“Thanh danh của một người rạng rỡ hay không là tùy vào thái độ sống chứ không phải là nhờ thân danh.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[7] Nhưng vì cớ Đấng Christ, tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. [8] Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ [9] và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi Luật Pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; [10] cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, [11] mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” (Phlp. 3:7-10) “…Không có Cù Thị thì nhà Hán cũng tìm cách khác để thực hiện cho bằng được ý đồ của mình đối với Nam Việt. Nhưng có Cù Thị, ý đồ đó được phủ đầy những hành vi chẳng tốt đẹp một chút nào…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “CÙ THỊ…” “Cù Thị (Nghĩa là người con gái họ Cù) vốn quê ở Hàm Đan (Trung Quốc). Khi chưa lấy chồng, Cù Thị đã từng thông dâm với một viên quan nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý. Thời Triệu Văn Vương (Vua thứ hai của Nam Việt, húy là Hồ, cháu của Triệu Đà), để tiếp nối việc gìn giữ hòa khí với nhà Hán, Triệu Văn Vương đã cho con là thái tử Anh Tề sang làm con tin, nhân đó, Triệu Anh Tề đã kết hôn với Cù Thị. Triệu Văn Vương mất, Anh Tề được về nối ngôi, đó là Triệu Minh Vương. Cù Thị hiển nhiên trở thành Hoàng Hậu của Nam Việt. Triệu Minh Vương ở ngôi được 12 năm thì mất, con là Triệu Hưng được đưa lên ngôi, đó là Triệu Ai Vương. Cù Thị là Thái hậu của vua Nam Việt. Nhận thấy cơ hội thôn tính Nam Việt xuất hiện ngày một rõ ràng, nhà Hán lập tức cử sứ giả sang. Và, sứ giả lần này lại chính là An Quốc Thiếu Quý, tình nhân cũ của Cù Thái Hậu, người mà xuân sắc xem ra vẫn còn khá mặn mòi. Phái bộ sứ giả do An Quốc Thiếu Quý cầm đầu khá đông, ngoài ra lại còn có cả một đạo quân lớn do quan Vệ Úy là Lộ Bác Đức đóng ở Quế Dương để yểm trợ từ xa. Hành vi của An Quốc Thiếu Quý và Cù Thị đã được sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kỉ, quyển 2, từ tờ 13-a đến tờ 15-b) chép lại như sau: ‘Xưa kia, khi chưa lấy Minh Vương, Thái Hậu (Chỉ Cù Thị) đã từng thông dâm với một người quê ở Bá Lăng là An Quốc Thiếu Quý. An Quốc là họ, Thiếu Quý là tên. Đến đây nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý sang dụ Thái Hậu vào chầu, tương tự như các chư hầu trong nội hạt của nhà Hán. Nhà Hán lại sai bọn biện sĩ, gián nghị đại phu là Chung Quân đi tuyên dụ, bọn dũng sĩ là Ngụy Thần theo giúp việc. Ngoài ra, còn cho quan Vệ Úy là Lộ Bác Đức đem quân đóng ở Quế Dương để đợi sứ giả. Bấy giờ, vua còn nhỏ tuổi mà Cù Thái Hậu là người Hán, cho nên, An Quốc Thiếu Quý lại thông dâm. Người trong nước biết được, phần lớn không ai chịu theo Thái Hậu. Thái Hậu sợ có biến loạn, bèn dựa uy của nhà Hán, nhiều lần xin vua và các quan xin nội thuộc vào nhà Hán. (Thế rồi, Thái hậu) nhờ sứ giả dâng thư, xin được theo lệ như các chư hầu nội hạt, cứ ba năm một lần vào chầu, triệt bỏ canh phòng ở các cửa ải (với nhà Hán). Nhà Hán bằng lòng, ban cho Vua và Thừa Tướng Lữ Gia cái ấn bằng bạc và các ấn khác dùng trong triều, lại cho được quyền tự đặt các chức quan như Trung Úy, Thái Phó. Các hình phạt như cắt mũi, thích chữ vào mặt… đều bãi bỏ. Nước dùng luật nhà Hán như các chư hầu nội hạt. Nhà Hán cũng sai các sứ giả ở lại để lo việc vỗ về’. … ‘Vua và Thái hậu đã sửa sang lễ vật quý giá cùng các thứ hành trang để vào chầu. Bấy giờ, Thừa tướng Lữ Gia tuổi đã cao, giữ chức này trải đã ba triều, họ hàng thân thuộc làm trưởng lại có đến hơn bảy chục người, con trai thì lấy con gái của vua, con gái thì gả cho con em của vua và người tôn thất, đã thế lại còn thông gia với Tần Vương ở Thương Ngô, được lòng dân trong nước còn hơn cả Vua. (Lữ) Gia nhiều lần dâng thư can vua nhưng vua không nghe, vì đó, có ý chống lại, thường cáo bệnh không tiếp sứ giả nhà Hán. Các sứ giả nhà Hán đều chú ý đến (Lữ) Gia nhưng thế chưa thể giết được. Nhà vua và Thái Hậu cũng có ý lo sợ phe Lữ Gia khởi sự trước nên muốn nhờ sứ giả nhà Hán lập mưu giết Lữ Gia. Nhà vua bèn mở tiệc rượu mời sứ giả cùng các đại thần đến dự. Lúc ấy, em của Lữ Gia làm tướng, đem quân đến đóng ở phía ngoài cung. Khi tiệc rượu mới bắt đầu, thái hậu nói với Lữ Gia rằng: - Nam Việt xin nội thuộc là việc có ích cho nước nhà, tại sao tướng quân lại cho là bất tiện. Lời ấy cốt để chọc tức cả (Lữ Gia lẫn sứ giả). Sứ giả còn đang hồ nghi, do dự chưa dám làm gì thì Lữ Gia nhận thấy sắc mặt mọi người có vẻ hơi khác thường, liền đứng dậy bỏ ra ngoài. Thái hậu giận, muốn lấy giáo đâm (Lữ) Gia nhưng nhà vua ngăn lại. (Lữ) Gia ra chia lấy quân lính của em, về nhà cáo bệnh, không chịu gặp vua và sứ giả nữa. Từ đó, (Lữ Gia) cùng các đại thần ngầm tính chuyện làm loạn. Nhà vua vốn không có ý giết (Lữ) Gia và (Lữ) Gia cũng biết thế, cho nên, đến cả mấy tháng mà hai bên vẫn không động tĩnh gì. Thái hậu muốn tự mình giết (Lữ) Gia nhưng sức lại không đương nổi. Hoàng đế nhà Hán được tin (Lữ) Gia không tuân mệnh còn nhà vua và Thái hậu thì bị cô lập, yếu ớt đến độ không chế ngự nổi, sứ giả thì nhút nhát, không quyết đoán được việc gì, nhưng dẫu sao thì ý xin nội phụ của vua và thái hậu đã rõ, phe (Lữ) Gia chưa đáng phải dùng binh mã đến để hỏi tội, bèn định dùng Trang Sâm đem hai ngàn quân sang sứ tiếp. Trang Sâm nói rằng: - Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ, còn như lấy vũ lược mà sang thì hai ngàn người cũng chẳng làm được gì. Nói rồi, (Trang) Sâm từ chối không chịu nhận mệnh. Hoàng đế nhà Hán bèn bãi chức của (Trang) Sâm. Có viên tướng coi giữ vùng phía Bắc trước đây là Hàn Thiên Thu hăng hái nói: - Một nước Việt cỏn con, trong thì đã có Vương và Thái hậu làm nội ứng, nay nếu cần trừng trị thừa tướng Lữ Gia thì tôi đây chỉ xin cấp cho ba trăm dũng sĩ, thế nào cũng sẽ chém được đầu (Lữ) Gia đem về. Nhà Hán bèn sai (Hàn) Thiên Thu cùng với em của Cù Thái Hậu là Cù Lạc, đem hai ngàn quân tiến vào đất Việt. Lữ Gia bèn hạ lệnh cho cả nước rằng: - Vua còn nhỏ tuổi, Thái Hậu vốn là người Hán nay lại cùng với sứ giả nhà Hán làm chuyện dâm loạn, quyết đưa nước nhà nội phụ vào nhà Hán, đem hết mọi thứ châu báu của tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, bắt nhiều người đến Trường An (Kinh đô của nhà Hán) để bán cho người ta làm đầy tớ, tóm lại, chỉ nghĩ đến mối lợi riêng, không chút xót thương gì đến xã tắc của họ Triệu, chẳng hề lo đến kế lâu dài. Xong, (Lữ Gia) cùng với em đem quân đến đánh, giết vua và thái hậu cùng tất cả bọn sứ giả nhà Hán, rồi sai người báo cho Tần Vương ở Thương Ngô cùng hết thảy các quận, các ấp. (Lữ) Gia lập con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương Hầu Kiến Đức lên làm vua’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA” Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc ‘nghĩa’, một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!" Giải Nghĩa: Mặc Tử: Tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là kiêm ái yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca. Tề: Một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ. Nghĩa: Việc phải, việc hay mà người ta nên làm. Tự khổ thân: Tự mình làm cho mình khóc nhọc vất vả. Lời Bàn: Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh; như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc ‘Nghĩa’, sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy. (“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân) “Thấy sự hợm hĩnh thì thường bực mình nhưng biết đâu ấy cũng là một bệnh chứng của chính mình?” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[21] Vậy, hãy bỏ đi mọi điều ô uế và mọi điều gian ác còn lại, đem lòng nhu mì nhận lấy lời đã trồng trong anh em, là lời cứu được linh hồn của anh em. [22] Hãy làm theo Lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình. [23] Vì, nếu có kẻ nghe Lời mà không làm theo, thì khác nào người kia soi mặt mình trong gương, [24] thấy rồi thì đi, liền quên mặt ra thể nào. [25] Nhưng kẻ nào xét kĩ Luật Pháp trọn vẹn, là Luật Pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.” (Gia. 1:21-25) “…Võ trúng đạn, máu chảy dầm mình. Đuối sức nằm gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy khỏi chiến trường, chạy một mạch về quê hương Tú ở Phú Phong. Đến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết, Võ Đình Tú cũng đã lạnh hết chân tay…” (Hữu Vinh) “THIẾT CÔN TƯỚNG QUÂN VÕ ĐÌNH TÚ” Võ Đình Tú, người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn. Con nhà giàu, tính hào phóng, lòng dạ chân thật, can đảm hơn người. Từ thuở nhỏ, gia đình đã rước thầy về nhà học văn lẫn võ. Năm mười bốn tuổi, trong thôn bỗng nhiên xuất hiện một nhà sư mặt mày xấu xí, ăn bận rách rưới, thường đến ngồi nơi nhà ngõ họ Võ. Trẻ con trong làng hễ trông thấy nhà sư thì kéo nhau đến chọc ghẹo. Mặc cho lũ trẻ hò reo, làm nhiều điều phiền toái, nhà sư vẫn ngồi xếp bằng tĩnh tọa, mắt nhắm nghiền. Chọc chán mà không thấy phản ứng, chúng bèn kéo nhau bỏ đi. Riêng Võ Đình Tú thì lại có thái độ rất kính trọng và thương mến nhà sư. Khi nhà sư đến thì Tú hoặc bưng cơm nước hoặc bánh trái đến cúng dường. Nhà sư hoan hỉ mà nhận. Tuy nhiên, hai người không hề nói với nhau một lời. Một hôm, trời nổi mưa to gió lớn, mọi người không ai dám ra đường. Mưa tầm tã suốt ngày. Đêm đến, mưa tạnh gió ngừng, người trong nhà không thấy Tú đâu cả. Mà ngoài ngõ nhà sư cũng biệt tăm. Cho người đi khắp nơi, hết ngày này đến ngày khác vẫn không tìm thấy tông tích. Người nhà quyết đoán là Tú đã bị nhà sư bắt cóc. Đành thắp nhang cầu trời phật gia hộ cho Tú mà thôi. Mười năm sau. Tú trở về, thành một thanh niên vạm vỡ, sức mạnh như hùm, nhưng vẫn giữ được tính tình chân hậu, chất phát. Mới trông qua không ai biết rằng đó là một võ lâm cao thủ. Tú về nhà đóng cửa đọc sách, không giao du với ai, trừ Võ Văn Dũng. Hai người là bạn tâm đắc. Gặp nhau ngoài chuyện bàn luận võ nghệ còn thường hay đàm luận thời thế. Nhà giàu, võ nghệ cao cường, song Tú vẫn không thích lập gia đình. Nhiều lúc đóng cửa đi giao du hàng tháng mới về. Về võ nghệ, Tú thông thạo đủ mọi loại: Côn, kiếm, thương, quyền v.v… Về quyền thì thiên về ngạnh quyền, môn này rất thích hợp với thân vóc và sức mạnh của Tú. Ngoài môn cưỡi ngựa bắn cung, Tú nổi danh về môn sử dụng thiết côn. Khi múa côn giữa trời mưa, người Tú không hề dính một hạt nước. Một mình Tú có khả năng đánh cả hàng ngàn người. Bà Bùi Thị Xuân có tặng Võ Đình Tú một lá cờ đào thêu bốn chữ vàng “Thiết côn tướng quân”. Khi Võ Văn Dũng về với Tây Sơn, Dũng giới thiệu Tú cùng Tây Sơn Vương. Vương thân hành cưỡi ngựa đến nhà thăm viếng và mời về hợp tác. Trong doanh trướng Tây Sơn, Tú rất tâm đắc với Nguyễn Huệ, được Huệ thương yêu như ruột thịt. Ngày ngày cùng nhau đàm đạo võ nghệ, binh pháp. Khi nhà Tây Sơn khởi nghĩa,Võ Đình Tú được phong chức Đại Tổng Lý cùng với Bùi Thị Xuân quản lý vùng Tây Sơn và phòng thủ doanh trại. Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế, phong Võ Đình Tú chức Thái Úy. Vua Quang Trung khi ra Thuận Hóa thì đem Tú theo. Khi ấy Bùi Đắc Tuyên mới làm Thị Lang Bộ Lễ, nhưng vì là em ruột của Bùi hoàng hậu nên được ra vào cung cấm tự do. Tuyên thường bày nhiều trò chơi để mua lòng Thái Tử Nguyễn Văn Toản. Vốn biết Võ Đình Tú có tài nhảy cao, Tuyên xúi Quang Toản yêu cầu Tú biểu diễn cho xem. Võ Đình Tú là một vị khai quốc công thần theo nhà Tây Sơn từ thuở còn áo vải, chớ đâu phải hàng tiểu tốt mà đi làm trò mua vui cho trẻ con. Nhưng Thái Tử Toản sẽ là vị vua tương lai của mình, nên Võ Công đâu giám không tuân lệnh. Công rước thái tử ra đứng giữa sân, trong tòa dinh thự hình chữ môn, mặt hướng về dãy nhà phía tả, Công dậm chân nhảy vút qua phía tả trong chớp mắt. Liền đó, Thái tử nghe tiếng động sau lưng, quay lại thì đã thấy Công đứng đó rồi. Công lại dậm chân nhảy vút qua ngôi nhà phía hữu và lại nhảy trở về trong chớp mắt. Diễn đi diễn lại nhiều lần mà sắc mặt vẫn không thay đổi, hơi thở vẫn điều hòa. Thái tử Toản rất thích thú. Một hôm, Võ Đình Tú cùng Đặng Xuân Phong vào cung bệ kiến vua Quang Trung. Biết rằng đó là hai tướng nổi danh tuyệt kỹ về đánh côn, Bùi Đắc Tuyên liền tìm cách mua vui cho Thái Tử. Tuyên lấy tư cách người đồng châu, mời Võ, Đặng đến nhà riêng uống rượu. Thái tử cũng được rước đến. Tiệc rượu được khoản đãi vào buổi chiều. Tiệc xong, Thái tử đòi xem hai vị đại thần đấu côn. Đuốc được thắp sáng rực cả sân. Đặng sử dụng côn đồng, Võ sử dụng côn sắt. Đường côn qua lại nhanh như chớp, mạnh như gió bão, đẹp như “rồng bay phượng múa”. Gia tướng đến xem chật cả trong lẫn ngoài. Tiếng hoan hô hòa với tiếng vỗ tay vang dậy cả một góc thành. Sau cuộc đấu côn này, dư luận xôn xao. Lớp thì khen hai vị công thần tài nghệ tuyệt luân, xứng danh với “Tây Côn Lưỡng Thần Công”. Lớp thì chê bai hai vị đại thần không biết tự trọng. Lời thị phi bay đến tai vua Quang Trung. Nhà vua liền quở trách Thái tử và hai vị đại thần Võ, Đặng, rồi cấm Bùi Đắc Tuyên không được bày các trò vui làm mất thể thống các quan đại thần như thế nữa. Vua Quang Trung mất, Cảnh Thịnh nối ngôi. Bùi Đắc Tuyên được sủng ái lên làm Thái Sư, mỗi ngày một thêm lộng quyền. Quan trong triều người nào ngả theo Tuyên thì được ưu đãi, người ra mặt chống thì bị hại, người nào thờ ơ thì bị đẩy đi xa. Tình hình trong triều lộn xộn, bè phái chống đối lẫn nhau. Võ Văn Dũng đang trấn thủ Bắc Hà bị gọi về và nhân đó diệt luôn Bùi Đắc Tuyên và đồng bọn. Trần Quang Diệu lại kéo binh về. Hai bên sắp đánh nhau thì Võ Đình Tú lấy tình quen thân cả đôi bên, xin phép vua Cảnh Thịnh đứng ra hòa giải. Trước tiên, Tú đến gặp Dũng, phân tích sự lợi hại của hai đại thần chống cự lẫn nhau: - Sở dĩ Diệu phải bỏ Quy Nhơn kéo thủy binh về là chỉ lo cho kinh thành có biến loạn. Nay Diệu về rồi thì xin cho đến gặp để hiểu rõ nguyên nhân. Tiếp theo, Tú bơi thuyền qua sông Hương, đến An cựu gặp Diệu. Tú phân tích sự chuyên quyền của Bùi Đắc Tuyên sẽ làm hư sự nghiệp của nhà Tây Sơn, nên Dũng phải ra tay hủy diệt. Bây giờ chỉ còn một việc hàn gắn lại tình đoàn kết của các đại thần, để cùng chung lo để việc đánh thắng quân Nguyễn Phúc Ánh. Nhờ vậy mà Dũng và Diệu kết nối lại tình xưa, cùng đem nhau vào bệ kiến vua Cảnh Thịnh. Cả ba điều được Cảnh Thịnh phong chức và lo việc triều đình. Nhưng Cảnh Thịnh lại ưa nghe lời dèm pha, bèn phong cho Võ Đình Tú chức Binh Bộ Tham Tri vào coi quân ở Phú Yên và Quy Nhơn, để phân tán lực lượng có thể chống đối mình là bộ ba Diệu, Dũng, Tú. Tháng Tư năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh đem binh vào cửa thị Nại. Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức đem quân lên đóng ở Hàm Long, thuộc huyện Tuy Phước. Núi Hàm Long, còn gọi là núi Cần Úc, là một độc sơn, không cao lớn, nằm trong phạm vi thôn Thuận Nghi, hình giống như đầu rồng, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chảy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống đông, chảy ra đầm Thị Nại, tạo thành cánh cung ôm lấy chân núi. Võ Đình Tú đang đi kinh lý ở Phú Yên, được tin quân Nguyễn Phúc Ánh đổ bộ Quy Nhơn, vội kéo quân về, đi thẳng lên Cần Úc đánh quân Võ Tánh. Hai bên kịch chiến suốt hai ngày đêm. Võ Tánh trá bại, Nguyễn Huỳnh Đức phục binh trên núi. Võ Đình Tú giục quân đuổi theo. Tên trên núi bắn xuống như mưa, chen vào có nhiều súng nổ, quân Tây Sơn trúng tên, lớp chết, lớp bị thương. Võ Đình Tú tả đột hữu xông, cây thiết côn tỏa thành một đạo thanh quang gạt phăng hàng vạn mũi tên bắn vun vút vào người, vào ngựa. Nhưng gạt được tên mà không gạt được đạn đồng. Võ trúng đạn, máu chảy dầm mình. Đuối sức nằm gục trên lưng ngựa. Ngựa hí một tiếng dài, nhảy khỏi chiến trường, chạy một mạch về quê hương Tú ở Phú Phong. Đến nhà thì ngựa ngã lăn ra chết, Võ Đình Tú cũng đã lạnh hết chân tay. Đó là vào cuối tháng Tư năm Kỷ Mùi (1799). (Hữu Vinh, “Tây Sơn Thất Hổ Tướng”) “Nếu người ta chỉ nói, chỉ xưng mà không làm, không theo thì phận sự công bình Cơ Đốc đòi hỏi người ta phải nói cho biết họ là ai.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[11]Nhưng khi Sêpha đến thành Antiốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. [12]Bởi trước lúc mấy kẻ của Giacơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. [13]Các người Giuđa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Banaba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. [14]Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sêpha trước mặt mọi người rằng: Nếu anh là người Giuđa, mà ăn ở theo cách Dân Ngoại, không theo cách người Giuđa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giuđa?” (Gal. 2:11-14) “… Con ngựa già đến đây đã chồn chân. Một dũng tướng Triệu Đà dày dạn kinh nghiệm trận mạc và mưu lược hơn người, đến đây không còn nữa. Một Hoàng đế Triệu Đà đầy tham vọng hùng cứ một phương, đến đây cũng không còn nữa…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “NHÀ HÁN VÀ NGÓN ĐÒN CUỐI ĐỐI VỚI TRIỆU ĐÀ” “Năm 206 trước Công Nguyên (Tr. CN), ở vùng trung nguyên của Trung Quốc, Lưu Bang lập ra nhà Tiền Hán và xưng đế, đó là Hán Cao Tố. Hán Cao Tổ ở ngôi được 12 năm thì qua đời, con là Thái tử Lưu Dinh được lên nối ngôi, đó là Hán Huệ Đế. Hán Huệ Đế là vua nhu nhược, bởi vậy, mọi quyền bính của triều đình đều nằm trong tay bà Lữ Hậu. Bảy năm sau, Hán Huệ Đế mất, bà Lữ Hậu đưa Thiếu Đế lên ngôi. Nhưng, Hán Thiếu Đế cũng chỉ ngồi trên ngai vàng được bốn năm thì bị bà Lữ Hậu phế truất để đưa Lưu Hoằng lên ngôi. Tóm lại, nội bộ triều đình nhà Hán liên tục khủng hoảng và xung đột. Năm 180 Tr. CN, Lữ Hậu mất, cuộc khủng hoảng và xung đột trong nội bộ triều đình nhà Hán mới tạm dứt. Bấy giờ, Lưu Hoằng được đưa lên ngôi Hoàng đế, đó là Hán Văn Đế. Hán Văn Đế vừa lên ngôi đã lo sửa sang chính sự, trong thì lo cố kết nhân tâm, ngoài thì lo trấn áp lân bang. Một trong những mối bận tâm của Hán Văn Đế chính là Triệu Đà. Tuy nhiên, vì lúc này Triệu Đà đã già, khí lực và ý chí chẳng còn mạnh mẽ như xưa nữa, bởi vậy, Hán Văn Đế quyết định dùng ngón đòn tinh thần hiểm hóc của mình. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kỉ, quyển 2, từ tờ 4a đến tờ 6a) chép như sau: ‘Hoàng đế của nhà Hán nhân thấy mồ mả tổ tiên của Nhà vua (chỉ Triệu Đà - NKT) đều ở Chân Định, bèn đặt ra chức Thủ Ấp và sai trông coi, hàng năm lo cúng tế, lại cho gọi các anh em của Nhà vua ra cho làm quan to, ban cho các thứ rất hậu. Xong, Hoàng đế nhà Hán hỏi Tể tướng Trần Bình rằng có thể cử ai đi sứ sang Nam Việt được. Trần Bình nói: - Thời Tiên Đế (Chỉ thời Hán Cao Tổ - NKT), Lục Giả từng đi sứ sang Nam Việt. Hoàng đế nhà Hán gọi (Lục) Giả đến, cho làm Thái Trung Đại Phu, lại chọn một người nữa cho làm Phó Sứ, gọi là Yết Giả, đem thư sang cho Vua. Thư ấy nói rằng : Kính thăm người lao tâm khổ tứ là Nam Việt Vương. Trẫm là con vợ lẽ của Cao Đế (Tức Hán Cao Tổ - NKT), từng bị đuổi ra ngoài làm phiên vương ở đất Đại vì đường sá xa xôi, lại cũng vì kiến thức hẹp hòi, quê kệch, cho nên chưa từng viết thư. Khi Cao Đế phải lìa bỏ bầy tôi, rồi Huệ Đế cũng qua đời, Cao Hậu (Tức Lữ Hậu - NKT) tự mình trông coi việc nước nhưng cũng không may mà mang bệnh nên người họ Lữ đã làm việc chuyên quyền sai trái. Bởi một mình không thể chống đỡ, Lữ Hậu đã lấy người khác họ lên nối nghiệp Huệ Đế. May nhờ anh linh tông miếu tổ tiên và sức lực của quần thần, tất cả bọn ấy đều đã bị giết hết. Trẫm vì các bậc vương hầu và quan lại không cho chối từ nên không thể không nhận (lên ngôi Hoàng đế). Nay, mọi việc đã xong xuôi. Mới rồi, nghe tin Vương có gửi thư cho tướng Lâm Lư Hầu, tỏ ý muốn tìm anh em thân thích và xin bãi chức hai tướng ở Trường Sa. Theo đó, trẫm đã bãi chức của tướng Dương Bác Hầu, còn như người thân của Vương ở Chân Định thì trẫm đã sai người đến thăm hỏi, đồng thời, sai sửa sang phần mộ của tổ tiên Vương. Trước đây, trẫm nghe tin Vương đem quân đi đánh ở biên giới, cướp phá mãi. Việc ấy khiến cho dân Trường Sa mà đặc biệt là dân Nam Quận rất cực khổ, như thế, liệu dân nước của Vương có thể yên hưởng lợi riêng được chăng? Vương làm như thế, tất nhiên sẽ khiến cho nhiều quân lính bị chết, nhiều tướng giỏi bị hại, bao kẻ vợ góa con côi, bao nhà mất con, lợi một mà hại mười, trẫm thấy thật không nỡ. Nay, trẫm muốn chia đất phong cấp xen kẽ để các chư hầu chế ngự lẫn nhau, bèn đem việc ra hỏi thì các quan đều nói: Cao Đế sở dĩ lấy Trường Sa làm địa giới, vì sau Trường Sa là đất của Vương, không nên tự ý thay đổi. Nếu trẫm có lấy thêm được đất của Vương thì nước cũng không vì thế mà lớn, lấy được của cải của Vương thì nước cũng chẳng nhờ đó mà giàu, cho nên, cõi đất từ Ngũ Lĩnh trở về Nam, Vương cứ việc cai trị. Nhưng, Vương xưng Đế thì nếu có hai Đế mà không thông hiếu, tất sẽ tranh nhau. Tranh mà không biết nhường thì bậc nhân đức quyết không làm. Trẫm nguyện cùng Vương xóa bỏ hiềm thù để cùng nhau thông hiếu, bởi vậy, sai Lục Giả đưa tờ dụ sang để nói rõ ý riêng của trẫm. Vương nên nghe theo, chớ làm việc cướp phá nữa. Nhân đây, trẫm gởi biếu Vương năm mươi chiếc áo bông thượng hạng, ba mươi chiếc áo bông trung hạng, hai mươi chiếc áo bông hạ hạng. Mong Vương hãy nghe nhạc giải buồn mà thăm hỏi nước láng giềng. Khi Lục Giả đến, Nhà vua tạ lỗi, nói