REV. ĐOÀN NHẬT TÂN, PHD
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thức
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân
Picture

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

31/5/2019

 
Picture

CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHO
Mọi Phước Hạnh Thuộc Linh!


​“Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta,
Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ
đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời”

​(Êph. 1:3)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

31/5/2019

 
Picture
“Đức Tin cứu rỗi phải dẫn đến mối quan hệ thân thiết với Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ,
mối quan hệ thân thiết với Cứu Chúa là Đức Chúa Jêsus Christ
phải là mối quan hệ lý tính đối với các nguyên tắc Kinh Thánh,
mối quan hệ lý tính đối với các nguyên tắc Kinh Thánh phải đem lại sự viên thục thuộc linh,
sự viên thục thuộc linh nhất định sẽ sinh ra xúc cảm thuộc linh
và đó mới là xúc cảm chân chính của Đức Tin cứu rỗi.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“[3] Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài.
[4] Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối,
lẽ thật quyết không ở trong người. [5] Nhưng ai giữ lời phán Ngài,
thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy.
Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài.
[6] Ai nói mình ở trong Ngài,
thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm.”
​
(1Gi. 2:3-6)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

31/5/2019

 
Picture
“Vua bất minh, tôi tham gian; làm sao đất nước tránh khỏi suy tàn?”
(Rev. Đoàn NhậtTân, PhD)

​“TỪ VĂN THÔNG ĂN HỐI LỘ”

“Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển III, Tờ 41b và Tờ 42a) có chép một mẫu chuyện xẩy ra vào tháng Chín  năm Mậu Ngọ (1138) khi vua Lý Thần Tông đang hấp hối như sau:

‘Trước kia, Vua đã lập Thiên Lộc làm con nối ngôi. Đến đây Vua đau nặng, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập Thái tử khác, mới sai người đem của đút cho tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng có vâng mệnh để thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi Vua đau nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh Vua nhưng nhớ lời của ba phu nhân nên cứ cầm bút mà không viết. Lát sau, ba phu nhân đến, khóc lóc thảm thiết mà nói rằng:

- Bọn thiếp nghe rằng, đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao cho khỏi nạn.

Vua vì thế xuống chiếu rằng:

- Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương’.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

30/5/2019

 
Picture

​CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC GIẢI PHÓNG ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO!

“Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do;
vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.”

(Gal. 5:1)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

30/5/2019

 
Picture
“Hãy chịu đựng sự phiền phức
theo sự dắt dẫn và trong sự gìn giữ
của Ân Điển Đức Chúa Trời

như một phương thức viên thục thuộc linh.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture
“[3] Quyền phép Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều thuộc về sự sống và sự tin kính,
khiến chúng ta biết Đấng lấy vinh hiển và nhân đức mà gọi chúng ta,
[4] và bởi vinh hiển nhân đức ấy, Ngài lại ban lời hứa rất quí rất lớn cho chúng ta,
hầu cho nhờ đó anh em được lánh khỏi sự hư nát của thế gian bởi tư dục đến,
mà trở nên người dự phần bổn tánh Đức Chúa Trời.
[5] Vậy nên, về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức tin mình sự nhân đức,
thêm cho nhân đức sự học thức, [6] thêm cho học thức sự tiết độ,
thêm cho tiết độ sự nhịn nhục, thêm cho nhịn nhục sự tin kính,
[7] thêm cho tin kính tình yêu thương anh em,
thêm cho tình yêu thương anh em lòng yêu mến.”
​
(2Phi. 1:3-7)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

30/5/2019

 
Picture
“…Ở đời, có những người nổi danh chẳng qua chỉ vì họ tầm thường, và họ càng tầm thường thì lại càng trở nên nổi danh hơn.
Vua Lý Thần Tông có lẽ cũng tạm xếp vào loại này được…”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“NHÂN CÁCH CỦA LÝ THẦN TÔNG”

“Vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) nổi tiếng hơn người ở chỗ rất ưa tin dị đoan. Ở đời, cha nào con nấy, thân phụ của vua là Sùng Hiền Hầu (Em ruột vua Lý Nhân Tông) cũng rất nổi tiếng là người tin dị đoan, từng nói rằng vua Lý Thần Tông chính là do nhà sư Từ Đạo Hạnh thác hóa đầu thai mà có. Vua tin dị đoan thì thiên hạ cũng vì thế mà có thêm lắm kẻ tin dị đoan. Tin thật cùng có mà giả vờ tin cũng có. Điềm lành dở, vật khác thường và chuyện kinh dị cứ thế phủ đầy những trang sử của đời vua Lý Thần Tông. Có một mẩu chuyện đã được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển IV, Tờ 28) ghi lại sau đây:

‘Nhà vua rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng... đều đem dâng Vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng. (Cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Nhà vua cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng: Cá là loài nhỏ mọn mà Bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì Bệ hạ sẽ làm sao? Bởi lời ấy, việc này mới thôi.
​
Bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành tám chữ ‘Thiên Thư Hạ Thị, Thánh Nhân Vạn Tuế’ nghĩa là “sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân’ (đây chỉ vua Lý Thần Tông) muôn năm’.”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

29/5/2019

 
Picture

​CHÚNG TA KHÔNG CÒN LÀ NÔ LỆ NỮA

Mà Đã Trở Nên Con Cái Và Là Người Thừa Kế!
“Dường ấy,
ngươi không phải là tôi mọi nữa, bèn là con;
và nếu ngươi là con, thì cũng là kẻ kế tự bởi ơn của Đức Chúa Trời”

(Gal. 4:7)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

29/5/2019

 
Picture

“Sự kính yêu của chúng ta đối với Đức Chúa Trời là bất định

nhưng tình yêu của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là nhất định.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)
Picture

​“[7] Hỡi kẻ rất yêu dấu, chúng ta hãy yêu mến lẫn nhau; vì sự yêu thương đến từ Đức Chúa Trời,
kẻ nào yêu, thì sanh từ Đức Chúa Trời và nhìn biết Đức Chúa Trời. [8] Ai chẳng yêu,
thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.
[9] Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy:
Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian,
đặng chúng ta nhờ Con được sống.”

(1Gi. 4:7-9)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

29/5/2019

 
Picture
“…Lời của viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh chỉ là lời nói cho có, làm sao mà gọi được là lời can gián Nhà vua ?
​Các quan đương thời cùng nương theo sự tin dị đoan của Nhà vua mà nịnh khéo Vua bằng cách gọi Trần Ngọc Khánh là Tràn Thiên Gián đó thôi…”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“CHUYỆN TRẦN NGỌC KHÁNH ĐƯỢC ĐỔI GỌI LÀ TRẦN THIỆN GIÁN”

“Các tác giả sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển IV, Tờ 25) có dẫn sách Danh Tiết Lục của Trần Kỳ Đằng để chép một chuyện xảy ra vào năm Kỉ Dậu (1129) như sau:

‘Từ tháng Hai năm ấy đến mãi tháng Ba không mưa. Nhà vua ( Lý Thần Tông) thân đi cầu mưa mà không ứng nghiệm, nhân đó nói với các quan hầu cận rằng:
- Trẫm là người ít đức, can phạm đến trời để làm mất hòa khí. Mùa Xuân năm ngoái thì mưa dầm, mùa Xuân năm nay lại đại hạn. Trẫm lấy làm lo lắng lắm. Các khanh nên nghĩ xem, nếu thấy trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho trẫm.

Viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh tiến lên nói rằng:

- Ba tháng mùa Xuân là dịp sinh nở của muôn vật. Trời không mưa thì sinh sống của các loài sẽ ra sao? Hoặc giả là hình ngục có sự oan uổng, sai trái, làm hại đến hòa khí chăng? Kinh Thi có câu rằng, chính lệnh của Vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc thì điềm dữ sẽ đến, ấy là nắng nhiều. Vậy xin Bệ hạ nghĩ lại.

Nhà vua cho là phải, bèn xuống chiếu tha các tội nhân trong nước. Tháng Tư trời mưa. Người ta gọi Trần Ngọc Khánh là Trần Thiện Gián (Nghĩa là ông người họ Trần giỏi can gián)".
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

28/5/2019

 
Picture

​CHÚNG TA ĐƯỢC KẾT HIỆP LÀM MỘT

Với Tất Cả Những Ai Thuộc Về Đức Chúa Jêsus Christ!


