CHÚNG TA ĐƯỢC BAN CHO ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST Là Nguồn Ân Điển! “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban cho của Ngài không xiết kể!” (2Cô. 9:15) “Dầu rằng được gọi chung là ‘bạn bè’ nhưng thật ra ‘bạn’ ít như kim cương còn ‘bè’ nhiều như đá ngoài đường!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối.” (2Cô. 11:26) “…Có mỗi một khoa thi Hương, kẻ đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân, vậy mà hỏng một cách thảm hại lại là bốn vị Tiến sĩ lừng danh: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải, nhục thay!...” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “DẤU CHẤM HẾT CUỘC ĐỜI CỦA NGÔ SÁCH TUÂN” Ngô Sách Tuân người xã Tam Sơn huyện Đông Ngàn (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), đỗ Tiến Sĩ khoa Bính Thìn (1676), làm quan thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, từng được thăng tới chức Hữu Thị Lang Bộ Lại. Tháng Bảy năm Giáp Tuất (1694), Ngô Sách Tuân bị giáng làm Đô Ngự Sử. Tháng Mười Hai năm Bính Tí (1696), Ngô Sách Tuân lại phạm tội, và lần này thì ông bị giết. Chuyện này được sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Quyển XXIV, Tờ 39) chép như sau: "Lúc ấy, (Ngô) Sách Tuân giữ chức Phó Chủ Khảo trường thi ở Thanh Hoa. Trước khi đi Thanh Hoa, (Ngô) Sách Tuân có đến yết kiến quan Tham Tụng là Lê Hy. Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho (Ngô) Sách Tuân biết. Nhưng, sau vì thấy quyển thi của các con Lê Hy không được xếp vào hạng trúng cách (Ngô) Sách Tuân muốn nhân dịp này xoá mối hiềm khích với Lê Hy (tháng Bảy năm 1694, Ngô Sách Tuân tố cáo Lê Hy lén lút làm chuyện gởi gắm con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh, nhưng triều đình xét thấy không đủ bằng cớ - ND), bèn lấy quyển thi của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ. Quan Đề Điệu trường thi này là Phó Đô Ngự Sử Ngô Hải biết chuyện, có thề với (Ngô) Sách Tuân là sẽ giấu kín việc này. Nhưng, quan Tham Chính Thanh Hoa là Phan Tự Cường phát giác được, tâu lên. Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (nghĩa là bắt phải thắt cổ mà chết - ND), Ngô Hải vì không hết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn (Phan) Tự Cường được thăng chức Thiêm Đô Ngự Sử.” Chép xong chuyện này, các sử gia thời Nguyễn đã có Lời cẩn án rất sắc sảo như sau: "Lê Hy làm Tể Tướng một nước, thế mà gởi gắm con mình cho viên quan giữ việc chấm thi và (Ngô) Sách Tuân xu nịnh với riêng bậc đại thần mà mình nhận lời kí thác, đặt trong phép nước mà xét thì tội hai người như nhau, vậy mà chỉ mình (Ngô) Sách Tuân bị trị còn cha con Lê Hy thì không ai xét hỏi gì đến, như thế thì còn gọi là phép nước làm sao được nữa! Phan Tự Cường biết hạch tội (Ngô) Sách Tuân mà không.một lời nào đả động đến Lê Hy, thế thì so với người nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu vậy. (Phan) Tự Cường cũng cùng một loại với (Ngô) Sách Tuân mà thôi". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “Ước mong rằng sẽ có người tò mò đọc, rồi thấy đáng đọc, rồi muốn đọc, rồi đọc, rồi sống…” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “TRI KỶ” Bảo Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc, khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi: "Ông với Bảo Thúc không phải là họ hàng thân thích gì, mà sao ông thương khóc quá như vậy?" Quản Trọng nói: "Ngươi không rõ, để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn chung với Bảo Thúc, lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, mà Bảo Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh quẫn bách bất đắc dĩ phải lấy thế. Ta ở chỗ chợ búa thường bị lắm kẻ nạt dọa, Bảo Thúc không