rằng: - Xin kính vâng theo chiếu chỉ, làm phiên vương, giữ mãi lệ đi nạp cống phẩm. Sau đó, Vua hạ chiếu nói rằng: Trẫm nghe, hai người hùng không đứng cạnh nhau, hai người hiền không sống cùng đời. Hoàng Đế nhà Hán là đấng Thiên Tử hiền tài, cho nên, từ nay ta tự hủy bỏ hết các thứ xe mui vàng và cờ tả đạo vốn là những nghi lễ chỉ dành riêng cho Hoàng Đế mà thôi. Rồi nhân đó, Nhà vua gửi thư (cho Hoàng Đế nhà Hán) nói rằng : Man Di Đại Trưởng Lão Phu, bề tôi là (Triệu) Đà, tội đáng phải chết, lạy hai lạy, mạo muội dâng thư lên Hoàng Đế Bệ Hạ. Lão Phu vốn là quan lại cũ ở đất Việt. Cao Đế từng ban cho Lão Phu quả ấn và dây thao, lại phong cho làm Nam Việt Vương. Huệ Đế lên ngôi, vì nghĩa mà không nỡ tuyệt giao nên cũng ban cho Lão phu các thứ rất hậu. Cao Hậu coi việc nước, có ý phân biệt Hoa - Di, ra lệnh không bán cho Nam Việt những công cụ làm ruộng bằng sắt và bằng đồng, các loài ngựa, trâu và dê cũng chỉ bán cho con đực, không bán con cái. Lão phu ở nơi hẻo lánh, các loài ngựa, trâu và dê đều đã già. Thiết nghĩ, nếu không sắm sửa lễ vật cúng tế thì tội thật đáng chết, cho nên, (Lão Phu) đã sai quan Nội Sử là Phan, quan Trung Úy là Cao, quan Ngự Sử là Bình, cả ba cùng dâng thư tạ lỗi, nhưng không được hồi đáp. Đã thế lại nghe đồn rằng, phần mộ cha mẹ của Lão phu thì bị đập phá, thân nhân của Lão phu thì đều bị giết, cho nên, bọn lại thuộc của thần mới bàn nhau rằng: bên trong chẳng có gì để xử với nhà Hán, bên ngoài chẳng có gì để cao ngạo với nhà Ngô, bèn đổi hiệu xưng đế, đó chẳng qua cũng chỉ là để làm Hoàng Đế của chính nước mình, không hề có ý làm hại thiên hạ. Lúc ấy, Cao Hậu nghe tin thì cả giận, tước bỏ hết sổ sách của Nam Việt, khiến cho không được thông sứ với nhau. Lão phu trộm ngờ rằng, vì Trường Sa Vương gièm pha, cho nên mới đem quân đến biên giới để đánh. Lão phu ở đất Việt đã bốn mươi chín năm, nay đã đến tuổi được ẵm cháu, nhưng vẫn phải thức khuya dậy sớm, ăn không ngon, ngủ không yên, mắt không nhìn sắc đẹp, tai không màng trống chiêng, tất cả chỉ vì không được làm tôi nhà Hán đó thôi. Nay bệ hạ có lòng thương đến, cho Lão phu được dùng hiệu cũ, hai bên thông sứ như xưa, thì Lão phu dẫu chết, xương cũng không nát được. Vậy, (Lão phu) xin đổi tước hiệu, không dám xưng đế nữa, đồng thời, kính cẩn sai sứ giả dâng lên Hoàng Đế một đôi ngọc bích màu trắng, một ngàn bộ lông chim trả, mười sừng tê, năm trăm vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, bốn chục đôi chim trả sống, hai đôi chim công. Lão phu mạo muội liều chết, lạy hai lạy, xin dâng lên Hoàng Đế Bệ Hạ’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Thích được người ta gọi mình bằng thầy mà không thích học Đạo và giữ Đạo thì tự tố giác mình là kẻ sống xạo!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[1] Bấy giờ Đức Chúa Jêsus phán cùng dân chúng và môn đồ Ngài rằng: [2] Các Thầy Thông Giáo và người Pharisi đều ngồi trên ngôi của Môise. [3] Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm. [4] Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào.” (Ma. 23:1-4) “… Mới dựng được bờ cõi riêng, lúc đầu, hẳn nhiên là Triệu Đà nghênh ngang tự đắc, tự cho mình quyền ngồi chồm hổm mà tiếp sứ, tự ví mình với Tiêu Hà, Tào Tham và cả Hán Đế nữa. Nhưng, cũng vì mới tạo dựng được bờ cõi riêng. Triệu Đà luôn phải canh cánh nỗi lo gìn giữ cơ nghiệp của mình…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “TRIỆU ĐÀ LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?” “Nhân cơ hội sụp đổ của nhà Tần, Triệu Đà đã nhanh chóng tạo lập ra quốc gia Nam Việt, quyết hùng cứ một phương. Sau, nhân sự mơ hồ và mất cảnh giác của An Dương Vương, Triệu Đà đã đánh chiếm được Âu Lạc. Thế là chỉ trong vòng chưa đầy ba mươi năm (Từ năm 206 tr. CN đến năm 179 tr. CN), Triệu Đà trở thành kẻ đứng đầu một quốc gia khá lớn, vui thênh thang với một cõi của mình. Nhưng, chừng đó chưa đủ để có thể nhận diện chính xác về Triệu Đà. Suốt một đời, nỗi bận tâm lớn nhất của Triệu Đà chính là sự hùng mạnh không ngừng của nhà Tây Hán hay còn gọi là nhà Tiền Hán ở đất trung nguyên Trung Quốc. Với nhà Tây Hán, Triệu Đà là người như thế nào? Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kỉ, quyển 2, tờ 2a và 2b) chép rằng: ‘Bấy giờ, nhà Hán đã định được thiên hạ, nghe tin Nhà vua (Chỉ Triệu Đà - NKT) cũng xưng vương ở nước Việt, bèn sai Lục Giả sang phong Vua làm Nam Việt Vương, trao cho Vua quả ấn và dây thao, lại trao cho cả cái phẫu phù bổ đôi làm tin, khuyên Vua nên thông sứ với nhau và bảo Vua hãy giữ yên đất Bách Việt, chớ có cướp phá. Lục Giả đến, nhà vua cứ ngồi chồm hổm mà tiếp. (Lục) Giả nói: - Vương vốn là người Hán, họ hàng thân thuộc và mồ mả hiện đều ở nhà Hán, thế mà nay lại làm trái với tục của nước mình, muốn chiếm đất này để đối nghịch với nhà Hán, há chẳng phải là lầm lẫn hay sao? Vả chăng, nhà Tần mất hươu, cả thiên hạ thi nhau đuổi, chỉ riêng Hán Đế khoan nhân, cho nên, ai cũng vui theo, khởi binh từ đất Bái, đất Phong mà vào Quan Trung để gấp chiếm Hàm Dương, dẹp trừ quân hung bạo. Chỉ trong khoảng năm năm mà loạn lạc đều yên, bốn biển được yên lặng, sức người nhất quyết không thể làm nổi, ấy là nhờ trời đó thôi. Nay Hán Đế nghe tin Vương làm vua ở đất này, lòng đã từng muốn quyết đánh một phen cho rõ được thua, nhưng vì dân vừa trải cơn lao khổ nên đành phải tạm thôi. Giờ đây, Hán Đế sai sứ sang trao ấn và dây thao cho Vương, lẽ ra, Vương phải ra tận ngoài thành nghênh đón, bái yết để tỏ lòng tôn kính (Hán Đế), thế mà Vương đã không làm, vậy, chỉ còn cách sửa lễ để tiếp sứ giả, cớ gì cậy dân Bách Việt đông để coi thường sứ giả của Thiên tử ? Nếu Thiên tử mà biết được, khởi binh sang đánh thì Vương sẽ tính sao? Vua làm ra vẻ sợ hãi, đứng dậy nói: - Tôi ở đất này lâu ngày, thành ra quên hết cả lễ nghĩa. Nhân đó, Vua hỏi Lục Giả rằng: - Tôi với Tiêu Hà và Tào Tham, ai hơn? Lục Giả đáp: - Vương hơn chứ. Vua hỏi tiếp: - Thế tôi với Hán Đế, ai hơn? Lục Giả nói: - Hán Đế nối nghiệp của Tam Hoàng và Ngũ Đế, thống trị dân Hán có đến cả ức vạn người, đất rộng hàng muôn dặm, của nhiều, người đông, thế mà quyền bính chỉ nằm trong tay một nhà, từ khi trời đất mở mang đến nay chưa từng có. Nay, dân của Vương chẳng qua mươi vạn ở xen giữa núi và biển, bất quá cũng chỉ như một quận của nhà Hán. Vương ví với Hán thế nào được? Nhà vua cười và nói rằng: - Tôi lấy làm giận là đã không được dấy lên ở phía ấy, biết đâu tôi lại chẳng như nhà Hán bây giờ? Lục Giả ngồi im lặng, mặt có vẻ rất buồn. Nhà vua bèn giữ Lục Giả lại đến vài tháng. Vua nói: - Ở đất Việt này, không ai ngang tài để tôi có thể nói chuyện được. Nay ông đến đây, hàng ngày tôi được nghe những điều chưa từng nghe. Nhà vua cho Lục Giả các thứ châu báu đáng giá ngàn vàng để làm của riêng, đến khi Lục Giả về, lại còn cho thêm nghìn vàng nữa’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Một trong những đặc điểm của kẻ hám lợi và bọn kiêu ngạo là không chịu dạy dỗ và vì thế mà họ cũng sẽ không bao giờ hoàn thành được ý muốn của Đức Chúa Trời trên đời sống của mình.