“Tại đây không còn chia ra người Giuđa hoặc người Gờréc;
không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ;
không còn đàn ông hoặc đàn bà;
vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một”


(Gal. 3:28)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

28/5/2019

 
Picture

“Dầu chẳng có ai giúp

và dầu không thể hoàn thành được tất cả
nhưng tất cả những gì có thể hoàn thành nhờ ơn Chúa
đều phải được hoàn thành.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)
Picture

“[3] Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp phạm, hầu cho chức vụ của mình khỏi bị một tiếng chê bai nào.
[4] Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời,
bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn thiếu thốn, khốn khổ, [5] đòn vọt, lao tù, rối loạn,
khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn; [6] bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhân từ,
bởi Đức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình, [7] bởi lời chân thật,
bởi quyền phép Đức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả;
[8] dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; [9] ngó như kẻ phỉnh dỗ,
nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết,
mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết;
[10] ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng;
ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có;
ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!”
​
(1Cô. 6:3-10)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

28/5/2019

 
Picture
“…Ai bảo chuyện hươu chuyện vượn là chuyện tào lao, còn đây, chuyện hươu lại thực là chuyện làm nên danh vọng.
Những kẻ vào sống ra chết để giữ gìn xã tắc, những người cúc cung tận tụy để dân giàu nước mạnh dễ gì đã được thiên tử đoái hoài cất nhắc.
Điềm lành đâu chẳng thấy, chỉ thấy từ đó đất nước bắt đầu lâm nguy…”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“LÝ LỘC VÀ LÝ TỬ KHẮC ĐUỢC THĂNG TƯỚC NHƯ THẾ NÀO?”

“Lý Lộc và Lý Tử Khắc đều là thân vương của triều Lý, nhưng sau đến triều Trần, do triều đình có lệ bắt những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên đôi khi, hai người này cũng được sử cũ chép là Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc.

Thời Lý, cả hai cùng sinh ra trên nhung lụa, cùng làm quan dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, cùng có cuộc đời quý tộc rất trưởng giả và cùng có cơ may được thăng tước trong năm Kỉ Dậu (1129), là năm thứ hai trong đời trị vì của vua Lý Thần Tông (1128- 1138). Lý Lộc gặp may vào tháng Hai còn Lý Tử Khắc gặp may vào tháng Ba. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển III, Tờ 33ab và Tờ 34a) đã chép về sự may mắn của họ, kèm theo lời bình của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu như sau:

‘Thân vương Lý Lộc tâu rằng, ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được, bèn cho Lộc tước Đại Liêu Ban’.
‘Tháng Ba, Lý Tử Khắc dâng lời tâu rằng, rừng ở Giang Để (Có lẽ là vùng Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay) có hươu trắng. Vua sai thái uý Lưu Khánh Đàm đi bắt được, bèn thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu’.
​
Lê Văn Hưu nói: ‘Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Còn như chim quý thú lạ thì không nên nuôi ở kinh đô, ấy cũng là lời răn của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng, cho vật ấy là điềm lành, tặng Lộc tước Đại Liêu Ban và Tử Khắc tước Minh Tự, thì cả người tặng thưởng và người nhận thưởng đều là sai cả. Vì sao? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước thế là lạm thưởng, Lộc và Khắc không có công lao mà dám nhận thưởng, thế là dối vua’.

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

27/5/2019

 
Picture

CHÚNG TA ĐƯỢC TRỞ NÊN SỰ CÔNG BÌNH

Của Đức Chúa Trời Trong Đức Chúa Jêsus Christ!


“Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi
trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta
nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời”

(2Cô. 5:21)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

27/5/2019

 
Picture

“Theo sự nhìn nhận của Đức Chúa Trời,

công đức không xuất phát từ mỹ đức
thì cũng chỉ là sự gắng sức vô ích.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)
Picture