cho ta là hèn nhát, biết ta có lượng bao dung. Ta bàn việc với Bảo Thúc, nhiều khi việc hỏng, Bảo Thúc không cho ta là ngu, biết có lúc may, lúc không may, cho nên công việc thành hay bại. Ta ba lần ra làm quan, ba lần bị bãi, Bảo Thúc không cho ta là bất tiếu biết ta chưa gặp thời, chưa tìm được vua giỏi. Ta ra trận ba lần, đánh thua cả ba, Bảo Thúc không cho ta là bất tài, biết ta còn có mẹ già phải phụng dưỡng. Ta nhẫn nhục thờ vua Hoàn Công, Bảo Thúc không cho ta là vô sỉ, biết ta không giữ tiểu tiết, có chí làm ích lợi cho cả thiên hạ... Sinh ra ta là cha mẹ, biết ta là Bảo Thúc. Mà đối với người biết mình, mình đem cả tính mệnh ra hiến còn chưa cho là quá, huống chi thương khóc thế này đã thấm vào đâu!" (Thuyết Uyển) GIẢI NGHĨA Bảo Thúc: Tức Bảo Thúc Nha thường còn gọi là Bảo Tứ, người giỏi nước Tề, tiến Quản Trọng cho Hoàn Công dùng. Quản Trọng: Tên là Di Ngô, người nước Tề, làm tướng giúp Hoàn Công giỏi có tiếng. Bất tiếu: Người không ra gì. LỜI BÀN Khó thật! Ở đời mình giao thiệp với nhiều người, bè bạn tưởng vô số, nhưng hồ dễ đã được mấy người thực gọi là tri kỷ. Thế nào là tri kỷ? Tri kỷ là người biết mình, nghĩa là đồng thanh, đồng khí, đồng chí, đồng tâm với mình, chơi với mình rất thân thiết, bao bọc che chở cho mình, lúc sống cùng hưởng, họa cùng đau, lúc chết, tưởng cho chết với nhau cũng không hối. Quí thật! Người tri kỷ! cho nên cổ nhân có câu nói: "Ðắc nhất tri kỷ, khả dĩ bất hận" nghĩa là ở đời có được một người tri kỷ cùng không còn ân hận gì nữa; lúc sống, có được một người biết mình, thì mình chết cũng không lấy làm uổng đời. (“Cổ Học Tinh Hoa”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & Từ An Trần Lê Nhân) CHÚNG TA ĐƯỢC THÔNG CÔNG TRONG SỰ CHẾT, SỰ CHÔN, Và Sự Sống Lại Của Đức Chúa Jêsus Christ! “Anh em đã bởi Phép Báptêm được chôn với Ngài, thì cũng được sống lại với Ngài bởi đức tin trong quyền phép Đức Chúa Trời, là Đấng đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại” (Côl. 2:12) “Việc được số đông không luôn luôn đồng nghĩa với việc có điều tốt và không phải mọi cuộc phân rẽ đều xấu cả!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Chắc trong vòng anh em phải có bè đảng, hầu cho được nhận biết trong anh em những kẻ nào thật là trung thành.” (1Cô. 11:19) “Bộ máy Chính Quyền Nhà Nước càng cồng kềnh; tham quan, ô lại càng nhiều, chẳng ra sao!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “CHUYỆN NĂM GIÁP TUẤT Ở BỘ LẠI” Tháng Bảy năm Giáp Tuất (1694) một loạt các vị quan lớn của Bộ Lại như Tả Thị Lang là Nguyễn Danh Nho, Hữu Thị Lang là Ngô Sách Tuân và Lại Khoa Cấp Sự Trung là Nguyễn Đình Trụ... cùng đồng thời bị giáng chức, khiến cho Bộ Lại phải một phen lao đao. Xưa Bộ Lại là cơ quan chuyên trách việc tuyển bổ quan viên, quyền uy hơn hẳn nhiều bộ khác, bởi lẽ này, đây là nơi thường có lắm chuyện chẳng hay, như hối lộ và nhận hối lộ, quen biết và gởi gắm, nịnh hót và mua chuộc... Sự kiện tháng Bảy năm Giáp Tuất (1694) có thể coi là một ví dụ tiêu biểu. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXIV, Tờ 33 và 34) viết rằng: "Tả Thị Lang Bộ Lại là Nguyễn Danh Nho lo việc tuyển bổ quan chức. Có người tố cáo rằng, việc tuyển bổ này nhũng lạm và bừa bãi, phần nhiều không hợp lệ. Quan Hữu Thị Lang là Ngô Sách Tuân thì tư túi, tự ý tuyển bổ hai người học trò của mình. Việc này buộc phải để triều đình xét xử. Kết quả: (Nguyễn) Danh Nho bị giáng làm Hữu Thị Lang Bộ Hình, (Ngô) Sách Tuân làm Tham Chính Lạng Sơn. Quan Lại Khoa Cấp Sự Trung là Nguyễn Đình Trụ, do không biết đàn hặc và bắt bẻ việc tuyển bổ ấy, nên bị giáng làm Hiệu Thảo. Việc này, có đến hai mươi bốn người bị truy cứu và bị tịch thu giấy cao thân (đại để cũng như