![]() Viên thục trong đầy dẫy thuộc linh đề cập đến vấn đề mức độ Cơ Đốc Nhân sống trong (và theo) quyền năng Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, mỗi khi các Cơ Đốc Nhân đề cập đến vấn đề “quyền năng Đức Thánh Linh” thì hiện tượng bất đồng ý kiến với nhau luôn luôn được cặp theo. Điều duy nhất mà các tín hữu thiên về Thánh Linh có thể đồng ý được với các tín hữu thiên về Kinh Thánh là cả hai đều đồng ý rằng Cơ Đốc Nhân phải tiến đến một đời sống viên thục trong đầy dẫy thuộc linh, tức sống trong (và theo) quyền năng Đức Thánh Linh. Một trong những cách tiếp cận vấn đề viên thục trong đầy dẫy thuộc linh là tra xét các dạy sự dỗ của Kinh Thánh trên các phương diện hiểu biết về Đức Thánh Linh, hưởng ứng đối với Đức Thánh Linh, và thuận phục theo Đức Thánh Linh. (Rev. Đoàn Nhật Tân, Ph.D.) Dầu rằng không có được một sự nhấn mạnh đúng mức mãi cho đến thời gian gần đây nhưng thật ra sự viên thục trong đầy dẫy thuộc linh đã được đề cập đến từ những trang đầu tiên của Sách Công Vụ Các Sứ Đồ: “Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh, khởi sự nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh Linh cho mình nói” (Công. 2:4) Điều kém may mắn ở đây là vốn có một sự phân cực từ rất sớm và ảnh hưởng rất sâu rộng giữa vòng các Cơ Đốc Nhân có liên quan đến vấn đề hiểu biết về Đức Thánh Linh, và người ở cực này hầu như không bao giờ chịu nhìn nhận sự suy nghĩ của người ở cực kia và ngược lại. Sự cực đoan của những người thiên về Kinh Thánh là nỗi sợ hãi đối với việc quá nhấn mạnh vào kinh nghiệm cá nhân, thiếu tự chủ, không đạt được các “trị số” thần học theo Kinh Thánh trên vấn đề hiểu biết về Đức Thánh Linh của những người thiên về Thánh Linh. Ngược lại, sự cực đoan của những người thiên về Thánh Linh nổi bật ở chỗ nặng về tinh thần duy giác và duy cảm, có nhiều “khe hở” khiến dẫn đến việc thu dung vô nguyên tắc đối với các sự giảng dạy phi, phản Kinh Thánh. Cho dầu đứng ở vị trí nào chúng ta cũng cần nên nhìn nhận với nhau một thực tế hết sức căn bản là công việc đầy dẫy thuộc linh của Đức Thánh Linh trên đời sống Cơ Đốc Nhân có rất nhiều phương diện, nhưng Kinh Thánh Tân Ước nhấn mạnh rất rõ hai con đường chính mà một Cơ Đốc Nhân có thể được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Thứ nhất, công việc của Đức Thánh Linh diễn ra với con người bề trong của Cơ Đốc Nhân để hình thành các nét tính cách giống Đức Chúa Jêsus Christ và (nhờ đó mà có được) sự viên thục thuộc linh cho họ. Từ liệu được sử dụng cho công việc này là một tiếng động từ nói về việc làm cho đầy trọn trạng thái tăng trưởng đối với một cá thể: “Đức Chúa Jêsus đầy dẫy Đức Thánh Linh, ở bờ sông GiôĐanh về, thì được Đức Thánh Linh đưa đến trong đồng vắng” (Lu. 4:1; Sv. Công. 6:3, 5; 7:55; 11:24; 13:52; Êph. 5:18-19) Thứ hai, công việc của Đức Thánh Linh diễn ra với con người bề ngoài của Cơ Đốc Nhân có liên quan đến việc ban quyền năng cho trách vụ và sự hầu việc. Từ liệu được sử dụng cho công việc này là một tiếng động từ nói về việc làm cho đầy trọn như một sự kinh nghiệm có thời hạn về quyền năng tối cao của Đức Chúa Trời được hiển thị ra nhằm minh định cho bản chất của công việc của Ngài. Từ liệu này được dùng cho các trường hợp hiển thị đặc biệt của Đức Thánh Linh trên đời sống một số người như Êlisabét, Phierơ, Saulơ,… “Vả, Êlisabét vừa nghe tiếng