​“[4] Thật, các ngươi kiêng ăn để tìm sự cãi cọ tranh cạnh, đến nỗi nắm tay đánh nhau cộc cằn;
các ngươi kiêng ăn trong ngày như vậy, thì tiếng các ngươi chẳng được nghe thấu nơi cao.
[5] Đó há phải là sự kiêng ăn mà Ta chọn lựa, há phải là ngày người ta dằn lòng mình đâu?
Cúi đầu như cây sậy, nằm trên bao gai và trên tro, đó há phải điều ngươi gọi là kiêng ăn,
là ngày đẹp lòng Đức Giêhôva sao? [6] Sự kiêng ăn mà Ta chọn lựa,
há chẳng phải là bẻ những xiềng hung ác, mở những trói của ách,
thả cho kẻ bị ức hiếp được tự do, bẻ gãy mọi ách, hay sao?
[7] Há chẳng phải là chia bánh cho kẻ đói, đem những kẻ nghèo khổ đã bị đuổi đi về nhà mình,
khi thấy kẻ trần truồng thì mặc cho, và chớ hề trớ tránh những kẻ cốt nhục mình, hay sao?”
(Ês. 58:4-7)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

27/5/2019

 
Picture
“…Ngày nay, khi dền với Thăng Long cổ kính,
ai cũng biết và cũng muốn đến với khu Quốc Tử Giám nổi tiếng ngàn năm,
nhưng hầu như chẳng ai biết và cũng ít ai muốn về thăm nấm mồ bình dị của ông.
Ông đã hóa thân thành lịch sử và chính ông cũng là một phần của lịch sử nước nhà vậy…”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“DI CHIẾU CỦA LÝ NHÂN TÔNG”
“Lý Nhân Tông (1072 - 1127), húy là Càn Đức, con trưởng của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1072), mẹ đẻ là Ỷ Lan Thái Phi. Vua sinh vào tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066). Càn Đức chào đời hôm trước thì ngay ngày hôm sau được phong làm thái tử và đến năm lên sáu tuổi (Nhâm Tí - 1072) thì được lên nối ngôi. Chân dung vua Lý Nhân Tông được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển III, Tờ 6b) miêu tả đại lược như sau:

‘Vua trán dô, mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp, người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý’.

Lý Nhân Tông ở ngôi năm mươi sáu năm, thọ sáu mươi hai tuổi, là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng, Lý Nhân Tông bất diệt không phải là chỗ trị vì lâu dài, mà là ở lời di chiếu chứa chan lòng yêu nước, thương dân. Cũng sách trên (Tờ 25b và 26b) đã trang trọng ghi lại lời di chiếu ấy. Xin trích hai đoạn. sau đây:

‘... Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật, không loài nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất và lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế nhưng người đời chẳng ai không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho thế là phải. Trẫm ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế... làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào? Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã năm mươi sáu năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì?’
​
‘… Việc tang thì chỉ ba ngày là bỏ áo trở, nên thôi thương khóc. Việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! Mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng, từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, bảo rõ cho các vương công, bày tỏ cho hết trong ngoài...’”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

26/5/2019

 
Picture

​CHÚNG TA ĐƯỢC Ở

Trong Tiến Trình Đổi Mới Toàn Diện!
 “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ,
​thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới”
(2Cô. 5:17)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

26/5/2019

 
Picture

“Sự nguy hại nhất là sự vô tín

là điều khiến cho con người
vĩnh viễn cách xa Đức Chúa Trời
là nguồn phước duy nhất chân thật.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)
Picture

​“[16] Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài,
hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
[17] Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu,
nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.
[18] Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét đâu; ai không tin thì đã bị đoán xét rồi,
vì không tin đến danh Con một Đức Chúa Trời…
[36] Ai tin Con, thì được sự sống đời đời;
ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu,
nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.”

(Gi. 3:1-18, 36)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

26/5/2019

 
Picture
“Là một con người tài hoa, giá như Ỷ Lan vẫn cứ trung tín trong phận nguyên phi của mình để giữ vị thái phi
chứ không vì tham dục mà làm chuyện bất nhân, bất nghĩa để đoạt vị thái hậu thì đẹp biết chừng nào!”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD)

​“LƯỢC TRUYỆN VỀ Ỷ LAN”

“Ỷ Lan nghĩa là dựa vào cây lan, đó là hình ảnh hết sức độc đáo của cô thôn nữ vùng Thổ Lỗi (Bắc Ninh) mà vua Lý Thánh Tông lần đầu tiên bắt gặp khi đi cầu tự ở vùng này.