quyết định tuyển bổ in sẵn, đồng ý tuyển bổ ai thì họ cứ đề tên người đó vào - ND). Ngô Sách Tuân tố cáo rằng: Lê Hy khi còn đang làm việc ở Bộ Lại cũng tư túi, lén lút làm việc cầu cạnh gởi gắm cho con là Lê Thuyên và cho học trò là Tô Hinh. Việc này cũng được (chúa) giao xuống cho bầy tôi trong triều đình bàn xét, nhưng lời của (Ngô) Sách Tuân chả có gì làm bằng cớ, cho nên (Ngô) Sách Tuân lại phải giáng làm Đô Cấp Sự Trung. Nguyễn Đình Trụ từ khi bị giáng chức, được rỗi rãi nên dạy bảo, rèn luyện cho học trò có đến cả ngàn người, nhiều người thành đạt, đỗ đại khoa trước sau đến hơn bảy chục người". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC BAN NĂNG LỰC Để Vượt Hoàn Cảnh Khó! “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Php. 4:13) “Khi một người muốn chạy về phía trước nhất định người ấy phải ở vào thế quay lưng lại với đám đông ở phía sau.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[13]Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; [14]nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó.” (Rô. 13:13-14) “…Tiếc thay, chỉ 4000 lạng bạc của Vi Thế Hoa mà Vi Phúc Kiêm đã mờ mắt cam lòng đem đất Na Oa mầu mỡ cho nhà Mãn Thanh. Một dải giang sơn thiêng liêng là vậy mà sao nỡ rẻ rúng đến vậy. Căm giận thay!…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “BÁN MỘT DẢI GIANG SƠN LẤY 4000 LẠNG BẠC!” Chép việc của tháng Mười năm Kỉ Tị (1689), sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXIV, Tờ 23 và 24) có đoạn như sau: "Thôn Na Oa, châu Lộc Bình (Lạng Sơn) là nơi đất đai rộng rãi và mầu mỡ, nằm tiếp giáp với châu Tư Lăng (của Trung Quốc - ND). Thổ tù là Vi Đức Thắng đời đời cư ngụ ở đất này. Gần đây, vì biên giới phương Bắc bất ổn, đất đai phần nhiều bị bỏ hoang, nhân cơ hội ấy (Vi) Đức Thắng bèn xâm chiếm luôn bảy thôn của châu Tư Lăng rồi chiêu tập dân ở biên giới đến lập thành thôn trại. Thổ tù châu Tư Lăng là Vi Vinh Diệu đem việc này tố cáo với quan tổng đốc Quảng Tây (của nhà Thanh) là Ngô Hưng Tộ. Vả chăng, (Vi) Vinh Diệu thấy đất Na Oa mầu mỡ nên cũng muốn nhân đó để lấy hết về cho mình. Việc này, triều đình đã từng cho đưa công văn lên để cùng khám xét, nhưng suốt cả mấy năm trời vẫn chưa xong. Sau, triều đình sai Đoàn Tuấn Khoa cùng với quan Giám Sát Ngự Sử là Lê Chí Tuân sang phủ Tư Thành (thuộc Quảng Tây - ND) của nhà Thanh để hội khám. Có viên quan trong quân phủ của nhà Thanh là Lân Sần hỏi Vi Đức Thắng rằng: - Bên tả và bên hữu của động núi thì gọi là gì? (Vi) Đức Thắng không sao trả lời được, thành ra cuộc hội khám này bất thành. Triều đình đành đình chỉ chức bồi tụng của (Đoàn) Tuấn Khoa. Đến đây, triều đình lại sai (Đoàn) Tuấn Khoa đi hội khám. Về phía nhà Thanh, nhà Thanh cử viên quan trong quân phủ của phủ Tư Minh là người họ Trần, cùng với viên quan trong quân phủ của dinh Quỳ Đạo là người họ Trương (cả hai đều chưa rõ tên). Lúc ấy, (Đoàn) Tuấn Khoa giấu (Vi) Đức Thắng ở một nơi riêng, không cho hội kiến. Mỗi khi người nhà Thanh hỏi việc gì, (Vi) Đức Thắng phải giả vờ câm, nhờ phiên dịch trả lời thay. Tới lúc đi cắm cột mốc phân chia ranh giới, Vi Vinh Diệu chỉ một ngọn núi cao, trên có con sư tử đá màu trắng, lấy đó làm chỗ phân chia hai nước. Quan của nhà Thanh được cử đi hội khám nói: - Giới mốc ở núi này, tại sao lại tranh xuống đến đất Na Oa? Có phải ngươi cậy thế là người của thiên triều để xâm chiếm đất đai An Nam hay không? Hai bên bèn quyết định lấy đất Na Oa trả về cho châu Lộc Bình (là một châu thuộc Lạng Sơn của ta - ND). (Vi) Vinh Diệu tự nghĩ, đã không chiếm được Na Oa thì cũng chẳng tham gì bảy thôn hoang vu kia, bèn bỏ luôn một thể. (Đoàn) Tuấn Khoa cùng người nhà Thanh lập mốc đá rồi về. Về đất bảy