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[17] Còn ngươi, mang lấy danh người Giuđa, yên nghỉ trên Luật Pháp, khoe mình về Đức Chúa Trời ngươi, [18] hiểu ý muốn Ngài và biết phân biệt phải trái, vì ngươi đã được Luật Pháp dạy; [19] khoe mình làm người dẫn đường cho kẻ mù, làm sự sáng cho kẻ ở nơi tối tăm, [20] làm thầy kẻ ngu, làm người dạy kẻ tầm thường, trong Luật Pháp có mẫu mực của sự thông biết và của lẽ thật, [21] vậy ngươi dạy dỗ kẻ khác mà không dạy dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn cắp, mà ngươi ăn cắp! [22] Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà dâm, mà ngươi phạm tội tà dâm! Ngươi gớm ghét hình tượng mà cướp lấy đồ vật của hình tượng! [23] Ngươi khoe mình về Luật Pháp mà bởi phạm Luật Pháp làm nhục đến Đức Chúa Trời! [24] Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép.” (Rô. 2:17-24) “…Trong mọi lỗi lầm, nhẹ dạ cả tin là lỗi lầm cần được tha thứ hơn cả. Bạn có quyền trách An Dương Vương, trách Mỵ Châu, rằng sao mà nỡ nhẹ dạ cả tin đến thế. Nhưng bạn hỡi, nếu một nhà mà cha chẳng tin con, vợ chẳng tin chồng, tất cả sẽ rẻ rúng làm sao! Sau lỗi lầm của An Dương Vương, tổ tiên ta phải trả giá bằng cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ và quyết liệt hơn một ngàn năm, nhưng trong mọi trái tim nhân hậu, An Dương Vương - người có công dựng nên quốc gia Âu Lạc, dựng nên kinh thành Cổ Loa - vẫn mãi mãi được tôn kính. Ngàn năm còn đó, những đền thờ An Dương Vương…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “CHUYỆN MỴ CHÂU” “…Mỵ Châu là con gái của An Dương Vương. Khi cô lớn lên cũng là khi Triệu Đà (Vua của nước Nam Việt, một vương quốc nằm sát biên giới phía Bắc nước ta) đang ráo riết thực hiện mưu đồ bành trướng xuống phương Nam. Quân của Triệu Đà đã bao phen tiến đánh đến tận Tiên Du (nay thuộc Bắc Ninh), uy hiếp mạnh mẽ đối với cả kinh thành Cổ Loa, nhưng, tất cả những cuộc tấn công ấy đều bị đẩy lùi. Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kỉ, quyển 1 từ tờ 9a đến tờ 10-b) chép rằng: ‘(Triệu) Đà biết Nhà vua có nỏ thần, không thể nào địch nổi, bèn cho quân lui giữ Vũ Ninh (tỉnh Bắc Ninh ngày nay - NKT) rồi sai sứ đến xin giảng hòa. Nhà vua mừng lắm, bèn chia đất từ Bình Giang, tức là vùng sông Thiên Đức, huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh - NKT) trở lên phía Bắc thì giao cho (Triệu) Đà cai quản, từ đó trở về Nam thì do Nhà vua cai quản. (Triệu) Đà sai con trai của mình là Trọng Thủy, vào hầu cận nhà vua, rồi xin cưới con gái của nhà vua là Mỵ Châu. Vua bằng lòng. Trọng Thủy nhân đó dỗ dành Mỵ Châu, xin xem trộm nỏ thần (của nhà vua). Hắn ngầm bẻ gẫy lẫy nỏ, làm cái lẫy giả thay vào, xong, lấy cớ về Bắc thăm nhà (để mật báo mọi sự). Trước khi đi (Trọng Thủy) nói với Mỵ Châu rằng: - Ơn nghĩa vợ chồng chẳng thể nào quên, sau này nếu chẳng may hai nước bất hòa, Nam Bắc cách biệt, mà ta lại tới đây thì làm sao có thể tìm thấy nàng? Mỵ Châu nói: - Thiếp có cái áo kết bằng lông ngỗng, đi đâu cũng thường mang theo mình. Vậy, thiếp sẽ rút lông ngỗng rắc xuống đường để làm dấu. Trọng Thủy về mật báo cho Triệu Đà hay’. Ngay sau đó, Triệu Đà đem quân đánh An Dương Vương. Sách trên chép tiếp: ‘(Triệu) Đà đem quân đến đánh Nhà vua. Vua không biết là lẫy nỏ đã mất, cho nên, cứ vừa ngồi đánh cờ, vừa cười mà nói rằng: - (Triệu) Đà không sợ nỏ thần của ta hay sao? Khi quân của Triệu Đà tiến sát đến nơi. Nhà vua mới giương nỏ bắn và bấy giờ mới hay là lẫy nỏ đã gẫy rồi. Nhà vua thua chạy, cho Mỵ Châu cùng ngồi chung ngựa mà đi mãi về phía Nam. Trọng Thủy cứ theo dấu lông ngỗng đuổi theo. Nhà vua chạy đến biển, hết đường mà thuyền chẳng có, liền cất tiếng gọi thần Kim Quy: - Hãy mau đến cứu ta! Thần Kim Quy nổi lên mặt nước, mắng rằng: - Kẻ ngồi sau ngựa là giặc đấy, sao không giết ngay đi! Nhà vua rút gươm chém Mỵ Châu. Mỵ Châu liền khấn vái rằng: - Ta trọn tiết trung tín, chẳng dè bị người đánh lừa, vậy, sau khi chết, xin được hóa thành ngọc châu để rửa mối nhục này. Nhà vua chém Mỵ Châu, máu chảy loang khắp mặt nước, loài trai dưới biển nuốt vào bụng, máu ấy hóa thành hạt minh châu. Nhà vua cầm sừng tê văn dài bảy tấc mà đi xuống biển, đại để cũng như nói cầm sừng tê đi xuống nước. Tục truyền rằng, núi Dạ Sơn, xã Cao Xá ở Diễn Châu (nay thuộc tỉnh Nghệ An - NKT) chính là nơi nhà vua giết My Châu rồi đi xuống biển. Trọng Thủy đuổi đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc hồi lâu rồi đem xác về chôn ở Loa Thành. Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại nơi Mỵ Châu trước kia thường hay trang điểm rồi nhảy xuống giếng mà chết. Người đời sau hễ được hạt minh châu ở ngoài biển Đông, nếu đem đến lấy nước giếng ấy mà rửa, thì sắc ngọc sẽ sáng hơn’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Muốn trở nên hiệu quả cho Tin Lành thì đừng quên điều này: Chính Thể nhất thời, Tổ Quốc muôn đời, Tin Lành đời đời!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[15] Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ cho khỏi điều ác. [16] Họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. [17] Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật. [8] Như Cha đã sai Con trong thế gian, thì Con cũng sai họ trong thế gian. [19] Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy.” (Gi. 17:15-19) “…Nước bấy giở còn nhỏ, dân bấy giờ còn thưa, tiềm lực quốc gia bấy giờ cũng còn yếu, đã thế, trình độ kĩ thuật bấy giờ lại chưa cao, thế mà nhà vua dám dốc sức xây thành Cổ Loa, chí lớn thật đáng sánh ngang với trời đất. Việc lớn, khó khăn lớn, hình ảnh của lũ yêu quái phá hoại. Ở một góc độ nào đó, cũng có thể coi là biểu tượng của những thử thách chất chồng đó thôi…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “HUYỀN THOẠI VỀ LOA THÀNH” “Loa Thành hay Cổ Loa Thành, còn có tên khác là Tư Long Thành, người Trung Quốc thường gọi là Côn Lôn Thành, chính là kinh thành của nước ta thời An Dương Vương. Di tích Loa Thành nay vẫn còn ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Truyền thuyết nói Loa Thành gồm đến chín vòng, được đắp theo kiểu xoáy hình trôn ốc, nhưng di tích còn lại chỉ thấy có ba vòng, dài tổng cộng hơn mười sáu cây số. Loa Thành là công trình kiến trúc lớn nhất của nước nhà thời cổ đại, là chứng tích bất diệt của ý chí và năng lực sáng tạo của tổ tiên ta. Việc đắp thành khó khăn này đã được tiến hành như thế nào ? Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kỉ, quyển 1, từ tờ 6a đến tờ 7b) chép rằng: ‘Thành này cứ hễ đắp xong lại bị sụt lở, khiến Nhà vua rất lấy làm lo. Nhà vua bèn trai giới sạch sẽ, khấn trời khấn đất và các vị thần núi, thần sông, rồi khởi công đắp lại’. … Mùa Xuân, tháng Ba, chợt có thần nhân đến trước cửa thành, trỏ vào thành rồi cười mà nói rằng : - Đắp như thế thì đến bao giờ mới xong? Vua liền mời vào điện để hỏi. Thần nhân nói: - Cứ đợi giang sứ đến. Xong, cáo từ đi ngay. Sáng hôm sau, Vua ra cửa thành, thấy có con rùa bơi trên sông, từ phía Đông đến, nói được tiếng người, xưng là giang sứ, bàn được chuyện tương lai. Nhà vua mừng lắm, để lên mâm vàng rồi đặt mâm lên điện và hỏi về nguyên nhân khiến cho thành bị sụt lở. Rùa vàng đáp: - Ấy là bởi tinh khí núi sông của vùng này bị (hồn thiêng) của con vua thuở trước phụ vào để trả thù cho nước. Nó nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có con quỷ, ấy chính là (hồn thiêng) của người con hát thuở trước chết chôn ở đấy hoá thành. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không. Ông ta có đứa con gái và một con gà trắng, đó chính là hư khí của tinh, phàm ai là người qua lại và ngủ đêm tại đó đều bị chết vì bị quỷ ám. Chúng có thể gọi nhau, họp đàn họp lũ, làm cho sụp cả thành. Nay nếu giết được con gà trắng ấy để trừ tinh khí đi thì thành sẽ tự nhiên xây được bền vững. Nhà vua nghe vậy, liền đem rùa vàng đến quán, giả làm người xin ngủ trọ. Chủ quán nói: - Ngài là bậc quý nhân, vậy xin đi ngay kẻo ở đây là mắc họa. Nhà vua cười nói: - Sống chết đều có mệnh số cả, ma quỷ mà làm gì nổi? Nói rồi, vẫn cứ ngủ lại quán. Đêm khuya, nghe tiếng quỷ từ ngoài vào gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng khiến lũ quỷ không sao vào được. Gần sáng, khi nghe tiếng gà gáy thì chúng bỏ chạy tan tác. Rùa vàng xin Vua đuổi theo chúng. Tới núi Thất Diệu, tinh khí của lũ quỷ biến mất. Nhà vua cùng rùa vàng trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng Nhà vua đã chết rồi, bèn gọi người đến khâm liệm để đem đi chôn. Thấy Nhà vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán sụp lạy mà thưa rằng: - Ngài được như thế này ắt phải là thánh nhân. Vua xin gà trắng đem giết để tế lễ. Gà chết, con gái của chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi (Thất Diệu), thấy ở đó có nhạc khí cổ và xương người, liền sai đốt thành tro rồi đổ xuống sông. Yêu khí ma quỷ từ đó mất hẳn. Cũng từ đó, thành đắp chưa quá nửa tháng đã xong. Rùa vàng liền cáo từ ra về. Nhà vua cảm tạ và hỏi rằng: - Đội ơn ngài đã giúp đắp thành vững chắc. Nhưng, nay mai nếu có giặc đến thì lấy gì mà chống giữ ? Rùa vàng liền trút chiếc móng đem cho vua và nói: - Nước yên hay nguy đều do trời định đoạt, nhưng người cũng nên phòng bị. Nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này mà làm lẫy nỏ, nhằm thẳng giặc mà bắn thì không lo gì. Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (cũng có sách chép là Cao Thông) chế nỏ thần, lấy móng rùa vàng làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Kẻ dại chẳng dám khen người nhưng không phải nhờ thế mà được khôn hơn người; người khôn dám khen người nhưng không phải vì thế mà bị dại hơn người.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “Trái tim của người khôn ở bên hữu; còn trái tim của kẻ dại ở bên tả.” (Truyền. 10:2) “… Chuyện đầy những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, nhưng giá thử ai đó có tài kể ngược lại, bỏ hết những chi tiết bất hợp lí và hoang đường, thì chuyện sẽ chẳng còn là chuyện nữa…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) SỰ TÍCH THÁNH TẢN VIÊN “Sách Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kỉ, từ tờ 4a đến tờ 5a) chép rằng : ‘Cuối thời Hùng Vương, Nhà vua có người con gái gọi là Mỵ Nương, nhan sắc rất xinh đẹp. Vua nước Thục nghe tiếng, bèn đến cầu hôn. Nhà vua đã muốn gả, nhưng Hùng Hầu can rằng: - Chẳng qua họ muốn chiếm nước ta nên mượn việc cầu hôn để tạo ra cái cớ mà thôi. Vua nước Thục vì thế mà để bụng oán giận. Nhà vua muốn tìm người xứng đáng để gả, liền nói với các bề tôi rằng: - Đứa con gái này là giống Tiên, cho nên, chỉ ai đủ tài đức ta mới cho làm rể. Bấy giờ, có hai người từ phía ngoài tiến vào, cùng lạy dưới sân xin cầu hôn. Nhà vua lấy làm lạ, hỏi thì họ thưa rằng, một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh, đều là ở trong cõi của Nhà vua cả. Nay, nghe tin Nhà vua có thánh nữ, bên đánh bạo tới xin chờ mệnh của Vua. Vua nói: - Ta chỉ có một người con gái, làm sao lại có thể có đến hai người rể hiền. Nói rồi, bèn hạ lệnh cho hai người, rằng đến ngày hôm sau, ai đem đủ sính lễ tới trước thì sẽ gả con cho người ấy. Hai người nghe xong, lạy tạ rồi ra về. Hôm sau, Sơn Tinh đem các thứ châu báu bạc vàng cùng chim rừng thú núi tới dâng. Nhà vua y hẹn, gả con cho Sơn Tinh. Sơn Tinh đón vợ về trên đỉnh cao của núiTản Viên. Thủy Tinh cũng đem sính lễ đến, nhưng muộn hơn, giận là đã đến trễ, bèn kéo mây làm mưa, dâng nước tràn ngập rồi đem các loài thủy tộc đuổi theo. Nhà vua cùng Sơn Tinh lấy lưới sắt chắn ngang khu vực thượng lưu sông Từ Liêm (Tức khúc sông Hồng, chảy qua Chèm, ngoại thành Hà Nội - NKT) để ngăn lại. Thủy Tinh lại theo sông khác, từ vùng Lỵ Nhân vào chân núi Quảng Oai rồi men sông Hát và tràn ra sông Lớn (Tức sông Hồng - NKT) mà ngoặt sang sông Đà để đánh lên Tản Viên. Ở đâu (Thủy Tinh) cũng đào vực, đào chằm để chứa nước hòng đánh úp Sơn Tinh. Sơn Tinh có phép thần biến hoá, sai người đan tre thành hàng rào chắn nước, lấy cung nỏ bắn xuống, khiến cho các loài thủy tộc đều bị trúng tên mà chạy trốn. Rốt cuộc, Thủy Tinh không sao xâm phạm được núi Tản Viên. Tục truyền, từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh đời đời thù oán, hàng năm vẫn dâng nước đánh lẫn nhau. Núi Tản Viên là dãy núi cao của nước Việt ta, sự linh thiêng rất ứng nghiệm. Mỵ Nương đã lấy Sơn Tinh, khiến cho vua của nước Thục cũng tức giận, dặn lại con cháu phải diệt Văn Lang mà chiếm cho được nước ta’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “ LẤY CỦA BAN NGÀY” Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: "Cái này tôi ăn được, cái này tôi mặc được, cái này tôi tiêu được, cái này tôi dùng được." Lấy rồi đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói: "Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ đem tiền trả lại". Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ cười ồ. Anh ta mắng: "Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta; thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!" Giải Nghĩa: Long Môn Tử: Tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh. Hiếu lợi: Ham tiền của quên cả phải trái. Lửa tham: Lòng tham muốn bốc lên làm ngốt người. Mờ cả hai con mắt: Chỉ để cả vào của muốn lấy, ngoài ra không trông thấy gì nữa. Thế gian: Cõi đời người ta ở. Thiên phương bách kế: Mưu này, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp. Ban ngày: Lúc sáng sủa dễ trông thấy. Lời Bàn: Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả. Song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác. (“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân) “Mức độ khoe khoang thường phản ánh trạng thái vong thân của người khoe khoang.