Sử cũ chép rằng, bấy giờ, vua xuân thu đã bốn chục nhưng chưa có vị hoàng tử nào, lòng lấy làm lo lắng lắm, bèn đi cầu tự ở khắp nơi. Nghe tin Vua đến, dân làng Thổ Lỗi nô nức ra đường đón xem, duy chỉ có cô thôn nữ đặc biệt này lại ngồi dựa vào đám cỏ lan mà hát. Vua thấy lạ, liền đón về cung, lúc đầu cho làm cung nhân, sau sắc phong dần lên đến Nguyên Phi (Người đứng đầu hàng thứ hai của vợ vua). Nhà vua lấy ngay hình ảnh của kỉ niệm buổi đầu gặp gỡ ấy làm hiệu cho Nguyên Phi, người đương thời cũng như người bao thế kỉ qua nhân đó mà gọi là Ỷ Lan Nguyên Phi. Sự kiện này có lẽ xẩy ra trước hoặc sau năm 1063 chút ít.
Đến năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử Càn Đức (Sau là vua Lý Nhân Tông, 1072 - 1127). Địa vị của  Ỷ Lan trong hoàng tộc trở nên vững vàng. Nhà vua vì đặc biệt yêu quý Ỷ Lan Nguyên Phi mà vào năm 1068 đã cho đổi gọi nguyên quán của Ỷ Lan là làng Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại (Nghĩa là vượt lên trên đồng loại).
Hoàng Đế Lý Thánh Tông quả đúng là người có con mắt nhìn người rất tinh tường. Ỷ Lan không phải chỉ là cô gái đẹp mà còn là người tài hoa sắc sảo và rất có bản lĩnh. Bà hoàng có nguồn gốc dân dã ấy đã giành cho vua Lý Thánh Tông những bất ngờ lớn. Độc đáo hơn cả có lẽ là sự kiện năm Kỉ Dậu (1069). Bấy giờ, vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Trước khi đi, Nhà vua vì tin cẩn mà trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Ỷ Lan Nguyên Phi, nghĩa là gần như cho bà làm vua khi vua vắng mặt. Lý Thánh Tông đánh mãi không thắng, bèn rút quân về, nào ngờ dọc đường về, Nhà vua nghe quan lại và nhân dân ca ngợi rằng nguyên phi có tài trị nước, lòng lấy làm xấu hổ mà nói: ‘Nguyên phi là đàn bà mà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng làm được việc gì hay sao?’. Nói rồi quyết chí cho quân quay lại đánh nữa, và  lần ấy Nhà vua giành đại thắng!

Năm 1072, vua  Lý Thánh Tông mất, Thái tử Càn Đức lên ngôi, đó là Lý Nhân Tông, Ỷ Lan Nguyên Phi được tôn phong làm Ỷ Lan Thái Phi... Một năm sau sự kiện này, nội bộ cung đình có sự tàn sát lẫn nhau. Ỷ Lan Thái Phi đã bức hại Dương Thái Hậu cùng bảy mươi sáu thị nữ khác. Đấy là lỗi lớn của Thái Phi, sử không thể bỏ qua và chính Ỷ Lan cũng nhiều phen tự lấy làm tiếc… Dương Thái Hậu mất rồi, Ỷ Lan hiển nhiên là Thái Hậu với tên hiệu mới là Linh Nhân, nhưng người đời vẫn quen gọi bà là Ỷ Lan.

Ở địa vị tột đỉnh của hiển vinh nhưng Ỷ Lan vẫn không quên cảnh ngộ của những người phụ nữ nghèo hèn, những người đã và đang sống những cuộc đời còn thua kém cả thuở hàn vi của bà. Họ có khi còn không được quyền nghĩ đến hạnh phúc gia đình. Sử cũ chép rằng, vào năm Quý Mùi (1103), chính Ỷ Lan đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc những người con gái nhà nghèo bị bán đi ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ. Bàn về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên nói: ‘Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm nhân chính vậy’.