thôn mà ta được nhận, tất cả đều hoang vu, không hề có bóng người, không hề thấy khói bếp, chỉ có đất Na Oa là rộng rãi, người đông, mối lợi thu được khá lớn. Trịnh Căn khen về việc này, bèn phục chức bồi tụng cho (Đoàn) Tuấn Khoa. Về sau, thổ ti của châu Tư Lăng cứ kiện tụng mãi, triều đình phải sai quan bồi tụng là Nguyễn Đình Hoàn cùng với quan đốc trấn Lạng Sơn là Đinh Phụ Ích đi khám xét. Viên thổ tù của châu Tư Lăng là Vi Thế Hoa đem 4000 lạng bạc đến làm tin, để ở thôn Na Oa, (thổ tù của Na Oa) là Vi Phúc Kiêm tự ý ưng thuận. (Vi) Thế Hoa bèn đào hào và dựng ba bia đá ở xã An Khoái, châu Lộc Bình (làm địa giới mới). Từ đấy, đất Na Oa lại bị nhà Thanh chiếm mất". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC MỞ ĐƯỜNG Ngay Cả Khi Phải Chịu Cám Dỗ! “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (1Cô. 10:13) “Phải phân biệt sự khác nhau giữa ‘thông đồng’ với ‘thông công’ để không làm cho Sự Thông Công Cơ Đốc bị mất giá vì ngộ nhận.” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?” (2Cô. 6:14) “Lại ‘sắc’ (色), ‘Sắc Bất Ba Đào Dị Nịch Nhân’ (色不波濤易溺人), cả Mai Vạn Long lẫn Nguyễn Hữu Hào cùng bị chết chìm bởi chỉ một người. Nghiệt!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “TRĂM LẠY HAI VỊ TƯỚNG QUÂN” Sách Đại Nam Thực Lục (Tiền Biên, Quyển VI) đã chép khá nhiều đoạn về hoạt động của quân đội Đàng Trong tại Gia Định. Hai trong số các vị tướng được nhắc nhở tới nhiều hơn cả là Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào, chỉ tiếc là nhắc tới với nhiều việc làm không hay. Xin tóm lược sách trên mà kể như sau: Năm 1679, các tướng Dương Ngạn Địch (cũng gọi là Dương Nhị) và Hoàng Tiến đem quân đến Mỹ Tho, tổ chức khai khẩn đất đai vùng này. Năm 1688, Hoàng Tiến nổi loạn, giết chết Dương Ngạn Địch, và điều ấy khiến cho chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) rất lo ngại. Chúa đang bàn kế đối phó thì có chức đội trưởng là Trương Thiêm Lộc xin tiến cử Mai Vạn Long cầm quân vào Nam. Bấy giờ, Mai Vạn Long đã ngót sáu chục tuổi, sức đã yếu, chúa có ý ngần ngại, nhưng Trương Thiêm Lộc ví Mai Vạn Long cũng chẳng kém gì Mã Viện của Trung Quốc thuở nào nên chúa đã chấp thuận. Trương Thiêm Lộc cố sức tiến cử Mai Vạn Long, chẳng qua cũng chỉ vì Mai Vạn Long là cậu ruột, và quan trọng hơn, Trương Thiêm Lộc nghe đồn rằng Gia Định là đất giàu có, Mai Vạn Long mà vào đó thì thế nào Trương Thiêm Lộc cũng được nhờ. Đến nơi, Mai Vạn Long đã lập mưu và trừ được Hoàng Tiến, nhưng rồi ông lại bị một người đàn bà tên là Chiêm Rao Luật (cũng viết là Chiêm Dao Luật) mê hoặc, khiến cho quân sĩ dưới quyền bất bình, bởi Mai Vạn Long chỉ mới làm được một việc trong số nhiều việc chúa giao mà đã lo nghỉ ngơi vui thú. Chúa Nguyễn Phúc Trăn hay tin, giận lắm, liền sai tướng Nguyễn Hữu Hào (anh của Nguyễn Hữu Cảnh, con của Nguyễn Hữu Dật) cầm quân vào Nam, nhân danh chúa, cách chức Mai Vạn Long và làm nốt những việc còn lại. Nguyễn Hữu Hào vào, lúc đầu ông đã tuyên bố nhiều câu có vẻ rất kiên quyết thực thi mệnh chúa, nhưng rồi Chiêm Rao Luật tới, nói mấy lời nỉ non đưa đẩy, Nguyễn Hữu Hào cũng bị ngã quy, chẳng khác gì Mai Vạn Long. Tin chẳng lành này chẳng mấy chốc đã bay về phủ chúa. Sách trên cho hay, chúa Nguyễn Phúc Trăn tức giận, liền lột hết chức tước và đuổi Nguyễn Hữu Hào về làm thứ dân. Mai Vạn Long và Nguyễn Hữu Hào, thân là tướng cầm quân mà tai thích nghe lời nỉ non, lòng còn mải mê vui thú, thì trước sau gì cũng thân bại danh liệt. Khi người phụ nữ có nhan sắc, lại có tài sử dụng nhan sắc cho những ý đồ mãnh liệt của họ, thì xin hãy liệu chừng hỡi tất cả nam nhi. Dũng mãnh như Mai Vạn Long tướng quân và Nguyễn Hữu Hào tướng quân mà còn phải đầu hàng nữa là ... Trăm lạy hai vị tướng quân ! (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA CÓ ĐỦ ÂN ĐIỂN TRONG MỌI HOÀN CẢNH! “Nhưng Chúa phán rằng: Ân Điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (2Cô. 12:9) “Một người quang minh chính đại sống giữa một bọn vô lại chẳng chóng thì chầy cũng sẽ bị chúng hãm hại!