà Trần giết vào năm 1226, thọ ba mươi hai tuổi. 9. Lý Chiêu Hoàng (1224- 1225) Tên húy là Phật Kim, lại có tên húy khác là Thiên Hinh, lúc đầu được vua cha là Lý Huệ Tông phong làm Chiêu Thánh Công chúa. Vua là con thứ hai của Huệ Tông, mẹ đẻ là Trần Thái Hậu (tên thật là Trần Thị Dung, sau lấy Trần Thủ Độ). Vua sinh tháng Chín năm Mậu Dần (1218), lên ngôi năm Giáp Thân (1224), đến năm Ất Dậu (1225) thì nhường ngôi cho Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông). Nhà Lý dứt kể từ đó. Như vậy, trong số chín vua nhà Lý nối nhau trị vì suốt hai trăm mười lăm năm ( từ năm 1010 đến năm 1225) chúng ta thấy có: - Một vua là nữ (Lý Chiêu Hoàng), vua cuối cùng của triều Lý. - Vua ở ngôi lâu nhất là Lý Nhân Tông (năm mươi lăm năm), vua ở ngôi ngắn nhất là Lý Chiêu Hoàng (một năm). - Vua lên ngôi sớm nhất là Lý Anh Tông (lúc hai tuổi) và Lý Cao Tông (lúc ba tuổi), vua lên ngôi muộn nhất là Lý Thái Tổ (lúc ba mươi sáu tuổi). - Vua thọ nhất là Lý Nhân Tông (sáu mươi mốt tuổi) và vua mất sớm nhất là Lý Thần Tông (lúc hai mươi hai tuổi). - Vua đổi niên hiệu nhiều nhất là Lý Nhân Tông (tám lần), các vua chỉ có một niên hiệu là Lý Thái Tổ, Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC BAN NĂNG LỰC Để Làm Đẹp Ý Đức Chúa Trời! “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Php. 4:13) “Đời sống chứ không phải là số lượng: Mười một người chết sẽ chẳng bao giờ làm thành một đội bóng đá cho nên dầu có mười một ngàn người nhưng họ không có đời sống Cơ Đốc thì cũng chẳng bao giờ có Hội Thánh Cơ Đốc được.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[8] Họ bị vấp đá đó, vì không vâng phục Đạo, và điều ấy đã định sẵn cho họ rồi. [9] Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là Chức Thầy Tế Lễ Nhà Vua, là Dân Thánh, là Dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài; [10] anh em ngày trước không phải là một Dân, mà bây giờ là Dân Đức Chúa Trời, trước không được thương xót, mà bây giờ được thương xót.” (1Phi. 2:8-10) “…Triều Lý mở đầu bằng chuyện mẹ Lý Công Uẩn (tức Lý Thái Tổ) đi chơi ở chùa, có thai với thần nhân mả đẻ ra vua. Sau hơn hai trăm năm lại kết thúc bằng chuyện vua cha là Lý Huệ Tông đến chùa đi tu, để ngôi báu lại cho con gái được hơn một năm thì mất. Trước đến chùa mà được ngôi, sau đến chùa mà mất ngôi…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) KẾT CỤC CỦA TRIỀU LÝ “Lý Huệ Tông là ông vua bất hạnh. Khi còn ở ngôi Thái Tử, ông đã phải chạy loạn long đong, đến khi lên ngôi báu, Nhà vua cũng vẫn phải tiếp tục bôn tẩu vì loạn lạc cứ thế nối dài không dứt. Trong triều, quan lại chia bè kết cánh mưu sát lẫn nhau, trong nhà, Thái Hậu tìm cách bức hại Hoàng Hậu. Đã thế, Huệ Tông lại không có con trai nối dõi, thành thử nhà vua trẻ tuổi ấy đã buồn chán mà phát điên. Năm 1216 (lúc mới 22 tuổi), Nhà vua bắt đầu bị nhuốm bệnh. Từ năm 1217 trở đi, bệnh tình của Nhà vua càng ngày càng nặng. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển IV, Tờ 30a) chép rằng: ‘Mùa Xuân, tháng Ba, vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là thiên tướng giáng hạ, tay cầm giáo và mộc, tóc cắm cờ nhỏ, đùa múa từ sáng sớm đến chiều tối không nghỉ, đôi khi thôi đùa thì người đổ mồ hôi, nóng bức và khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh, chính sự không quyết đoán được, giao phó hết cho Trần Tự Khánh, quyền lớn trong nước dần dần về tay người khác họ.’ Tháng Mười năm Giáp Thân (1224) Huệ Tông lập con gái thứ hai (cũng là con gái út) là Lý Chiêu Thánh làm Thái Tử rồi truyền ngôi cho. Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo (ngay trong đại nội thành Thăng Long). Công chúa Chiêu Thánh lên ngôi, hiệu là Lý Chiêu Hoàng, lúc ấy chỉ mới bảy tuổi. Bấy giờ, phe cánh của họ Trần trong triều rất mạnh. Trần Thủ Độ đã bố trí cháu của mình là Trần Cảnh (lúc ấy mới tám tuổi) vào giữ chức Chính Thủ Chi Hậu. Sau, cũng chính Trần Thủ Độ vừa là tác giả, vừa là đạo diễn màn kịch chuyển giao ngôi vị từ họ Lý sang họ Trần vào ngày Mười Một tháng Mười Hai năm Ất Dậu (1225). Cũng sách trên (Tờ 33ab) chép rằng: ‘Cảnh lúc ấy mới lên tám tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế, vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy, lấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm đều cho gọi đến để cùng chơi; thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước đứng hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt, lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về ngầm thưa với Thủ Độ. Thủ Độ nói : - Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây? Một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: - Bệ hạ có tha tội cho thần không ? Thần xin vâng mệnh. Chiêu Hoàng cười và nói: - Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn rồi đó. Cảnh lại về thưa với Thủ Độ. Thủ Độ sợ việc tiết lộ ra thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào ở trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan đến chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng ‘Bệ Hạ đã có chồng rồi’. Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy, ngày Mười Một, các quan vào chầu lạy mừng’. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC MỞ ĐƯỜNG Ngay Cả Khi Phải Chịu Cám Dỗ! “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (1Cô. 10:13) “Sự nhầm lẫn về chân lý và sự bất lực về đời sống tin kính nhất định phải xảy ra khi mà Cơ Đốc Nhân thay vì nương cậy quyền phép Đức Thánh Linh lại nương cậy vào sức riêng của chính mình.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh.” (Rô. 8:5) “…Tư cách làm vua của Lý Huệ Tông thế nào mặc dầu, chớ tư cách làm chồng của Lý Huệ Tông thì quả là đáng kính…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) TÌNH NGHĨA VỢ CHỒNG CỦA VUA LÝ HUỆ TÔNG “Lý Huệ Tông (1210 - 1224) tên húy là Sảm, con trưởng của Cao Tông. Tiếng là vua nhưng chẳng mấy khi được sống yên ổn ở kinh thành Thăng Long, ngược lại, luôn phải bôn tẩu đó đây bởi những cuộc xâu xé giữa các phe phái trong triều đình đương thời. Chạy mãi thì mất uy, sai bảo chẳng còn ai nghe nữa, có lúc Nhà vua chỉ còn vỏn vẹn trong tay vài ba chục người theo hầu. Với Lý Huệ Tông, quả đúng là ‘họa vô đơn chí’, đang khi bôn tẩu gian nan thì cuộc xung đột trong nội bộ hoàng tộc lại bùng nổ quyết liệt, giữa một bên là Đàm Thái Hậu (mẹ đẻ của Lý Huệ Tông) và một bên là Trần Thị Dung (vợ của Lý Huệ Tông). Trở lại chuyện cũ, hồi Lý Huệ Tông còn là Thái Tử, bởi cuộc náo loạn kinh thành năm 1209 mà Lý Huệ Tông phải chạy đến Hải Ấp. Tại đây, Huệ Tông đã kết hôn với con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung, năm đó Huệ Tông mười lăm tuổi. Nhưng, cuộc hôn nhân này không được vua cha là Lý Cao Tông chấp thuận. Tháng Ba năm 1210, Lý Cao Tông đã sai quan Thượng Phẩm Phụng Ngự là Đồ Quảng đến Hải Ấp đón Huệ Tông về, còn Trần Thị Dung thì bắt phải trở về với cha mẹ đẻ. Mấy tháng sau, Lý Cao Tông mất. Lý Huệ Tông lên nối ngôi và công việc đầu tiên của Nhà vua trẻ tuổi này là cho người di đón Trần Thị Dung. Gia đình Trần Thị Dung lấy cớ giặc giã chưa yên nên chưa cho đón. Sau nhiều lần bị ngăn trở, cuối cùng, Trần Thị Dung cũng đến được với Lý Huệ Tông, song, cũng kể từ đó, bà luôn bị Đàm Thái Hậu tìm cách bức hại. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển IV, Tờ 29a-b) chép rằng: ‘Mùa Xuân (năm Bính Tí, 1216 - ND) sách phong ngự nữ (chỉ bà Trần Thị Dung - ND) làm Phu Nhân Thuận Trinh. Thái Hậu cho Trần Tự Khánh (anh Trần Thị Dung - ND) là kẻ phản trắc, thường chỉ Phu Nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo Vua bỏ và đuổi đi. (Thái Hậu) lại sai người nói với Phu Nhân rằng phải tự sát. Vua biết bèn ngăn lại. Thái Hậu bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của Phu Nhân, nên mỗi bữa ăn, Vua chia cho Phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời. Thái Hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt Phu Nhân phải uống mà chết, Vua lại ngăn không cho. Đêm ấy, Vua cùng với Phu Nhân lẻn đến chỗ quân của Tự Khánh’. Mùa Hè năm Bính Tí (1216), Trần Thị Dung sinh hạ Thuận Thiên Công Chúa và cuối năm đó thì được sắc phong làm Hoàng Hậu. Rất tiếc là Huệ Tông sau đó bị điên, Trần Thị Dung lại phải sống trong một nỗi khổ tâm khác.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA CÓ ĐỦ ÂN ĐIỂN TRONG MỌI HOÀN CẢNH! “Nhưng Chúa phán rằng: Ân Điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (2Cô. 12:9) “… Lúc quyền thế thì coi rẻ tình đồng liêu, khi sa cơ thì nghĩa vua tôi chẳng kể, đến hồi hoạn nạn thì phản bạn mà lo thân, con người Đàm Dĩ Mông quả là thủ đoạn khó lường…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) ĐÀM DĨ MÔNG BỊ HẠCH TỘI “Thời Lý Cao Tông, Đàm Dĩ Mông làm quan đã có lúc lên tới chức Phụ Quốc Thái Phó, quyền uy khét tiếng cả triều đình. Bởi cậy quyền mà đánh Nguyễn Bảo Lương nên đến năm 1203, Đàm Dĩ Mông bị phe cánh Nguyễn Bảo Lương trả thù, bị vua giáng xuống hàng Đại Liêu Ban. Nhưng rồi về sau, kinh thành náo loạn, chính sự rối ren, tên tuổi Đàm Dĩ Mông gần như bị chìm trong quên lãng. Vào năm Kỉ Tị (1209), để trả thù vụ Phạm Du giết chết cả chủ tướng của mình là Phạm Bỉnh Di, Quách Bốc đã đem quân đội đánh thẳng vào cấm cung, bắt cả Vương Tử Thầm và Vương Tử Hạo Sảm về Hải Ấp. Bấy giờ, mặc dù trên danh nghĩa, triều đình Cao Tông vẫn còn đó, nhưng bọn Quách Bốc đã cùng nhau lập Vương Tử Thầm lên ngôi. Sau, họ lại lấy cớ Vương Tử Thầm chỉ là con thứ nên lập Vương Tử Hạo Sảm. Có lẽ lúc ấy do Vương Tử Hạo Sảm chỉ mới 15 tuổi, dễ sai khiến hơn nên họ mới lập Hạo Sảm làm vua thay cho Vương Tử Thầm. Một triều đình nhỏ tồn tại ở ngoài một triều đình lớn đã được thiết lập. Trong triều đình nhỏ của Hạo Sảm, Đàm Dĩ Mông bỗng dưng được cất nhắc, cho làm đến chức Thái Úy. Triều đình nhỏ này tồn tại chưa được bao lâu thì bị vua Lý Cao Tông giải tán. Vương Tử Hạo Sảm lại trở về kinh. Đàm Dĩ Mông và tất cả những ai đã nhận chức tước do Hạo Sảm ban đều vì thế mà rất lo lắng cho số phận của mình. Để lập công chuộc tội, Đàm Dĩ Mông đã phản bội những người trước đã cùng mình nhận chức tước của Hạo Sảm, bắt họ về nạp cho Lý Cao Tông. Sách Đại Việt Sử Lược (Quyển III, Tờ 20a) chép rằng: ‘Mùa Thu, tháng Bảy (năm Canh Ngọ, 1210 - ND) Dĩ Mông đem 28 người nhận tước phong của Vương Tử (Sảm) dâng Vua. Đỗ Anh Doãn (cũng có sách viết là Đỗ Anh Triệt - ND) đường đường kể tội Dĩ Mông rằng: - Mày là đại thần của nước, đã đem lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại cùng ngồi với ta, ta tuy bất tài nhưng còn mặt mũi nào mà nhìn mày nữa. Dĩ Mông vừa thẹn vừa sợ mà lui’. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Sự tin kính, sự trông cậy, quyền năng, đức tin,… Những điều ấy dầu rất mạnh mẽ nhưng vẫn phải bị chết yểu trong một đời sống không cầu nguyện.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[9] Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. [10] Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ.” (Lu. 11:9-10) |