Nhờ có thời son trẻ sống chân lấm tay bùn ở nơi thôn dã, bà hiểu rõ rằng nông dân cần gì, nông nghiệp cần gì và làm sao để thiên hạ có thể an cư lạc nghiệp. Canh cánh nỗi lo ấy đã theo bà cho đến phút chót của cuộc đời. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Bản Kỉ, Quyển III, Tờ 17a-b) có ghi lại một sự kiện xẩy ra vào mùa xuân năm Đinh Dậu (1117), tức là chỉ mấy tháng trước khi bà qua đời, như sau:

‘Hoàng Thái Hậu nói: Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc trộm cắp trâu bò làm nghề sinh nhai, trăm họ cùng quẫn, đến nỗi mấy nhà phải cày chung một con trâu. Trước đây ta đã từng nói đến việc ấy, nhà nước đã có lệnh cấm, vậy mà nay giết trâu bò lại còn nhiều hơn. Bấy giờ Vua mới xuống chiếu rằng, kẻ nào mổ trộm trâu bò thì phạt tám mươi trượng, đồ làm khao giáp (Tức là làm kẻ phục dịch trong quân), vợ của kẻ đó bị xử tám mươi trượng, đồ làm tang thất phụ (Tức là phục dịch ở nơi chăn tằm) và bồi thường trâu bò. Láng giềng nào biết mà không tố cáo cũng bị phạt tám mươi trượng’.

Bà là người sùng Phật. Tính đến năm 1115, Bà đã cho xây cất trên một trăm năm mươi cái tháp. Sử cũ có lời đoán định rằng, hẳn là bà sám hối về việc bức hại Dương Thái Hậu và bảy mươi sáu thị nữ nên mới làm như vậy. Thực ra, trước khi sùng Phật, Bà đã cho mời nhiều bậc cao tăng vào hoàng cung để hỏi cho ra lẽ, rằng Phật là gì, Phật từ đâu tới, giáo lí của nhà Phật ra sao… Chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền Uyển Tập Anh (Nghĩa là “Anh Tú Vườn Thiền”) rất có giá trị sau này.
​
Ngày hai mươi lăm tháng Bảy năm Đinh Dậu (1117), bà qua đời, có lẽ thọ vào khoảng ngoài bảy mươi tuổi. Bà quả là một phụ nữ sáng danh của lịch sử nước nhà vậy.”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“KINH TRUYỆN & KINH NGHIỆM”

26/5/2019

 
Picture
​“Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)

​“BÁN MỘC BÁN GIÁO”
Có người nước Sở làm nghề bán mộc, vừa bán giáo.
Ai hỏi mua mộc, thì anh ta khoe rằng: "Mộc này thật chắc, không gì đâm thủng."
Ai hỏi mua giáo, thì anh ta khoe rằng: "Giáo này thật sắc, gì đâm cũng thủng."
Có người nghe nói, hỏi rằng: "Thế bây giờ lấy giáo của bác đâm vào mộc của bác, thì thế nào?"
Anh ta không đáp ra làm sao được.
(Hàn Phi Tử)
 
Giải Nghĩa:
Sở: Một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ.
Mộc: Đồ binh khí bằng gỗ, hình bầu dục để đỡ khi mũi nhọn đâm xỉa. Cái khiên thì đan bằng mây và
hình tròn.
Giáo: Đồ binh khí, đầu nhọn, cán dài, dùng để đâm.
 
Lời Bàn:
Ôi! một cái chắc, đâm không thủng, với một cái sắc, đâm gì cũng thủng, hai cái phản đối hẳn nhau thì cùng đi với nhau sao được! Thế mà người nước Sở dám khoe mộc, lại khoe giáo luôn ngay một lúc.
Chẳng qua là chỉ vì mối lợi mà thành ra nói dối. Nhưng cái trò nói dối hay cùng, khi người ta hỏi đến lẽ, là không đối đáp làm sao được nữa. Có khác gì kẻ đem tượng gỗ ra chợ bán, khoe rằng: "Ai mua tượng về nhà, thì được giàu sang." Đến lúc có người bẻ: "Thế sao bác không để ở nhà cho được giàu sang, lại mang ra chợ bán làm gì?" thì tắc khẩu mà đành vác tượng về.
​
(“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân)

“CƠ ĐỐC NHÂN  & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

25/5/2019

 
Picture

CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC GỠ BỎ

Sự Cứng Cỏi Của Tấm Lòng!
“Nhưng lòng họ đã cứng cỏi;
vì đến ngày nay, khi họ đọc Cựu Ước, cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi,
​bởi chưng ấy là trong Đấng Christ mà màn đó biến đi”
(2Cô. 3:14)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