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Vì kìa, kẻ ác giương cung, Tra tên mình trên dây, Đặng bắn trong tối tăm kẻ có lòng ngay thẳng.” (Thi. 11:2) “Dầu là ‘đại nhân’, tất cả đều là trọng thần nhưng người thì câu nệ, kẻ thì bại hoại,… Chẳng ra sao!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “BUỒN THAY, CHƯ VỊ ĐẠI NHÂN!” Năm 1683, khi cảm thấy không thể lợi dụng con bài chính trị là phe đảng họ Mạc được nữa, nhà Mãn Thanh liền bắt tất cả lực lượng này đem trả cho vua Lê - chúa Trịnh. Tiếc thay, sự kiện có phần tích cực rất đáng được ghi nhận ấy lại diễn ra một cách không bình thường. Không ít chư vị đại nhân của cả đôi bên để lại tiếng xấu khó bề bỏ qua được khi vâng mệnh của triều đình thực thi công vụ này. Buồn thay! Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXIV, Tờ 13 và 14) chép sự kiện này như sau: "Tháng Sáu năm trước (năm 1682 - ND), vua nhà Thanh hạ lệnh cho các quan ở Quảng Tây (Trung Quốc - ND) phải trao trả tù binh, gồm tất cả những người nhà Mạc là bọn Kính Liêu. Quan tuần phủ tỉnh Quảng Tây là Thích Dục liền báo tin này cho ta hay. Triều đình sai quan Phó Đô Ngự Sử là Vũ Duy Đoán và Trấn Thủ Lạng Sơn là hoạn quan Thân Đức Tài, cùng đến cửa ải biên giới để nhận tù binh. Khi trao đổi công văn, tên của Duy Đoán đứng dưới tên của Đức Tài, đến nay (tháng Sáu năm 1683 - ND), triều đình lại sai Vũ Duy Đoán và Vũ Công Đạo đi nhận tù binh. Vũ Duy Đoán đã thăng chức Thượng Thư, còn Vũ Công Đạo thì chỉ là quan Đô Ngự Sử, nhưng chúa Trịnh Căn lại muốn giữ nguyên thứ tự tên của Vũ Duy Đoán như trong công văn cũ. Vũ Duy Đoán khảng khái nói: - Tôi lấy làm xấu hổ vì chức Thượng Thư của tôi chẳng qua là Chúa đặt ra cốt cho đủ lệ bộ mà thôi. Những tưởng, vương thượng coi nam nha (chỉ các quan văn võ nói chung - ND) cao quý hơn hẳn hoàng môn (chỉ hoạn quan - ND), nào ngờ giờ đây hoàng môn lại ở trên nam nha, cho nên tôi không dám vâng mệnh. Vũ Công Đạo cũng cố biện bác, nói là không nên làm (trái thứ bậc) như vậy. (Trịnh) Căn giận lắm, bèn bãi chức của cả hai người rồi ra lệnh cho quan bồi tụng là Nguyễn Quai cùng với các quan cấp sự trung là Trần Thế Vinh, Đặng Đình Tướng và (Trấn thủ Lạng Sơn là hoạn quan) Thân Đức Tài đi thay. Quan thông phán ở Nam Ninh (Trung Quốc) là Vương Quốc Trinh được triều Mãn Thanh ủy thác việc trao trả tù binh, muốn mọi việc sẽ được tiến hành ở cửa Thủy Khẩu (Cao Bằng). Hắn làm sẵn nhà ở nơi đó để đợi phái bộ của ta. Bọn Nguyễn Quai viện lẽ rằng, Cao Bằng không phải là nơi giao nhận, nên không thể theo. (Vương) Quốc Trinh trong lòng thì căm tức nhưng vẫn phải gượng nghe theo mà đến trấn Nam Quan. Đến nơi, hắn thả cho lính của hắn đánh bừa vào quân ta, đâm thủng cả hai lần áo cừu của (Đặng) Đình Tướng, đã thế lại còn đòi nạp phạt 5.500 lạng bạc về khoản di chuyển hành lí (từ Cao Bằng sang Nam Quan). Số tù binh người nhà Mạc mà họ trao trả, lớn nhỏ tổng cộng là 350 người. (Thân) Đức Tài kiểm xét xong, phân phối cho về ở lẫn với dân Lạng Sơn, cốt cho họ yên phận, riêng bọn Kính Liêu (là bọn đầu sỏ) gồm cả thảy 121 người thì dẫn giải về kinh, dâng ở dưới cửa khuyết. Nhà vua ngự đến điện Càn Nguyên để nhận tù binh, sau lại sai dẫn chúng đến phủ chúa để chúng chịu tội. Tất cả bọn họ đều được tha, riêng bọn Kính Liêu, tổng cộng ba người, còn được triều đình trao cho quan chức, số còn lại, phân phối cho đi ở lẫn với