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “Bởi vì, ai phân biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận lãnh?” (1Cô. 4:7) “…Chuyện dân gian hẳn nhiên không phải là lịch sử; nhưng, bất cứ chuyện dân gian nào cũng đều phản ánh một cái lõi có thật nào đấy của lịch sử. Cái lõi có thật ấy, có thể chính là bản thân sự kiện hoặc nhân vật, nhưng có khi chỉ là một ý nguyện chân thành, gởi gắm qua cách nhìn nhận một sự kiện hoặc một nhân vật lịch sử nào đó. Không ai tin rằng một đứa trẻ lên ba lại có thể cưỡi ngựa vung gươm, dẫn đầu quan quân ra trận và đánh tan lũ giặc hung tàn, nhưng bất cứ ai cũng đều tin rằng, hễ có giặc thì hết thảy già, trẻ, gái, trai nước Việt đều hăm hở ra chiến trường. Chí lớn và tài cao chẳng phải lúc nào cũng đi đôi với tuổi tác…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG” “Sách Đại Việt sử kí toàn thư (Ngoại Kỉ, quyển 1, tờ 3b và 4a), dựa vào sách Lĩnh Nam Chích Quái, tóm lược chuyện Phù Đổng Thiên Vương như sau : ‘Đời Hùng Vương Thứ Sáu, Ở làng Phù Đổng, bộ Vũ Ninh (Nay thuộc Bắc Ninh - NKT), có nhà giàu nọ, sinh được một đứa con trai. Đứa trẻ ấy, mãi đến năm hơn ba tuổi, tuy ăn uống béo tốt, nhưng lại không biết nói cười. Bấy giờ gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, Nhà vua bèn sai thiên sứ đi tìm người có thể đánh được giặc. Đúng ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng dưng nói được. Nó nhờ mẹ ra mời thiên sứ vào rồi nói rằng : - Xin cho tôi một thanh gươm, một con ngựa. Vua không phải lo gì nữa. Vua liền ban cho gươm và ngựa. Đứa trẻ liền phi ngựa, vung gươm tiến lên. Quan quân theo sau. Giặc bị đánh tan ở núi Vũ Ninh (Núi này, nay thuộc đất Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh - NKT). Chúng sợ, quay giáo đánh lẫn nhau, chết nhiều lắm. Bọn sống sót thì cúi rạp xuống mà lạy, rồi cùng tôn đứa trẻ ấy là Thiên Tướng và đến xin hàng. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi. Vua liền sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, luôn năm cúng tế. Sau, vua Lý Thái Tổ (Làm vua từ năm 1010 đến năm 1028 - NKT) phong làm Xung Thiên Thần Vương’.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập I, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Một tấm lòng đã bị nhiễm xạ thường tạo ra thảm họa từ những quái thai tư tưởng của nó.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “ [23] Khá cẩn thận giữ tấm lòng của con hơn hết, Vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra. [24] Con hãy dẹp ra sự gian tà của miệng, Và bỏ cách xa con sự giả dối của môi. [25] Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, Và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con. [26] Hãy ban bằng cái nẻo của chân con đi, Và lập cho vững vàng các đường lối con, [27] Chớ xây qua bên hữu hay bên tả; Hãy dời chân con khỏi sự ác.” (Châm. 4:23-27) THẾ THỨ CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi biên soạn thêm phần phụ lục này. Mặc dù sách chỉ giới thiệu những giai thoại xảy ra trong thế kỉ XIX, nhưng với Thế thứ các vua triều Nguyễn, chúng tôi liệt kê đầy đủ, tất cả các vị vua của triều đại này. Tất nhiên, với tư cách là liệt kê thế thứ, nhiều chi tiết liên quan đến các đời vua, nếu xét thấy không cần thiết đều bị lược bỏ. 01. NGUYỄN THẾ TỔ (1802 - 1819) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Chủng, tự là Phúc Ánh, con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân (tức Nguyễn Phúc Kỳ), cháu nội của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. - Sinh ngày 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (1762), xưng vương năm 1780 đánh bại Tây Sơn và lên ngôi Hoàng đế vào ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802). - Ở ngôi 17 năm, đặt niên hiệu là Gia Long, mất ngày 19 tháng 12 năm Kỉ Mão (1819), thọ 57 tuổi. 02. NGUYỄN THÁNH TỔ (1820 - 1840) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Hiệu, tự là Phước Đảm, con thứ tư của vua Nguyễn Thế Tổ (Gia Long), thân mẫu người họ Trần, sau được tôn phong là Thuận Thiên Cao Hoàng hậu. - Sinh năm Tân Hợi (1791), được lập làm Thái tử từ tháng 6 năm Bính Tí (1816), lên nối ngôi từ tháng 12 năm 1819, ở ngôi 20 năm, đặt niên hiệu là Minh Mạng (1820 - 1840), mất năm Canh Tí (1840), thọ 49 tuổi. 03. NGUYỄN HIẾN TỔ (1841 - 1847) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Miên Tông, con trưởng của vua Nguyễn Thánh Tổ (Minh Mạng), thân mẫu người họ Hồ. - Sinh năm Đinh Mão (1807), lên nối ngôi vào tháng 1 năm Tân Sửu (1841), ở ngôi 6 năm, đặt niên hiệu là Thiệu Trị (1841- 1847), mất vào tháng 9 năm Đinh Mùi (1847), thọ 40 tuổi. 04. NGUYỄN DỰC TÔNG (1848 - 1883) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con thứ hai của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị), thân mẫu người họ Phạm. - Sinh vào tháng 8 năm Kỉ Sửu (1829), lên nối ngôi từ tháng 10 năm Đinh Mùi, đặt niên hiệu là Tự Đức (1848 - 1883), ở ngôi 35 năm, mất vào tháng 6 năm Quý Mùi (1883), thọ 54 tuổi. 05. NGUYỄN DỤC ĐỨC (1883) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Ưng Chân, con của Nguyễn Phúc Hồng Y nhưng lại làm con nuôi của Nguyễn Dực Tông (Tự Đức). - Sinh năm Quý Sửu (1853), lên nối ngôi được ba ngày (20, 21 và 22 tháng 7 năm 1883) rồi bị phế và bị giết, thọ 30 tuổi. 06. NGUYỄN HIỆP HÒA (1883) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Hồng Dật, con của Nguyễn Hiến Tổ (Thiệu Trị) và là em của vua Nguyễn Dực Tông (Tự Đức). - Sinh năm nào không rõ, được lên nối ngôi 4 tháng (từ tháng 8-1883 đến tháng 11 - 1883), đặt niên hiệu là Hiệp Hòa, bị giết vào ngày 18 tháng 11 năm 1883, chưa rõ năm sinh nên không biết là thọ bao nhiêu tuổi. 07. NGUYỄN GIẢN TÔNG (1884) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai nhưng lại làm con nuôi của vua. Nguyễn Dực Tông (Tự Đức). - Sinh năm Kỉ Tị (1869), lên nối ngôi từ tháng 11 năm 1883, đặt niên hiệu là Kiến Phúc, mất vì bệnh vào tháng 4 năm Giáp Thân thọ 15 tuổi. 08. NGUYỄN HÀM NGHI (1884 - 1888) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Ưng Lịch, con của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và là em ruột của vua Nguyễn Giản Tông (Kiến Phúc). - Sinh năm Nhâm Thân (1872), lên nối ngôi vào tháng 6 năm 1884 dặt niên hiệu là Hàm Nghi từ 1885. Hàm Nghi là niên hiệu chứ không phải là miếu hiệu, nhưng vì vị vua này không có miếu hiệu nên tạm lấy niên hiệu chép thay, tương tự như các vua Nguyễn Dục Đức và Nguyễn Hiệp Hòa. 09. NGUYỄN CẢNH TÔNG (1885 - 1888) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Ứng Xuy, con của Nguyễn Phúc Hồng Cai và là anh ruột của các vua Kiến Phúc, Hàm Nghi. - Sinh năm Quý Hợi (1863), lên nối ngôi vào tháng 8 năm 1885 (sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn đánh Pháp), ở ngôi 3 năm, đặt niên hiệu là Đồng Khánh (1885 - 1888), mất vào tháng 12 năm Mậu Tí (1888) thọ 25 tuổi. 10. NGUYỄN THÀNH THÁI (1889 - 1907) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Bửu Lân, con của vua Dục Đức, thân mẫu người họ Phan. - Sinh năm Kỉ Mão (1879), lên nối ngôi năm 1889. Ở ngôi 8 năm, đặt niên hiệu là Thành Thái (1889 - 1907), sau bị Pháp đem đi đày tại đảo Réunion (Châu Phi thuộc Pháp), mất năm 1954, thọ 65 tuổi. 11. NGUYỄN DUY TÂN (1907 - 1916) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Vĩnh San, con thứ 8 của vua Thành Thái. - Sinh năm 1900, lên nối ngôi năm 1907, ở ngôi 9 năm, đặt niên hiệu là Duy Tân (1907 - 1916), sau bị Pháp đày sang đảo Réunion, mất năm 1945, thọ 45 tuổi. 12. NGUYỄN HOẢNG TÔNG (1916 - 1925) - Ho và tên : Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con của vua Đồng Khánh. - Sinh năm Nhâm Ngọ (1882), lên nối ngôi năm 1916. Ở ngôi 9 năm, đặt niên hiệu là Khải Định (1916 - 1925), mất năm 1925. thọ 43 tuổi. 13. NGUYỄN BẢO ĐẠI (1925 - 1945) - Họ và tên : Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, con của vua Khải Định. - Nối ngôi năm 1925, ở ngôi 20 năm, đặt niên hiệu là Bảo Đại, năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thắng lợi. Bảo Đại đã phải thoái vị. Như vậy, triều Nguyễn gồm có 13 đời vua, nối nhau trị vì suốt 143 năm. Được dựng lên nhờ đánh bại phong trào Tây Sơn và bị sụp đổ bởi cuộc Cách mạng tháng Tám. (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Trên phương diện số phận của linh hồn; ai tự cao, tự đại là tự sát!