25/5/2019

 
Picture
“Sự quí nhất là sự giúp cho con người
được thực sự bình an
đối với Đức Chúa Trời.”
(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)
Picture

​“[12] Vậy, hãy dở bàn tay yếu đuối của anh em lên, luôn cả đầu gối lỏng lẻo nữa.
[13] Khá làm đường thẳng cho chân anh em theo, hầu cho kẻ nào què khỏi lạc đường
mà lại được chữa lành nữa. [14] Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh,
vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
[15] Khá coi chừng kẻo có kẻ trật phần ân điển của Đức Chúa Trời,
kẻo rễ đắng châm ra, có thể ngăn trở và làm ô uế phần nhiều trong anh em chăng.”

(Hê. 12:12-15)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

25/5/2019

 
Picture
“…Từ Đạo Hạnh là bậc tu hành, tự nói có pháp thuật cao cường, song thói tục đời thường xem ra vẫn còn nặng lắm.
Từ Đạo Hạnh dùng bùa phép để hãm hại Giác Hoàng là bậc đồng đạo, ấy là thói ghen ghét vẫn còn chất chứa.
Từ Đạo Hạnh lại muốn chính mình được đầu thai thác hóa để kiếp sau được làm vua, ấy là hòng tham quyền thế còn rất nặng nề…”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“CHUYỆN GIÁC HOÀNG”

“Ở thời thịnh trị, muôn vạn binh hùng tướng mạnh của ngoại bang ồ ạt tràn đến, triều chính chưa dễ đã lung lay nhưng ở thời chính sự suy vi, có khi chỉ một đứa bé cỏn con cũng đủ sức để làm cho ngai vàng nghiêng ngửa. Chuyện cậu bé Giác Hoàng xảy ra vào đầu năm Nhâm Thìn (1112) được sách Đại Việt Sử Lược (Quyển II, Tờ 21a-b) ghi lại sau đây, có thể coi là một ví dụ tiêu biểu:

‘Tháng Hai (Năm 1112), người ở Thanh Hoá nói rằng, ven biển nơi ấy có đứa bé lạ, mới ba tuổi mà ai nói gì cũng hiểu, tự xưng là con vua, hiệu Giác Hoàng (Nghĩa là Phật, người đã giác ngộ hoàn toàn). Phàm Vua làm gì, nó cũng đều biết trước. Vua sai quan trung sứ đến hỏi, thấy những điều nó nói đều đúng, bèn đón về, cho ở tại chùa Báo Thiên (Hà Nội). Vua thấy nó linh dị nên yêu quý lắm. Bấy giờ, Vua không có con trai, định lập nó làm thái tử, nhưng quần thần cho là không nên, bèn thôi. Vua sai bày trai đàn ở trong cấm đình, muốn sai Giác Hoàng đầu thai làm con mình. Có vị sư tên là Từ Lộ hiệu là Đạo Hạnh ở núi Phật Tích nghe tin đó, không bằng lòng, bèn bảo với người chị là Từ Thị đi dự hội. Đạo Hạnh ngầm đưa vài hạt châu đã làm phép, nói với chị rằng, khi tới cuộc hội, nhớ đem giắt vào mái nhà, đừng để cho ai biết. Từ thị làm đúng lời dặn. Giác Hoàng bỗng nhiên mắc bệnh sốt, nói với mọi người rằng, hắn thấy khắp trong nước đều có chăng lưới sắt, không còn đường để vào thác sinh ở trong cung. Vua sai tìm kiếm khắp nơi thì bắt được mấy hạt châu của Từ thị giấu. (Vua) sai bắt Lộ trói ở hành lang Hưng Thánh, toan xử tử. (Bấy giờ) Sùng Hiền Hầu (em Vua) vào chầu. Lộ kêu than rằng, xin Hiền Hầu cứu bần tăng, nếu may mà bần tăng thoát chết thì (sau sẽ) xin làm con của (Hiền) Hầu để báo đền ơn đức. (Hiền) Hầu nhận lời. Vào chầu vua để cứu Lộ, Hầu nói, Giác Hoàng nếu thực sự có sức thần mà bị Lộ làm phép yểm được, thì Lộ rõ ràng là giỏi hơn Giác Hoàng. Thần cho rằng, chi bằng hãy cho ngay Từ Lộ thác sinh. Vua bèn tha tội Lộ.
​
Giác Hoàng bị bệnh rất nguy, trăng trối lại rằng, sau khi chết, hãy dựng tháp ở núi Tiên Du mà thờ y’.”