dân các nơi trong xứ, hàng năm giúp đỡ cho họ chút ít vải vóc và tiền bạc. Sau, triều đình xét thấy (Đặng) Đình Tướng đưa số bạc cho (Vương) Quốc Trinh của nhà Thanh nhiều quá nên giáng bớt một trật, Nguyễn Quai và (Trần) Thế Vinh vì có bệnh, không dự vào việc họp bàn giao bạc cho (Vương) Quốc Trinh nên bị phạt tiền nhiều ít có khác nhau. Xong, triều đình đưa thư sang nhà Thanh nói rõ tình trạng yêu sách nhũng nhiễu và thiếu lễ độ của bọn (Vương) Quốc Trinh. Viên Tổng đốc Lưỡng Quảng (của nhà Thanh) là Ngô Hưng Tộ xét hỏi và dâng án (Vương) Quốc Trinh về triều đình, khiến Quốc Trinh bị khép vào tội trảm giam hậu (bị xử tội chém, nhưng còn giam lại để sau có thể xét lại - ND), còn số bạc mà Quốc Trinh thu được đều bị đem sung công". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG, LỰA CHỌN! “Hỡi anh em được Đức Chúa Trời yêu dấu, chúng tôi biết anh em là kẻ được lựa chọn.” (1Tê. 1:4) “Mọi mối bất hòa đều do tấm lòng mà ra chứ không phải từ sự việc mà đến vì sự việc chỉ là hiện tượng còn tấm lòng mới là bản chất!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Hỡi anh em, tôi nhân danh Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, khuyên anh em thảy đều phải đồng một tiếng nói với nhau, chớ phân rẽ nhau ra, nhưng phải hiệp một ý một lòng cùng nhau.” (1Cô. 1:10) “Ưu binh chẳng cách xa kiêu binh là mấy, tội thần cũng chẳng cách xa phản thần bao nhiêu! Chuyện Phạm Kiêm Toàn và Lê Hiệu mượn tay kiêu binh giết đồng liêu đã xưa nhưng nay cũng chẳng thiếu những hạng người như vậy!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) “CUỘC BẠO LOẠN ĐẦU TIÊN CỦA ƯU BINH” Bởi cuộc hỗn chiến kéo dài triền miền, các guồng máy chính quyền ở nước ta trong khoảng thế kỉ XVI và XVII đã thực hiện chính sách bắt lính rất gắt gao. Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (Binh Chế Chí) của Phan Huy Chú, lính của Nam triều được chia làm hai loại. Loại tuyển ở vùng Thanh Nghệ (vùng lập nghiệp của Nam triều) gọi là ưu binh, loại tuyển từ đất tứ trấn (tức bốn trấn thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ ngày nay, vốn là vùng bị Bắc triều chiếm giữ khá lâu dài), thì gọi là nhất binh. Tuy đều cùng là lính của Nam triều nhưng ưu binh bao giờ cũng được hưởng chế độ đãi ngộ khá hơn nhất binh. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ ưu binh được thành lập sớm hơn, từng trải trận mạc nhiều hơn, và do đó, cũng có nhiều công lao hơn. Chế độ đãi ngộ này, cùng với một loạt những nguyên nhân khác, đã dần dần biến ưu binh thành kiêu binh. Họ ngang tàng càn rỡ, trên thì coi thường vua chúa và bá quan văn võ, dưới thì ức hiếp nhân dân, chính sự vốn đã rối ren lại càng thêm rối ren hơn nữa. Năm Giáp Dần (1674), ưu binh đã thực hiện cuộc bạo loạn đầu tiên, khiến cho kinh thành Thăng Long phải một phen điêu đứng. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXIII, Tờ 36 và 37) viết: "Lúc bấy giờ, ưu binh Thanh Nghệ cậy có công lao nên sinh ra kiêu ngạo và phóng túng. (Nguyễn) Quốc Trinh (người làng Nguyệt Áng huyện Thanh Trì, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, đỗ Trạng nguyên khoa Kỉ Hợi, 1659; chữ Trinh thường bị chép nhầm thành chữ Khôi) cùng với (Phạm) Công Trứ (Người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, thuộc tỉnh Hải Hưng cũ, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn, 1628) bàn cách kìm hãm bớt sự ngông cuồng của chúng, vì thế, ưu binh không bằng lòng. Đúng lúc ấy, các quan là Phạm Kiêm Toàn và Lê Hiệu vì mắc tội, bị giáng chức nên có ý bất mãn. Hai người nhân đà bất bình của ưu binh, nói khích thêm vào, khiến họ bị kích động, reo hò ầm ỹ, đón đường giết chết (Nguyễn) Quốc Trinh, rồi xông đến cướp phá nhà (Phạm) Công