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[6] …Kinh Thánh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. [7] Vậy hãy phục Đức Chúa Trời; hãy chống trả Ma Quỉ, thì nó sẽ lánh xa anh em. [8] Hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em. Hỡi kẻ có tội, hãy lau tay mình, có ai hai lòng, hãy làm sạch lòng đi; [9] hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. [10] Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.” (Php. 4:6-10) “Người đàn bà Đỗ trong chuyện này thì yêu chồng, kính mẹ chồng, kính gia phong tốt đẹp của nhà chồng và muốn được góp phần giữ gìn gia phong tốt đẹp đó. Thân gái mà nuôi dưỡng mẹ chồng mù lòa trong điều kiện nghèo khó, đáng phục lắm thay. Thời loạn, khéo giữ thân đã khó, người có sắc đẹp mà sống trong cảnh nghèo nàn, giữ được sự đoan chính lại còn khó hơn. Sử cũ chép lại chuyện này, quả là chí phải” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”) “ĐỖ TIẾT PHỤ” Đỗ Tiết Phụ có nghĩa là người đàn bà tiết hạnh họ Đỗ, còn như tên bà là gì thì chưa rõ. Bà là vợ của người nông dân quê ở huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, tên là Lê Đình Dũng. Gia đình Lê Đình Dũng kể cũng khá đặc biệt: Bà nội góa chồng năm hai mươi tuổi, mẹ góa chồng năm hai mươi lăm tuổi và Lê Đình Dũng cũng mất sớm, để lại người vợ góa là Đỗ Tiết Phụ nói trên. Lúc chồng mất, bà mới hai mươi tuổi. Chuyện Đỗ Tiết Phụ được sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhị Tập, Quyển 44) chép lại như sau: "Đỗ Thị người huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, vợ của nhà nông tên là Lê Đình Dũng. Năm mười chín tuổi, bà về nhà chồng, được hơn một năm thì sinh hạ một người con gái. Thế rồi chồng bà mất, con gái của bà cũng mất khi còn ở tuổi vị thành niên. Gia đình của Lê Đình Dũng nghèo, ít anh em, bà mẹ lại già yếu và mù lòa. Đỗ Thị lo tang chồng, tang con và nuôi dưỡng mẹ chồng, xóm giềng ai ai cũng cho là có hiếu. Đỗ Thị có nhan sắc nên có người muốn nhờ mai mối để xin hỏi, nhưng bà kiên quyết chối từ. Năm Bính Tuất (tức là năm 1886 - NKT) do có việc phải dấy binh (chỉ việc thực dân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước chỉ huy - NKT), đêm đêm, dân trong thôn thường vì sợ hãi mà đem nhau chạy trốn vào các bụi rậm. Thôn ấy có người cùng chạy (với Đỗ Thị), nhân đó muốn làm chuyện dâm loạn. Đỗ Thị liền lấy con dao nhọn giấu sẵn trong người ra và mắng rằng: - Chuột nhắt không sợ cọp ư? Bà cứng rắn, tiết liệt đại để là như thế. Mẹ chồng của bà vẫn thương mà lo cho hoàn cảnh của bà mai sau, bèn nói: - Con còn trẻ, như muốn yên phận nghèo với ta cũng được mà nếu không cũng chẳng sao. Ta già rồi, ắt phải chết, đừng quyến luyến mà làm gì nữa. (Đỗ) Thị cau mày nói rằng: - Nếu con mà đi (bước nữa) thì lão mẫu trông cậy vào ai. Nhà ta trinh bạch đã hai đời nay (chỉ việc mẹ và bà nội của Lê Đình Dũng đều là góa bụa - NKT), nếu để thẹn cho đạo làm vợ (ý nói đi tái giá, không giữ tiết đến cùng - NKT) thì lập tức sẽ làm ô nhục (danh giá của gia đình) đó. Từ đó bà thề như con én một mình, hơn hai mươi năm chịu kham chịu khó, nhà nghèo nhưng mẹ chồng nàng dâu vẫn yên phận nương tựa nhau.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời tha thứ vô điều kiện nhưng sự kiêu ngạo lại khiến cho con người nghĩ rằng họ được tha thứ vì họ đáng phải được tha thứ.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “[8] Vả, ấy là nhờ Ân Điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. [9] Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình.” (Êph. 2:8-9) “…Âm thầm làm tròn chức phận, không cầu cạnh cũng chẳng kèn cựa ai, với thời Lê Đình Dao, đó mới là sự lạ. Đương thời, cũng có người tỏ ra không hiểu ông, thậm chí còn lấy đó làm điều thương hại, thế mà trước sau ông vẫn vui giữ nếp nhà trong sạch, kính thay!...” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”) “CHUYỆN LÊ ĐÌNH DAO” Lê Đình Dao người Thuận Xương, tỉnh Quảng Trị, sinh năm Quý Mùi (1823), mất năm Kỉ Mão (1879), thọ 56 tuổi. Khoa Tân Hợi, năm Tự Đức thứ tư (1851), Lê Đình Dao đỗ Phó Bảng và bắt đầu làm quan kể từ đó. Tuy là người nổi tiếng học rộng nhưng Lê Đình Dao làm quan chỉ đến chức cao nhất là Viên Ngoại Lang Bộ Hộ. Sinh thời, Lê Đình Dao là người thanh liêm, đức độ và không bao giờ chịu cầu cạnh ai. Sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện (Nhị Tập, Quyển 37) chép chuyện Lê Đình Dao có hai đoạn rất đáng lưu ý như sau: - "Lê Đình Dao tự là Bá Ngọc, người Thuận Xương, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ của ông tên là (Lê) Đình Khuê, nổi danh là bậc túc nho, nhưng bấy giờ đi thi cứ bị quan trường đánh hỏng mãi, bèn đến nơi hẻo lánh cư ngụ và mở trường dạy học, học trò theo học rất đông. Nhà (Lê Đình Khuê) rất nghèo, chỉ có mỗi một con trâu làm chỗ dựa để tính kế sinh nhai. Lúc nhỏ (Lê) Đình Dao phải vừa chăn trâu vừa học, tối về, thân phụ hỏi về nghĩa lí của sách, trả lời khá tốt nên thân phụ lấy làm lạ, bèn bán trâu đi để lo cho ông học hành. Khi lớn lên cũng là khi ông nổi tiếng hay chữ. Năm hai mươi lăm tuổi ông đỗ trường Hương (tức đỗ Cử Nhân - NKT) và năm sau thi Hội thì đỗ đầu bảng phụ (tức đứng đầu hàng Phó Bảng - NKT)”. - “(Lê) Đình Dao tính tình chất phác, hòa thuận, có phong độ của bậc cổ nhân. Ông làm quan trải gần ba mươi năm nhưng chỉ chìm đắm ở hàng quan thấp, vậy mà vẫn điềm nhiên an phận, không hề tỏ rõ sự buồn bực với ai. Bấy giờ (Lê Đình) Dao có nhiều bạn bè là người cùng quê, làm quan với những chức vụ rất quan trọng, nên cũng có người khuyên ông, chỉ cần tới yết kiến vài lần là được chức quan cao hơn, nhưng (Lê) Đình Dao chỉ từ tạ mà nói là mình vụng về, đâu dám lạm làm như thế. Khi ông về già, bạn bè nhiều người được làm quan to, nhiều lần xin tiến cử (Lê Đình) Dao lên hàng đại thần, và đã xin được chỉ dụ chấp thuận của vua, nhưng chưa kịp nhận chức thì (Lê) Đình Dao đã mất.” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VIII, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Thường thường ai cũng thích được sinh ra trong một gia đình giàu có, và thật ra là chẳng gia đình nào giàu có hơn là gia đình Đức Chúa Trời, nhưng mấy ai nhận ra được điều đó?” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Êph. 1:3) |