(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

“CƠ ĐỐC NHÂN & NHÂN THÂN CƠ ĐỐC”

24/5/2019

 
Picture

CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI DẮT DẪN
Để Mẫn Nhuệ Trong Sự Thông Biết Ngài!
“Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn,
và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn!”
(2Cô. 2:14)
Picture

“MỤC SƯ & MỤC NGỮ”

24/5/2019

 
Picture

“Sự cám dỗ có thiên hình, vạn trạng

nhưng tất cả các sự cám dỗ đều có cùng một điểm chung
là làm cho người bị cám dỗ mất sự nương cậy nơi Đức Chúa Trời.”

(Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.)
Picture
“[1] Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến?
Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao?
[2] Anh em tham muốn mà chẳng được chi;
anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết;
anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu;
anh em chẳng được chi, vì không cầu xin.
[3] Anh em cầu xin mà không nhận lãnh được,
vì cầu xin trái lẽ, để dùng trong tư dục mình”
(Gia. 4:1-3)

"SỬ TÍCH & SỬ LUẬN"

24/5/2019

 
Picture
“…Lê Văn Thịnh khác người ở chỗ giỏi hơn người, vì thế mà ông mang tội cũng phải khác người chăng?...”
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

​“VỤ ÁN LÊ VĂN THỊNH”

“Năm Canh Tuất (1070) vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu ở ngay thủ đô Thăng Long. Nho học bắt đầu có địa vị trên vũ đài chính trị và tư tưởng của nước nhà kể từ đó. Đến năm Ất Mão (1075), vua Lý Nhân Tông (1072 - 1127) cho mở khoa thi nho học đầu tiên ở nước ta. Đó là Khoa Minh Kinh Bác Học, người có vinh dự đỗ đầu kì thi này là Lê Văn Thịnh.

Khởi đầu, Lê Văn Thịnh được vào giảng học cho vua, sau ông được giữ chức thị lang bộ binh rồi thăng dần lên đến chức thái sư của triều đình, quyền uy một thời lừng lẫy thiên hạ. Nhưng đến tháng Ba năm Bính Tý (1096), Lê Văn Thịnh phạm tội, bị bắt đi đày (Có sách nói là ở Phú Thọ nhưng cũng có sách nói là ở Thanh Hóa ngày nay). Vụ án này thoạt nghe cứ như là chuyện đùa nhưng lại là một vụ án có thật, được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển IV, Tờ 1 và 2) ghi lại như sau:

‘Trước, Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý (Vùng Vân Nam, Trung Quốc ngày nay). Tên này có pháp thuật lạ, nhân đó, Văn Thịnh manh tâm mưu sự khác. Bấy giờ, nhà vua chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội), đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên hồ nổi sương mù, rồi có chiếc thuyền từ trong đám sương mù ấy lao tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo phóng tới thì đám sương mù tan  đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy thì té ra lại là thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao nên không nỡ giết, chỉ bắt đi an trí ở trại Thao Giang (Vùng Phú Thọ). Vua thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp’.”
​
(Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003)

<<Previous

    ​​THỂ LOẠI

    All

    ​THƯ KHỐ

    February 2020
    January 2020
    December 2019
    November 2019
    October 2019
    September 2019
    August 2019
    July 2019
    June 2019
    May 2019
    April 2019
    March 2019
    February 2019
    January 2019
    December 2018
    November 2018
    October 2018
    September 2018

Picture
  • About Me
  • My Argument
    • Nhận Diện
    • Nhận Thức
    • Nhận Thực
    • Nhận Định
  • My Presentation
    • Góp Nhặt
    • Chắt Lọc
    • Giảng Dạy
    • Truyền Bá
  • My Exhortation
    • Kinh Truyện
    • Sử Tích
    • Mục Ngữ
    • Nhân Thân