Trứ. Công Trứ phải chạy trốn ra ngoài mới thoát được nạn. Trịnh Tạc sợ quá, sai quan đi phủ dụ và cấp tiền cấp bạc cho họ, bấy giờ, họ mới tạm chịu ngưng. (Trịnh) Tạc mời (Phạm) Công Trứ vào trong phủ, ban cho một ít vàng để an ủi, sau đó, (Trịnh) Tạc sai bắt giết ba tên lính cầm đầu cuộc nổi loạn để tế (Nguyễn) Quốc Trinh, truy tặng (Nguyễn) Quốc Trinh chức Binh Bộ Thượng Thư, tước Tri Quận Công, lại đặt cho tên thụy là Cương Trung và cho lục dụng con cháu. Khi làm quan ở triều, (Nguyễn) Quốc Trinh là người khảng khái dám nói điều chưa phải (của vua và chúa cùng các quan), nay chết trong đám loạn quân nên ai cũng thương tiếc. Còn bọn (Phạm) Kiêm Toàn và Lê Hiệu cũng bị trị tội vì có dự mưu chung với loạn quân". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA ĐƯỢC CHỌN, ĐƯỢC YÊU, Và Được Kêu Gọi Đến Với Sự Độ Lượng! “Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhân từ, khiêm nhượng, mềm mại, nhịn nhục.” (Côl. 3:12) “Đừng lắng nghe mình nhiều mà hãy bắt mình lắng nghe nhiều!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “[22] Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, [23] mà phải làm nên mới trong tâm chí mình, [24] và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật.” (Êph. 4:22-24) “…Vật đổi sao dời, hết triều Minh lại đến triều Thanh cai trị Trung Quốc, nhưng tâm địa của kẻ cầm quyền thì trước sau vẫn là một đó thôi. Nắm ngay lấy con bài họ Mạc, Hoàng đế Khang Hy muốn gì, khỏi bàn cũng đã rõ. Gớm thay!...” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “TRỊNH TẠC VÀ CUỘC TRANH BIỆN VỚI SỨ GIẢ NHÀ THANH NĂM 1669” Từ năm 1592, cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều về cơ bản đã chấm dứt. Cầm đầu Bắc triều là họ Mạc phải bôn tẩu khắp đó đây, tuy cũng có gây cho Nam triều chút ít khó khăn, nhưng nói chung, cơ hội phục hồi hoàn toàn không còn nữa. Một bộ phận con cháu của họ Mạc đã chạy sang Trung Quốc, lúc đầu thì cầu cứu nhà Minh đã tàn tạ, sau thì bám lấy nhà Thanh vừa được dựng lên. Bấy giờ, triều đình Mãn Thanh cũng muốn lợi dụng con bài họ Mạc để tiến hành những mưu đồ chính trị lâu dài ở nước ta, bởi vậy, bang giao giữa đôi bên cũng khá căng thẳng. Năm Kỉ Dậu (1669), vua Mãn Thanh là Khang Hy sai Lý Tiên Căn và Dương Doãn Kiệt sang nước ta. Một cuộc tranh biện gay gắt giữa sứ giả của Mãn Thanh với triều đình vua Lê Huyền Tông và chúa Trịnh Tạc đã nổ ra. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (Chính Biên, Quyển XXXIII, Tờ 25 và 26) viết: 'Trước đây, Mạc Kính Diệu đầu hàng nhà Thanh, nhưng chưa kịp nhận phong tước thì đã mất. Con của (Mạc) Kính Diệu là (Mạc) Kính Vũ nối nghiệp cha, tiếm xưng niên hiệu là Thuận Đức, lấy tên giả là Nguyên Thanh. Nhà Thanh trao cho (Mạc Kính Vũ) chức An Nam Đô Thống Sứ, cho theo như hiệu cũ mà nhà Minh đã phong cho (Mạc) Đăng Dung thuở xưa. Đến đây, quan quân (chỉ quan quân của vua Lê, chúa Trịnh - ND) đã thu phục được Cao Bằng và sai Vũ Vinh Tiến làm đốc trấn để cai trị. Kính Vũ chạy sang nhà Thanh kêu cứu thảm thiết. Quan Tổng đốc Lưỡng Quảng (của nhà Thanh) đem việc này tâu lên. Vua Thanh cho Kính Vũ được đầu hàng và hạ lệnh cho Kính Vũ đến ở tạm tại Nam Ninh (Trung Quốc - ND) rồi ra đặc chỉ cho quan Nội Viện Thị Độc là Lý Tiên Căn và quan Binh Bộ Chủ Sự là Dương Doãn Kiệt sang nước ta để dụ báo triều đình, bắt phải trả lại đất Cao Bằng cho họ Mạc. Tháng Giêng năm ấy, sứ nhà Thanh đến Thăng Long, triều đình nhà Lê dùng đủ lí lẽ để biện bác. Phải hơn mười ngày mới có thể tuyên bố sắc văn, sau lại bàn cho họ Mạc giữ một châu Thạch Lâm (nay thuộc về Cao Bằng - ND), nhưng bọn Lý Tiên Căn kiên quyết không chịu, thành ra phải bàn cãi hơn bốn mươi ngày. Sau, (Trịnh) Tạc nói: - Thờ nước lớn thì phải kính theo mệnh lệnh! Lấy cớ đó, (Trịnh) Tạc tâu Vua nên gắng theo lời. Triều đình bèn lấy bốn châu thuộc Cao Bằng (là Thạch Lâm, Quảng Yên, Thượng Lang và Hạ Lang - ND) cho Kính Vũ, và triệu (Vũ) Vinh Tiến (ở Cao Bằng) về. Sau đó, Vinh Tiến chết". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) CHÚNG TA SẼ ĐƯỢC ĐỒNG VINH HIỂN Với Đức Chúa Jêsus Christ! “Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.” (Côl. 3:4) “Muốn rao Tin Lành thì đừng tránh giảng về tin dữ!” (Rev. Đoàn Nhật Tân, PhD) “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” (Gi. 3:36) “…Sử cũ cho hay, Vũ Duy Chí xuất thân lại điển, nghĩa là làm quan được thăng dần chứ không phải là xuất thân khoa bảng tức là nhờ đỗ cao mà được tuyển dụng. Sử cũ phân biệt là chuyện của sử cũ, thiên hạ xét quan trước sau đều chỉ ở tài và đức mà thôi. Tài ở đây là tài xét việc, đức ở đây là đức thương dân. Mảnh bằng tài đức vô hình mà thiên hạ cấp, xem ra còn ngàn lần giá trị hơn mảnh bằng của các trường thi. Vũ Duy Chí tuy chưa được thiên hạ cấp cho mảnh bằng tài đức vô hình ấy, nhưng ít ra thì ông cũng được chúa Trịnh Tạc xét tài không phải từ học vị mà từ công việc cụ thể ông đã làm. Bài luận giải nghi quả đúng là bài chuyển tải chút lòng đặc biệt ưu ái mà chúa đã dành riêng cho ông vậy…” (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) “VŨ DUY CHÍ VỚI LỜI CAN NGĂN CHÚA TRỊNH TẠC” Vũ Duy Chí người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, sinh và mất năm nào không rõ, chỉ biết ông từng làm quan dưới thời vua Lê Huyền Tông (1662 - 1671) và chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682). Năm 1664, Vũ Duy Chí được trao chức Thượng Thư Bộ Binh và đến năm Kỉ Dậu (1669) thì được dự bàn các việc của phủ chúa. Bởi được chúa Trịnh Tạc đặc biệt ưu ái, hoạn lộ của Vũ Duy Chí luôn rộng mở thênh thang, và điều này đã khiến cho bá quan không khỏi dị nghị. Nhưng, Vũ Duy Chí có thực xứng với chức tước hay không? Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển 33, tờ 27) chép rằng: “Duy Chí là người kín đáo, làm việc có cân nhắc, tính toán cẩn thận, rất thông hiểu việc trị dân. Đã thế, ông lại là người có văn học, cho nên, ngay từ khi còn là thế tử, Trịnh Tạc đã có lòng tin cẩn và yêu mến ông. Duy Chí được thăng dần đến chức Thượng Thư, tước Phương Quận Công, đến nay, Duy Chí lại được cùng với Đăng Tuyển (tức Trần Đăng Tuyển, người xã Hoàng Mai, huyện Yên Dũng, nay thuộc Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm 1643, nguyên Thượng thư Bộ Hộ - ND) và Duy Hiệu (tức Lê Duy Hiệu, nguyên Thượng thư Bộ Công - ND) vào trông coi các việc trong phủ chúa. Có người bàn luận về tư cách của Duy Chí, Trịnh Tạc bèn làm bài luận giải nghi (luận giải chỗ còn ngờ), mượn việc làm của Tiêu (tức Tiêu Hà, danh thần Trung Quốc đời Hán - ND), Tào (tức Tào Tham, cũng là danh thần Trung Quốc đời Hán - ND), Phòng (tức Phòng Huyền Linh, danh thần Trung Quốc đời Đường- ND) và Đỗ (tức Đỗ Như Hối, cũng là danh thần Trung Quốc đời Đường – ND) để làm sáng tỏ (việc cất nhắc Vũ Duy Chí) và làm yên lòng quan lại. Lúc Vũ Duy Chí làm việc trong phủ chúa, gặp tiết Nguyên Đán, trăm quan vào chầu mừng vua Lê và chúa Trịnh. Theo lệ, chầu vua trước, vào phủ chúa sau, và khi vào phủ chúa thì mọi người phải thay triều phục rồi mới làm lễ lạy mừng. Trịnh Tạc bắt trăm quan cứ mặc nguyên triều phục. Duy Chí nói: - Lễ mừng ở phủ chúa nên dùng áo thanh cát mới đúng, không thể làm trái phép cũ được. Trịnh Tạc nghe vậy bèn thôi. Bấy giờ, người ta bảo Duy Chí rất có phong độ của một bầy tôi biết can ngăn". (Nguyễn Khắc Thuần, “Việt Sử Giai Thoại”, Tập VI, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, 2003) |