Mari chào, con nhỏ ở trong lòng liền nhảy nhót; và Êlisabét được đầy Đức Thánh Linh” (Lu. 1:41; Sv. 1: 67; Công. 2:4; 4:8, 31; 9:17-20; 13:9-10) Một sự viên thục trong đầy dẫy thuộc linh đầy đủ và thỏa đáng đòi hỏi cả hai công việc đầy dẫy kể trên của Đức Thánh Linh. Điều đáng buồn là giữa vòng những người thiên về Kinh Thánh quá nhấn mạnh đến công việc bên trong của Đức Thánh Linh mà làm ngơ công việc bên ngoài của Ngài. Hệ quả của xu hướng này là người ta có thể rất vững về các tri thức giáo lý Kinh Thánh về Đức Thánh Linh, hoặc tích cực hơn nữa là có cả các dấu hiệu tốt về các tính cách Cơ Đốc, nhưng lại mờ nhạt về những điều mang dấu hiệu của ân tứ thuộc linh và tính tích cực trong hành vi. Ngược lại, giữa vòng những người thiên về ân tứ có những dấu hiệu rất phong phú về ân tứ thuộc linh và tính tích cực trong hành vi nhưng lại tỏ ra thiếu chu chỉnh và ổn định về giáo lý và tính cách Cơ Đốc. Sự viên thục trong đầy dẫy thuộc linh không thể là một phạm trù đơn tố hay nhị tố tách biệt vì đời sống Cơ Đốc của Cơ Đốc Nhân không phải là một đời sống đơn tố hay nhị tố tách biệt. Để có thể “tấn tới trong Ân Điển và trong sự thông biết Chúa” (2Phi. 3:18), mà phương diện tập trung là sự viên thục trong đầy dẫy thuộc linh, Cơ Đốc Nhân được đòi hỏi phải thực sự có được một sự hiểu biết đầy đủ và thỏa đáng về giáo lý Kinh Thánh về Đức Thánh Linh, một sự hưởng ứng tích cực và hợp Kinh Thánh đối với các ân tứ thuộc linh, và một đời sống đầu phục hoàn toàn theo sự dắt dẫn của Đức Thánh Linh qua Lời Ngài trong Kinh Thánh. Sự viên thục trong đầy dẫy thuộc linh là phần giao thoa, là nơi hội tụ của cả ba phương diện vừa kể. Theo bản chất người (Sv. Rô. 7:14b), hễ khi nào kinh nghiệm bản thân vượt lên trước (và trên) các chỉ định của Kinh Thánh thì người ta phải đối diện với nguy cơ bị lừa dối, lôi cuốn của xúc cảm. Tương tự, khi kinh nghiệm bản thân lấn át sự tăng trưởng của các tính cách Cơ Đốc (Sv. Rô. 7:18), Đức Thánh Linh bị làm buồn và cuối cùng là ân tứ thuộc linh phải bị triệt tiêu. Ân tứ thuộc linh thiếu tính cách Cơ Đốc (Sv. 1Cô. 12:7) sẽ không còn là nguồn phước hạnh nữa và sẽ dẫn đến chỗ lẫn lộn giữa một đời sống “trình diễn” thuộc linh với một đời sống viên thục thuộc linh. Theo bản chất của đời sống Cơ Đốc, hễ khi nào kiến thức Kinh Thánh trong đời sống cá nhân không giúp sản sinh được các tính cách Cơ Đốc phải có và không đem lại được các hành vi tích cực mang dấu ấn của ân tứ thuộc linh thì đời sống ấy bị méo mó (Sv. 2Phi. 1:5-7). Đời sống viên thục trong đầy dẫy thuộc linh phải là một đời sống có sự cân bằng giữa Lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh với các ân tứ thuộc linh hợp Kinh Thánh. Khi một đời sống chỉ biết chăm đào sâu về giáo lý Kinh Thánh đến mức xao lãng các phương diện (phải tấn tới) khác của đời sống Cơ Đốc thì đó chỉ là một đời sống túy giáo chứ không phải là một đời sống viên thục trong đầy dẫy thuộc linh, và như vậy sẽ không phải là thực sự thiên về Kinh Thánh. Ngược lại, khi một đời sống chỉ biết chăm theo đuổi các ân tứ thuộc linh đến mức làm ngơ các phương diện (phải tấn tới) khác của đời sống Cơ Đốc thì đó chỉ là một đời sống túy ân chứ không phải là một đời sống viên thục trong đầy dẫy thuộc linh, và như vậy sẽ không phải là thực sự thiên về Đức Thánh Linh. ![]()
Comments are closed.
|
THỂ LOẠITHƯ KHỐ
July 2019
|